Các phương pháp nghiên cứu sự tăng trưởng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự tăng trưởng cấu trúc sọ mặt răng theo phân tích Rickettsở trẻ 12 – 15 tuổi và đánh giá giá trị tiên đoán với giá trị thực tế tại Cần Thơ (Trang 35 - 38)

Các phương pháp để nghiên cứu sự tăng trưởng của cơ thể bao gồm hai nhóm chính.

Các phương pháp vi thể quan tâm đến các quá trình diễn ra ở tế bào và mô chịu trách nhiệm tăng trưởng.

Các phương pháp đại thể quan tâm đến các định lượng sự tăng trưởng. Phép đo sọ trên phim tia X, cùng với phương pháp đo trực tiếp sử dụng ảnh chụp... thuộc nhóm phương pháp đại thể.

Để đánh giá mối liên hệ giữa các phim sọ nghiêng ở hai hay nhiều thời điểm khác nhau của cùng các cá thể trong quá trình phát triển, có hai phương pháp:

1.5.1. Phương pháp so sánh giá trị các đặc điểm nghiên cứu trên các phim đo sọ kế tiếp nhau

Phương pháp so sánh các số đo chiều dài và góc độ trên các phim đo sọ kế tiếp nhau thể hiện:

Phương pháp so sánh các giá trị của phim chụp sọ được sử dụng rộng rãi vì mang tính định lượng cao, dễ so sánh giữa các cá thể,đánh giá được mức độ khác biệt của từng cá thể và của mẫu cũng như so sánh giữa các mẫu ởnhững thời điểm khác nhau của quá trình tăng trưởng. Như vậy, việc so sánh các giá trị của đặc điểm nghiên cứu là nền tảng dữ liệu cơ bản cho các nghiên cứu hình thái. Đây cũng là phương pháp chủ yếu được áp dụng trong nghiên cứu này.

Bất lợi chủ yếu của phương pháp so sánh các giá trị là không phác họa chính xác những thay đổi thật sự của cấu trúc sọ mặt – răng, chỉ phản ánh những thay đổi tương đối giữa các điểm mốc đặc biệt của các xương trên phim sọ nghiêng. Tuy nhiên, nếu đo đạc và tính toán được nhiều góc, đường thẳng và tỷ lệ, có thể có được những hiểu biết về sự thay đổi của phức hợp sọ – mặt – răng.

Phương pháp này không miêu tả sinh động và chính xác được những thay đổi mà chỉ phản ánh được những thay đổi tương đối về lượnggiữa các điểm mốc giải phẫu của các xương trên hình ảnh nhìn nghiêng của phim tia X, cũng như phản ánh sự kết hợp thay đổi tổng quát giữa kích thước đầu – mặt và kích thước cơ thể. Tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng phương pháp này lại tốn nhiều thời gian, không thực tế về áp dụng lâm sàng vì phải tập hợp rất nhiều sốđo chiều dài, góc độ và tỷ lệ của các phần, các vùng của phức hợp sọ – mặt – răng mới có thể có được một cái nhìn chung về chiều hướng (tăng, giảm) và mức độ thay đổi, nhất là không thích hợp cho từng trường hợp riêng lẻ. Phần lớn các giá trị trung bình được tính thành các chỉ số về tốc độ, mức độ, chiều hướng tăng trưởng được sử dụng trong nghiên cứu dọc, thích hợp cho nghiên cứu tìm tòi những đặc điểm chung có tính đại diệncho một nhóm, một cộng đồng dân số, không đi vào từng cá thể riêng lẻ [3].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi bước đầu áp dụng phương pháp so sánh giá trị các đặc điểm nghiên cứu trên các phim đo sọ kế tiếp nhau để mô tả hướng của sự tăng trưởng.

1.5.2. Phương pháp chồng phim sọ

Phương pháp chồng phim sọ được thực hiện trên cơ sở đã thực hiện phương pháp so sánh các giá trị, nhằm mục đích xác định những vị trí và chiều hướng của thay đổi của các vùng thuộc phức hợp sọ – mặt – răng [3].

Phim sọ theo từng cặp thời điểm được chồng lên nhau theo các mặt phẳng hay điểm mốc giải phẫu tham chiếu và ghi nhận vị trí của các điểm, các vùng ở hai thời điểm với nhau, xác định định tính thay đổi tương đối của phức hợp sọ – mặt – răng so với điểm mốc hoặc mặt phẳng tham chiếu [109].

Các phim sọ phải được chồng lên nhau dựa theo các điểm hay đường tham chiếu “ổn định”. Tuy nhiên, không dễ dàng nhận biết các vùng “ổn định” của phức hợp sọ – mặt – răng, nghĩa là không thay đổi trong quá trình tăng trưởng của phức hợp sọ – mặt – răng.

Phương pháp chồng phim cung cấp thông tin về chiều hướng và định vị phát triển quan trọng. Chính vì vậy, cần có các phim chụp sọ kế tiếp nhau theo thời gian, theo cùng điều kiện chuẩn về độ phóng đại, vị trí đầu và tia X; hơn nữa việc chồng các bản vẽ nét phải chính xác. Khi chồng phim nên bắt đầu từ tuổi nhỏ và tăng dần lên hoặc ngược lại. Phương pháp này cho phép quan sát những thay đổi dần dần về hình thể và có nhiều ý nghĩa hơn trong việc định vị chính xác những vùng có sự thay đổi đặc biệt, xác định được chiều hướng tăng trưởng của các điểm mốc, các mặt phẳng được quan sát [39].

Tuy nhiên, phương pháp chồng phim cũng có những hạn chế và khó khăn trong khi thực hiện:

Vì phải dựa vào những mặt phẳng, những điểm mốc tham chiếu để quan sát sự thay đổi vị trí, di chuyển của những điểm mốc, các mặt phẳng khác mà chính những điểm, những mặt phẳng tham chiếu này cũng thay đổi vị trí, cũng di chuyển theo thời gian nên thật khó mà xác định và chọn lựa được những điểm mốc, những mặt phẳng tham chiếu ổn định, ít thay đổi nhất theo thời gian. Hầu hết các mốc dùng để tham chiếu hiện nay là qui ướcvà có thể thay đổi tùy theo tác giả.

Việc nhận xét chiều hướng và mức độ tăng trưởng phụ thuộc vào điểm mốc tham chiếu, vì vậy dễ đưa đến các nhận xét khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Phương pháp chồng phim có thể sử dụng các điểm mốc, đường thẳng, mặt phẳng tham chiếu sau để chồng phim:

Tam giác Broadbent: tam giác Na–S–Bo.

Đường Sella–Nasion: là đường tham chiếu thường được sử dụng và được cho là tương đối ổn định, điểm tham chiếu tại Sella [56].

Tuy nhiên, phương pháp chồng phim sẽ có giá trị hơn trong các năm tiếp sau, khi số lượng phim cho mỗi cá thể được tích lũy đủ nhiều.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự tăng trưởng cấu trúc sọ mặt răng theo phân tích Rickettsở trẻ 12 – 15 tuổi và đánh giá giá trị tiên đoán với giá trị thực tế tại Cần Thơ (Trang 35 - 38)