Hoàn thiện các quy định, văn bản pháp lý
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư. Trước mắt, tập trung hướng dẫn triển khai một cách có hiệu quả các Luật: Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Chứng khoán, Kinh doanh bất động sản… Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế phân bổ vốn đầu tư, vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc đầu tư, tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức theo hướng công khai, minh bạch. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực XDCB của Tỉnh, đảm bảo tính thống nhất về nội dung giữa các văn bản của Sở, Ban, Ngành liên quan, và sự thống nhất giữa văn bản của TW với văn bản của địa phương.
Thường xuyên tổ chức tập huấn về nghiệp vụ quản lý đầu tư xây dựng ở các cấp, các ngành, ít nhất 6 tháng một lần về nội dung: Cung cấp kiến thức cơ bản
về quản lý đầu tư xây dựng hiện có và mới bổ sung, công tác quản lý chất lượng công trình, công tác quản lý đô thị đối với cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra , giám sát
Cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát và giám sát. Trước hết, phải có các biện pháp giám sát và kiểm soát nội bộ kết hợp với các biện pháp kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài. Tiếp đến, cần hình thành, duy trì và nâng cao tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ bằng chính quy trình đầu tư, quy trình quản lý vốn, quản lý đầu tư.
Cần thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng nhằm phát hiện, uốn nắn những sai phạm trong quá trình quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng để đảm bảo công tác đầu tư xây dựng mang lại hiệu quả cao.
Do vậy, công tác thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng phải được thực hiện ở tất cả các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, dự án hoàn thành đưa vào khai thác sủ dụng, tiến hành thanh tra, kiểm tra ở tất cả các lĩnh vực đầu tư xây dựng.
KẾT LUẬN
Như vậy qua việc nghiên cứu tình hình đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua cho thấy đầu tư Xây dựng cơ bản đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Thông qua hoạt động đầu tư XDCB, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội ngày càng được phát triển, hoàn thiện góp phần quan trọng vào tốc độ tăng GDP hàng năm, tăng tiềm lực kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đầu tư XDCB cũng đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, dần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế mạnh nhất trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng hoạt động đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Nhiều dự án, công trình phê duyệt không dựa vào khả năng cân đối nguồn vốn hay chưa đủ thủ tục cũng được cấp vốn. Việc triển khai thực hiện dự án, công trình kéo dài, khối lượng đầu tư dở dang nhiều…Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện đầu tư XDCB. Do vậy trong thời gian tới Tỉnh cần nghiên cứu và đánh giá, phân tích tình hình đầu tư XDCB một cách kỹ lưỡng và đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư XDCB sẽ là một yếu tố quan trọng để đưa nền kinh tế Vĩnh Phúc ngày càng phát triển.