Thực trạng đa dạng sinh họ cở Việt Nam

Một phần của tài liệu Bảo tồn đa dạng sinh học (Trang 70 - 71)

Việt Nam đã được xem là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học. Do sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên và cũng do đó mà Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao.

Mặc dù có những tổn thất quan trọng về diện tích rừng trong một thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, hệ thực vật rừng Việt Nam vẫn còn phong phú về chủng loại. Theo các tài liệu đã công bố, hệ thực vật nước ta gồm khoảng 11.373 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 1.030 loài rêu, 2.500 loài tảo và 826 loài nấm. Theo dự báo của các nhà thực vật học, số loài thực vật bậc cao có mạch ít nhất sẽ lên đến 15.000 loài, trong đó có khoảng 5.000 loài đã được nhân dân sử dụng làm lương thực và thực phẩm, dược phẩm, làm thức ăn gia súc, lấy gỗ, tinh dầu, các nguyên vật liệu khác hay làm củi đun.

Hệ thực vật Việt Nam có độ đặc hữu cao. Phần lớn số loài đặc hữu này (10%) tập trung ở bốn khu vực chính: khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc, khu vực núi cao Ngọc Linh ở miền Trung, cao nguyên Lâm Viên ở phía Nam và khu vực rừng mưa ở Bắc Trung Bộ. Nhiều loài là đặc hữu địa phương chỉ gặp trong vùng rất hẹp với số các thể rất thấp.

Khu hệ động vật cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 310 loài và phân loài thú, 840 loài chim, 286 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, khoảng 547 loài cá nước ngọt và 2.000 loài cá biển và hàng vạn loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và nước ngọt. Hệ động vật Việt Nam không những giàu về thành phần loài mà còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á.

Cũng như thực vật giới, động vật giới Việt Nam có nhiều loài là đặc hữu: hơn 100 loài và phân loài chim và 78 loài và phân loài thú là đặc hữu. Có rất nhiều loài động vật có giá trị thực tiễn cao và nhiều loài có ý nghĩa lớn về bảo vệ như voi, Tê giác, Bò rừng, Hổ, Báo, Voọc vá, Voọc xám, Trĩ, Sếu, Cò quắm. Trong vùng phụ Đông dương có 21 loài khỉ thì ở Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài đặc hữu của vùng phụ này. Có 49 loài chim đặc hữu cho vùng phụ thì ở Việt Nam có 33 loài, trong đó có 11 loài là đặc hữu của Việt Nam; trong khi Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Hải Nam mỗi nơi chỉ có 2 loài, Lào 1 loài và Campuchia không có loài đặc hữu nào.

Khi xem xét về sự phân bố của các loài trong vùng phụ Đông Dương nói chung, số loài thú và chim và các hệ sinh thái có nguy cơ bị tiêu diệt nói riêng, chúng ta có thể nhận rõ rằng Việt Nam là một trong những vùng xứng đáng có ưu tiên cao về vấn đề bảo vệ. Không những thế, hiện nay ở Việt Nam đang còn có những phát hiện mới rất lý thú. Chỉ trong 5 năm từ 1992 và 1997 đã phát hiện được 6 loài thú lớn và hai loài cá mới cho khoa học.

Về mặt đa dạng sinh thái, các hệ sinh thái của Việt Nam thay đổi từ các kiểu rừng núi cao đến đất thấp, các lưu vực sông, hồ, đầm phá ven biển, đại dương và các hải đảo. Các hệ sinh thái Việt Nam có thể phân thành 3 dạng chính: hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển.

Rừng của Việt Nam chiếm hơn 36% diện tích tự nhiên, đặc trưng cho nhiều hệ sinh thái trên cạn ở Việt Nam, với nhiều kiểu rừng phong phú như rừng thông (chiếm ưu thế ở các vùng

núi cao và cận núi), rừng hổn hợp loại lá kim và lá rộng, rừng lá rộng thường xanh, rừng khô cây họ dầu (rừng khộp) vùng cao Tây Nguyên, rừng khộp địa hình thấp (Đông Nam Bộ), rừng tre nứa ở nhiều nơi.

Hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng và phong phú với 30 kiểu đất ngập nước tự nhiên ven biển và nội địa và 9 kiểu đất ngập nước nhân tạo. Một số kiểu có độ đa dạng sinh học cao như đầm lầy than bùn, rừng ngập mặn ven biển, đầm phá, rạn san hô, rong biển, cỏ biển, vùng biển qunh các đảo ven bờ; đất ngập nước vùng đồng bằng sông Hồng và đất ngập nước đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ sinh thái biển có khoảng 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có tính đa dạng sinh học và năng suất cao. Thành phần quần xã trong hệ sinh thái giàu, cấu trúc phức tạp, nhiều tầng bậc, thành phần loài phong phú.

Đa dạng nguồn gen: điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng với nhiều sinh cảnh khác nhau là cơ sở làm tăng tính đa dạng gen trong bản thân mỗi loài. Việt Nam là một trong 12 trung tâm nguồn gốc giống cây trồng và cũng là trung tâm thuần hóa vật nuôi nổi tiếng của thế giới.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có về sinh giới này có thể đáp ứng những nhu cầu hiện tại và tương lai của nhân dân Việt Nam trong quá trình phát triển, cũng như đã đáp ứng những nhu cầu ấy trong quá khứ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này không những là cơ sở vững chắc của sự tồn tại của nhân dân Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã qua mà còn là cơ sở cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong những năm sắp tới.

Trên phương diện sinh thái, các hệ sinh thái là cơ sở sinh tồn của sự sống, bảo đảm sự lưu chuyển của các chu trình vật chất và năng lượng, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, giảm nhẹ tác hại ô nhiễm và thiên tai.

Trên phương diện kinh tế, đa dạng sinh học đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực của đất nước, duy trì nguồn gen, tạo giống vật nuôi cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.

Trên phương diện văn hóa xã hội, đa dạng sinh học tạo nên các cảnh quan thiên nhiên và đó là nguồn cảm hứng vô tận của nghệ thuật, là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam. Từ ngàn xưa, đời sống văn hóa của người Việt rất gần gũi với thiên nhiên. Nhiều loài cây, con đã trở thành vật thiêng hoặc thờ cúng của đối với các cộng đồng người Việt. Các ngành nghề truyền thống như nhuộm chàm, dệt thổ cẩm, làm hàng mỹ nghệ từ gỗ, tre nứa hay song mây là biểu hiện sự gắn bó của đời sống văn hóa con người Việt Nam đối với đa dạng sinh học.

Các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao cung cấp giá trị vô cùng to lớn cho các ngành giải trí ở Việt Nam với các loại hình du lịch sinh thái đang dần phát triển, hứa hẹn đem lại nhiều giá trị kinh tế và góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và công tác bảo tồn thiên nhiên.

Tuy nhiên, thay vì bảo tồn nguồn tài nguyên này, dưới danh nghĩa phát triển kinh tế, chúng ta đang khai thác quá mức và phí phạm nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều loài hiện đã trở nên hiếm, một số loài có nguy cơ bị diệt vong. Nếu biết sử dụng đúng mức và quản lý tốt, nguồn tài nguyên sinh học của Việt Nam có thể trở thành nguồn tài nguyên tái tạo rất có giá trị, thế nhưng nguồn tài nguyên này đang suy thoái nhanh chóng.

Một phần của tài liệu Bảo tồn đa dạng sinh học (Trang 70 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)