Những cơ hội và thách thức:

Một phần của tài liệu Giải pháp Marketing nhằm thu hút du khách của công ty Vietravel (Trang 26 - 29)

1. Xu hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam:

Một môi trường chính trị thuận lợi và những chính sách khuyến khích của chính phủ chính là cơ hội rất lớn cho sự đi lên của du lịch Việt Nam. Trong xu hướng chung của thế giới, chính phủ ta cũng hết sức chú trọng phát triển lĩnh vực dịch vụ_ngành công nghiệp không khói đem lại cơ hội phát triển lớn, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch, lĩnh vực mà chúng ta có nhiều lợi thế. Đảng và Nhà nước đã và đang quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi giải trí, văn hóa… đây chính là sự quan tâm tạo những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch. Trong năm 2010 này, tổng cục Du lịch VN lần đầu tiên sẽ mở văn phòng đại diện ở năm thị trường du lịch nước ngoài(trong đó có châu Âu) nhằm chủ động chuyển tải thông tin, hình ảnh, quảng bá du lịch VN đến du khách nước ngoài. Một trong những hoạt động của ta nhằm thu hút sự quan tâm của thị trường châu Âu chính là việc: Trong quý I/2010, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm như Đức, Nga với các hoạt động: Hội chợ ITB 2010 tại Berlin (Đức) từ 10- 14/3, Hội chợ Du lịch Quốc tế MITT 2010 diễn ra từ 17-20/3 tại Nga. Ngoài ra, tổng cục đang đề nghị một số biện pháp để đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích du khách nước ngoài đến VN như: Dự kiến triển khai cấp visa du lịch tại cửa khẩu (thí điểm tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài), khuyến khích du khách mua sắm thông qua việc hoàn thuế giá trị giá tăng cho du khách, tạo các sản phẩm quà tặng du lịch riêng biệt của từng vùng miền. Ngành du lịch đã tiến hành rất nhiều những hoạt động nhằm quảng bá mạnh mẽ về du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của những quốc gia là thị trường trọng điểm và trên mạng internet.

Mới đây, nhà nước ta cũng đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tài chính cho những tổ chức tham gia quảng bá du lịch nước nhà hay có những nghiên cứu nhằm đưa ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn mới, nêu cao được những nét đặc sắc của Việt Nam. Một điểm thuận lợi không nhỏ cho phát triển du lịch chính là nền chính trị ổn định và chính sách ngoại giao ôn hòa của nhà nước ta. Thời gian trở lại đây, Việt Nam đã ký những hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương cấp Chính phủ với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên nhiều lĩnh vực_trong đó có du lịch. Trong bối cảnh tình hình thế giới gặp nhiều bất ổn, nhiều nước xảy ra xung đột chính trị thì một điểm đến không có tranh chấp, đảm bảo an toàn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế và cũng được chính phủ các nước khuyến khích.

Ngoài ra, du lịch Việt Nam vẫn được định hướng phát triển dựa trên những nền tảng vốn có về môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội. Về môi trường tự nhiên, chúng ta có có rất nhiều những danh lam thắng cảnh nổi tiếng được các tổ chức uy tín trên thế giới công nhận, nhiều điểm đến hấp

dẫn mới được phát hiện_còn rất nguyên sơ, chưa bị khai phá. Đường bờ biển trải dài đã đem lại cho ta lợi thế rất lớn về du lịch biển cùng với đó là một hệ động thực vật phong phú đặc thù của thời tiết nhiệt đới. Việt Nam còn là đất nước có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với những giá trị văn hóa phi vật thể như: ca trù, chèo, cải lương, quan họ, múa rối nước…rất được khách quốc tế quan tâm_đặc biệt là khách châu Âu bởi sự khác biệt về văn hóa cũng như lịch sử phát triển. Ở nước ta hiện nay vẫn còn duy trì rất nhiều những làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng có thể khai thác trong hoạt động du lịch. Một nét văn hóa nữa của người Việt Nam rất thu hút du khách quốc tế chính là sự hiếu khách và thân thiện của con người. Đây chính là một yếu tố không nhỏ góp phần làm nên thành công của du lịch Hội An.

Với những thuận lợi có được, Việt Nam có cơ hội rất lớn để đạt được mục tiêu trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.

2. Tiềm năng du lịch Hà Nội:

Hà Nội đứng ở vị trí thứ 3 trong 12 địa điểm tiêu biểu đáng đến trong năm 2010. Đó là thông tin do Nhà xuất bản Du lịch Frommer - một nhà xuất bản có sách hướng dẫn du lịch bán chạy nhất ở Mỹ, vừa công bố. Theo Frommer, du khách nên chọn Hà Nội vì "Đây là thành phố châu Á nhất của châu Á. Thành phố này đã có 1.000 năm tuổi, có nhiều đền, chùa, di tích lịch sử và có nền ẩm thực đầy màu sắc với những món ăn tuyệt vời tại các cửa hàng bên phố và tại những nhà hàng sang trọng. Du khách sẽ không thất vọng khi khám phá cuộc sống ban đêm ở khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi có nhiều quán bar và câu lạc bộ giải trí. Các tác phẩm nghệ thuật đương đại của những nghệ sĩ trẻ được trưng bày dọc phố Tràng Tiền. Còn nếu là người thích mua sắm thì du khách tìm đến những cửa hàng trên phố Nhà Thờ hoặc ở chợ Đồng Xuân, nơi có chợ đêm vào những ngày cuối tuần". Ngoài ra, Travel Leisure - tạp chí du lịch lữ hành hàng đầu thế giới của Mỹ, cũng bình chọn thành phố Hà Nội là một trong 5 thành phố du lịch tốt nhất của châu Á. Đánh giá dựa trên các tiêu chí về cảnh quan, văn hóa, con người, ẩm thực, giá trị và kết quả bình chọn của hàng triệu độc giả.

Chỉ qua những thông tin trên ta cũng có thể thấy, thế giới đánh giá rất cao Hà Nội với rất nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn. Lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội đã để lại cho Thủ đô nhiều di sản văn hoá quý giá. Hiện nay, Hà Nội có tới 3.100 di tích lịch sử - văn hoá, đứng đầu cả nước. Hà Nội có 1.300 làng nghề, có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, và các phố nghề truyền thống nổi tiếng, tập trung ở khu vực phố cổ của Hà Nội. Hà Nội cũng có thế mạnh về du lịch MICE - hội nghị, hội thảo. Qua một số các hội nghị quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức thành công như APEC 14, ASEM 5 tại Hà Nội,… có thể khẳng định đây là thế mạnh của Du lịch Thủ đô. Ngoài ra cũng phải kể đến loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở các khu vực ngoại thành Hà Nội đang được đầu tư phát triển. Hà Nội hiện có hệ thống khách sạn khá cao cấp (9 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 4 sao, 23 khách sạn 3 sao, nhiều khách sạn 2 sao

và các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tối thiểu). Tuy nhiên với lượng khách được dự báo là sẽ tăng đột biến trong năm 2010 thì Hà Nội sẽ phải tính toán đến nhu cầu phòng nghỉ cho khách lưu trú. Theo đó, trong số những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có nhiều khách sạn cao cấp (trong số 23 dự án đã đăng ký) sẽ được hoàn thành vào năm 2010. Cùng với vẻ đẹp hấp dẫn của hàng ngàn điểm đến, các món ăn đậm bản sắc dân tộc, đặc trưng cho vùng miền cũng là yếu tố thu hút du khách quốc tế đến và quay trở lại Hà Nội. Nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam đã đánh giá “Việt Nam là thiên đường ẩm thực” với những món ăn đặc sắc, hương vị thơm ngon không thể quên ở mỗi điểm đến. Đến Hà Nội không du khách nào có thể quên hương vị của phở, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, xôi gà, chả cá Lã Vọng, bánh tôm hồ Tây, bánh cốm, các món nem cuốn. Như vậy có thể thấy Thủ đô có rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch và cần được chú trọng đầu tư, phát triển.

3. Những chương trình phát triển du lịch Hà Nội của Sở Văn hóa-Thể thao- Du lịch:

Trong không khí hướng tới những sự kiện lớn như: Năm Du lịch quốc gia 2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…sở đã lên kế hoạch đầu tư và tiến hành rất nhiều những hoạt động, chương trình có quy mô, hấp dẫn. Hà Nội đã triển khai một loạt các dự án khu du lịch quy mô lớn như: Dự án Khu du lịch Tuần Châu - Hà Tây, khu du lịch Bảo Sơn (Hoài Đức), Khu du lịch Sóc Sơn, Khu du lịch 79 mùa xuân…TP cũng đã tăng cường liên kết với các địa phương tổ chức các tuần văn hóa du lịch hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với các hình thức mới, phong phú và hấp dẫn như lễ hội Đường hoa Hà Nội; tiếp tục duy trì hoạt động của 75 quầy, Ki ốt thông tin tại sân bay Nội Bài và các khu vực quan trọng của thủ đô. Từ nay cho đến Đại lễ sẽ còn rất nhiều những chương trình văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn được tổ chức. Bên cạnh đó, tổng cục Du lịch đã đăng cai tổ chức Phiên họp liên Uỷ ban Đông Á – Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á UNWTO lần thứ 22 và Hội thảo quốc tế với chủ đề “Du lịch - động lực quan trọng phát triển kinh tế, xã hội” tại thủ đô Hà Nội vào tháng 5/2010. Đây là sự kiện quốc tế chuyên ngành có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu, trong đó có 100 đại biểu quốc tế đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước và của ngành Du lịch trong năm 2010 là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam. Ngoài ra trong tháng 3 này, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Âu Cơ, thuộc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam - số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là một trong những trung tâm biểu diễn nghệ thuật sẽ tổ chức biểu diễn nhiều loại hình khác nhau, hứa hẹn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức những giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam của du khách quốc tế.

Tuy vậy, việc phát triển ngành du lịch còn gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn hạn chế như: hệ thống cơ sở hạ tầng còn kém phát triển (thua xa so với các nước trong khối ASEAN), hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, cầu cảng… còn lạc hậu, chất lượng thấp, mặc dù đã có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, do vậy, cước phí giao thông còn cao. Hệ thống thông tin viễn thông chưa phát triển rộng khắp, chất lượng còn hạn chế trong khi giá dịch vụ lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điện nước chưa đảm bảo được nhu cầu và giá quá đắt. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các tiện nghi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, giải trí của khách quốc tế còn thiếu, chất lượng hạn chế. Các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và còn không ít bất cập đối với hoạt động kinh doanh du lịch. Thứ hai, ý thức tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường du lịch của người dân chưa được nâng cao, điều này gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. Thứ ba, bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực phục vụ ngành Du lịch đã được đào tạo cơ bản còn ít, yếu về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, thiếu về kinh nghiệm. Đặc biệt, Việt Nam thiếu người quản lý và phục vụ có trình độ chuyên môn cao trong các cơ sở phục vụ kinh doanh du lịch ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, các nơi nghỉ dưỡng, các cơ sở vui chơi, giải trí…do đó du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cuối cùng là quá trình mở cửa, hội nhập du lịch quốc tế cũng có thể tạo ra nguy cơ phá hoại môi trường và cảnh quan của Việt Nam nếu chúng ta không có sự quan tâm thích đáng với các biện pháp quản lý có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Giải pháp Marketing nhằm thu hút du khách của công ty Vietravel (Trang 26 - 29)