Thứ nhất, mỗi cơ quan nhà nước là một tổ chức công quyền có tính độc lập tương đối với cơ quan nhà nước khác, một tổ chức cơ cấu bao gồm những
cán bộ, công chức được giao những quyền hạn nhất định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đặc điểm cơ bản của cơ quan nhà nước làm cho nó khác với các
tổ chức khác là tính quyền lực nhà nước. Chỉ cơ quan nhà nước mới có quyền
lực nhà nước, được nhân dân giao cho. Các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của nhân dân, giải quyết các vấn đề quan hệ với công dân. Mỗi cơ quan nhà nước đều có thẩm quyền do pháp luật quy định - đó là tổng thể những quyền và nghĩa vụ mang tính quyền lực - pháp lý mà nhà nước trao cho để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Yếu tố cơ bản của thẩm quyền là quyền ban hành những văn bản pháp luật có tính bắt buộc chung, văn bản áp dụng pháp luật phải thực hiện đối với các chủ thể có liên quan (có thể là cơ quan, tổ chức nhà nước khác, công chức, viên chức, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân).
Thứ ba, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có những giới hạn về không gian (lãnh thổ), về thời gian có hiệu lực, về đối tượng chịu sự tác động.
Thẩm quyền của cơ quan nhà nước phụ thuộc vào địa vị pháp lý của nó trong bộ máy nhà nước. Giới hạn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước là giới hạn mang tính pháp lý vì được pháp luật quy định.
Cơ quan nhà nước chỉ hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình và trong phạm vi đó, nó hoạt động độc lập, chủ động và chịu trách nhiệm về hoạt
động của mình. Cơ quan nhà nước có quyền, đồng thời có nghĩa vụ phải thực hiện các quyền của mình. Khi cơ quan nhà nước không thực hiện hay từ chối thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật là vi phạm pháp luật.
Thứ tư, mỗi cơ quan nhà nước có hình thức và phương pháp hoạt động riêng do pháp luật quy định.