Các bước xây dựng dạng bài tập này:
B1: Chỉ ra các câu, đoạn có chứa từ ngữ hoặc hình ảnh hay, cần giải nghĩa B2: Chỉ ra từ dùng đắt, hoặc hình ảnh hoặc các chi tiết hay trong câu (đoạn) đó
B3: Đưa ra bài tập
B4: Xây dựng đáp án tham khảo
Ví dụ 1: Bài “Hoa học trò”
B1: “Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò...Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên mất màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên cành cây báo một tin thắm: Mùa hoa phượng bắt đầu. Đến giờ chơi, cậu học trò ngạc nhiên trông lên: hoa nở lúc nào mà bất ngờ vậy?”
B2: “Hoa học trò”, “ vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng”
B3: Đặt thành đề bài
Đọc bài văn trên và cho biết: tại sao tác giả lại gọi hoa phượng là “hoa học trò”?
Đáp án tham khảo
Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai không khỏi bồi hồi xúc động mỗi khi hè về, hoa phượng nở. Khi ve kêu xào xạc, cái nắng chan hòa và màu đỏ rực rỡ đến chói lòa của những chùm hoa phượng cứ ngày càng lan ra, lan ra mãi thì cũng là lúc cô cậu học trò nhỏ dậy lên một nỗi niềm không gọi thành tên. Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò, “vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng”khi trên những tán xanh lốm đốm điểm màu thắm tươi rực rỡ của hoa cũng là lúc hè về. Mùa hè đến, phượng nở đồng nghĩa với việc các em sẽ được nghỉ hè, được tung tăng chơi đùa thỏa thích với biết bao dự định cùng gia đình, người thân... nhưng hè đến cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ phải rời xa ngôi trường thân yêu, rời xa bè bạn biết bao gắn bó. Tình cảm của cô cậu học trò vì thế cũng thay đổi giống như màu lá phượng. Chính vì sự gắn bó không gọi thành tên ấy mà hoa phượng còn được gọi với cái tên thân thương là “hoa học trò”. “Hoa học trò ” đã miêu tả rất sâu sắc hình ảnh của những chùm phượng chói lòa, đồng thời cũng miêu tả hết sức sống động nỗi niềm của tuổi học trò mỗi khi phượng rực đỏ.
VD2:Bài “Sầu riêng”
Từ “xông ” trong câu : “còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi” gợi cho em cảm giác gì?
Đáp án tham khảo:
Tác giả dùng từ “xông” trong câu “còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi”. Đây là các dùng từ hay, hết sức độc đáo và cũng rất phù hợp mà không từ nào có thể thay thế được. Ngào ngạt xông vào cánh mũi gây cho ta cảm giác ngạc nhiên bất ngờ, cảm nhận được sự đậm đặc của mùi thơm lan tỏa rất nhiều trong không khí. Nhanh, mạnh và bất ngờ, mùi
thơm ấy “xông” vào cánh mũi của người đứng ngắm sầu riêng, đó cũng chính là cách đón nhận một cách đầy thú vị mùi thơm ấy của tác giả.