III. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
2. Định hướng cách học
Kiến thức khoa học nói chung và sinh học nói riêng đang gia tăng mạnh mẽ, do vậy làm thế nào để với một thời lượng rất hạn chế mà HS vẫn nắm bắt được những kiến thức cốt lõi và cập nhật của môn học. Tốt nhất là cần đổi mới cách dạy và cách học. HS phải chủ động trong việc chiếm lĩnh kiến thức không thụ động chép và ghi nhớ kiến thức trong SGK hay lời giảng của GV. Vì vậy, SGK được biên soạn theo hướng giúp HS tự học, tự tìm tòi khám phá với sự trợ giúp của GV. Nội dung và cách trình bày của SGK cũng góp phần giúp HS học tốt, yêu thích môn học. Những ý tưởng này được thể hiện qua:
- Tăng kênh hình, tranh ảnh minh hoạ : giúp HS dễ nắm bắt kiến thức.
- Tăng tính hấp dẫn của môn học : SGK cố gắng đưa các ảnh chụp từ tự nhiên để minh hoạ kèm theo các sơ đồ nhằm làm sáng tỏ các hình khi cần thiết.
- Mục “Em có biết ?” cung cấp thêm những sự kiện lí thú và bổ ích mà chương trình chính khoá không có điều kiện giới thiệu.
- Liên hệ với thực tiễn đời sống : Những vấn đề có thể gắn liền kiến thức trong các bài với việc bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường ... đều được triệt để vận dụng và khai thác để HS tăng thêm hứng thú và thấy được các kiến thức đã học thực sự có ích cho bản thân.
- Giúp HS rèn luyện kĩ năng tư duy khoa học : Trong từng bài SGK chú trọng rèn luyện cho HS những kĩ năng như quan sát, tiến hành thực nghiệm, phân loại, khái quát, suy luận, ... Điều này được thể hiện qua các cách như :
+ HS quan sát tranh, ảnh, sơ đồ, ... trong SGK, rồi rút ra kết luận cần thiết.
+ Hướng cho HS giải quyết vấn đề : Các vấn đề thực tiễn được đưa ra trong SGK đòi hỏi HS tự mình vận dụng kiến thức hay trao đổi nhóm để tìm cách giải quyết.
+ Hướng dẫn HS cách xử lí thông tin : Các câu hỏi “tại sao, làm thế nào ?” luôn được đặt ra cho HS trong từng bài học của SGK giúp các em có thói quen xử lí thông tin để hiểu thấu đáo các khái niệm, nhờ đó ghi nhớ sâu hơn, rèn luyện cách thu thập thông tin và làm việc khoa học.
- Học theo hướng tích hợp : Tích hợp các môn học nói chung. Sinh học là khoa học đa ngành, muốn hiểu được sâu sắc các khái niệm cơ bản của môn học cũng như lí giải được các hiện tượng của sự sống cần phải nắm được các khái niệm của các khoa học khác như toán, vật lí, hoá học. Vì suy cho cùng thì mọi hiện tượng sống đều do các chất hoá học cấu tạo nên. Chẳng hạn đặc tính hoá học của các nguyên tử quy định đặc tính của các phân tử và đến lượt mình đặc tính lí hoá của các phân tử tạo nên tế bào lại quy định các đặc tính sinh học của tế bào ...
- Tích hợp các phân môn của Sinh học: Sinh học bao gồm nhiều phân môn, phải làm sao để HS có thể nắm bắt các kiến thức của phân môn này một cách hệ thống và có thể vận dụng một cách linh hoạt. Cách tốt nhất phải biết sử dụng những chủ đề cốt lõi để liên kết các phân môn lại với nhau tạo nên một hệ thống kiến thức hoàn chỉnh. Chẳng hạn như cấu trúc phù hợp với chức năng. Nếu nắm được
cấu trúc thì có thể suy ra chức năng và ngược lại. Hoặc dùng chủ đề tiến hoá để liên kết các lĩnh vực khác nhau của Sinh học. Thế giới sống liên tục tiến hoá tạo nên các đặc điểm thích nghi của các dạng sống ...