3.1.1. Về mặt kinh tế
Dự án mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất tinh thần cho người dân trong vùng dự án, đặc biệt là đồng bào các DTTS. Các hoạt động thông thương nhờ có kết cấu hạ tầng giao thông, chợ được duy tu và xây mới nên phát triển hơn rất nhiều, người dân tiết kiệm được chi phí đi lại, sự giao lưu buôn bán giữa các vùng được mở rộng, dự án đã đảm bảo cho người dân nghèo thuộc vùng dự án được sử dụng các công trình hạ tầng và các dịch vụ trên cơ sở phát triển bền vững. Theo lời nói của một cán bộ thuộc BQLDA đã đưa ra: “Phú Thọ có 40 xã tham gia dự án thì đã có 7 xã đã thoát nghèo đây là thành công lớn nhất của dự án. Do hưởng lợi từ ngày công, từ các công trình nên đời sống nhân dân được nâng cao, nguồn thu nhập được cải thiện” (Nguồn: BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ), qua đó đã thấy được các tác dụng tích cực của dự án đối với cuộc sống của người dân, người DTTS.
Hoạt động nông nghiệp đạt năng suất cao hơn do có hệ thống thủy lợi được xây mới và kiên cố hóa, các mô hình chăn nuôi mang thành công đã được áp dụng mang lại lợi nhuận cao cho người dân.
Hoạt động lao động trả công góp phần làm cải thiện thu nhập cho người DTTS, nhiều hộ đã tự vươn lên thoát nghèo. Không chỉ trong phạm vi dự án mà các vùng lân cận cũng chịu tác động không nhỏ của dự án. Nhờ có giao thông được thuận tiện mà hàng hóa được lưu thông, buôn bán có điều kiện phát triển, đời sống của người dân được nâng lên.
3.1.2. Về mặt xã hội
Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các hoạt động của mình, sự gắn kết trong cộng đồng qua dự án cũng được phát huy. Đây là yếu tố chủ chốt dẫn đến thành công của dự án. Việc nhóm người DTTS và nhóm người nghèo dễ bị tổn thương có cơ hội bằng nhau trong việc gia quyết định góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, dân tộc.
Đây là một trong những dự án phát triển đầu tiên trao quyền thực sự làm chủ đầu tư cho các cấp cơ sở. Do đó đã phát huy tối đa sức mạnh của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, lòng tin của người dân ngày càng được củng cố.
Dự án giảm nghèo đã xây dựng hàng chục cơ sở y tế với các trang thiết bị cần thiết, đào tạo hàng ngàn lượt cán bộ y tế cấp cơ sở. Mạng lưới y tế được mở rộng, công tác khám chữa bệnh cho người dân ngày càng được cải thiện, người dân đến khám chữa bệnh tại các trạm y tế tăng lên, sức khỏe của người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần tái tạo sức lao động và hạn chế bệnh tật. Hơn nữa thông qua các khóa đào tạo năng lực của các cán bộ y tế cơ sở được nâng lên, góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng thông qua công tác tuyên truyền cơ sở.
Hộp 1.1: Số liệu điều tra của BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ
“60% số hộ cho rằng việc đến trạm y tế khám chữa bệnh tăng đã tăng lên trong thời gian qua; trong đó số người cho rằng việc đến trạm y tế tăng lên thì có 76,2% số người cho là nguyên nhân do trạm y tế được xây dựng tốt hơn, 37,5% cho là do nguyên nhân đường đến trạm y tế tốt hơn, 50% cho rằng nguyên nhân là do việc cấp phát thuốc và thái độ của nhân viên y tế tốt hơn.”
Đối với công tác giáo dục, trong thời gian qua số lượng học sinh cũng như số trẻ em đến trường tăng nhanh, nhiều phòng học được nâng cấp và xây mới cải thiện môi trường học tập cho các em học sinh. Hàng ngàn trẻ em có cơ hội đến trường và học tập trong các lớp học khang trang, sạch sẽ. Bên cạnh đó dự án cũng đã góp phần nâng cao trình độ và kỹ năng giảng dạy cho giáo viên các cấp, từng bước hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Dự án còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hoạt động của dự án. Các nhóm DTTS và người nghèo có cơ hội ngang bằng nhau trong việc tham gia vào dự án đã góp phần xóa dần khoảng cách giàu nghèo, dân tộc, lòng tin của người dân ngày càng được củng cố, đây cũng là một trong những thành công quan trọng của dự án.