A/ Tự Do Ðích Thực Của Con Người (1730) :
Phần này được coi là phần dẫn nhập. Ðoạn mở đầu với lời khẳng định : Chính Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí và tự do, nhờ đó con người có sáng kiến và làm chủ hành vi của mình. Tự do là khả năng hành động hoặc không hành động, làm cái này hay làm cái kia, chọn lựa sự thiện hay sự ác, có thể tăng trưởng tới sự toàn thiện hoặc suy sụp trong tội lỗi. Tự do cũng là nguồn mạch sinh ra khen thưởng hoặc quở phạt, có công hay đáng tội. Khi chọn bất tùng phục hoặc chọn lựa sự ác là ta lạm dụng tự do, và làm cho mình "nô lệ tội lỗi" (x. Rm 6, 17). Trái lại, khi ta càng làm điều thiện, ta càng tự do hơn. Như vậy, con người chỉ thực sự tự do đích thực khi phục vụ điều thiện và phục vụ sự công chính; và tự ấy chỉ đạt tới sự toàn hảo khi họ tìm kiếm Ðấng Tạo _ Hóa và tự nguyện gắn bó với Người. Ðể khẳng định một cách mạnh mẽ, sách Giáo Lý cũng có hai lần dẫn câu khẳng định của Gaudium et Spes số 17 và của thánh Irênê, chống lạc giáo 4, 4, 3.
B/ Tự Do Và Trách Nhiệm :
Ở số 1731, có viết "Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động... nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức". Nhờ có ý chí tự do, con người tự quyết định bản thân. Nhờ tự do, con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi qui hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Tất cả những sự kiện, theo đó chính tự do cấu tạo ra con người hay nhiệm vụ.
Như vậy, có nghĩa là, tới đây chúng ta đứng ở nguồn cội luân lý. Trước hết, bởi vì chỉ có tự do mới cho phép được chọn lựa. Và do đó, có trách nhiệm. Tiếp đến, bởi vì luân lý lấy hạnh phúc của con người như là thượng đích, tức cái đích mà con người mình nhắm tới, nghĩa là sự nảy nở (triển nở) của con người trong tự do. Ðây chính là điểm sáng nối kết tất cả mọi nền luân lý (đọc Ðnl 15, 12-15) x. Th. Rey_Mermet, C.S.S.R. TIN, Nhãn Quan Mới Từ Luân Ly, 1992, quyển I, tập 2 trang 179, Do Phạm Minh Thiện, C.S.S.R dịch).
1. Tầm Quan Trọng Của Lý Trí, Ý Chí, Ý Thức, Quyết Ðịnh
Ở đâu có hành vi tri thức, suy tư, ở đó có hoạt động của não bộ và thần kinh, nhưng không vì thế mà tri thức chỉ là hiện tượng sinh lý. Và ở đó còn phải có quyết định, hành động và áp dụng những định luật sinh cơ lý hóa, nhưng không phải vì thế mà chỉ có tất yếu chứ không có tự do. Bởi vì khi làm gì, người ta cũng thấy mình có thể không làm ; và làm rồi, người ta ý thức trách nhiệm của mình về việc làm đó ; dư luận, cảnh sát và tòa án đều dựa vào những hành động đó để nghĩ về họ.
Nền tảng của hành động tự do là ở ý thức và quyết định. Nên khi anh vì điên dại mà giết người, vì bị trói mà không thể cứu người, thì không ai quy trách nhiệm cho anh cả (SGL 1735).
Nói cách khác, con người chỉ có trách nhiệm khi hành động tự mình. Con người có tự do cũng là con người có trách nhiệm về cách mình sống, nghĩa là có bổn phận làm lành lánh ác (SGL, số 1732). Ðiều nào lành, điều nào ác, thì đôi khi còn tùy theo cách nhìn của mỗi nền văn hóa, tùy theo sự suy xét của mỗi người (SGL, 1735), chứ phân biệt thiện ác thì ai có trí khôn cũng biết : thiện là điều đáng làm, ác là điều phải tránh. Nguyên tắc này bất biến và không thể lật ngược do bất cứ ai, bất cứ dân tộc hay thời đại nào.
Cưỡng bách luân lý không do tôi, vì nó ép xuống từ trên tôi. Lẽ phải không chỉ là điều thuận lý, vì có những điều thuận lý như : 2 với 2 là 4, không phải là điều thiện, điều đáng phải làm. Cưỡng bách luân lý cũng không do dư luận và xã hội, vì đôi khi bổn phận đòi tôi phải đi ngược dư luận và bất chấp cái lợi của tập thể. Cũng không phải do một khống chế bệnh hoạn, vì trách nhiệm giả thiết tự do. Vả lại, còn sắc thái luân lý của cưỡng bách nữa.
Một cưỡng bách khách quan và tuyệt đối như thế chỉ có thể phát xuất tự một Ý chí tuyệt đối, ý chí ấy là một với chính sự thiện, tức là Thiên Chúa. Và chỉ khi nào ý chí của tôi tuân phục Thiên Chúa, làm điều thiện thì tôi mới được tự do đích thực. Ngược lại, lạm dụng tự do làm điều xấu là trở nên "nô lệ cho tội lỗi" (SGL, 1732).
Sống theo tiếng nói lương tâm cũng là sống cho ra người. Nó khiến tôi xứng đáng lên như một con người, khiến tôi leo thang dần về phía cái chính mình lý tưởng của tôi. Xấu hay tốt là do tôi, và khả năng làm nên mình đó khiến tôi đáng được tôn kính như một con người, một bản vị, và đó là nhân phẩm.
2. Vì Ðược Tự Do Nên Có Trách Nhiệm (số 1735).
_ Một khi đã được tự do lựa chọn, thì đương nhiên phải nhận lấy hậu quả sự lựa chọn của mình (số 1732, 1736, 1737). Tự do bao giờ cũng kèm theo trách nhiệm. Trách nhiệm chính là bổn phận phải trả lẽ về việc mình làm và chịu hậu quả của việc làm đó.
_ Con người phải trả lẽ về việc mình làm : a/ Với lương tâm : (số 1736)
Sau mỗi hành vi, lương tâm ta lên tiếng trước hết. Lương tâm xét xử chẳng những các việc ta thực sự đã làm mà cả những việc ta định làm mà không thành. Tuy nhiên, cũng có lương tâm bị lệch lạc
b/ Với tha nhân :
Ta bị dư luận phê phán về các việc mình làm, mặc dầu sự phê phán này nhiều khi có thể rất phiến diện vì chỉ căn cứ vào bề ngoài.
c/ Với Thiên Chúa : (số 1738)
Thiên Chúa là thẩm phán tối cao và không thể sai lầm. Thiên Chúa cho ta sống và hoạt động. Do đó, ta phải trả lẽ trước mặt Ngài về toàn bộ những việc làm trong đời ta, nếu chúng ta sống và làm không phù hợp với thánh ý Chúa. 3. Chỉ Có Trách Nhiệm Khi Ðược Tự Do (số 1734 và 1736. 1738)
_ Thiên Chúa rất công bình. Ngài chỉ buộc ta trả lẽ về những việc chính ta suy tính và tự do quyết định (1738). Trách nhiệm của ta nặng hay nhẹ là tùy ta ý thức và ưng thuận nhiều hay ít. Càng ý thức và càng chủ tâm thì trách nhiệm càng lớn (1735. 1736. 1737).
Cùng phạm một lầm lỗi như mọi người, người Ki-tô hữu có trách nhiệm lớn hơn, vì lương tâm người Ki-tô hữu được giáo dục tinh tế hơn và được ân sủng hỗ trợ nhiều hơn (1735).
_ Trách nhiệm có nhiều mức độ khác nhau :
Trách nhiệm hoàn toàn : các hành vi tự do (biết rõ và chủ tâm).
Trách nhiệm giảm thiểu (hoặc không có trách nhiệm) x. số 1736. Những việc ép buộc phải làm không thể tránh được. Các hành vi do đam mê lôi kéo, các hành vi do tính tình thúc đẩy hoặc do một lối giáo dục sai lạc tạo nên. Các hành vi đó có vì do tập quán xấu. Dĩ nhiên cần tập luyện để chế ngự đam mê, để thay đổi tập quán.
4. Không Có Trách Nhiệm : (số 1735)
Những phản ứng tự nhiên do bản năng. Những hành vi bột phát không kịp suy. Những hành vi xảy đến trong giấc ngủ và giấc mơ. Lầm hoặc vô tình làm.
5. Trách Nhiệm gián tiếp :
5.1. Hành động trực tiếp và gián tiếp :
Ðể đạt được tới cùng một chủ đích, người ta có thể hành động hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Do đó, cũng có hai trách nhiệm : trực tiếp và gián tiếp.
Cầm dao đâm chết địch thủ là giết người trực tiếp. Bí mật làm hư thắng xe của địch thủ để người này chết vì lật xe là giết người cách gián tiếp. Cách này cũng có tội như cách trực tiếp, chủ đích vẫn là giết người. Làm hư thắng xe để đạt được chủ đích đó. Trách nhiệm gián tiếp không khác gì trách nhiệm trực tiếp, vì kết quả như nhau.
Ai gây nguyên nhân phải chịu trách nhiệm về hậu quả có thể xảy ra bởi nguyên nhân ấy, ngay cả trong trường hợp hậu quả đã không thực xảy ra. Chẳng hạn nếu chủ xe khám phá ra thắng hư và sửa lại, nhờ đó thoát chết, người chủ mưu không thành nhưng vẫn có tội, vì đã chủ tâm tìm cách giết người (x. số 1736 và1737).
5.2. Ý hướng và trách nhiệm:Cần phân biệt nhiều loại hành vi. Cần phân biệt nhiều loại hành vi.
a). Hành vi trung lập : Hành vi loại này tự nó không mang lại giá trị nào, nghĩa là không tốt cũng không xấu. Chúng tốt hay xấu là do ý hướng của người làm. Ý hướng tốt thì hành vi trở nên tốt, ý hướng xấu thì làm cho hành vi nên xấu. Chính ý hướng quyết định giá trị luân lý của hành vi. Ý hướng đưa ta lại gần Thiên Chúa(ý hướng tốt) hoặc làm ta xa Ngài (ý hướng xấu). Vì Ngài vẫn tôn trọng tự do của con người, nhưng không vì thế mà chúng ta không có trách
nhiệm trước mặt Ngài. Ví dụ: nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc là tốt. Còn nghỉ ngơi vì lười biếng thì xấu.
Người ta còn phân biệt hành vi nhân sinh với hành vi nhân linh: Hành vi nhân sinh có tính bộc phát, máy móc, vô ý thức. Vì thế nó phi luân lý, nó thuộc hành vi trung lập. Còn hành vi nhân linh thì không thể thuộc hành vi trung lập bởi vì nó là hành vi tự do, có suy tính, có lựa chọn (x. 1731-1732), nghĩa là có ý hướng và như vậy đương nhiên có giá trị luân lý.
b). Hành vi tốt tự bản chất : Hành vi này tự nó là tốt, vì hợp ý Thiên Chúa. Ví dụ : cứu giúp người bị hoạn nạn. Tuy nhiên, ý hướng của ta có thể bị ảnh hưởng đến hành vi ấy. Một việc làm tự nó là tốt có thể trở thành xấu do ý hướng xấu. Ví dụ giúp người nghèo để khoe khoang . . Mục đích thể biện minh cho phương tiện. c). Hành vi xấu tự bản chất : nó xấu từ gốc rễ, vì làm trái ý Thiên Chúa. Không bao giờ được làm loại hành vi này, dầu có ý hướng tốt cũng không thể thay đổi bản chất xấu của nó. Tuy nhiên, có nhiều mức độ xấu khác nhau. Ví dụ: lấy trộm 100 đồng thì khác với lấy trộm một triệu đồng. Lấy của người nghèo thì khác lấy của người giàu.
d). Hành vi sinh nhiều hiệu quả: Có nhiều hành vi phức tạp, vì sinh hai hiệu quả khác nhau, có thể đối nghịch nhau: một tốt một xấu. Ví dụ : một người cứu hỏa lao mình vào đám cháy để cứu người ta bị thiệt mạng. Tự dấn thân vào chỗ chết là một điều phải tránh. Tuy nhiên, ở đây người cứu hỏa không chủ ý tìm cái chết. Ðiều mà anh ta nhắm là để cứu người mắc cạn, một chủ đích quảng đại rất đáng cảm phục (xem thêm SGL số 1737).
_* Chỉ được làm một việc mà sinh được nhiều hiệu quả với những điều kiện như: _1/ Việc làm rất cần thiết và khẩn cấp; _ 2/ Người làm chỉ nhắm hiệu quả chính, và hiệu quả chính này là tốt; _ 3/ Hiệu quả xấu là phụ và chỉ là điều bất đắc dĩ không thể tránh được.
Tóm lại : Sách giáo lý dạy rằng, khi con người đã suy nghĩ và chủ ý hành động một cách tự do, thì con người bị ràng buộc với hành động đó (đây cũng gọi là cái nghịch lý của tự do), nghĩa là phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tất cả mọi hành động do con người đã trực tiếp muốn thì trách nhiệm qui về họ. Trách nhiệm này có thể giảm bớt thậm chí có thể không còn nữa, do họ đã không hiểu biết, hoặc đã vô tình mà làm, do bị bạo lực, cưỡng bách hay do sợ hãi, do quá quen hoặc do cảm xúc quá mạnh, do các nhân tố tâm lý hoặc xã hội... Như vậy, Sách Giáo Lý đã dạy chúng ta thấy được: tự do là đặc tính của các hành vi thuộc con người, được gọi là hành vi nhân linh. Vì thế, mỗi người đều có quyền tự nhiên đòi người khác phải thừa nhận mình là người có tự do và có trách nhiệm, và khi hành xử quyền tự do của mình là phải hành xử trong sự tôn trọng quyền hành xử tự do của người khác. Quyền hành xử tự do là một đòi hỏi không thể tách rời phẩm giá con người, nhất là trong vấn đề luân lý và tôn giáo. Quyền đó đòi dân luật phải công nhận cũng như bảo vệ trong những gì liên quan đến công ích và trật tự công cộng. Con người có trách nhiệm về tự do của mình
và tôn trọng tự do chính đáng của người khác, phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa.
Như vậy, Sách Giáo Lý dạy: nền tảng cuối cùng của đời sống tự do trong luân lý là chính Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha, Ngài ban cho chúng ta tất cả: lý trí, tự do...để chúng ta có khả năng nhận biết, tự do chọn lựa, tìm kiếm... thì tất cả điều đó, chúng ta phải đáp lại bằng sự yêu mến và làm theo ý Ngài với lòng hiếu thảo. Còn đối với người vô tín, không chấp nhận Thiên Chúa, cũng không có gì khác hơn theo thuận lý tri thức về sự lành, dữ, thiện, ác, đi trước sự phân biệt Thiên Chúa với thánh ý Con của Người. Người vô thần trung thực sẽ không khó khăn nhìn thấy bổn phận, hay trách nhiệm của mình, trong tất cả những gì họ coi như là hữu ích cho vận hành của một nhóm, hay tổng quát hơn, cho nhân phẩm và hạnh phúc của con người. Ðúng y như người tín hữu, nhưng có điều là trong cái nhân phẩm ấy cái hạnh phúc đó, người tín hữu còn khám phá ra được thánh ý dễ thương của Thiên Chúa nữa. Và thánh ý được thể hiện qua lề luật Môsê, Luật Chúa Ki-tô, đã ghi chép đầy đủ trong sách Thánh. Nên chúng ta phải biết tuân phục, lắng nghe, để thiết lập cái trật tự và sự công bình, tự do, hạnh phúc, để tất cả mọi sự đều nằm trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.