Giải pháp cho các doanh nghiệp may nhận gia công xuất khẩu

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành dệt may Việt Nam (Trang 35 - 40)

Bên cạnh những thuận lợi vốn có, trong điều kiện phát triển mới, ngành may Việt Nam có thêm những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là việc chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển hàng dệt may Việt Nam đến năm 2010 khẳng định vị trí trọng yếu của ngành dệt may Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH đất nước và xác định rõ phương hướng phát triển và chú trọng đầu tư cho ngành bằng các nguồn lực; hiệp định thương mại Việt Mỹ có hiệu lực; thị trường mở rộng với nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước … tuy nhiên ngành may Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

Sức cạnh tranh của hàng dệt may chưa cao cả về chất lượng và giá cả, trong khi đó loại hàng hoá này lại càng có sự thay đổi về mẫu mã. Nguồn lực nội bộ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Nguyên phụ liệu của ngành dệt may hiện đang ở tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài: Mỗi năm phải nhập 130.000 tấn bông và 100% tơ sợi tổng hợp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đang suy giảm, từ đó nhu cầu nhập khẩu hàng hoá trong đó có hàng dệt may của các nước công nghiệp phát triển giảm.

Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Đây là “ người khổng lồ” trong lĩnh vực dệt may và đã có mặt trên khắp các thị trường lớn.

Đặt trong điều kiện những cơ hội và thách thức trên, có thể khẳng định rằng trong những năm trước mắt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa thể từ bỏ xuất khẩu hàng may mặc bằng phương thức gia công để chuyển sang phương thức mua nguyên vật liệu xuất khẩu sản phẩm. Gia công xuất khẩu vẫn chiếm vị trí trọng yếu trong cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo tính chủ động và tính hiệu quả của xuất khẩu bằng phương thức gia công, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thiết phải có những đổi mới trong tổ chức quản lý.

Cụ thể, các doanh nghiệp này cần chú trọng đến các vấn đề sau:

Nâng cao chất lượng sản phẩm:

Các thị trường chính của Việt Nam đều là những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, bởi vậy việc quan tâm bảo đảm chất lượng phải được đặt lên hàng đầu với các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng theo đúng yếu cầu khách hàng, cần chú ý tới những vấn đề chủ yếu sau:

- Tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của đối tác nước ngoài, đặt gia công về chủng loại và chất lượng nguyên phụ liệu, quy trình công nghệ sản xuất, quy cách kỹ thuật, nhãn mác, bao bì đóng gói.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra chất lượng từng công đoạn trong quá trình sản xuất đến khâu thành phẩm cuối cùng.

- Nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm của người lao động trong quá trình sản xuất sản phẩm.

- Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000 và SA 8000) ở các doanh nghiệp dệt may xuất khấu.

Xác định hợp lý mức độ đa dạng hoá đối tác gia công trên thị trường

Trong quan hệ giữa các đối tác gia công, cả hai bên đặt hàng gia công và bên nhận gia công đều có mối quan hệ tương tác phụ thuộc lẫn nhau, nhưng trong đó bên nhận gia công thường phụ thuộc nhiều hơn. Sự phụ thuộc thể hiện ở chỗ bên nước ngoài quy định toàn bộ nhiệm vụ sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam từ chủng loại, sản lượng, chất lượng, thời gian giao hàng đến hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật sản phẩm. Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động cũng phụ thuộc vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là một thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận khi trình độ sản xuất và quản lý còn thấp kém.

Trong điều kiện đó, việc đa dạng hoá đối tác gia công và thị trường gia công mang lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như: tăng tính chủ động cho doanh nghiệp may Việt Nam, giảm thiểu rủi ro khi đối tác nước ngoài cắt giảm hợp đồng, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp không sử dụng hết công suất, việc đa dạng hóa các đối tượng

gia công nước ngoài cho phép công ty sử dụng đầy đủ hơn thiết bị máy móc hiện có và tăng thêm việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, việc mở rộng các đối tác gia công cũng gây nên những bất lợi cho doanh nghiệp. Đó là sự phức tạp trong quản lý, tổ chức sản xuất để đồng thời thực hiện tốt nhiều đơn hàng, sự phân tán manh mún của các đơn hàng làm giảm hiệu quả của sản xuất. Bởi vậy, vấn đề là giải quyết mối quan hệ giữa đa dạng hoá và tập trung hóa đối tác nước ngoài đặt gia công cho công việc. Nói chung, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên hướng tới ổn định hóa đối tác nước ngoài đặt gia công. Sự ổn định này tạo nên những thuận lợi trong đàm phán và thực hiện hợp đồng gia công, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và tài chính của đối tác nước ngoài để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và huấn luyện lao động.

Đầu tư đổi mới công nghệ

Bên cạnh sự phát triển theo chiều rộng ( xây dựng các doanh nghiệp mới thuộc các thành phần kinh tế hoặc các trung tâm công nghiệp dệt may). Việc phát triển theo chiều sâu phải được coi là hướng chủ đạo trong dệt may Việt Nam trong tương lai. Bởi lẽ, khi ưu thế về giá nhân công rẻ đang mất dần thì trình độ công nghệ cao là yếu tố cơ bản tạo nên sức hút với đối tác nước ngoài đặt gia công và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Định hướng chung cho đổi mới công nghệ của ngành may là: Trong khâu chuẩn bị sản xuất: Thiết kế trên máy vi tính, trang bị máy chải vải tự động và máy cắt theo chu trình, cắt bằng tia laser; trong khâu may ráp sản phẩm; trong khâu hoàn thiện sản phẩm; đầu tư các máy thùa khuyết, đính cúc tự động …

Để thực hiện có hiệu quả việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ trong ngành may, cần giải quyết các vấn đề trọng yếu như nâng cao chất lượng, lập và khẳng định dự án đầu tư, đa dạng hoá các nguồn vốn, nâng cao chất lượng công tác đào tạo lao động, đổi mới tổ chức quản lý sản xuất. Trong đổi mới tổ chức sản xuất, đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý lao động. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến đời sống của người lao động, tạo sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, hạn chế tình trạng luôn chuyển lao động. Sử dụng các hình thức thích hợp để nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, coi đó là cơ sở quan trọng hàng đầu để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động và phát huy lợi thế về nhân công và luôn quan tâm đến việc cải thiện môi trường lao động.

Định hướng chiến lược: Chuyển dần từ CMT sang FOB

Về lâu dài, phương thức xuất khẩu trực tiếp sẽ trở thành phương thức xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Điều quan trọng là ngay từ bây giờ phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện xuất khẩu, trực tiếp một cách có hiệu quả. Những điều kiện quan trọng nhất là : Tăng lượng vốn kinh doanh, trước hết là vốn lưu động, của doanh nghiệp bằng nhiều nguồn khác nhau; tạo lập và nâng cao uy tín thương hiệu hàng may mặc Việt Nam trên thị trường quốc tế; chú trọng việc thiết kế mẫu mã hàng hoá.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xác định bước đi thích hợp từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp. Tuỳ theo khả năng cụ thể của mình, doanh nghiệp dệt may có thể lựa chọn các kiểu mua nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm thích hợp.

Ngoài ra các doanh nghiệp may cần có sự hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ Việt Nam cần thể hiện vai trò trong định hướng đầu tư trong phát triển sản xuất cho ngành dệt may đồng thời hoàn thiện một số chính sách như đơn giảm các thủ tục hoàn thế nhập khẩu nguyên phụ liệu, việc phân bổ quota, mở rộng tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu.

Một phần của tài liệu quá trình hoạt động của ngành dệt may Việt Nam (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(47 trang)
w