Những hạn chế trong công tác xây dựng gia đình văn hóa trong dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ hiện nay

Một phần của tài liệu Xây dựng gia đình văn hóa trong dân tộc mường ở huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ hiện nay_tiểu luận tốt nghiệp lớp trung cấp chính trị (Trang 31 - 35)

trong dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ hiện nay

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong dân tộc Mường huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ trong những năm qua đã đi vào nề nếp, hoạt động có chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên do đặc thù là một huyện miền núi, trong quá trình tổ chức triển khai phong trào vẫn còn gặp phải một số hạn chế sau:

Thứ nhất: Công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Mường hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở một số địa phương chưa được quan tâm, duy trì thường xuyên. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể nhiều nơi, nhiều lúc chưa được chặt chẽ, chưa được phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa. Công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn tại nơi đồng bào dân tộc Mường sinh sống chưa được một số Ban chỉ đạo quan tâm, duy trì đều đặn dẫn đến phong trào có nơi, có lúc còn lắng xuống. Công tác triển khai bình xét, hướng dẫn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy trình bình xét còn nhiều lúng túng do cán bộ địa phương thiếu phương pháp và kinh nghiệm thực tiễn. Việc biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu chưa được quan tâm kịp thời.

Thứ hai: Truyền thông đại chúng còn ít đến được với người dân. Do địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, là trở ngại lớn cho việc phát triển ngành bưu điện, điện lực. Do vậy, công tác truyền thông đại chúng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phát hành báo chí và phủ sóng truyền hình đến mọi người dân tại vùng sâu, vùng xa. Tại bưu điện huyện đã có các loại báo ngày, báo tuần như: báo Tiền phong, báo Phụ nữ, báo Hạnh phúc gia đình, báo Tri thức trẻ… Tuy nhiên, các loại hình báo chí này được phát hành với một số lượng rất ít, và độc giả chủ yếu là những người dân sống tại thị trấn. Còn những người nông dân sống tại các làng xã xa nơi trung tâm (nhất là những nơi đồng bào dân tộc Mường sinh sống), họ không có đủ điều kiện, thời gian để đọc báo. Đặc biệt là các loại báo chứa đựng nhiều thông tin và kiến thức về chăm sóc sức khỏe như: Tạp chí Sức khỏe sinh sản, Tạp chí Thuốc và sức khỏe,…

Thứ ba: Trình độ học vấn thấp, cơ sở vật chất cho giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa của người Mường ở Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ chưa đáp ứng được nhu cầu, trường ít lại xa bản làng không đủ phương tiện để dạy và học tốt, thiếu giáo viên do đó tình trạng trẻ em thất học ngày càng nhiều hơn đặc biệt là trẻ em nữ. Mặt khác, do quan niệm truyền thống của dân tộc, việc đi học trước hết ưu tiên cho con trai. Quan niệm con gái chỉ cần biết chữ, ở nhà giúp cha mẹ là hàng rào ngăn cản việc học hành của trẻ em gái. Đa số phụ nữ Mường chỉ đạt trình độ học vấn tiểu học hoặc bỏ học giữa chừng ở bậc phổ thông trung học. Trình độ thấp thì khả năng tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của phụ nữ ở đây bị hạn chế, ngược lại càng không có điều kiện hoạt động xã hội họ càng không thể nâng cao được sự hiểu biết của mình.

Thứ tư: Người Mường huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ cư trú ở vùng thung lũng chân núi, kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy và trồng lúa nước. Cả hai loại hình canh tác này đòi hỏi sử dụng nhiều sức lao động cơ bắp của con người. Để có thu nhập đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày, mỗi gia đình phải có vài mảnh nương và ruộng nước để trồng trọt. Do vậy, đòi hỏi mỗi gia đình phải có nhiều người để lao động. Điều đó có nghĩa là bố mẹ muốn con cái lấy vợ, lấy chồng sớm, vì vậy tuổi kết hôn ở người Mường đa số là ở độ tuổi 17 - 18. Ngoài ra, cuộc sống hiện tại của từng gia đình Mường vẫn bị chi phối bởi phong tục tập quán riêng của dân tộc mình, như: quan niệm về độ tuổi kết hôn, về tiêu chuẩn chọn vợ kén chồng, về các hình thức hôn nhân, về nguyên tắc kết hôn, thách cưới, và nghi thức tổ chức đám cưới…

Thứ năm: Gia đình người Mường là gia đình phụ quyền, tính chất gia trưởng ít nhiều được thể hiện rõ trong quan hệ gia đình. Người đàn ông Mường như người cha, người chồng là những người chủ gia đình, có vai trò

quan trọng trong nhiều mặt của cuộc sống; có quyền hạn lớn, quyết định mọi việc từ công việc làm ăn, cưới xin, tang ma đến công việc tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, họ còn là người thay mặt gia đình quan hệ với làng xóm, họ hàng và các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương. Mọi tài sản trong nhà đều do người chủ gia đình nắm giữ. Như vậy, ta thấy ở người Mường vai trò của người cha, người chồng trong gia đình là hết sức quan trọng dù ở loại hình nào: gia đình nhỏ (gia đình hạt nhân) hay gia đình lớn (gia đình không phân chia, gia đình mở rộng). Kết quả điều tra cho thấy: mặc dù người phụ nữ có tham gia vào những quyết định của gia đình nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về nam giới. Tính chất gia trưởng được biểu hiện khá rõ, thường người cha điều hành các công việc lớn trong gia đình, khi cha đã già yếu thì người con cả là người thay mặt cha làm chủ gia đình.

Công cuộc xây dựng gia đình văn hóa trong dân tộc Mường huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ hầu như chưa có những điều kiện tối thiểu để thực hiện. Trong khi đó các hoạt động của lực lượng thù địch ở một số tổ chức mượn danh tôn giáo đang lợi dụng những khó khăn, lạc hậu ở những khu vực dân cư để lôi kéo, tuyên truyền những điều đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề nhức nhối đối với công cuộc xây dựng gia đình văn hóa ở huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ nói chung và đối với đồng bào dân tộc Mường nói riêng.

Tóm lại, mặc dù trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa của dân tộc Mường huyện Thanh Sơn vẫn còn gặp phải một số hạn chế, song với những thành tựu mà đồng bào dân tộc Mường huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ đạt được, một lần nữa ta có thể khẳng định: việc lấy gia đình làm nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một chủ trương đúng đắn mà Đảng và Nhà nước ta đã kiên trì thực hiện. Kết quả của phong trào đã góp phần xây dựng xã hội lành mạnh và phần nào đã thể hiện được tính ưu việt của chủ nghĩa xã

hội. Việc thực hiện có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng rõ ràng phong trào này vừa phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc ta nói chung và dân tộc Mường huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ nói riêng, vừa phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của xã hội.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Xây dựng gia đình văn hóa trong dân tộc mường ở huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ hiện nay_tiểu luận tốt nghiệp lớp trung cấp chính trị (Trang 31 - 35)