Các nhân tố ảnh hưởng đến huy động vốn của công ty cổ phần.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường hoạt động huy động vốn tại Công ty cổ phần xây lắp Bưu điện Hà Nội (Trang 25 - 29)

Công ty cổ phần có thể lựa chọn hình thức huy động vốn cho mình theo các cách thức ở trên, nhưng trước khi đi đến quyết định doanh nghiệp phải xem xét thật kỹ lưỡng những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn, từ đó đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất, với mỗi công ty cổ phần thì các nhân tố ảnh hưởng là khác nhau nhưng có thể chỉ ra những nhân tố sau:

Trước tiên là những nhân tố khách quan:

Trạng thái nền kinh tế: Tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào trạng thái nền kinh tế. Nền kinh tế trong thời kỳ hưng thịnh thì doanh nghiệp có thể huy động được nhiều lợi nhuận và đầu tư vào mở rộng sản xuất, nền kinh tế hưng thịnh cũng làm cho các nhà đầu tư muốn đầu tư nhiều hơn vì thế khả năng huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay vay từ các ngân hàng thương mại có triển vọng lớn. Ngược lại, nền kinh tế trong tình trạng suy thoái thì việc huy động vốn bằng phương thức nào cũng khó khăn.

Lạm phát: Lạm phát ảnh hưởng rất lớn đến phương thức huy động vốn của công ty cổ phần thông qua thị trường tài chính. Khi mức lạm phát trên thị trường cao thì trái phiếu có lãi suất cố định và cổ phiếu ưu đãi không có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, do đó nếu công ty sử dụng hai loại chứng khoán này để huy động vốn thì sẽ thất bại, vì vậy, giải pháp tốt cho công ty là phát hành cổ phiếu thường để huy động vốn. Mặt khác, nếu lạm phát được dự tính trong tương lai cao hơn mức hiện tại thì doanh nghiệp nên tìm kiếm các nguồn tín dụng ngân hàng vì chúng thường có lãi suất cố định, như vậy có thể giảm được chi phí sử dụng vốn trong tương lai của doanh nghiệp.

Môi trường canh tranh: Cạnh tranh ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh và vị thế của doanh nghiệp. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ buộc các doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả để tồn tại, từ đó cũng nâng

cao vị thế của doanh nghiệp, đó là điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn từ lợi nhuận cũng như từ thị trường bên ngoài.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước: Chính sách, pháp luật của Nhà nước là cơ sở pháp lý cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Việc đưa lãi vay vào chi phí của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của một số nước chính là Nhà nước đã khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vốn vay. Hay việc miễn giảm thuế cho các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho công ty cổ phần đẩy mạnh hơn việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu với mục đích huy động vốn.

Lãi suất thị trường: Lãi suất trên thị trường là một nhân tố quan trọng quyết định sự lựa chọn phương thức huy động nợ hay huy động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nếu lãi suất trên thị trường thấp và doanh nghiệp thấy rằng suất sinh lời của dự án đầu tư đáp ứng được việc chi trả lãi vay, thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương thức huy động nợ vì theo các nhà tài chính chi phí của sử dụng nợ thấp hơn chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu. Nếu lãi suất trên thị trường quá cao, doanh nghiệp sẽ huy động từ lợi nhuận giữ lại là chủ yếu. Nếu lãi suất trên thị trường có xu hướng không ổn định thì việc lựa chọn các công cụ có lãi suất biến đổi để huy động vốn sẽ thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn.

Chi phí phát hành chứng khoán: Chi phí liên quan đến phát hành chứng khoán bao gồm: Chi phí hoa hồng cho người bảo lãnh, chi phí phân phối chứng khoán, chi phí in ấn chứng khoán …đều tác động đến huy động vốn của công ty cổ phần. Thông thường, chi phí phát hành cổ phiếu thường cao hơn chi phí phát hành trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi, vì thế nếu công ty cổ phần có hệ số nợ ở mức thấp và trung bình thường chọn trái phiếu để huy động vốn. Trong nhiều trường hợp, nếu chi phí phát hành quá cao mà công ty cổ phần không nhất thiết phải phát hành chứng khoán thì công ty sẽ lựa chọn huy động từ ngân hàng thương mại.

Bên cạnh những nhân tố khách quan là những nhân tố mang tính chất chủ quan:

Doanh thu và lợi nhuận của công ty cổ phần: Nếu tình hình kinh doanh của công ty chưa ổn định, doanh thu và lợi nhuận có sự thay đổi bất thường, trong trường hợp này huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu thường là hợp lý hơn so với đi vay. Vì nếu vay vốn thì độ rủi ro của việc huy động vốn mà trả lợi tức cố định là khá cao. Nếu doanh thu và lợi nhuận của công ty là ổn định và mức tăng lên trong tương lai được đánh giá là tương đối chắc chắn, thì việc huy động nợ là hợp lý và có cơ sở .

Khả năng tài chính của công ty: Là việc công ty có thể huy động từ lợi nhuận để lại chiếm bao nhiêu nhu cầu cần huy huy động cho đầu tư và cần huy động từ bên ngoài bao nhiêu, từ đó công ty sẽ đưa ra kế hoạch phát hành bao nhiêu chứng khoán hay vay ngân hàng bao nhiêu…

Tình hình tài chính của công ty: Tình hình tài chính hiện tại của công ty là yếu tố quan trọng cần phải cân nhắc khi đưa ra quyết định huy động vốn. Trong đó, kết cấu vốn (tỷ trọng giữa nợ và vốn chủ sở hữu) là vấn đề rất trọng yếu vì nó quyết định chi phí vốn bình quân của doanh nghiệp hay là chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra khi sử dụng thêm một đồng vốn. Chi phí này được xác định như sau:

Chi phí vốn bình quân (WACC) = (Nợ/Tổng vốn) x Chi phí nợ vay sau thuế +( Vốn chủ sở hữu/Tổng vốn) x Chi phí vốn chủ

Việc tính chi phí vốn sẽ giúp doanh nghiệp có huy động vốn hay không và huy động vốn dưới hình thức nào để chi phí vốn là nhỏ nhất. Mặt khác, nếu hệ số nợ của công ty ở mức cao hơn so với các doanh nghiệp trong ngành thì việc huy động vốn chủ sở hữu là hợp lý hơn huy động nợ. Các chỉ tiêu tài chính cũng là vấn đề mà công ty phải quan tâm trong đó quan trọng nhất là các tỷ suất thanh toán, nếu các tỷ suất thanh toán của công ty ở mức cao hơn so với mức bình quân trong ngành thì việc huy động nợ là khá dễ dàng vì ngân hàng thương mại hay các nhà đầu tư trái phiếu của công ty sẽ yên tâm

hơn khi cho vay. Nếu các chỉ tiêu này thấp hơn mức trung bình của ngành thì công ty chỉ nên huy động vốn chủ sở hữu.

Quyền kiểm soát công ty: Là yếu tố được nhiều công ty cổ phần chú ý. Nếu một công ty coi trọng vấn đề giữ nguyên quyền kiểm soát, đặc biệt là những công mới thành lập, thì không thể tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu, do đó công ty sẽ tìm kiếm các nguồn nợ vay. Nếu công ty không quá coi trọng vấn đề về quyền kiểm soát thì kế hoạch huy động bằng phát hành cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng.

Suất sinh lời của các dự án mà công ty dự định tài trợ: Khi tiến hành bất kỳ một dự án nào công ty cũng phải so sánh suất sinh lời của dự án với chi phí sử dụng của các nguồn vốn, từ đó lựa chọn nguồn vốn tài trợ cho dự án. Nếu suất sinh lời của dự án mà lớn hơn chi phí sử dụng lãi vay và nhỏ hơn chi phí sử dụng vốn chủ thì công ty sẽ huy động nợ để tài trợ cho dự án. Và ngược lại, trong một số trường hợp chi phí vốn chủ thấp hơn suất sinh lời dự án và thấp hơn chi phí lãi vay thì công ty sẽ sử dụng vốn chủ cho dự án.

Mục tiêu của công ty: Một công ty đặt ra mục tiêu tiết kiệm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng doanh lợi vốn chủ sở hữu (ROE) thì công ty đó sẽ sử dụng các phương thức huy động nợ vay. Nếu mục tiêu của công ty là giảm hệ số nợ, nâng cao tỷ suất thanh toán thì công ty sẽ huy động vốn chủ sở hữu thay cho huy động nợ hoặc huy động nợ ít hơn huy động vốn chủ. Trong trường hợp cơ cấu vốn của doanh nghiệp cho phép tăng lợi tức trên một cổ phần (EPS) thì doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều nợ hơn để đạt mức EPS mong muốn, từ đó tăng giá trị cổ phiếu công ty cũng như giá trị công ty.

Tình hình phát triển của công ty trong tương lai: Nếu các nhà quản trị công ty nhận thấy tình hình hoạt động kinh doanh của công ty trong tương lai có chiều hướng sáng sủa thì công ty sẽ sử dụng phương thức huy động nợ vay vì nợ vay sẽ làm EPS hôm nay cao hơn và sẽ đưa công ty vào quỹ đạo phát triển nhanh chóng. Nếu các nhà quản trị e ngại tương lai phát triển của công ty thì phương thức huy động vốn bằng cổ phiếu rõ ràng chiếm ưu thế do có hệ

số thanh toán tốt và EPS vẫn cao trong khi tình hình kinh doanh ở mức độ thấp.

Công ty cổ phần phải đặt quyết định huy động vốn của mình trong mối quan hệ tổng hợp của cả các nhân tố chủ quan và khách quan để có sự lựa chọn phương thức huy động phù hợp nhất.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường hoạt động huy động vốn tại Công ty cổ phần xây lắp Bưu điện Hà Nội (Trang 25 - 29)