Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện được tỷ lệ người dân bị glôcôm ở Nam Định là 2,2% và ở Thái Bình là 2,4% cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Trọng Nhân (2006) là 1,6% ở đối tượng từ 35 - 40 tuổi. Thấp hơn với các kết quả nghiên cứu của Kim J.H. (2011) ở người Hàn Quốc thì tỷ lệ glôcôm là 3,4% và của Anand P ở Ấn Độ là 3,68%.
Tỷ lệ người bệnh ở 2 tỉnh nghiên cứu: tỷ lệ glôcôm góc mở ở Nam Định tương đương với Thái Bình (25,4% và 27,3%). Tỷ lệ này phù hợp với kết quả nghiên cứu của chương trình Phòng chống mù lòa của WHO thực hiện năm 1990 (26,7%). Nhưng so với kết quả nghiên cứu của Kim J.H. (2011) và Bourne (2003) thì kết quả của chúng tôi thấp hơn ( Của chúng tôi 25,4% và 27,3%. Kim J.H là 94,4%; Bourne: 67,0%).
- Các giai đoạn bệnh:
Tỷ lệ mắt ở giai đoạn tiềm tàng, sơ phát ở Nam Định lại thấp hơn so với Thái Bình có ý nghĩa về thống kê (36,2% và 56,1%). Điều này cho thấy người bệnh ở Thái Bình đã đi khám và được phát hiện sớm hơn so với Nam Định.
Trong nghiên cứu này chúng tôi cũng phát hiện tỷ lệ mù lòa do glôcôm ở Nam Định và Thái Bình có tỷ lệ tương đương: 6,4% và 6,5% và cũng phù hợp với tỷ lệ mù lòa chung của Việt Nam là 6,3%.
Nếu so với các kết quả nghiên cứu của các nước trong khu vực như Indonesia (6,6%), Lào (8%), Campuchia (7%), kết quả của chúng tôi tương đương. Nếu so với Malaysia thì kết quả của chúng tôi cao hơn (6,4% và 1,8%). Nhưng nếu so với Myanma thì kết quả của chúng tôi thấp hơn (16% và 6,4%).
- Đặc điểm về tổn thương
Tỷ lệ tổn thương ở 2 tỉnh nghiên cứu tương đối cao: Nam Định 43,5%, Thái Bình 31,4% có thị lực dưới ĐNT 3m. So với kết quả nghiên cứu của Ấn Độ năm 2000 (Dandona) thì tỷ lệ mù lòa do glôcôm là 41,7%.
Một vấn đề có liên quan đến tỷ lệ bệnh glôcôm trầm trọng ít hơn trong cộng đồng là do lực lượng cán bộ chuyên khoa có sự hiểu biết tốt hơn, cao hơn, phát hiện bệnh sớm hơn và điều trị glôcôm hợp lý đã giúp cho tỷ lệ người bệnh glôcôm có nhãn áp cao thấp hơn (Thái Bình 10%, Nam Định 21%).
- Tình hình phát hiện và điều trị bệnh glôcôm ở 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình Theo kết quả nghiên cứu: Nam Định có 28,5% và Thái Bình có 18,6% người bệnh glôcôm chưa được điều trị gì. Tỷ lệ người bệnh chỉ điều trị 1 mắt ở Nam Định là 34,6% và ở Thái Bình là 52,2% cho thấy một liệu trình điều trị glôcôm vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ.
Tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán glôcôm từ trước, trong nghiên cứu của chúng tôi là 71,5% ở Nam Định; 81,4% ở Thái Bình. Kết quả này cao hơn so với kết quả của Dandana (2000) 33,3% [47] và tương đương với kết quả nghiên cứu của Anand (2003) 75% [29]. Tỷ lệ người bệnh ở Thái Bình được chẩn đoán cao hơn so với Nam Định, một phần là do có sự tham gia tích cực của lực lượng cán bộ y tế chuyên sâu về glôcôm trong giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu.