3.3.2.1. Đối tượng áp dụng:
- Cá nhân sản xuất, kinh doanh là người Việt Nam: là đối tượng sản xuất kinh doanh nhỏ, chưa đáp ứng được đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hoá đơn chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
- Cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.
3.3.2.2. Xác định thuế GTGT phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp =
GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế ×
Thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó
* Đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện đầy đủ việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ có hoá đơn, chứng từ, ghi chép sổ sách kế toán:
GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra =
Doanh số của hàng hoá, dịch vụ bán ra -
Giá vốn của hàng hoá, dịch vụ bán ra
Doanh số hàng hoá, dịch vụ bán ra bao gồm cả các khoản phụ thu, phí thu thêm mà người mua đã trả và cơ sở kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền.
Giá vốn hàng hoá, dịch vụ bán ra chính là doanh số vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất kinh doanh các hàng hoá và dịch vụ bán ra. Trong đó, bao gồm cả các khoản thuế và phí đã trả tính trong giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào.
Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán được doanh số vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất kinh doanh đối với số hàng hoá và dịch vụ bán ra thì giá vốn của hàng hoá, dịch vụ bán ra xác định như sau:
Giá vốn hàng bán ra = Doanh số tồn đầu kỳ + Doanh số mua trong kỳ - Doanh số tồn cuối kỳ
Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT không được tính giá trị tài sản mua ngoài, đầu tư, xây dựng làm tài sản cố định vào giá vốn của hàng hoá, dịch vụ để tính GTGT. Khoản giá trị này sẽ được tính vào cơ cấu vốn cố định của doanh nghiệp.
* Đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện đầy đủ hoá đơn, chứng từ bán hàng hóa, dịch vụ, xác định được đúng doanh số bán hàng hóa, dịch vụ theo hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ nhưng không có đủ hoá đơn mua hàng hóa, dịch vụ:
GTGT của hàng
hoá, dịch vụ = Doanh số × Tỷ lệ (%) GTGT
tính trên doanh số
* Đối với cá nhân (hộ) kinh doanh chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hoá đơn mua, bán hàng hoá, dịch vụ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng hộ ấn định mức doanh số tính thuế:
GTGT của hàng hoá, dịch vụ =
Doanh số do cơ quan
thuế ấn định × tính trên doanh sốTỷ lệ (%) GTGT Việc Luật thuế GTGT quy định phương pháp tính thuế GTGT phải nộp đối với các trường hợp nói trên, xuất phát từ lý do sau đây:
- Trong giá bán hàng hoá, dịch vụ của các cơ sở kinh doanh nói trên đã bao gồm thuế GTGT thu hộ khách hàng, do vậy về nguyên tắc cơ sở phải nộp thuế GTGT cho NSNN;
- Trên thực tế do việc bán hàng không có hoá đơn hoặc có hoá đơn nhưng không đầy đủ nên không thể xác định chính xác số thuế GTGT phải nộp. Để tránh thất thu cho NSNN, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, Luật thuế GTGT đã quy định việc xác định thuế GTGT phải nộp theo các phương pháp ấn định nói trên phù hợp với mức độ thực hiện chế độ hoá đơn chứng từ bán hàng hoá dịch vụ.
Để xác định đúng số thuế mà hộ kinh doanh phải nộp vào NSNN, cơ quan thuế phải tiến hành điều tra để xác định doanh số ấn định cho từng hộ kinh doanh (từng nhóm hộ kinh doanh) đảm bảo tính chính xác, công minh và công bằng.
3.3.2.3. Xác định giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề kinh doanh
- Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bán hàng là số chênh lệch giữa doanh số bán với doanh số vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh.
- Đối với xây dựng, lắp đặt là số chênh lệch giữa tiền thu về xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình trừ (-) chi phí vật tư nguyên liệu, chi phí động lực, vận tải, dịch vụ và chi phí khác mua ngoài để phục vụ cho hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình.
- Đối với hoạt động vận tải là số chênh lệch giữa tiền thu cước vận tải, bốc xếp trừ (-) chi phí xăng dầu, phụ tùng thay thế và chi phí khác mua ngoài dùng cho hoạt động vận tải.
- Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống là số chênh lệch giữa tiền thu về bán hàng ăn uống, tiền phục vụ và các khoản thu khác trừ (-) giá vốn hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng cho kinh doanh ăn uống.
- Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, giá trị gia tăng là số chênh lệch giữa doanh số bán ra vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ trừ (-) giá vốn của vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ bán ra.
- Đối với cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế có kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, cơ sở phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào để kê khai thuế GTGT phải nộp của hàng hoá, dịch vụ theo từng hoạt động kinh doanh và phương pháp tính thuế riêng.
Trường hợp không hạch toán được riêng thì được xác định phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng với tỷ lệ doanh thu của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế trên tổng doanh thu bán hàng phát sinh trong kỳ.
- Đối với các hoạt động kinh doanh khác là số chênh lệch giữa tiền thu về hoạt động kinh doanh trừ (-) giá vốn của hàng hoá, dịch vụ mua ngoài để thực hiện hoạt động kinh doanh đó.
* Đối với cơ sở nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT thì GTGT là căn cứ tính thuế và chênh lệch giữa giá bán hàng và giá vốn của hàng bán ra. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cán bộ thuế cần phải quản lý chặt chẽ doanh số mua vào, bán ra của cơ sở đảm bảo sát với thực tế. Việc quản lý hoá đơn, chứng từ mua bán hàng hoá về cơ bản cũng giống như cơ sở nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Tuy nhiên cần chú ý:
- Do đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT thường là những cơ sở chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, bởi vậy cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm chế độ quản lý và sử dụng hoá đơn chứng từ. Đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ ghi chép sổ sách kế toán cho các cơ sở kinh doanh và từng bước chuyển đổi các đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT sang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
- Bên cạnh việc kiểm tra, đối chiếu hoá đơn, chứng từ với sổ sách kế toán của đơn vị, cần phải kiểm tra tình hình nhập, xuất, tồn kho hàng hoá; đối chiếu giữa số liệu trên sổ sách kế toán với số liệu kiểm kê thực tế nhằm phát hiện các trường hợp bán hàng không kê khai, không phản ánh doanh thu tính thuế.
* Đối với các trường hợp tính thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh số, cần khảo sát xây dựng tỷ lệ GTGT trên doanh số cho sát với thực tế của hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo sự công bằng nghĩa vụ nộp thuế giữa các cơ sở kinh doanh thuộc các ngành nghề khác nhau và hạn chế thất thu cho NSNN.
Đối với những đối tượng nộp thuế theo hình thức ấn định doanh số, điều quan trọng là phải xác định được mức doanh số khoán sát đúng với thực tế của cơ sở kinh doanh, trên cơ sở đó xác định căn cứ để tính thuế chính xác. Do đó công việc đặt ra là cán bộ thuế phải nắm được mức độ biến động của hoạt động kinh doanh trong một thời kỳ nhất định, kể cả biến động về giá cả thị trường, từ đó có thể ấn định mức doanh số tính thuế và điều chỉnh doanh số ổn định một cách hợp lý, tránh vượt khả năng của người nộp thuế và tránh thất thu cho NSNN. Đồng thời, việc điều tra doanh số tính thuế phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt đúng quy trình. Cán bộ thuế phải thực hiện một cách vô tư, khách quan và chịu trách nhiệm đối với việc mình làm.