thị trường chứng khoán Việt Nam
1.Giải pháp thị trường
1.1. Xây dựng và phát triển TTCK phi tập trung
Thị trường chứng khoán phi tập trung hay còn gọi là TTCK giao dịch không qua quầy (Over the counter) thường dành để giao dịch các chứng khoán không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK tập trung hay còn gọi là sở giao dịch chứng khoán.
Thị trương Upcom ở Việt Nam cũng là một dạng thị trường OTC nhưng chưa hoàn chỉnh. Việc phát triển thị trường Upcom tiến tới xây dựng thị trường OTC chính thúc có ý nghĩa rất to lớn trong việc phát triển thị trường chứng khoán và tăng khả năng huy động của các doanh nghiệp và các đơn vị phát hành vì:
Kể từ khi xuất hiện công ty cổ phần, giao dịch chứng khoán trao tay cũng lập tức được hình thành. Số lượng công ty cổ phần đến nay là khá lớn nhưng số công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên TTCK tập trung là rất nhỏ, số công ty cô phần không đủ điều kiện niêm yết rất cần vốn.
Theo Luật Doanh nghiệp, việc phát hành chứng khoán ra công chúng được điều chỉnh theo luật pháp về chứng khoán và TTCK, nhưng nghị định về chứng khoán và TTCK chỉ điều chỉnh việc phát hành chứng khoán ra công chúng của các công ty cổ phần sẽ niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán. Do đó, phần lớn việc phát hành chứng khoán của CTCP chưa được quản lý.
Đang tồn tại thị trường “ngầm” hoạt động song song với thị trường giao dịch tập trung, tuy nhiên hoạt động của thị trường “ngầm” chứa đựng tính rủi ro cao, nếu phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến TTCK tập trung.
Việc tổ chức TTCK phi tập trung đang trở thành một yêu cầu cấp bách, hoạt động của TTCK phi tập trung sẽ tạo tính thanh khoản cho các loại chứng khoán chưa được niêm yết, tạo nên “sân chơi” hợp pháp cho các nhà đầu tư và kinh doanh chứng khoán, cho các doanh nghiệp không thích hoặc không đủ điều kiện niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán. Từ đó tạo một kênh huy động vốn mới cho các doanh nghiệp mà giảm được các điều kiện niêm yết chặt chẽ của TTCK tập trung.
1.2. Phát triển các Quĩ đầu tư chứng khoán
Đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam có trên 50 quỹ đầu tư của 46 công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán - một nhà đầu tư có tổ chức có vai trò quan trọng để bình ổn thị trường. Nếu muốn giá chứng khoán phản ánh trung thực tình trạng của tổ chức phát hành thì nhà đầu tư phải có đủ trình độ hiểu biết, có khả năng phân tích để đưa ra những đánh giá sát thức tế làm cơ sở cho quyết định đầu tư hợp lý. Quyết định đầu tư cũng như mức giá mua bán của các quỹ đầu tư chứng khoán mang hàm lượng thông tin đã xử lí với chất lượng rất cao sẽ nâng cao tính ổn định và hiệu quả của thị trường.
Khác với đầu tư cá nhân, việc đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán có mục tiêu đầu tư dài hạn, đa dạng hoá đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư một cách hiệu quả nhờ qui mô vốn lớn và sự am hiểu kinh doanh. Do đó sẽ thu hút được sự tham gia của rộng rãi công chúng vào TTCK. Doanh nghiệp tăng được khả năng phát hành thành công chứng khoán trên TTCK với đề án kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả và được khuyến khích hơn khi niêm yết trên TTCK
Với khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, có thể thực hiện liên doanh với các công ty quản lí quĩ nước ngoài để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán. Để khuyến khích,
Nhà nước cần cho phép quỹ đầu tư chứng khoán được hưởng ưu đãi thuế cao hơn, cụ thể:
+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Việc bán lại cổ phần do nhà nước nắm giữ nên ưu tiên trước hết cho quỹ đầu tư chứng khoán.
1.3. Đơn giản các điều kiện niêm yết
Theo kinh nghiệm của một số nước phát triển, mới đầu điều kiện niêm yết trên TTCK không nên quá chặt chẽ. Chỉ nên chú ý tới các điều kiện cơ bản đảm bảo tính an toàn cho các nhà đầu tư như: tình hình kinh doanh có lãi trong 2 năm, tình hình tài chính lành mạnh, ban giám đốc có kinh nghiệm quản lý, có phương án sử dụng vốn huy động hợp lý... Còn các điều kiện khác nên giảm bớt.
1.4. Phát triển hơn nữa thị trường trái phiếu
Phát hành trái phiếu đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn như là một kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy nhiên thị trường này vẫn chưa phát huy hết lợi thế của nó bởi nhiều nguyên nhân:
So với đi vay vốn ngân hàng thì lãi suất trái phiếu khá hợp lý. Tuy nhiên trái phiếu doanh nghiệp dường như chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn bởi những quy định khắt khe về đối tượng được phát hành trái phiếu và sự tin tường của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại trái phiếu doanh nghiệp bởi sản phẩm này khá kén người mua và cũng không mấy thông dụng trong các giao dịch. Thực tế thời gian qua chỉ có các doanh nghiệp cổ phần lớn, các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước mới phát hành trái phiếu, nhiều công ty phát hành trái phiếu cho cổ đông chiến lược chứ không bán ra công chúng.
1.5. Giảm chi phí phát hành
Chí phí phát hành chính là một phần trong chi phi vốn của doanh nghiệp, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc doanh nghiệp quyết định huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Ở Việt Nam chi phí phát hành chứng khoán vào khoảng 10% tổng giá trị chứng khoán phát hành,thông thường ở các nước có TTCK, chi phí phát hành vào khoảng 8%. Với chi phí vào khoảng 10%, thật sự chi phí này là quá cao đối với một TTCK non trẻ. Vấn đề bắt buộc trong thời gian tới là giảm dần chi phí phát hành để giảm chi phí vốn chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia TTCK.
1.6. Giảm chi phí giao dịch để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia TTCK Cần xem xét bỏ qua hoặc điều chỉnh lại các qui định về phí, lệ phí để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia TTCK.
Đối với các loại phí nên qui định mức trần đối với từng loại dịch vụ để các chủ thể cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, Công ty tư vấn chứng khoán ... cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ.
Theo quyết định số 1351/QĐ-BTC,ngày 13/6/2008,do bộ tài chính ban hành về việc sửa đổi mức thu phí giao dịch cổ phiếu,chứng chỉ quỹ đầu tư thì mức phí giao dịch cổ phiếu,chứng chỉ quỹ đầu tư sẽ giảm từ 0,05% xuống còn 0,03 % trị giá giao dịch (sửa đổi mức thu phí giao dịch cổ phiếu chứng chỉ quỹ đầu tư quy định tại khoản 21 biểu mức thu phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo thông tư số 11/2006/TT- BTC ngày 12/12/2002 của bộ tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngân hàng,chứng khoán,bảo hiểm).
1.7. Chính sách ưu đãi thuế
Ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ kích thích các doanh nghiệp tiến hành niêm yết, huy động vốn trên thị trường chứng khoán bởi vì nó sẽ làm giảm chi phí của doanh nghiệp từ đó trực tiếp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
1.8. Giảm bớt rủi ro của doanh nghiệp khi phát hành chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam được các chuyên gia trên thế giới đánh giá là hoạt động chưa hiệu quả và nhiều rủi ro. Nguyên nhân xuất phát từ việc đầu tư mua bán trên thị trường chứng khoán thường theo kiểu tâm lý “đám đông”, trình độ chuyên môn,
mức độ am hiểu về chứng khoán của các nhà đầu tư còn thấp, hiện tượng đầu cơ,làm giá,thông tin nội gián diễn ra phổ biến,bên cạnh đó các doanh nghiệp công bố thông tin không minh bạch,kịp thời,các biện pháp xử phạt chưa nghiêm. Tất cả các điều đó đã gây nhiều tổn thất to lớn cho các công ty và thị trường ví dụ như: năm 2009 như: tin đồn công ty quản lý quỹ dragon capital thoái vốn tại Việt Nam, các ông lớn chuẩn bị xả hàng, CPI tháng 1 tăng cao, tăng lãi suất cơ bản khiến cho chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh , tính thanh khoản của thị trường bị sụt giảm đáng kể, thị trường trở nên méo mó.
Tình trạng trên xuất hiện do những quy định xử phạt còn chưa nghiêm,tình trạng dung túng bao che còn tồn tại, mức xử phạt còn quá thấp dẫn tới nhiều cá nhân dù biết sai và sẽ bị phạt nhưng vẫn cố tình vi phạm. Chính vì vậy việc nhanh chóng hoàn thiện luật chứng khoán, nâng cao trình độ cho các nhà đầu tư sẽ giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn, giảm bớt rủi ro cho các công ty phát hành.
Ngoài ra việc thành lập các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm đối với các công ty niêm yết là rất cần thiết để giảm tác động của hiện tượng thông tin không cân xứng. 2. Các giải pháp về phía doanh nghiệp
2.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Hiện nay, một số công ty niêm yết ngày càng bộc lộ những yếu kém trong sản xuất kinh doanh, hình ảnh các công ty xấu đi trong mắt các nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là: các công ty khi chưa niêm yết đã tồn tại sẵn các yếu kém, khi “khoác chiếu áo niêm yết vào”, công ty bỗng trở thành tâm điểm xoi xét của các nhà đầu tư, cơ quan kiểm toán, cơ quan quản lý TTCK ... Trong hoàn cảnh như vậy, việc phát hiện ra các tồn tại của công ty niêm yết là điều dễ hiểu.
Việc huy động vốn trên TTCK phụ thuộc rất lớn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh công ty, thực tế, thời gian quan đã chứng minh những thông tin xấu về sản xuất kinh doanh của các công ty đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giá chứng khoán của các công ty như thế nào. Các công ty phải thấy được cái gốc của hoạt động tài chính là hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới các công ty cần phải thực hiện một số điểm chính sau.
Một là, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mục đích chính của các nhà đầu tư chứng khoán là lợi nhuận, trong đó bao gồm cổ tức và chênh lệnh về thị giá. Khi công ty sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận đạt được tăng cao, sẽ tạo cơ sở để có mức cổ tức cao.
Hai là, cải tiến và áp dụng công nghệ mới tạo điều kiện để giảm chi phí, tăng năng suất, giảm giá thành và tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.
Ba là, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Sử dụng vốn hợp lí sẽ giảm bớt lượng vốn nhàn rỗi không sinh lời, đồng thời tăng vòn quay của vốn, tăng mức sinh lời của 1 đồng vốn.
Bốn là, mở rộng ngành nghề, mặt hàng kinh doanh để tránh rủi ro, tăng lợi nhuận.
2.2. Cải thiện chất lượng chứng khoán
Để tăng tính hấp dẫn của các nhà đầu tư chứng khoán, cần cổ phần hoá ngay một số doanh nghiệp qui mô vốn lớn, kinh doanh hiệu quả, tiềm năng phát triển lớn như ngân hàng, hàng không, đường sắt, điện lực, viễn thông ... Khi nào có sự hiện diện chứng khoán của những doanh nghiệp mạnh thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt nam thì khi đó quan hệ cung cầu chứng khoán mới sôi động và chỉ số chứng khoán VN index mới là phong vũ biểu của nền kinh tế. Với các doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh, tiềm năng phát triển là cơ sở để hình thành niềm tin của nhà đầu tư. Để huy động được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh bằng hiệu quả, hiệu quả kinh doanh phải ổn định.
2.3. Thực hiện minh bạch tài chính, công khai thông tin
Việc thực hiện tài chính lành mạnh, công bố trung thực kịp thời các thông tin cần thiết về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong thời gian này. Để tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư thì bản thâm các doanh nghiệp đã niêm yết phải thấy được nghĩa vụ cung cấp thông tin của mình cho TTCK. Khi đáp ứng cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, TTCK sẽ có những phản hồi lại với công ty niêm yết thông quá thị giá cổ phiếu, từ đó công ty có thể điều chỉnh kịp thời các hoạt động của mình.
Hiện nay ở Việt nam do cơ chế quản lí kế hoạch hoá - tập trung cũ đã tồn tại một thời gian dài nên gây sức ì trong tư duy quản lí doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn còn sợ phải công bố thông tin, đặc biệt là các thông tin tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là lo
sợ lộ bí mật kinh doanh, ngoài ra còn do tâm lí "không quen phơi bày" quá trình sản xuất kinh doanh cho mọi người.
Để giải quyết vấn đề trên, nhà nước cần phải thực hiện chặt chẽ chính sách thuế, bởi lẽ qua thống kê, mọi lí do ngại công bố thông tin đều "lấp ló" hình bóng của việc gian lận thuế.
3. Các giải pháp khác 3.1. Lạm phát
Với việc lạm phát tăng cao, cổ tức và giá trị chênh lệch trong mua bán chứng khoán sẽ bị giảm. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ chuyển các nguồn lực tài chính sang đầu tư vào bất động sản, kim loại quí ...Chính vì vậy việc duy trì, ổn định lạm phát ở mức thấp là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp duy trì sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán từ đó giúp cho hoạt động huy động vốn được tiến hành dễ dàng và đạt hiệu quả cao.
3.2. Chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ
Nếu Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi có lợi cho các doanh
nghiệp , khi đó doanh nghiệp có cơ hội lớn để tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi thông qua các quĩ hỗ trợ phát triển trung ương, địa phương, sự bức xúc về vốn để huy động trên TTCK sẽ giảm đi. Ngoài ra, tín dụng ưu đãi cũng làm giảm sức ép lên hệ thống ngân hàng thương mại và chính phủ có điều kiện định hướng cho sự phát triển của các ngành nghề được ưu tiên.
Tuy nhiên, cũng cần phải xây dựng chính sách tín dụng hợp lí đối với các quĩ hỗ trợ phát triển. Cần tạo ra sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp khi vay vốn tín dụng ưu đãi.
3.3. Nâng cao trình độ, nhận thức về chứng khoán cho nhà đầu tư
Việc nâng cao nhận thức, trình độ cho các nhà đầu tư góp sẽ góp phần ổn định tâm lý của họ từ đó làm cho thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả.
3.4. Thói quen tiêu dùng và đầu tư của dân chúng
Do những thói quen về lịch sử chính trị xã hội trước đây nên đa phần người dân Việt Nam có thói quen tích trữ tiền bạc hoặc gửi ngân hàng chứ ít người mang tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán chính vì vậy việc thay đổi thói quen này sẽ làm gia tăng
một lượng vốn lớn chảy vào thị trường chứng khoán góp phần phát triển thị trường từ đó giúp cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
3.5. Tình hình kinh tế, chính trị xã hội
Với tình hình kinh tế, chính trị xã hội ổn định, nền kinh tế phát triển vững chắc, các doanh nghiệp sẽ kỳ vọng nhiều hơn vào sự phát triển của chính mình và có xu hướng mở rộng qui mô, phát sinh nhu cầu tăng vốn.