II/ Nâng cao chất lượng dân số
c/ Nâng cao chất lượng dân trí và năng lực xã hội
+)Quy mô, cơ cấu dân số và phân bố dân cư.
Tập trung giải quyết vấn đề quy mô dân số nhằm giảm nhanh tỉ lệ sinh, hướng tới mục tiêu xây dựng quy mô dân số hợp lí, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước để có khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi thành viên trong xã hội. Khuyến khích các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai để giảm tỉ suất sinh và tỉ lệ phát triển dân số.
Giảm tỉ lệ trẻ em phụ thuộc, đặc biệt là trẻ em suy dinh dưỡng sẽ tiết kiệm được chi phí dành cho đầu tư để phát triển kinh tế, đồng thời có điều kiện nuôi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho tương lai bao gồm cả về trí tuệ và thể lực. Với cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động lớn, bên cạnh cố gắng giải quyết thêm việc làm tại chỗ, vấn đề xuất khẩu lao động cũng rất cần được quan tâm.
+) Vấn đề nguồn nhân lực và việc làm.
Sự phát triển kinh tế xã hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. Để có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như quốc tế, để có thể thu hút các nguồn đầu tư, phát huy tiềm năng, phát triển công nghệ, tăng cường nội lực quốc gia không thể không quan tâm tới chất lượng dân số nói chung, chất lượng đội ngũ lao động nói riêng. Chất lượng nguồn nhân lực do công tác giáo dục và chăm sóc sức khoẻ quyết định. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì
phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục, nâng cao sức khoẻ của nhân dân để tạo ra một lực lượng lao động khoẻ mạnh về thể chất, được giáo dục và đào tạo cơ bản, có hệ thống ngay từ khi cắp sách tới trường cho đến khi thành người lao động có học vấn cao, kĩ năng chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội.
Sức ép lớn nhất, trực tiếp nhất của gia tăng dân số là vấn đề việc làm. Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển các đô thị nhỏ, thúc đẩy giao lưu kinh tế- văn hoá giữa nông thôn và đô thị. Từ đó, tạo điều kiện để những người dân sống trên địa bàn nông thôn có thể tham gia lao động, sản xuất trong các ngành nghề phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ngay trên chính quê hương họ theo tinh thần “ly nông bất ly hương”. Đồng thời phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động. Trong điều kiện nguồn nhân lực dồi dào, chưa được đào tạo, chưa có trình độ mà nguồn vốn có hạn, cần có sự lựa chọn các ngành nghề không cần vốn đầu tư lớn, chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp, công nghệ đơn giản, sử dụng lao động thủ công là chủ yếu. Bên cạnh đó cần thúc đẩy các nỗ lực tự tạo việc làm của người dân và thu hút thêm lao động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chủ yếu thông qua các biện pháp khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình. Cùng với điều đó, cần xây dựng, ban hành các chính sách đồng bộ tạo ra môi trường pháp lí thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
+) Nâng cao ý thức về văn hóa, phát triển và bảo vệ môi trường.
Vai trò của văn hóa, của giáo dục nâng cao dân trí, phát triển công tác truyền thông đại chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chiến lược dân số ở nước ta nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Sự phát triển văn hoá nhằm thoả mãn những nhu cầu trí tuệ, tinh thần, tình cảm, tâm linh, thẩm mĩ của mỗi con người, kể cả nhu cầu giao tiếp xã hội, làm cho sự hiểu biết những kiến thức, thông tin của những cá nhân và cộng đồng ngày càng rộng rãi và được nâng cao. Việc thoả mãn các nhu cầu văn hoá cho mọi người sẽ
ngày càng tăng và được thuận lợi trong điều kiện có sự tăng trưởng kinh tế và chiến lược dân số hợp lí. Chúng ta hiểu rằng, giá trị dân số của một nước không phải ở số lượng nhiều mà chủ yếu chất lượng của dân số đó, xét về chất lượng sống của con người và chất lượng của nguồn nhân lực. Hoạt động của con người bị chi phối bởi lợi ích cá nhân cả về mặt vật chất và tinh thần. Khi trình độ dân trí được nâng cao, rõ ràng họ thấy gia đình cần có ít con để nuôi dưỡng chúng được tốt và bản thân cha mẹ có thời gian học tập, nghỉ ngơi và hưởng thụ văn hoá. Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bên cạnh vấn đề rất quan trọng là đào tạo đội ngũ trí thức, chuyên gia khoa học và nghệ thuật, việc mở rộng mạng lưới thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời quan tâm đến việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức cần thiết cho các tầng lớp nhân dân là những khâu then chốt, cấp bách, có hiệu quả.
Cùng với những nỗ lực trên việc bảo vệ môi trường bền vững cũng là một vấn đề cấp bách, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng dân số. Chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ bị suy giảm nghiêm trọng khi tài nguyên bị cạn kiệt và môi trường bị suy thoái. Khi đó quy mô dân số sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng môi trường tự nhiên cũng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về mọi mặt như : sức khoẻ, việc làm, nhà ở, giáo dục…