Qua quá trình khảo sát toàn bộ chuỗi cung cho thấy, giá trị của cao su được tăng lên trong quá trình tiêu thụ thể hiện dưới các hình thức:
- Chi phí thu mua và bảo quản cao su: theo các nhà thu gom lớn trên địa bàn toàn tỉnh thì để thu mua một ngày 1,2 tấn cao su cần 3 chiếc xe máy, 100 thùng nhựa, 1 người làm nhiệm vụ đổ mủ vào thùng và bốc vác. Chi phí cho việc thu mua và bảo quản hết khoảng 210 nghìn đồng trong đó bao gồm 50 nghìn tiền xăng xe máy + 100 nghìn tiền công lao động + 60 nghìn tiền khấu hao xe máy, thùng và kho bảo quản. Như vậy, bình quân 1 kg cao su chịu một khoảng chi phí từ 170 – 200 đồng cho việc thu mua và bảo quản.
- Chi phí vận chuyển và bốc vác cao su lên xuống xe: chi phí vận chuyển cho một chuyến xe từ Huế ra Quảng Trị hoặc vào Đà Nẵng hết khoảng 900 nghìn – 1,2 triệu đồng và khoảng 100 nghìn tiền công lao động bốc vác. Nếu xe chở cao su mủ nước thì chở được 2 tấn, nếu xe chở cao su mủ đông thì chở được 5 – 6 tấn. Như vậy, bình quân chi phí vận chuyển 1 kg cao su từ Huế ra Quảng Trị hoặc vào Đà Nẵng hết từ 500 - 650 đồng cho cao su mủ nước và từ 200 – 260 đồng cho cao su mủ đông.
Như vậy, giá trị của cao su mủ nước đã tăng lên từ 670 – 850 đồng/kg cho việc thu mua, bảo quản và vận chuyển từ hộ gia đình nông dân đến các Công ty chế biến và xuất khẩu; tương tự giá trị cao su mủ đông cũng tăng lên từ 370 – 460 đồng/kg. Cùng với sự gia tăng về mặt giá trị thì chất lượng mủ
cao su trong giai đoạn này cũng tăng lên, cao su trở nên nguyên chất hơn do hàm lượng nước trong mủ bị đào thải ra khi đông đặc; nhưng ngược lại trọng lượng mủ lại giảm đi đáng kể. Yếu tố này là một thành phần tạo nên lợi nhuận cũng như sự thua lỗ đối với những người thu mua cao su. Đây là một đặc điểm khác biệt đặc thù của thị trường thu mua cao su và cũng là một rủi ro rất lớn đối với những người thu mua mới bước vào thị trường và chưa có kinh nghiệm. Nhưng cũng là một lợi thế để tạo ra lợi nhuận thông qua việc ép giá người nông dân đối với nhưng người thu mua có nhiều kinh nghiệm.