HUYẾT THANH

Một phần của tài liệu Đại cương vi sinh vật pptx (Trang 74 - 78)

1. Nguyên lý sử dụng huyết thanh

Dùng huyết thanh miễn dịch là đưa vào cơ thể kháng thể có nguồn gốc từ người hay động vật, giúp cho cơ thể có ngay kháng thể đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh Điều trị huyết thanh đem lại tính miễn dịch thụ động tức thời nhưng thoáng qua, điều này trái ngược với tính miễn dịch hoạt động và bền vững trong tiêm chủng.

2. Phân loại huyết thanh

Người ta sử dụng 2 loại huyết thanh:

- Huyết thanh khác loài cổ điển, nguồn gốc động vật chủ yếu là ngựa. Những huyết thanh này đặc hiệu đối với một bệnh nhiễm trùng nhất định đặc biệt mà động vật cho đã được miễn dịch hóa trước đó. Loại huyết thanh này có lợi điểm rẻ nhưng có những bất lợi là dung

nạp kém, có thể gây quá mẫn tức thời như shock phản vệ hoặc quá mẫn chậm như bệnh huyết thanh, hiệu lực lại ngắn hạn chỉ kéo dài đến 2 hay 3 tuần lễ sau lần tiêm thứ nhất, vài ngày sau những lần tiêm tiếp theo. Sử dụng huyết thanh khác loài phải nên hạn chế và phải tránh tiêm lại cùng một người.

- Huyết thanh đồng loài nguồn gốc người, mới được sử dụng gần đây. Đó là chế phẩm globulin miễn dịch chủ yếu là γ globulin người tinh chế, loại tất cả nguy cơ nhiễm trùng như virus viêm gan, HIV... Đối với huyết thanh đồng loài người ta phân biệt globulin miễn dịch đa giá (bình thường) được lấy từ máu người khoẻ mạnh hoặc từ máu rau thai và globulin miễn dịch đặc hiệu được bào chế từ máu những người đã có miễn dịch như người lành bệnh nhiễm trùng hoặc mới được tiêm chủng. Trong globulin miễn dịch đặc hiệu, nồng độ kháng thể chống lại vi sinh vật, là căn nguyên của bệnh nhiễm trùng, thường cao gấp hàng chục lần trong globulin miễn dịch đa giá.

Globulin miễn dịch người rất đắt tiền, nhất là loại đặc hiệu và được sản xuất giới hạn vì phụ thuộc vào người cho, nhưng có ưu điểm thường được dung nạp tốt, có thê tiêm lại cùng một người và có khả năng bảo vệ lâu dài, nhiều tuần lễ cho đến 1 tháng.

3. Nguyên tắc sử dụng huyết thanh

Các nguyên tắc cơ bản phải thực hiện khi sử dụng huyết thanh là: - Đúng đối tượng - Đúng liều lượng - Đúng đường - Đề phòng phản ứng - Phối hợp sử dụng vaccine 3.1. Đối tượng

Huyết thanh được sử dụng nhiều nhất để chữa và dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra nó còn được sử dụng cho một số mục đích khác như điều trị thiếu hụt miễn dịch, dị ứng và dự phòng bệnh tan máu sơ sinh.

- Những huyết thanh chống nhiễm trùng chỉ có hiệu lực với những bệnh mà cơ chế bảo vệ chủ yếu nhờ miễn dịch dịch thể. Kinh điển nhất là huyết thanh kháng uốn ván (SAT) và huyết thanh kháng bạch hầu (SAD). Huyết thanh kháng ho gà, kháng sởi được tiêm cho trẻ chưa được tiêm chủng có tiếp xuc với bệnh nhân. Huyết thanh kháng dại được tiêm cho những người bị chó dại cắn hoặc nghi dại cắn với vết thương nặng hoặc gần đầu. Ngoài ra còn có các huyết thanh kháng virus viêm gan, vius quai bị, rubêon. Globulin miễn dịch còn được tiêm cho những bệnh nhân viêm đường hô hấp tái phát nhiều lần.

- Globulin miễn dịch người đa giá thường được sử dụng trong những trường hợp sau: + Điều trị suy giảm miễn dịch thể bẩm sinh hoặc thu hoạch.

+ Một vài hoàn cảnh bệnh lý có nguy cơ nhiễm trùng trầm trọng như bỏng. + Phòng ngừa một vài bệnh nhiễm trùng phổ biến như sởi, viêm gan A.

- Globulin miễn dịch kháng D được dùng cho người mẹ có nhóm máu Rh (-) mới sinh con có Rh (+) có tác dụng ngăn cản sự hình thành kháng thể kháng Rh và do đó tránh được nguy cơ tan máu sơ sinh cho đứa trẻ sau. Cơ chế của hiện tượng này là globulin miễn dịch kháng D sẽ phá huỷ các hồng cầu Rh (+) của đứa trẻ xâm nhập vào dòng tuần hoàn của người mẹ khi sinh. Do cơ chế này, việc tiêm globulin kháng D chỉ có hiệu quả trong thời gian 72 giờ sau khi sinh.

Globulin miễn dịch người có thể trung hòa hiệu lực của một vài vaccine sống, vì vậy nên tránh tiêm vaccine sởi trong 3 tháng sau khi tiêm globulin miễn dịch người.

3.2. Liều lượng

Liều lượng huyết thanh sử dụng tuỳ thuộc vào tuổi và cân nặng của bệnh nhân, trung bình từ 0,1 đến 1 ml/kg cân nặng tuỳ theo loại huyết thanh và mục đích sử dụng. Huyết thanh kháng uốn ván được tính theo đơn vị, trung bình là 250 đơn vị cho một trường hợp. Nếu vết thương quá bẩn hoặc tiêm chậm sau 24 giờ thì liều lượng phải tăng gấp đôi.

3.3. Đường đưa huyết thanh vào cơ thể

Huyết thanh thường được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm bắp. Đối với những loại huyết thanh đã được tinh chế đạt tiêu chuẩn cao, có thể tiêm tĩnh mạch nhưng cũng rất nên hạn chế. Tuyệt đối không tiêm tĩnh mạch những huyết thanh có nguồn gốc từ động vật (dù đã được tinh chế) hoặc huyết thanh người chưa đạt độ tinh chế cao.

3.4. Đề phòng phản ứng

Ở bênh nhân đã tiêm huyết thanh ngựa một lần thì lần tiêm thứ 2 có thể gây nên hiện tượng quá mẫn, nên khi tiêm huyết thanh cần thực hiện tốt các việc sau đây để ngăn ngừa phản ứng do huyết thanh gây ra:

- Trước hết phải hỏi xem bệnh nhân đã tiêm huyết thanh ngựa lần nào chưa? Trường hợp bệnh nhân đã tiêm huyết thanh rồi thì cần phải cân nhắc cẩn thận. Nếu thấy thật cần thiết mới tiêm lại lần thứ 2 vì tỷ lệ phản ứng cao hơn nhiều so với lần thứ nhất.

- Làm phản ứng giải mẫn cảm (phản ứng Besredka) trước khi tiêm: pha loãng huyết thanh 10 lần với nước muối sinh lý 0,85 %, tiêm 0,1 ml trong da. Nếu không có mẫn đỏ sau 30 phút thì tiêm cả lượng huyết thanh cần thiết. Nếu có mẫn đỏ mà không có huyết thanh đồng loài để tiêm và tình trạng bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng huyết thanh thì phải tiêm dần dần từ liều nhỏ đến liều lớn cách nhau 20-40 phút và cứ như thế cho đến khi tiêm hết liều cần thiết trong 2 giờ.

- Trong quá trình tiêm huyết thanh cần theo dõi bệnh nhân liên tục để kịp thời can thiệp nếu có phản ứng xảy ra, đặc biệt là phải chuần bị đầy đủ các điều kiện để xử trí sốc phản vệ.

3.5. Tiêm vaccine phối hợp

Kháng thể do tiêm huyết thanh sẽ phát huy hiệu lực ngay sau khi tiêm, nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Hiệu giá kháng thể này giảm nhanh trong mấy ngày đầu, sao đó giảm chậm hơn nhưng cũng sẽ bị loại trừ hết sau khoảng 10 - 15 ngày, do phản ứng với các kháng nguyên vi sinh vật và do bị cơ thể chuyển hoá giống như số phận các protein lạ khác. Việc tiêm vaccine phối hợp nhằm kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động thay thế lúc miễn dịch thụ động do tiêm huyết thanh hết hiệu lực.

4. Các phản ứng do tiêm huyết thanh

Nói chung loại globulin miễn dịch có nguồn gốc từ người đã được tinh chế cao và đưa vào cơ thể bằng đường tiêm bắp ít gây ra các phản ứng nguy hiểm. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, tỷ lệ phản ứng do tiêm huyết thanh cao hơn nhiều so với phản ứng do tiêm chủng vaccine. Những phản ứng khi tiêm huyết thanh do hai cơ chế chính:

- Do cơ thể phản ứng với các thành phần kháng nguyên lạ, nhất là đối với các huyết thanh chưa được tinh chế cao.

Các phản ứng do tiêm huyết thanh có thể là tại chỗ hoặc toàn thân. 4.1. Phản ứng tại chỗ

Nơi tiêm có thể bị đau, mẩn đỏ. Những phản ứng này thường nhẹ, không gây nguy hiểm và sẽ hết sau một ít ngày.

4.2. Phản ứng toàn thân

Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run, khó thở, đau các khớp, một số trường hợp có thể bị nhức đầu và nôn. Sốc phản vệ là phản ứng nguy hiểm nhất. Nếu tiêm huyết thanh lần đầu, phản ứng thường xuất hiện sau 10 - 14 ngày. Nếu tiêm huyết thanh lần thứ hai, phản ứng có thể xảy ra ngay sau khi tiêm đến sau một vài ngày, tuỳ thuộc vào lượng kháng thể ở lần tiêm trước còn nhiều hay ít.

Các triệu chứng của sốc phản vệ như khó thở do phù nề đường hô hấp trên và co thắt thanh quản; ngứa toàn thân; nổi mề đay và ban sẩn khắp người, sưng mắt. Bệnh nhân có thể đau bụng và bí đái do các cơ trơn bị co thắt.

Ngoài ra còn gặp các triệu chứng do phức hợp kháng nguyên kháng thể đọng lại trong các tiểu động mạch như viêm cầu thận, viêm cơ tim, van tim, viêm khớp...

VI SINH VẬT TRONG TỰ NHIÊNVÀ KÝ SINH Ở NGƯỜI

Một phần của tài liệu Đại cương vi sinh vật pptx (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)