Khi gắn hát Đúm với du lịch văn hóa địa phương, bên cạnh việc lưu giữ lại những yếu tố nguyên gốc của hát Đúm, những nhà quản lý văn hóa và những người làm du lịch nên nghiên cứu kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại để hát Đúm có thể phục vụ tốt cho du lịch văn hóa của địa phương với tư cách là một sản phẩm văn hóa. Chẳng hạn, có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch bằng hai lối trình diễn khác nhau, đó là lối trình diễn theo truyền thống và trình diễn theo hình thức “dân tộc hiện đại”. Với lối trình diễn truyền thống, có thể phục dựng lại không gian xưa của hát Đúm với trang phục và hình thức trình diễn truyền
thống. Với lối trình diễn hiện đại, có thể tạo không gian mới cho hát Đúm, xây dựng kịch bản và trình diễn theo hình thức sân khấu hóa hoặc dàn dựng hát Đúm theo hình thức hoạt cảnh.
Tiểu kết chương 3
Dựa trên lý thuyết biến đổi văn hóa trong xã hội công nghiệp hiện đại, chúng tôi đã trình bày toàn bộ khảo sát của mình về sự phục hồi, biến đổi và tồn tại của hát Đúm trên một địa bàn tiêu biểu là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trong đó ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và ễ là địa phương hạt nhân.
Hát Đúm ở Thủy Nguyên, Hải Phòng đã phục hồi theo mô hình tân truyền thống (kết hợp giữa yếu tố truyền thống với yếu tố mới). Tuy nhiên, từ những hình thức phục hồi hát Đúm hiện nay ở Thủy Nguyên đã và đang đặt ra một số vấn đề, đặc biệt là sự biến đổi giá trị của hát Đúm trong xã hội hiện đại, vấn đề khó hòa đồng giữa hai thế hệ trong sinh hoạt ca hát, đội ngũ người hát hiện nay trong các Câu lạc bộ hết là những người thuộc lớp trung niên và cao tuổi.
Trên cơ sở thực tế tồn tại của hát Đúm, chúng tôi đã nêu ra một số ý kiến đề xuất của người nghiên cứu về việc bảo lưu và thực hành hát Đúm trong xã hội hiện đại.
KẾT LUẬN
1. Việc đưa ra một định nghĩa rõ ràng về đối tượng nghiên cứu giúp chúng tôi xác định những dấu hiệu bản chất của hát Đúm và phân biệt nó với những loại hình dân ca đối đáp nam nữ khác.
2. Chúng tôi đã nêu giả thuyết hát Đúm có nguồn gốc từ loại hình hát Ví bằng thơ lục bát phổ biến trong đời sống người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ vào cuối thế kỷ XV căn cứ vào một số biểu hiện tương đồng giữa hai loại hình dân ca này trên phương diện diễn xướng, thể thơ sử dụng trong lời ca, nội dung lời ca vv... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ ra những nét khác biệt cơ bản giữa hát Đúm với hát Ví.
3. Kết quả khảo sát về không gian và thực trạng của hát Đúm hiện nay cho thấy: Trong quá khứ (từ năm 1945 trở về trước), hát Đúm là một loại hình dân ca có vị trí phổ biến trong đời sống của người Việt ở các địa phương thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ nhưng từ thời điểm sau năm 1945 trở lại đây nó đã mai một và mất dần ở nhiều địa phương. Hiện nay, hát Đúm chỉ còn ở một số địa phương ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó, nơi đậm đặc nhất là ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
4. Nghệ thuật hát Đúm được luận án khảo sát ba yếu tố cơ bản: Phương thức diễn xướng, lời ca, âm nhạc và mối quan hệ giữa âm nhạc với lời ca.
- Phương thức hát chủ đạo trong hát Đúm là đối lời. Bên cạnh cách hát thuần túy (tức là không kèm theo các động tác múa và nhạc cụ đệm theo), trong hát Đúm ở trung du còn sử dụng đạo cụ kèm theo là quả Đúm. Phương thức này mang lại sự độc đáo và nét khác biệt giữa hát Đúm với những loại hình dân ca đối đáp nam nữ khác của người Việt.
- Thông qua việc khảo sát và phân tích những văn bản lời ca hát Đúm, chúng tôi đã chỉ ra một số yếu tố nghệ thuật trong lời ca như thể thơ và niêm luật thơ; các kiểu phân ngắt nhịp thơ từ đó hình thành tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc; yếu tố thời gian và không gian nghệ thuật.
- Nội dung lời ca hát Đúm mở ra rất rộng nhưng nó luôn được đề tài tình yêu dẫn dắt và bao trùm. Lời ca còn mang những ý nghĩa hội nhất định, đặc biệt nó lôi kéo và thu hút được nhiều người (cả chủ thể diễn xướng và người nghe) trong sự đồng tình, đồng cảm, cùng hướng tới khát vọng về tình yêu, cuộc sống.
- Thang âm phổ biến trong hát Đúm là thang 3 âm với hai dạng cấu trúc phổ biến là 5.2 và 7.3. Sự xuất hiện của một số loại thang âm khác như thang 4 âm, 5 âm góp phần tạo thêm sự phong phú cho âm nhạc hát Đúm.
- Phương thức phát triển giai điệu điển hình là lặp lạiâm điệu đồng dạng. Bên cạnh đó, trong một số bài hát Đúm ở Hải Dương xuất hiện kiểu biến hóa âm điệu tạo thêm sự sinh động cho giai điệu nhưng trong tổng thể hát Đúm ở vùng châu thổ Bắc Bộ, phương thức này không phổ biến.
- Thủ pháp phổ thơ điển hình của hát Đúm là vận lời thơ. Bên cạnh đó, trong hát Đúm ở ven biển (Thủy Nguyên, Hải Phòng và Quảng Yên, Quảng Ninh) còn có hiện tượng dị biệt đó là kiểu kết hợp trái qui luật thông thường giữa thanh điệu thơ với cao độ nhạc âm tạo nên một nét riêng.
5. Chúng tôi đã chỉ ra một số ý nghĩa nổi bật của hát Đúm trong xã hội cổ truyền. Như nhiều loại hình dân ca đối đáp nam nữ khác của người Việt và các tộc thiểu số ở Việt Nam, hát đối đáp nam nữ trong hát Đúm, ngoài mục đích giao duyên, tỏ tình của trai gái, còn là một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu nhân đa vật thịnh phổ biến trong xã hội nông nghiệp cổ truyền. Với tư cách là một loại hình nghệ thuật, hát Đúm có ý nghĩa rèn luyện khả năng vận dụng, trau dồi làn điệu, sáng tạo thơ ca cho thanh niên nam nữ trong xã hội cổ truyền. Những cuộc hát trong hội làng còn là một sân chơi mở cho thanh niên nam nữ và cộng đồng bởi tính tự do, tính ngẫu hứng và sự uyển chuyển, không “bất di bất dịch” của “luật chơi” trong hát Đúm.
6. Từ một trường hợp tiêu biểu đó là hát Đúm ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, chúng tôi đã khảo sát sự phục hồi, tồn tại và biến đổi của hát Đúm trong xã hội hiện đại. Trong quá trình phục hồi hát Đúm ở Thủy Nguyên, đã và đang đặt ra một số vấn đề, đặc biệt là sự biến đổi có tính tất yếu về giá trị của loại hình dân ca này trong xã hội công nghiệp hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ ra một vấn đề đáng lưu tâm hiện nay đó là: Ở những địa phương trước kia đã từng có hát Đúm nhưng nay đã mất thì công việc khôi phục và bảo tồn loại hình dân ca này là khó thực hiện. Việc bảo tồn hát Đúm chỉ có thể thực hiện được ở những nơi nó còn đang hiện hữu trong đời sống văn hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên, công việc bảo tồn và phát huy hát Đúm
ở những địa phương này còn là vấn đề cần nghiên cứu, xem xét để có những phương cách đúng đắn và phù hợp.
Là một hiện tượng văn hóa của quá khứ để lại, trong thời gian gần đây, tuy đã sống lại trong xã hội hiện đại nhưng hát Đúm đã có những biến đổi. Sự biến đổi của loại hình dân ca này không nằm ngoài qui luật của biến đổi văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng đô thị hóa đang bùng nổ và diễn ra ở khắp các làng quê thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ. Để tiếp tục duy trì hát Đúm truyền thống trong xã hội hiện đại, những người dân Thủy Nguyên đã sáng tạo một số hình thức trình diễn hát Đúm mới nhưng không làm biến dạng hoàn toàn hát Đúm truyền thống.
7. Những vấn đề chủ yếu mà chúng tôi đã đặt ra và giải quyết trong luận án là: Nêu bật diện mạo của một loại hình dân ca cổ ở vùng châu thổ Bắc Bộ mà người Việt đã sáng tạo cùng với quá trình hình thành, phát triển, mai một trong quá khứ và phục hồi, biến đổi, tồn tại trong xã hội hiện đại.
Với những kết quả thu được trong luận án, có thể đi đến một nhận định rằng: Trong quá khứ, hát Đúm đã từng là một loại hình dân ca đối đáp nam nữ phổ biến. Nó đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức và sáng tạo thơ ca dân gian, nhu cầu giao lưu, kết bạn, bày tỏ tình cảm của nam nữ thanh niên trong xã hội cổ truyền. Giá trị văn hóa tiêu biểu của hát Đúm là Tính phổ cập, tính cộng đồng và tính dân dã. Trong xã hội hiện đại, chúng ta không phủ nhận một sự thật hiển nhiên đó là: Như nhiều loại hình dân ca khác sinh ra trong lòng xã hội cổ truyền, khi xã hội chuyển đổi, hát Đúm đã biến đổi về giá trị nhưng loại hình dân ca này không mất đi mà nó vẫn đồng hành với cuộc sống hôm nay. Hát Đúm hiện nay tồn tại chủ yếu do nhu cầu văn hóa của người dân ven biển (Thủy Nguyên, Hải Phòng và Quảng Yên, Quảng Ninh).
Chúng tôi cho rằng, hiện nay nếu các địa phương đang lưu giữ hát Đúm biết quan tâm khai thác và phát huy những giá trị tiêu biểu của nó thì hình thức hát đối đáp vẫn là một phương thức rèn luyện khả năng ứng khẩu cho thanh thiếu niên. Nội dung lời ca của những loại hát như “hát đố”, “hát họa” vv... vẫn là những bài học giáo dục và trau dồi kiến thức về đời sống xã hội cho giới trẻ. Nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này, chúng ta sẽ có những phương cách bảo tồn và thực hành hát Đúm một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sáng tạo văn hóa truyền thống của người dân ở những địa phương đang đang lưu giữ loại hình văn hóa phi vật thể này.