Pyrolusit trong tự nhiên được hình thành từ hàng ngàn năm trước nên nó khá trơ về mặt hóa học hoặc đã hấp phụ no ở điều kiện bình thường, do đó khả năng hấp phụ Florua của pyrolusit trong tự nhiên sẽ kém. Để nâng cao hiệu suất hấp phụ Florua trong nước chúng ta cần phải hoạt hóa Pyrolusit tự nhiên để tạo thành một lớp bề mặt mới có khả năng hấp phụ tốt hơn.
Pyrolusit chứa ion Fe3+ và Mn4+, hỗn hợp này được axit hóa, sau đó được kết tủa cùng một lúc nên chúng sẽ tạo ra những khoảng khuyết tật, chính những khoảng khuyết tật này sẽ tạo thành các trung tâm hấp phụ, điều này sẽ nâng cao khả năng hấp phụ Florua.
Cũng dựa theo nguyên lý tạo thành các trung tâm hấp phụ ta có thể ngâm tẩm thêm các chất khác có hóa trị khác để tạo ra nhiều khối kết tủa không đồng nhất có mức năng lượng cao, xen kẽ lớn tạo nhiều khuyết tật thì sẽ tạo nhiều trung tâm hấp phụ và hiệu quả hấp phụ sẽ tăng.
Do đó chúng tôi cho rằng các vật liệu từ khoáng Pyrolusit thô khi được hoạt hóa và tẩm thêm một số ion kim loại có hóa trị khác như Mg(II), Al(III) và Ce(IV) sẽ được tăng cường khả năng hấp phụ Florua nên trong luận văn này chúng tôi đã tiến hành những nghiên cứu sâu hơn nhằm nâng cao khả năng hấp phụ Florua trong nước gồm:
- Nghiên cứu khả năng hấp phụ ion florua trong môi trường nước bằng pyrolusit thô.
- Nghiên cứu hoạt hóa Pyrolusit bằng HCl và đánh giá khả năng hấp phụ ion Florua của vật liệu thu được.
- Nghiên cứu ngâm tẩm thêm các muối Mg(II), Al(III) và Ce(IV) lên Pyrolusit và đánh giá khả năng hấp phụ ion Florua của chúng.