Cao su được dùng chủ yếu để sản xuất lốp xe, chính vì vậy, những biến động của ngành công nghiệp ôtô có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu tiêu thụ và giá cao su thế giới. Việt Nam đứng thứ 6 về nguồn cung cấp, thứ 5 về khai thác và thứ 4 về xuất khẩu cao su tự nhiên. Những năm gần đây, cao su luôn là mặt hàng quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm tỷ trọng khoảng 2 - 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, Việt Nam xuất khẩu 726.000 tấn cao su, tăng 10,3% so với năm 2008; giá trị đạt 1,2 tỷ USD, giảm 25,2%. Diện tích trồng và sản lượng cao su tự nhiên khai thác của Việt
Nam luôn tăng qua các năm. Tổng diện tích trồng cao su Việt Nam năm 2008 đạt 618.600 héc-ta, năm 2009 tăng thêm 4,8%, lên 648.600 héc- ta.
Năm 2010, nền kinh tế thế giới phục hồi dần, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm. Theo Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), từ năm 2010, nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ tăng trưởng liên tục đến 2019. Trong đó, năm 2010, dự báo mức tiêu thụ cao su thiên nhiên khoảng 10,43 triệu tấn, tăng 8% so năm 2009. Theo đó, giá cả cũng sẽ được cải thiện ở mức thoả đáng theo đà phục hồi của giá dầu thô và cao su tổng hợp, đem lại lợi nhuận tốt cho người sản xuất. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, trong đó lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng luôn được Chính phủ quan tâm. Với đà phát triển chung, nhu cầu về phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, vận hành khai thác nói chung và nhu cầu sử dụng các loại săm, lốp sẽ tiếp tục tăng. Theo Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), từ năm 2010, nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ tăng trưởng liên tục đến 2019.