Khi sửa chữa, cần xác định rõ tình trạng, nguyên nhân hư hỏng, xác định phạm vi và mức độ hư hỏng, để từ đó chọn những phương pháp thích hợp.
+ Xử lý chổ hỏng trước khi sửa chữa:
Trước khi sửa chữa, nhất thiết phải đục bỏ phần bêtông bị hư hỏng, nhưng tránh gây hư hỏng phần bêtông lân cận.
Khi đục bêtông, phải đục thành mạch nhám hình răng cưa, có những góc nhọn để gắn với bêtông mới được chắc chắn. Vùng đục đi phải có vách thẳng góc (nếu trên mặt bằng phải hình thành những hố có vách thẳng đứng), đồng thời mép vách phải tương đối thẳng, tránh nhấp nhô.
Khi đục xong cần phải rửa sạch và tưới ướt bề mặt đã đục, thông thường khoảng 2-3 giờ trước khi đổ, phải tưới nước liên tục để cho chổ đó luôn ướt, nếu chổ hư hỏng có cốt thép lộ ra, phải tẩy gỉ cho cốt thép (tốt nhất là dùng cách phun cát ). Nếu sửa chữa bêtông mới đổ do bị rỗ, hỏng ...thì phải sửa chữa ngay trong vòng 24 giờ sau khi dỡ ván khuôn để đảm bảo dính chắc với nhau giữa lớp bêtông mới và cũ.
+ Các phương pháp sửa chữa: Tùy theo diện tích, kích thước và bề sâu hư hỏng mà chọn phương pháp sửa chữa thích hợp, các phương pháp thường dùng như:
• Sửa chữa bằng cách đổ bêtông: Sử dụng khi chỗ hư hỏng có dạng hình hang hốc chạy
suốt mặt cắt hoặc ăn sâu vào cốt thép, khối lượng đắp vá tương đối lớn, vùng bêtông mới đổ bị rỗ lớn.
Trước hết đục phần bêtông bị hư hỏng, dùng bàn chải sắt chà xát hoặc dùng vòi phun cát thổi sạch rồi xối nước rửa sạch. Rải một lớp vữa ximăng cát mỏng dưới 3cm, sau đó đổ bêtông vá lại.
• Sửa chữa bằng bêtông ép vữa: Phạm vi sử dụng cũng giống như cách đổ bêtông. Sau
khi đục bỏ phần bêtông hư hỏng, ta nhồi đầy cốt liệu lớn có cấp phối nhất định vào vị trí, ép một lượt nước sạch để làm ướt cốt liệu và khai thông đường ép vữa, sau đó ép vữa ximăng cát vào tạo thành bêtông.
Phương pháp này có ưu điểm là sự dính kết giữa bêtông cũ và bêtông mới rất tốt, lượng co ngót giảm. Trong quá trình ép, thành phần vữa không thay đổi, áp lực phải đảm bảo ép đầy vào các khe rỗng của cốt liệu trong thời gian tương đối ngắn, quá trình ép vữa phải liên tục, kết hợp với đầm cạnh để nâng cao chất lượng và cải thiện bề mặt của bêtông. Sau khi ép xong cần duy trì áp lực nhất định trước khi vữa đông kết sơ bộ.
• Sửa chữa bằng bêtông phun vữa: Sử dụng khi lớp bêtông hư hỏng rất mỏng.
Dùng dòng khí áp lực cao và tốc độ lớn để phun vữa ximăng cát lên bề mặt bêtông bị hỏng sau khi đã đục hết phần bêtông long lở và xối rửa bằng nước cao áp.
Sau khi phun xong phải dưỡng hộ cẩn thận. Những ngày đầu không nên tưới nước quá nhiều để tránh làm trôi vữa vừa mới phun.
• Sửa chữa bằng phương pháp trát vữa đặc: Dùng để sửa bêtông mới đổ như lỗ bulông,
bịt những hang hốc nhỏ nhưng sâu.
Phương pháp này có ưu điểm là dụng cụ đơn giản, cường độ phần vá sửa cao và không sinh co ngót.
Khi trát phải trát theo từng lớp để miết nén được chặt, chiều dày mỗi lớp khoảng 1cm, mỗi lớp trát cần được nén bằng vồ và thanh gỗ cứng. Có thể vá liên tục từ lớp này sang lớp khác, nếu thấy có hiện tượng nhão thì dừng lại chờ khoảng 30 ÷ 40 phút sau đó vá tiếp. Khi đã vá đầy cần lấy một thanh gỗ cứng đậy lên mặt rồi dùng vồ gõ lên thanh gỗ đó cho mặt vữa phẳng nhẵn.
Không được đắp vá lồi lên, không dùng đồ sắt hoặc dùng nước để láng mặt.
• Sửa chữa mặt bêtông bị rạn nứt: Trước khi sửa chữa phải tẩy sạch vết bẩn xung quanh chỗ hư hỏng. Nếu chỉ bịt kín khe nứt thì cách làm và sửa chữa như đối với khe co giãn., vật liệu gồm nhựa đường, cao su...Khi sửa chữa có thể dùng vật liệu tương đối loãng hoặc tìm cách đục lỗ rỗng khe nứt ra một chút rồi trát kín. Nếu phải khôi phục tính chất liền khối của kết cấu thì có thể ép vữa hay dùng keo epoxit để trát vào khe nứt.