II/ Nâng cao chất lượng dân số
b/ Chăm sóc sức khoẻ nhân dân
+) Tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế
Mạng lưới y tế được tổ chức rộng khắp từ trung ương đến địa phương, cơ sở xã, phường, thôn bản. Cho phép phát triển các cơ sở y tế ngoài nhà nướcđể bảo đảm người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ đều có thể đến được với các cơ sở y tế. Một hệ thống y tế được thiết lập bao gồm cả phòng bệnh, điều dưỡng, phục hồi, chức năng, sản xuất và cung ứng dược phẩm, dụng cụ y tế. Số lượng cán bộ y tế được tăng cường, hệ thống cơ sở y tế công cộng phải đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến.
+) Bảo đảm công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ
Có chính sách hỗ trợ khả năng chi trả của người dân để bảo đảm sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế, triển khai các chương trình y tế công cộng và thiết lập chính sách kinh tế như hỗ trợ hoặc trợ cấp không thu tiền thuốc phòng chống dịch, thuốc chữa các bệnh xã hội, các vắcxin phục vụ tiêm chủng mở rộng, hỗ trợ phí vận chuyển muối iốt, thuốc tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa và có chính sách cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cần đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ thiết yếu với các chương trình phòng bệnh, giáo dục truyền thông…
+) Cung cấp, bảo đảm chất lượng và số lượng dịch vụ.
Các chương trình y tế cộng đồng được triển khai như chương trình tiêm chủng mở rộng, cung cấp thuốc thiết yếu, các chương trình sức khoẻ sinh sản, phòng chống sốt rét, bướu cổ, phong, lao, mù, loà…và các chuyên ngành dịch vụ
như khám chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng. Nhiệm vụ của các tuyến y tế được phân định phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, trong đó tuyến huyện, xã, thôn bản có nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tuyến tỉnh là tuyến chăm sóc căn bản và tuyến trung ương là tuyến chuyên khoa sâu. Bên cạnh đó Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi trợ giúp quốc tế để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế, cải thiện tình trạng xuống cấp và lạc hậu về trang bị cho các cơ sở y tế. Đồng thời Bộ y tế cần chú trọng chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ và quy chế chuyên môn tại các cơ sở y tế.
+) Luật pháp hoá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy phạm pháp luật
Việc bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ cần được thể chế hoá
thành các văn bản luật và dưới luật. Điều này sẽ góp phần tăng cường pháp chế y tế, thực hiện luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Công tác thanh tra xét khiếu tố, thanh tra chuyên ngành đối với các khu vực công và hệ thống tư nhân đã góp phần chấn chỉnh các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm quyền lợi người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách chăm sóc sức khoẻ của nhân dân sẽ góp phần thiết thực trong việc đẩy lùi, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, hướng vào phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng dân số ngày một tốt hơn.
Các chính sách để chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số nhằm vào 3 mục tiêu:
Thứ nhất, giải quyết những nguyên nhân căn bản gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng dân số, bằng cách làm giảm mức độ của các yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khoẻ và ngăn chặn chúng xuất hiện trong tương lai như cải thiện môi trường sống, điều kiện lao động, giảm nạn thất nghiệp, chống hút thuốc lá và chống dùng các chất gây nghiện, ngăn chặn các tệ nạn xã hội…
Thứ hai, giảm thiểu các tổn thất về sức khoẻ do các yếu tố nguy cơ gây ra qua việc giúp đỡ nhân dân chủ động phòng ngừa bệnh tật.
Thứ ba, bảo đảm mức độ và chất lượng chăm sóc y tế, đáp ứng nhu cầu đang
tăng lên cũng như sự phức tạp của bệnh tật.
Như vậy, các chính sách và biện pháp chủ yếu để thực hiện quyền bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số là sự cam kết chính trị với những nỗ lực và giải pháp đa ngành, sự tăng cường đầu tư (từ các nguồn tài chính đa dạng) hợp lí, tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế, bảo hiểm y tế; điều kiện kinh tế của xã hội, mức thu nhập, nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ, cùng với sự tham gia chủ động và tự nguyện của người dân trong chăm sóc sức khoẻ.