Thành phần cất

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT VÀ ỨNG DỤNG ETHANOL (Trang 72 - 73)

I. Tổng quan về Xăng

I.1.1.3. Thành phần cất

Xăng động cơ là hỗn hợp của nhiều loại hydrocacbon khác nhau, chưa kể một lượng nhỏ các chất phụ gia khác có trong xăng. Mỗi loại hydrocacbon đều có đặc tính hóa lý riêng và nhiệt độ sôi khác nhau. Khi tiến hành gia nhiệt cho một mẫu xăng chưng cất, các hydrocacbon khác nhau sẽ chuyển riêng rẽ từ dạng lỏng sang dạng khí ở những nhiệt độ khác nhau gọi là nhiệt độ sôi. Vì vậy tính chất sôi và bay hơi của xăng thường được đánh giá bằng Tsđ, Tsc và Ts tương ứng với % thể tích chưng cất được trong thiết bị chưng cất tiêu chuẩn. Đối với xăng thương phẩm thì các giá trị của các nhiệt độ này phải được nằm trong một giới hạn nhất định.

Phương pháp xác định thành phần cất của xăng được tiến hành theo tiêu chuẩn ASTM-D86.

Thành phần cất của xăng là phần trăm thể tích thu được theo nhiệt độ trong một dụng cụ chuẩn. Nó là một chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng đến tính năng khởi động, tính năng tạo nút hơi, khả năng đóng băng và khả năng làm loãng dầu bôi trơn…

Ý nghĩa của việc xác định thành phần cất đối với động cơ xăng:

 Ảnh hưởng đến khả năng khởi động.

Nhiệt độ sôi đầu (Tsđ ) là nhiệt độ tại đó thu được giọt lỏng đầu tiên trong ống đo. Nhiệt độ sôi đầu cùng với nhiệt độ tương ứng với 10%, 30% thể tích ảnh hưởng đến tính khởi động của động cơ, khả năng tạo nút hơi và hao hụt nhiên liệu. Khi Tsđ và T10% càng thấp thì lượng nhiên liệu bay hơi càng lớn, động cơ dễ khởi động nhưng nếu thấp quá thì dễ tạo nút hơi làm động cơ hoạt động không ổn định đồng thời gây hao hụt nhiên liệu lớn trong quá trình vận chuyển và tồn chứa.

Nhiệt độ cất 50% (T50% ) là nhiệt độ ứng với 50% thể tích sản phẩm ngưng tụ được. Nhiệt độ 50% biểu thị ảnh hưởng của nhiên liệu đến quá trình làm việc của động cơ khi thay đổi tốc độ. Khi T50% cao tức là nhiên liệu chứa ít hydrocacbon nhẹ nên khi tăng tốc độ động cơ, mặc dù lượng nhiên liệu nạp vào lớn nhưng bốc hơi và cháy không kịp làm giảm công suất, máy yếu và điều khiển khó khăn.

 Ảnh hưởng đến khả năng cháy hết

Nhiệt độ 90% (T90%) là nhiệt độ tương ứng với 90% thể tích thu được, còn nhiệt độ sôi cuối là nhiệt độ cực đại đạt được khi chưng cất. T90% và Tsc đặc trưng cho khả năng cháy hoàn toàn của nhiên liệu. Giá trị T90%, Tsc càng cao chứng tỏ trong xăng chứa nhiều hydrocacbon nặng nên quá trình bay hơi tạo hỗn hợp cháy sẽ khó khăn, phần nhiên liệu không bay hơi và cháy kịp sẽ đọng lại trên thành xilanh, rửa dầu bôi trơn nên tăng quá trình mài mòn máy và giảm độ nhớt của dầu nhờn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT VÀ ỨNG DỤNG ETHANOL (Trang 72 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w