Khắc hoạ nội tâm nhân vật là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng trong việc xây dựng nhân vật trong sáng tác của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái. Nhờ khắc hoạ nội tâm nhân vật mà hành trình tâm lý đa dạng, phức tạp của nhân vật được bộc lộ một cách sâu sắc. Khi khám phá thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật, các nhà văn thường chú ý đến tính cách và mọi biến động trong đời sống nội tâm của nhân vật nhằm phát hiện ra phản ứng tâm lý của nhân vật trước hiện thực cuộc sống.
Bằng sự quan sát tinh tế, Ma Văn Kháng là nhà văn rất thành công trong việc khắc hoạ nội tâm nhân vật. Diễn biến tâm lý của nhân vật trong sáng tác của Ma Văn Kháng thường gắn với biến cố khách quan, chủ quan tạo nên những sắc thái khác nhau của tâm lý nhân vật. Nhà văn đã khắc hoạ thành công tâm lý nhân vật Khiêm trong tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ, Tự trong Đám cưới
không có giấy giá thú. Thể hiện những dòng tâm lý chảy trong nhân vật Tự,
Khiêm, tác giả đã gieo vào lòng người đọc sự đồng cảm, xót thương cho nhân cách sáng ngời của một thầy giáo bị vùi dập.
Trong sáng tác của Hồ Anh Thái, nhân vật của anh sống với một cuộc hành trình tâm lý đa dạng, phong phú, phức tạp.Với khả năng phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật một cách tinh tế nhạy bén, Hồ Anh Thái đã tạo dựng được một hệ thống hình tượng nhân vật có một đời sống tinh thần sâu sắc, thâm trầm nhằm biểu đạt những quan niệm của mình về con người và thời cuộc
Để khắc họa tâm lý nhân vật thành công, Hồ Anh Thái sử dụng rất linh hoạt thủ pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm. Nhà văn đã rất nhạy cảm trong việc nắm bắt tâm lý nhân vật, đã dõi theo, thể hiện rất hay những diễn biến trong tâm lý Toàn, Khuynh. Tâm trạng của Toàn được diễn tả sinh động, buồn vui lẫn lộn. Khi ở những nơi đông đúc nhốn nháo, Toàn thấy buồn vì không thấy rõ một ai, không thấy rõ cả chính mình, giữa đám đông anh thấy mình đơn côi nhưng khi chỉ còn lại một anh lại cảm thấy mình luôn có đôi. Anh là hình ảnh của một con người cô đơn phải trải qua những tháng ngày giông bão nhưng vẫn tha thiết hướng ra cuộc đời, hướng về những điều tốt đẹp của cuộc sống. Cách miêu tả tâm lý nhân vật Toàn một cách sâu sắc là cả một quá trình xây dựng và phát triển phù hợp với logíc bên trong của tính cách nhân vật, qua đó giúp người đọc hiểu thêm những suy nghĩ, đánh giá của tác giả về cuộc sống và con người.
Qua việc miêu tả, phân tích những diễn biến tâm lý của Toàn và Khuynh, Hồ Anh Thái muốn phản ánh một bức tranh đối lập giữa ánh sáng và bóng tối trong hai tâm hồn. Toàn là đại diện của một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng, lý trí bao nhiêu thì Khuynh lại là kẻ đầy tham vọng và dục vọng. Cái tham vọng đã khiến Khuynh rơi vào tình trạng quẫn bách khốn cùng. Khuynh không đủ lý trí và sức mạnh để vượt qua những tham vọng cá nhân nên chính anh đã bị những ham muốn thấp hèn đó đánh gục.
Có thể thấy khi miêu tả, phân tích diễn biến tâm lý, Hồ Anh Thái thường hay dồn nhân vật của mình vào một hoàn cảnh éo le, cùng quẫn, bế tắc đầy bi kịch để nhân vật suy nghĩ, hành động qua đó bộc lộ tính cách, tâm trạng. Mỗi một sự kiện kéo theo hàng loạt những suy tư, dằn vặt đau xót của nhân vật. Thể hiện diễn biến nội tâm nhân vật là một biện pháp nghệ thuật được Hồ Anh Thái
sử dụng linh hoạt, phong phú và hiệu quả để tạo nên chân dung nhân vật thiên về đời sống nội tâm hơn là hành động của mình.
Tạ Duy Anh là nhà văn có nhiều sáng tạo độc đáo mới mẻ, độc đáo đặc biệt là khả năng tạo dựng thành công trong hai kiểu nhân vật tim kiếm và nhân vật sám hối. Hai kiểu nhân vật này đều là kiểu nhân vật nội tâm nên thủ pháp độc thoại nội tâm được tác giả tăng cường sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu để khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật. Chúng ta thường bắt gặp những trang độc thoại nội tâm dài trong các tiểu thuyết của Tạ Duy Anh. Nét đặc biệt trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh là thường sử dụng độc thoại nội tâm qua những giấc mơ, những cơn ác mộng. Tác giả thường đặt nhân vật vào những cơn mê sảng khủng khiếp để chính nhân vật bộc lộ tâm lý, tính cách của mình, tự phán xét mình. Qua dòng độc thoại nội tâm, nhân vật Lão Khổ hiện ra với cả mặt tốt và mặt xấu, cả sự mạnh mẽ và yếu đuối trong tâm hồn.
Nhân vật người mẹ trong tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh cũng trải qua quá trình độc thoại nội tâm dai dẳng, âm thầm. Được nghe những câu chuyện đau lòng từ những mảnh đời xung quanh, người mẹ ấyngày càng thấm thía được nỗi day dứt đã từng chối bỏ giọt máu của mình.
Độc thoại nội tâm được Tạ Duy Anh thể hiện như những dòng ý thức tự nhiên của nhân vật, bao hàm cả ý thức và vô thức, cả những ảo giác và huyễn tưởng đan xen, thay thế cho nhau với những mạch rẽ bất ngờ. Đó là trường hợp của Lão Khổ và Đi tìm nhân vật. Dòng độc thoại và đối thoại trong nội tâm Lão Khổ, Chu Quý, Tiến sĩ N cứ miên man, hỗn độn như sự bộn bề của cuộc sống, sự bí ẩn của tâm linh. Những giấc mơ khủng khiếp, cái ảo giác lạ tưởng, liên tưởng, những hình ảnh chồng chéo về quá khứ, về kẻ thù, những ám ảnh về “hắn” trong trong tâm trí của Chu Quý khiến anh nhiều lúc rơi vào những cơn mê sảng, những khủng hoảng về tinh thần tưởng chừng không thể thoát ra nổi. Tất cả những mảnh vỡ ghép lại, chìm đắm trong dòng ý thức lẫn lộn giúp cho Tạ Duy Anh khắc họa một cách sâu sắc trạng thái tinh thần- sự đổ vỡ của cả một thế hệ.
Sự ám ảnh của thế giới tâm linh
Tâm linh là vấn đề trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, góp phần quan trọng trong việc phản ánh tâm lý nhân vật. Trong sáng tác của các nhà văn, thế giới tâm linh được khám phá với những tầng bậc, góc độ khác nhau. Những giấc chiêm bao mộng mị, sự sống dậy của ký ức, những rắc rối u uẩn trong tâm lí, những khoảnh khắc thần giao cách cảm giữa những người sống với người chết, giữa người này với người kia được nhà văn tái hiện rất sống động. Trong sáng tác của Ma Văn Kháng, nhân vật sống mãnh liệt với nội tâm xuất hiện khá nhiều. Bà nội cu Duy trong
Côi cút giữa cảnh đời sống trong cảnh nghèo khổ điêu đứng, những lúc gặp cơn
bĩ cực, bà thường thắp hương khấn chồng, điều này giúp cho bà có thêm sức mạnh, niềm tin để hoàn thành trách nhiệm của mình.Tình yêu của Khiêm và Hoan trong Ngược dòng nước lũ cũng do sự sắp đặt của đấng tối cao cho họ có nhau, yêu nhau dù đã muộn màng.
Khắc họa con người tâm linh, dường như Ma Văn Kháng không chỉ miêu tả có vậy mà ông còn tạo ra một cõi hư vô, mộng mị trong giấc chiêm bao, mê sảng. Những lúc đó, nhân vật thường tự lộn trái mình, phơi tỏ đời sống bên trong của
mình. Khiêm trong Ngược dòng nước lũ thường nhận thấy: “Trong cơn đau ốm gần một tuần lễ, bao bọc anh những ngày qua là những chiêm mộng dữ dội, khi thì chiêm mộng tiên tri, khi thì chiêm mộng linh thị; và những ngày chiến tranh đã qua cũng được tái hiện thật sống động và chọn lọc”. Đối với Khiêm, bị miên man hết giấc mơ này đến giấc mơ khác khiến anh lúc nào cũng sống trong mê lộ ngây ngất cả ngày lẫn đêm nhưng cũng chính những giấc mơ này giúp Khiêm gắng vượt lên hoàn cảnh để khẳng định mình: “Những cơn mộng mị đã đưa Khiêm du hành vào những niềm suy tưởng của sự sáng tạo.Trong đau khổ có tư tưởng minh triết nảy sinh trong im lặng” [30,98] sau đó Khiêm lại tìm về công việc của mình. Anh say sưa viết và hết mình với công việc.
Trong sáng tác của Hồ Anh Thái, thế giới tâm linh cũng được tái hiện một cách sâu sắc. Nhiều rắc rối u uẩn trong tâm lý, nhiều khoảnh khắc thần giao cách cảm giữa người sống và người chết, giữa người này với người kia được nhà văn tái hiện rất sinh động vừa nhằm lý giải cho số phận vừa là cách thức để nhân vật của anh vượt qua nỗi buồn, vượt qua những mất mát, đắng cay. Nhân vật Đông, Mai Trừng trong Cõi người rung chuông tận thế, Toàn trong Người và xe chạy
dưới ánh trăng thường sống trong những giấc chiêm bao mộng mị, trong cõi tâm
linh huyền ảo. Thế giới tâm linh đó là sự an ủi lớn cho nhân vật của anh cho cuộc đời thực đầy những lo buồn. Tình huống giao cảm kỳ lạ giữa nhân vật của Hồ Anh Thái với cõi tâm linh bí ẩn, với những người đã mất là một hình thức đặc biệt để tác giả thể hiện kín đáo cảm giác cô đơn, lạnh vắng của con người trong một thế giới thiếu tình người.
Các nhân vật của Tạ Duy Anh nói chung đặc biệt là Chu Quý và tiến sĩ N đều có mối quan tâm riêng. Họ mang khuôn mặt của những kẻ “đi tìm nhân vật- đi tìm chính mình”.Qua sự phân thân trong tình trạng hoang tưởng, nhà văn muốn trình bày sự thật cuộc sống nội tâm của con người hiện đại theo cách cảm nhận riêng của mình. Đây là cách tác giả đi đến một hiện thực khác: hiện thực tâm linh. Tư duy tiểu thuyết hiện đại đã giúp Tạ Duy Anh thoát khỏi lối kể theo kiểu lập những hồ sơ, cốt truyện cho dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ như những nhà văn khác. Với cách viết mới mẻ đi theo những trạng huống tinh thần của nhân vật, Tạ Duy Anh đã đưa độc giả đến với những vùng mờ của vô thức, tiềm thức: một chuỗi sự việc xảy ra với Chu Quý: đầu tiên đó là bị một cô gái chặn ở cửa để trao cho anh cái quý giá nhất của đời con gái đồng thời cũng là để minh chứng cô vẫn còn trong trắng, chính hành động đó đã làm cho Chu Quý hoảng loạn và chúng ta lần đầu tiên biết đến căn bệnh quái ác của Chu Quý - căn bệnh liệt dương và những huyễn tưởng, những ảo giác đan xen trong tiềm thức của Chu Quý. Điều này đã gợi mở, dẫn đường cho chúng ta đến với những vùng mờ trong tiềm thức của Chu Quý. Còn Tiến sĩ N cũng sống trong những cơn huyễn tưởng: “Rời phòng ngủ, tôi rón rén vào phòng làm việc và ngồi xuống ghế. Tôi gặp lại những đồ vật quen thuộc, tuy ít ỏi nhưng cũng đủ tạo cho riêng tôi một thế giới. Từ đây tôi có thể nhìn ra cánh đồng qua một chiếc cửa sổ nhỏ. Nhưng phần nhiều là tôi không thấy gì cả bởi vì khi đó tôi bắt đầu một cuộc sống khác phi vật chất, phi không gian, phi thời gian, chỉ còn lại kí ức với vô số kỷ niệm bao bọc lấy tôi mà tôi càng gạt nó càng đầy lên, chảy thành dòng… mang tôi theo sau khi bít kín mọi cánh cửa mở ra xung quanh. [2,151].
động, các nhà văn đã để cho nhân vật của mình tự bộc lộ cảm xúc, bộc lộ những mảng khuất và bí ẩn trong tâm hồn. Chính điều này đã giúp cho nội tâm nhân vật được bộc lộ một cách đầy đủ, toàn diện và là cơ sở để người đọc hiểu một cách thấu đáo tính cách và số phận của nhân vật.