Hiện tượng đôla hoá, hiện tương đối phổ biến tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thực tế có rất nhiều yếu tố tác động đến đôla hoá ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay như yếu tố vĩ mô (tăng trưởng cao, nhưng chưa thật bền vững, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư trong nước), yếu tố vi mô và các yếu tố khác như việc sử dụng ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân trong các giao dịch được phép thanh toán bằng ngoại tệ hay thói quen của người dân trong việc sử dụng ngoại tệ, vàng để định giá, niêm yết, thanh toán trái phép.
Theo tiêu chí của IMF, một nền kinh tế được coi là có tình trạng đô la hoá cao khi tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm từ 30% trở lên trong tổng khối tiền tệ mở rộng (FCD/M2). Dựa trên tiêu chí này, từ số liệu thống kê của IMF, người viết tiến hành tính toán diễn biến tỷ lệ đô la hóa ở Việt Nam từ quý 1/1995 đến Quý 1/2010.
Kết quả cho thấy tỷ lệ đô la hóa ở Việt Nam hiện nay đã giảm đáng kể với những năm 2000 -2003, từ mức trung bình 28%-30% xuống 16,5%-18%. Như vậy, có thể nói hiện nay Việt Nam không còn là quốc gia có tỷ lệ đô la hóa cao. Mặc dù vậy, khi so với Trung Quốc thì tỷ lệ đô la hóa của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Đô la hoá chính thức sẽ làm mất đi chức năng của ngân hàng trung ương là người cho vay cuối cùng của các ngân hàng. Trong các nước đang phát triển chưa bị đô la hoá hoàn toàn, mặc dù các ngân hàng có vốn tự có thấp, song công chúng vẫn tin tưởng vào sự an toàn đối với các khoản tiền gửi của họ tại các ngân hàng. Nguyên nhân là do có sự bảo lãnh ngầm của Nhà nước đối với các khoản tiền này. Điều này chỉ có thể làm được đối với đồng tiền nội tệ, chứ không thể áp dụng được đối với đô la Mỹ. Đối với vác nước đô la hoá hoàn toàn, khu vực ngân hàng sẽ trở nên bất ổn hơn trong trường hợp ngân hàng thương mại bị phá sản và sẽ phải đóng cửa khi chức năng người cho vay cuối cùng của ngân hàng trung ương đã bị mất.
Để chống lại tình trạng này, theo lãnh đạo NHNN, yếu tố tiên quyết là phải ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị đồng tiền nội tệ. Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế đôla hoá tại Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải tập hợp các giải pháp mang tính dài hạn, có lộ trình thực hiện rõ ràng và cụ thể. Trong đó cần có sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính, đặc biệt là cần có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất giữa các chính sách như chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá... Ngoài ra, sự thống nhất và hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thành công của chiến lược chống đô la hoá.