III. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ GIAO NHẬN HÀNG HÓA QUỐC TẾ TẠI SOTRANS HÀ NỘ
2. Tồn tại và nguyên nhân
2.2. Nguyên nhân
2.2.1. Nguyên nhân chủ quan
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển
Cơ sở vật chất mặc dù được nâng cấp trang bị thường xuyên song vẫn không đáp ứng với nhu cầu phát triển của Chi nhánh. Phương tiện quản lý, hệ thống thông tin liên lạc khá đầy đủ và hiện đại, song các phương tiện và thiết bị phục vụ trực tiếp cho quá trình nghiệp vụ gần như không có. Chi nhánh không sở hữu đội tàu đội xe hay phương tiện bốc dỡ, khi cần thiết đều sử dụng dịch vụ cho thuê của các công ty khác do đó còn chịu sự phụ thuộc về giá cả, đặc biệt trong thời gian cao điểm thì chi phí thuê mướn thường tăng cao ảnh hưởng đến giá thành dịch vụ của Chi nhánh.
Bên cạnh đó hệ thống kho bãi của SOTRANS Hà Nội cũng rất hạn chế. Chi nhánh có nhà kho tại hầu hết các ga cảng như kho Gia Lâm, kho Hải Phòng để phục vụ cho lưu kho bãi chờ hoàn tất thủ tục, song diện tích còn hạn hẹp, phần lớn là thuê chứ chưa sở hữu.
Trình độ nghiệp vụ của nhân viên chưa thật chuyên nghiệp
Đội ngũ nhân viên tuy liên tục được đào tạo và đào tạo lại nhưng vẫn chưa thật thuần thục nghiệp vụ do hoạt động giao nhận vận tải cực kỳ phức tạp đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Bên cạnh nghiệp vụ giao nhận còn phải nắm được kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, hiểu biết luật lệ buôn bán trong nước và quốc tế, tập quán quốc tế về các phương thức vận tải... nên rất dễ gây ra nhầm lẫn sai sót ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như uy tín của Chi nhánh.
Chưa tổ chức tốt công tác sales - marketing
Đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao nhận vận tải như SOTRANS Hà Nội thì công tác sales - marketing thật sự quan trọng. Không chỉ khách hàng tìm đến với SOTRANS mà chính Chi nhánh phải tìm kiếm và phát triển nguồn khách hàng cho mình. Điều này phụ thuộc rất
lớn vào đội ngũ nhân viên sales - marketing. Tuy nhiên theo thống kê hiện nay đội ngũ nhân viên đảm nhận vai trò này của Chi nhánh rất mỏng, chỉ khoảng 10%, quá ít so với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao nhận vận tải nói chung và một doanh nghiệp có quy mô, phạm vi hoạt động rộng như SOTRANS Hà Nội nói riêng. Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ của nhân viên sales - marketing chưa cao, tính nhanh nhạy xử lý công việc chính xác còn kém, chưa có kinh nghiệm, nguồn kinh phí dành cho công tác sales - marketing còn hạn hẹp. Mặc dù công tác sales - marketing đã được Chi nhánh quan tâm song chưa thật đúng mức, chưa đạt hiệu quả mong muốn.
2.2.2. Nguyên nhân khách quan
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam còn lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng Hệ thống giao thông đường bộ chật hẹp chắp vá, mặc dù được Nhà nước đầu tư nâng cấp thường xuyên song vẫn chưa hoàn chỉnh. Hệ thống đường sắt chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, chiều cao của hệ thống cầu đường bộ chưa đạt tiêu chuẩn gây khó khăn cản trở cho việc vận chuyển hàng hóa trong công tác giao nhận làm cho thời gian giao nhận kéo dài, do đó chi phí tăng lên. Hệ thống cảng biển nước ta phần nhiều là nông, hệ thống cầu cảng hẹp, trang thiết bị của cảng biển còn lạc hậu, năng suất xếp dỡ còn thấp, chưa thể tiếp nhận loại tàu có trọng tải lớn.
Sự thiếu nhất quán trong hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước Cụ thể là Luật Hàng hải Việt Nam ra đời từ năm 1990 đến nay, do được xây dựng trong điều kiện cơ chế quản lý đang chuyển từ kế hoạch hoá sang cơ chế thị trường. Do đó còn tồn tại nhiều quan điểm mang nặng tính quản lý tập trung bao cấp, chưa lượng hoá được hết những phạm vi trong lĩnh vực hàng hải và giao nhận hiện nay. Chẳng hạn sự xuất hiện của phương thức VTĐPT. Do đó luật hàng hải cần có sự sửa đổi bổ sung một cách đầy đủ hơn.
Luật Hải quan có tác dụng tích cực song vẫn còn những bất cập như: hệ thống biểu thuế, đặc biệt là thủ tục hải quan còn rườm rà, chi phí ngoài hoá đơn còn nhiều… do đó chi phí giao nhận ở Việt Nam còn khá cao so với các nước khác. Ví dụ như các quyết định miễn thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính chỉ gửi tới Cục hải quan các địa phương, trong khi đó thuế phát sinh khi các doanh nghiệp mở tờ khai hàng nhập khẩu lại ở các Chi cục hải quan. Vì vậy nhiều khi do không nhận được các quyết định miễn thuế kịp thời nên các Chi cục hải quan vẫn yêu cầu các doanh nghiệp phải sớm giải quyết miễn thuế hoặc nộp thuế cho tờ khai đó… Đối với các lô hàng phải trưng cầu giám định Hải quan không chấp nhận kết quả giám định lần đầu đã lưu giữ mà bắt giám định lại… gây tốn thời gian và chi phí thông quan hàng hoá trong hoạt động giao nhận.
Gặp phải sự cạnh tranh gay gắt
Với đà phát triển mạnh mẽ của vận tải và buôn bán quốc tế, các dịch vụ giao nhận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu cũng không ngừng phát triển và ngày càng mở rộng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hơn nữa kinh doanh dịch vụ giao nhận không cần nhiều vốn đầu tư mà vẫn thu được nhiều lợi nhuận. Chính vì vậy mà hàng loạt các công ty đổ xô vào kinh doanh lĩnh vực này làm cho tính cạnh tranh trên thị trường giao nhận hàng hóa quốc tế của Việt Nam ngày càng gay gắt. Hiện nay, tại Việt Nam có trên 200 công ty thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có hơn 54 công ty liên doanh kinh doanh lĩnh vực này. Do đó, để có thể đứng vững và phát triển SOTRANS Hà Nội cần có những đánh giá về đối thủ cạnh tranh trên các phương diện như: mục đích tương lai, chiến lược hiện tại, tiềm năng của đối thủ cạnh tranh là gì?... nắm bắt những điểm mạnh, điểm yếu của họ để từ đó có chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Chúng ta có thể tìm hiểu những nét sơ lược về các công ty được xem là những đối thủ mạnh trên thị trường giao nhận vận tải Việt Nam hiện nay:
• VINATRANS
Là doanh nghiệp nhà nước được hình thành từ những năm 70. Có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa quốc tế và là đại lý cho rất nhiều các hãng giao nhận vận tải quốc tế lớn trên thế giới. Những lợi thế của VINATRANS là:
- Cơ sở vật chất rất hiện đại, có thể được xem như tương đương với các hãng giao nhận vận tải lớn trên thế giới.
- Đội ngũ cán bộ lành nghề, giàu kinh nghiệm.
- Có chi nhánh và văn phòng đại diện tại hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế… bên cạnh trụ sở chính đặt tại Hồ Chí Minh…
• VIETRANS
Là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ thương mại, có trụ sở chính tại Hà Nội. Là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa quốc tế. Trước năm 1986, VIETRANS là tổ chức duy nhất hoạt động trong lĩnh vực giao nhận kho vận ngoại thương phục vụ cho tất cả các công ty xuất nhập khẩu trong cả nước nhưng hoạt động chủ yếu chỉ giới hạn ở các ga, cảng, cửa khẩu. Sau năm 1986, Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế, VIETRANS có cơ hội vươn lên thành một công ty giao nhận quốc tế có quan hệ đại lý rộng khắp trên thế giới và cung cấp mọi dịch vụ vận tải giao nhận kho vận cho mọi khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên VIETRANS cũng mất thế độc quyền trên thị trường giao nhận vận tải quốc tế và bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt cùng các tổ chức kinh tế khác trong ngành. So với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực VIETRANS hơn hẳn về quy mô lẫn thị phần chiếm giữ.
• GEMATRANS
Là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Là công ty tương đối lớn trên thị trường với mạng lưới phủ kín trên phạm vi toàn quốc, chiếm khoảng 20% thị phần giao nhận kho vận nội địa. GEMATRANS là đại gia đáng kể nhất trong làng vận tải container của Việt Nam. Công ty đã liên kết với hãng tàu K - Line của Nhật chở hàng chuyển tải cho hãng tàu Neddloyd (Hà Lan), hãng Hapag Lloyd (Đức), P&O (Anh),
CMA (Pháp), DSR (Đức). Dịch vụ GEMATRANS - K Line nối Hồng Kông, Kaohsiung với thành phố Hồ Chí Minh; trong khi đó dịch vụ GEMATRANS - RCL lại nhắm tuyến Singapore - thành phố Hồ Chí Minh. Một số ưu điểm của GEMATRANS đó là:
- Sở hữu đội tàu quốc tế.
- Phát triển mạnh dịch vụ gom hàng xuất khẩu.
- Tận dụng được vận chuyển hai chiều, đây là thế mạnh nổi bật nhất của GEMATRANS so với các công ty giao nhận khác trong nước…
Sự cạnh tranh gay gắt không chỉ thể hiện giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực giao nhận với nhau mà còn diễn ra giữa các doanh nghiệp giao nhận trong nước và nước ngoài. Thị phần hoạt động của các doanh nghiệp giao nhận vận tải Việt Nam so với nước ngoài còn rất nhỏ bé, năng lực cạnh tranh còn thấp. Khối lượng giao nhận vận chuyển hàng hoá của Việt Nam mới chỉ đảm nhận chưa tới 20% lượng hàng hoá vận chuyển tại Việt Nam, phần còn lại chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận. Một phần là do năng lực phương tiện vận tải, do cách kinh doanh chưa có tính chuyên nghiệp, phần khác là do các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu của Việt Nam thường mua với giá CIF và bán với giá FOB, nên các doanh nghiệp giao nhận vận tải Việt Nam chưa chủ động giành được quyền trong giao nhận vận chuyển hàng hoá.