I- Cấu trúc chức năng màng tế bào.
1- Khuếch tán.
Khuếch tán (hay còn gọi là vận chuyển thụ động) là sự vận chuyển chất qua màng (do chuyển động nhiệt) theo bậc thang chênh lệch: chênh lệch nồng độ, chênh lệch điện hoá trị, chênh lệch áp lực.
Kếch tán có đặc điểm: -Phụ thuộc bậc thang chênh lệch. -Không tiêu tốn năng lượng.
-Có trạng thái cân bằng (trạng thái dừng). Người ta chia khuếch tán làm hai loại:
a-Khuyếch tán đơm thuần (Simple diffusion)
*- Khuếch tán đơn thuần qua lớp lipid kép của màng.
- Các chất tan trong mỡ: như O2, Nitơ, CO2, rượu qua màng nhanh, tỉ lệ với độ hoà tan trong lipid.
- Nước và các chất không tan trong lipid: Nước không tan trong lipid nhưng khuếch tán qua màng tế bào rất nhanh; một phần qua lớp lipid, phần khác qua các kênh protein. Người ta cho rằng nước có kích thước nhỏ, động năng lớn. Các ion
không khuếch tán qua lớp kép mỡ vì chúng có lớp áo hydrat hoá và bị tương tác với các ion của màng.
*- Khuếch tán đơn thuần qua kênh protein.
Các kênh protein xuyên từ mặt trong ra mặt ngoài tế bào, chúng có tính chọn lọc cao với các chất theo kích thước, điện tích và hình dạng. Các kênh được kiểm soát bởi các cổng (gate), cổng có thể đóng hay mở để cho các phân tử vận chuyển đi qua.
Có hai cơ chế kiểm soát việc đóng-mở cổng.
- Đóng-mở do điện thế (Voltage gating), do điện thế màng làm thay đổi hình dáng phân tử của cổng.
Ví dụ: điện tích âm trong màng làm cổng natri đóng, khi mặt trong màng mất điện tích âm thì cổng natri mở làm lượng lớn natri chuyển qua kênh natri vào tế bào xuất hiện điện thế hoạt động.
- Đóng-mở do kết nối (ligand), do protein kênh gắn với một phân tử khác (gọi là chất kết nối-ligand).
Ví dụ: acetylcholin với kênh acetylcholin trong truyền đạt tín hiệu thần kinh, một số hormon tác động theo cơ chế chất truyền tin thứ hai.