Mặc dù có tỉ lệ thu NSNN ở mức cao trong khu vực nhưng Việt Nam vẫn thường xuyên phải chịu thâm hụt, điều này là do mức chi tiêu công quá cao mà phần lớn lại được chi cho các khoản chi thường xuyên mà không phải là chi cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, nếu như có thể cắt giảm và phân bổ lại các khoản chi thường xuyên của mình một cách hiệu quả, cụ thể là giảm thiểu đi cơ chế hành chính cồng kềnh đang là gánh nặng của nền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng bội chi ngân sách của mình.
Việc thực thi những chính sách làm giảm gánh nặng thâm hụt ngân sách và nợ công kéo dài đã được rất nhiều các quốc gia áp dụng. Cụ thể là các chính sách thắt lưng buộc bụng mà các quốc gia châu Âu đang sử dụng để đối phó với cơn bão nợ công tại khu vực này. Các biện pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách có thể là tiến hành tăng thuế giá trị gia tăng hoặc đặt thêm các khoản thuế mới, đánh thuế mạnh tay vào các đối tượng có thu nhập cao, tăng thuế với bất động sản hoặc các tài sản có giá trị cao.
Hiện nay Việt Nam chưa rơi vào khủng hoảng như các quốc gia châu Âu. Chính vì vậy, việc áp dụng các chính sách gia tăng nguồn thu này khó có thể được thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình, tránh gây phản ứng của dư luận cũng như tạo thêm những bất ổn xã hội. Tuy nhiên, có vẻ như Việt Nam đã và đang thực hiện những chính sách nhất định làm gia tăng nguồn thu thông qua việc đánh thêm thuế đường bộ, thuế và phí phương tiên, tăng giá xăng dầu… và thực hiện một cách khá liên tục. Một cách khác để giảm thâm hụt ngân sách, chính là cắt giảm chi tiêu công.
Cụ thể trong phần phân tích về thực trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam có thể thấy cắt giảm chi tiêu công đồng nghĩa với việc cắt giảm các khoản chi thường xuyên. Đây là các khoản chi cho một bộ máy hành chính cồng kềnh vẫn đang tồn tại ở Việt Nam và không mang lại lợi nhuận, do là những khoản chi bắt buộc và mang tính cố định. Tuy nhiên, việc xu hướng các khoản chi này đang ngày một gia tăng thực sự là một dấu hiệu xấu, cho thấy bộ máy này đang ngày càng một phát triển, và việc phát triển này không mang lại lợi ích khi nó càng làm phình to các khoản chi ngân sách. Chính vì vậy, việc tinh giản khu vực này, có thể thông qua tư nhân hóa một số bộ phận của khu vực công cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công như giáo dục, giao thông công cộng, thông tin… Tuy nhiên, tương tự như việc nâng cao nguồn thu, việc cắt giảm này cũng cần phải được thực hiện dưới một lộ trình, bởi tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đồng nghĩa với việc để lại hậu quả xấu, đặc biệt về vấn đề giải quyết việc làm.