Phim Thời xa vắng (Biên kịch và đạo diễn Hồ Quang Minh, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu) của Hãng phim Giải phóng, gây được ấn tượng lớn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 vừa diễn ra tại Buôn Ma Thuột. Từ ngày 17-12-2004 Thời xa vắng được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia và được đông đảo người xem thủ đô đón nhận.
Thông qua số phận của Giang Minh Sài (Ngô Thế Quân đóng) đầy cay đắng và bầm dập, phim đem lại cho người xem một cái nhìn chân thực và cảm thông đối với người nông dân Việt Nam một thời đầy hào hùng nhưng cũng không hiếm những ngây ngô giáo điều và vụng dại. Cảnh mở đầu phim thật ấn tượng. Cả làng của Sài từ gà gáy đã ra bờ đê tụ tập để đợi người ta thuê làm việc (Những cảnh chợ lao động hôm nay chẳng mùi mẽ gì so với cái chợ lao động rất đỗi “hoành tráng” này!). Và cũng thấy xuất hiện ở đây cậu bé Sài “phản ứng” với cái cách cả làng “hồ hởi” đi làm thuê, nhưng cậu bé làm gì được khi mẹ cậu và cả làng đều cho rằng: Cấy hái mà làm gì, vừa tốn công sức, phấp phỏng lo âu mà chắc gì được thu hoạch. Thế thì cứ đi làm thuê, tiền tươi thóc thật…
Nỗi bất hạnh của những kiếp người cũng bắt đầu từ đây khi mà họ không biết và không dám làm chủ lấy vận mệnh của mình, khi mà họ sẵn sàng chấp nhận sự đưa đẩy, may rủi của thời cuộc sự quẫy đạp của những con người nhỏ bé như Sài chỉ như đá ném ao bèo. Sài bị ép buộc lấy Tuyết (Hồ Phương Dung đóng) nhiều tuổi hơn mình, để gia đình có thêm lao động. Gia đình Tuyết thì lấy làm may mắn vì có thể dựa vào lý lịch trong sạch của nhà Sài. Sài càng quẫy đạp càng bị quấn chặt vào tấm lưới của số phận: Lúc còn bé ở nhà thì không được bỏ vợ vì phải giữ danh hiệu Thiếu nhi tháng Tám! Lớn lên đi bộ đội nhằm thoát ra khỏi cuộc hôn nhân bắt buộc, thì lại nhận được hàng loạt lời khuyên - đúng hơn là những mệnh lệnh lạnh lùng: Quân nhân thì không được bỏ vợ, muốn vào Đảng, đi chiến đấu thì phải sống hạnh phúc với vợ. Sài đã “nhắm mắt” để một lần hạnh phúc với vợ, nhưng anh chỉ được đi chiến trường chứ không được vào Đảng vì lý lịch nhà vợ có vấn đề… Sài có một mối tình thật đẹp với Hương (Nguyễn Thị Huyền đóng) nhưng anh phải trốn chạy vì danh dự, vì một sự tiến bộ, tốt đẹp không rõ hình hài cứ thúc ép, bắt buộc…
Tiểu thuyết cũng như phim Thời xa vắng chú ý khắc hoạ những mặt khuất lấp của một thời hào hùng. ấy là thời cả đất nước lao động vì miền Nam ruột thịt, là thời mà mỗi thanh niên đều ao ước được ra mặt trận. Cuộc chiến đấu một mất một còn của dân tộc yêu cầu mỗi con người phải tự nguyện hy sinh những ước muốn, hạnh phúc cá nhân vì mục đích chung. Nhưng cũng vì thế mà xuất hiện những quan niệm ấu trĩ, giáo điều đến thô thiển, quyền lợi cá nhân phải phục tùng quyền lợi của tập thể, hạnh phúc cá nhân là cái gì nhỏ bé nhất, thậm chí là xấu xa nếu so với hạnh phúc của cả đất nước dân tộc. Cái tư tưởng giáo điều, ấu trĩ tệ hại ấy, đã nhìn nhận cuộc sống một cách lộn ngược mà không tự biết! Lợi ích chung, hạnh phúc chung chỉ thật sự vững bền, tốt đẹp khi nó khiến cho mỗi con người đều có hạnh phúc. Quan niệm ấu trĩ cùng với sự sĩ diện ngây thơ “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” và tư tưởng yếu thế của người tiểu nông khiến cho không ít số phận rơi vào bi kịch.
Nhìn nhận đúng, thuyết phục về một Thời xa vắng với những số phận cụ thể đầy sinh động, chân thực, có thể coi đó là những thành công của phim Thời xa vắng. Những sinh hoạt đời thường, cảnh lũ lụt rồi cả cách sống quan niệm của những người nông dân, của những tầng lớp cán bộ một thời… được chọn lọc, được đưa vào ống kính thật bài bản, kỹ lưỡng. Chỉ đơn cử một ví dụ: Những con đê ở đồng bằng Bắc Bộ đã quá quen thuộc với mọi người, nhưng vào phim vẫn cứ mới mẻ, vẫn hút hồn người xem. Bộ ba Ngô Thế Quân - Hồ Phương Dung - Nguyễn Thị Huyền là một chọn lựa đắt giá của Hồ Quang Minh. Không thật tài hoa, nổi trội - thậm chí có khi còn ngây ngô, bản năng trong diễn xuất, nhưng họ thật là ăn ý, thật là xuất thần ở những vị trí đã được phân cấp.
Phim Thời xa vắng kết thúc ở cảnh vợ chồng Sài cưới chồng cho con gái. Mặc dù đã ly dị Sài, những Tuyết vẫn ở lại chăm sóc bố mẹ chồng. Cái cảnh sống nhẫn nhục, chịu đựng Tuyết được diễn tả thật đạt, không ít lần làm nhói lòng người xem. Ngày
vui của con, cả nhà chụp ảnh chung, nhưng chỉ đến khi Sài bảo con: Mời mẹ lên chụp ảnh, dù sao thì công lao của mẹ cũng rất lớn đối với sự trưởng thành của con. Tuyết mới dám đi lên đứng vào vị trí của mình. Một chút nhìn nhận ấy của Sài đã khiến cho chị như được đền bù một phần nào những thua thiệt và cũng khiến cho phim giàu chất nhân bản hơn, cảm động hơn.
Gần 20 năm đeo đuổi việc làm phim Thời xa vắng, đạo diễn Hồ Quang Minh đã gặt hái được những thành công nhất định. Được biết anh có ý định làm tiếp phần 2 của Thời xa vắng. Chúng ta mong ước vọng của anh sớm trở thành hiện thực và chúc anh thành công.
Thời xa vắng - Lê Lựu