Rừng là tài nguyên sinh vật quý giá nhất của nước ta. Rừng không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng [Võ Quý, 2011]. Với diện tích khoảng chừng 16,24 triệu ha, chiếm khoảng ½ tổng diện tích lãnh thổ quốc gia, rừng hiện đang cung cấp sinh kế cho hơn 25 triệu người dân Việt Nam [Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, 2011].
Trong 54 dân tộc của Việt Nam, ngoại trừ người Kinh và hai dân tộc Hoa và Khme, các dân tộc thiểu số còn lại chủ yếu sinh sống ở các vùng đồi núi. Sinh kế của họ chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng. Hiện nay, dân tộc thiểu số Việt Nam
chiếm khoảng 14% tổng số dân nhưng đang đại diện cho 50% số người nghèo nhất của Việt Nam và vấn đề nghèo kinh niên đang là một tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số [Báo Đại đoàn kết, 2012]. Vì vậy, làm thế nào để phát triển và quản lý rừng bền vững đồng thời giải quyết được vấn đề đói nghèo cho người dân miền núi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trước thực trạng đó GĐGR nhằm tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội ở địa bàn miền núi, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm cho từng tổ chức cá nhân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, là một hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Sau gần 20 năm triển khai chính sách trên phạm vi cả nước, diện tích rừng của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh: từ 28,8% (năm 1998) lên 36,7% (năm 2004) và 39,7% (năm 2011) [Võ Quý, 2011; Bộ NN&PTNT, 2012] và góp phần vào việc cải thiện sinh kế cho người dân sống ở các vùng đồi núi. Tuy nhiên trong quá trình thực thi, chính sách cũng đã bộc lộ những bất cập, tồn tại gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, trong đó có người Cơ Tu và Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết quả khảo sát tại các xã trên địa bàn huyện A Lưới cho thấy kể từ khi triển khai chương trình GĐGR (năm 2003) đến nay, đời sống của người dân huyện A Lưới đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chương trình đã góp phần đem lại sự thành công về tăng trưởng rừng của huyện và có tác động rất lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn sinh kế mới, các dịch vụ xã hội cơ bản … Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dân cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như diện tích và chất lượng đất canh tác ngày càng suy giảm; tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận đất ngày càng gia tăng, ... Việc thiếu đất canh tác, thiếu việc làm và bất bình đẳng trong tiếp cận đất canh tác dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, gia tăng đói nghèo và bất ổn xã hội ở các cộng đồng DTTS; các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng đang bị xói mòn; tệ nạn xã hội nảy sinh gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thực trạng nêu trên cho thấy nhu cầu cần thiết phải có một nghiên cứu đánh giá chi tiết về tác động của việc thực thi chính sách GĐGR đến sinh kế của các tộc
người trên địa bàn huyện A Lưới, bởi mục tiêu đề ra của chính sách GĐGR là góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.