Tập trung hướng đối tượng và hướng không gian

Một phần của tài liệu Ứng dụng mạng HTM và mạng ngữ nghĩa để nhận diện đối tượng phức trong ảnh (Trang 30 - 32)

Các ngành khoa học hành vi của sự tập trung trong thị giác đã chỉ ra hai trạng thái khác nhau trong quá trình nhận diện của con người. Trạng thái thứ nhất liên quan tới không gian và trạng thái thứ hai liên quan tới các đối tượng. Chúng được xem là những đơn vị của sự tập trung thị giác, thể hiện đích đến của sự tập trung thị giác hướng tới.

Trạng thái hướng không gian

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tập trung chọn những vùng không gian độc lập của đối tượng mà nó chứa. Sự tập trung giống như một vùng chiếu sáng đến một vùng của không gian. Những đối tượng rơi vào vùng này sẽ được xử lý; những đối tượng bên ngoài

thì không được xử lý [14]. Cụ thể, các tín hiệu sẽ được chọn lựa từ các vị trí trong không gian thị giác [10]. Các bằng chứng của trạng thái này có được từ rất nhiều nguồn, kể cả các yếu tố tiền tập trung trong không gian. Khi đó một tín hiệu bất chợt xảy ra sẽ làm thay đổi thứ tự tập trung ở một vùng của thị giác. Người quan sát nhận diện được mục tiêu xuất hiện ở những vị trí đã được xác định trước sẽ nhanh hơn ở những vị trí chưa được xác định. Khái niệm về trạng thái hướng không gian của sự tập trung thường liên quan đến khái niệm về vùng sáng (spotlight), ở đó sự tập trung chỉ hoạt động tại vùng được chiếu sáng trong khu vực thị giác. Gần đây khái niệm về zoom-lens được Eriksen [11] đề xuất, ông chỉ ra rằng các khu vực không gian được sự tập trung nhận diện có các kích thước khác nhau.

Trạng thái hướng đối tượng

Người ta đã tìm được những bằng chứng chứng minh sự tập trung được hướng tới các thông tin có tổ chức tương tự như một đối tượng hoặc một cấu trúc được tổ chức có logic trong môi trường. Ngay cả khi các đối tượng đó bị trùng lắp lên nhau trong không gian hoặc không liên tục trong không gian. Tất cả các đặc trưng của một đối tượng đang hiện diện trong khu vực thị giác được xử lý đồng thời. Các đặc trưng này được xử lý nhanh và chính xác hơn so với các đặc trưng của những đối tượng không có trong khu vực thị giác. Duncan [12] có một thử nghiệm nổi tiếng về vấn đề này. Một người quan sát được yêu cầu trả lời các cặp đặc trưng được đưa ra. Kết quả cho thấy người quan sát trả lời các cặp đặc trưng của cùng một đối tượng (ví dụ, chiều cao và hình dạng của một cái hộp) chính xác hơn cặp đặc trưng của các đối tượng khác nhau (ví dụ, chiều cao của cái hộp và độ nghiêng của đường thẳng). Ông kết luận sự chính xác này không phải có được từ các đặc trưng không gian bởi vì các cặp đối tượng này được đặt trùng lắp nhau trong không gian. Hơn thế nữa, sự chính xác này cho thấy có sự chuyển đổi sự tập trung từ đối tượng này sang đối tượng khác. Nghiên cứu của Vecera và Farah [13] cũng cho thấy rằng nếu hai đối tượng không trùng lắp nhau trong không gian thì sự chính xác là ngang nhau trong hai trường hợp trên. Họ kết luận rằng các yếu tố không gian không giữ vai trò gì trong quá trình diễn ra sự tập trung hướng đối tượng.

Mối quan hệ giữa hướng đối tượng và hướng không gian

Các nghiên cứu này đều công nhận rằng cả hai trạng thái của sự tập trung cùng tồn tại trong hệ thống thị giác và chúng tác động qua lại. Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu tiếp tục chỉ ra mối quan hệ giữa hai trạng thái nhận diện này, trong đó một trạng thái có xu thế quan trọng hơn trạng thái còn lại. Ví dụ, Lavie và Driver [15] giả thuyết rằng trạng thái hướng không gian xảy ra trước rồi mới tới trạng thái hướng đối tượng. Các học thuyết khác lại cho rằng trạng thái hướng đối tượng xảy ra trước trạng thái hướng không gian. Trong đó đầu ra của quá trình gom nhóm tiền tập trung sẽ ảnh hưởng đến quá trình tổ chức của sự tập trung hướng không gian.

Một phần của tài liệu Ứng dụng mạng HTM và mạng ngữ nghĩa để nhận diện đối tượng phức trong ảnh (Trang 30 - 32)