Tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng trên thế giới

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng ở việt nam và đề xuất giải pháp ứng phó (Trang 42 - 46)

Nghiên cứu về tác động của sự BĐKH đến nguy cơ cháy rừng đã được nhiều nước quan tâm. Tuy nhiên hiện có không nhiều tài liệu thể hiện những kết quả đã đạt được về vấn đề này. Một số công trình nghiên cứu nổi bật trong những năm gần đây cho thấy rõ tác động của các quá trình BĐKH đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên toàn thế giới.

Năm 2005 tập thể các tác giả: K.Hennessy, C.Lucas, N.Nicholls đã tiến hành nghiên cứu về sự tác động của biến đổi khí hậu tới nguy cơ cháy rừng ở 17 địa điểm thuộc khu vực Đông nam Australia. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nguy cơ cháy theo thời tiết ở khu vực nghiên cứu là rất rõ ràng.

Những ngày được dự báo có nguy cơ cháy rừng cao và rất cao có xu hướng gia tăng ở Đông Nam Úc: 4-25% vào năm 2020, 15-70% vào năm 2050. Trung bình hàng năm số ngày có nguy cơ cháy cao và rất cao ở Canberra có thể sẽ tăng từ 23,1 ngày/năm lên 25,6-28,6 ngày/năm vào năm 2020 và 27,9- 38,3 ngày/năm vào năm 2050. Nghiên cứu sử dụng các chỉ số: chỉ số nguy cơ cháy rừng và chỉ số nguy cơ cháy đồng cỏ. Các chỉ số này được xây dựng dựa trên sự kết hợp của các biến thời tiết bao gồm: nhiệt độ hàng ngày, lượng mưa, độ ẩm và tốc độ gió. Đây có thể được coi là công trình đầu tiên nghiên cứu bài bản về mối liên hệ giữa BĐKH với nguy cơ cháy rừng [13].

Theo số liệu của Trung tâm giám sát cháy toàn cầu, số vụ cháy rừng từ những năm 1990 trở lại đây đã tăng lên xấp xỉ gấp 3 lần so với các thời kỳ trước đó. (Johann G. Goldammer and Nikola Nikolov, 2009) [49].

Nghiên cứu do tiến sĩ Jennifer Logan thuộc SEAS chủ trì, được công bố trên trên tạp chí Journal of Geophysical Research tháng 7.2009, với nhiệm vụ tính toán tác động của biến đổi khí hậu đối với cháy rừng, cũng như chất lượng không khí trong tương lai tại những khu vực dễ cháy. Thông qua nhiều mô hình, nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ cháy rừng đã tăng lên 50% ở nhiều nơi, chủ yếu là do nhiệt độ tăng. Khi cháy rừng lan rộng, thành phần cacbon aerosol hữu cơ có nhiều trong khói sẽ tăng trung bình khoảng 40% trong nửa đầu thế kỷ 21.

Năm 2011, giáo sư Mike Flannigan của Đại học Alberta đã sử dụng mô hình để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng trong khoảng thời gian từ năm 2081 tới 2090. Mô hình cho thấy nguy cơ cháy rừng tăng gấp hai hoặc ba lần ở khắp nơi trên hành tinh, đặc biệt là bán cầu bắc.

Ở Trung Quốc, các kịch bản khí hậu của IPCC SRES A2a và B2a với thời kỳ cở sở là 1961-1990 và kịch bản tương lai đã được sử dụng. Hệ thống chỉ số nguy cơ cháy rừng Canada đã được sử dụng để đánh giá nguy cơ cháy rừng theo quá trình biến đổi khí hậu ở khu vực nghiên cứu. Xu hướng tăng

của nguy cơ cháy rừng trong thế kỷ 21 ở khu vực nghiên cứu theo cả hai kịch bản biến đổi khí hậu so với giai đoạn 1961-1990 là rõ ràng. Trung bình hàng năm chỉ số nguy cơ cháy rừng được dự đoán sẽ tăng liên tục trong thời gian 2010-2099, và đến cuối thế kỷ 21 nó được dự đoán sẽ tăng 22% - 52% trên nhiều cánh rừng phương Bắc. Vào mùa hè, chỉ số nguy cơ cháy rừng được dự đoán là cao hơn so với chỉ số hiện tại là 148% vào những năm cuối của thế kỷ. Nghiên cứu dự đoán rằng số ngày nguy cơ cháy cao và rất cao sẽ tăng từ 44 ngày trong năm 1980 đến 53-75 ngày vào cuối thế kỷ 21 [40].

Một nghiên cứu khác ở Trung Quốc, sử dụng mô hình khí hậu khu vực Canada với chỉ số nguy cơ cháy rừng (FWI). Hệ thống được sử dụng để phân tích những ảnh hưởng đến nguy cơ cháy và mùa cháy rừng trong tương lai theo IPCC. Nghiên cứu sử dụng khí hậu khu vực trong giai đoạn (1961-1990) làm dữ liệu cơ sở, và giai đoạn (1991-2100) được mô hình hóa theo SRES A2 và B2 bằng hệ thống mô hình khí hậu khu vực (PRECIS). Dữ liệu khí tượng và nguy cơ cháy đã được nội suy với độ phân giải 1 km2 bằng cách sử dụng phần mềm ANUSPLIN. Giá trị FWI trung bình cho mùa cháy vào mùa xuân trong tương lai theo kịch bản A2 và B2 đều tăng trên hầu hết các khu vực. So với đường cơ sở, FWI trung bình của mùa cháy rừng mùa xuân sẽ tăng 0,40; 0,26 và 1,32 theo kịch bản A2, và tăng 0,60; 1,54 và 2,56 theo kịch bản B2 trong những năm 2020, 2050 và 2080, tương ứng. FWI trung bình của mùa cháy rừng mùa thu cũng cho thấy sự gia tăng trên hầu hết các khu vực. Giá trị FWI tăng nhiều hơn với kịch bản B2 so với kịch bản A2 trong cùng kỳ, đặc biệt là trong năm 2050 và 2080. Trung bình giá trị FWI tương lai sẽ tăng lên theo cả hai kịch bản trong mùa cháy rừng mùa thu. Các khu vực có nguy cơ cháy cao dự kiến sẽ tăng 10% và 18% trong mùa xuân vào năm 2080 theo kịch bản A2 và B2, tương ứng. Mùa cháy rừng sẽ kéo dài 21 - 26 ngày theo kịch bản A2 và B2 trong năm 2080 [70].

Khi nghiên cứu về nguy cơ cháy rừng và tần suất các vụ cháy rừng trong BĐKH tại Phần Lan, chỉ số cháy rừng đã được sử dụng để đánh giá nguy cơ cháy rừng dựa trên các chỉ số thời tiết. Nghiên cứu được thực hiện trên kịch bản biến đổi khí hậu A2. Theo kết quả nghiên cứu, số ngày có nguy cơ cháy rừng cao sẽ tăng ở miền nam Phần Lan từ 96-160 ngày vào cuối thế kỷ này, so với 60 -100 ngày như hiện tại. Ở phía Bắc, mức tăng tương ứng là 30-36 ngày. Sự gia tăng về tần suất của các vụ cháy rừng trên cả nước là khoảng 20% vào cuối thế kỷ này so với ngày nay [31].

Tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng và đồng cỏ ở Úc theo hai kịch bản phát thải trong tương lai (tương đối cao và tương đối thấp) vào năm 2050 và 2100. Nghiên cứu tính toán hàm mật độ xác suất cho các nguy cơ cháy ở New South Wales thấy rằng xác suất nguy cơ cháy tăng khoảng 25% so với ngày nay vào năm 2050 theo cả hai phát thải tương đối thấp và tương đối cao, và tăng thêm 20% theo kịch bản phát thải tương đối thấp vào năm 2100. Nghiên cứu rút ra kết luận rằng nguy cơ cháy rừng sẽ tăng lên đáng kể trên toàn nước Úc do tác động của các quá trình BĐKH [30]. Trong nghiên cứu về nguy cơ cháy rừng ở Amazon, McArthur đã nghiên cứu trên một tập hợp các biến thể của các mô hình khí hậu HadCM3 để mô phỏng những thay đổi tiềm năng gây nguy cơ cháy rừng Amazon trong thế kỷ 21, kết quả cho thấy nguy cơ cháy rừng cao hơn 50% được mô phỏng trong tất cả các mô hình khảo nghiệm vào năm 2080. Nếu những thay đổi khí hậu khu vực Amazon mô phỏng bởi HadCM3 là thực tế, nguy cơ thiệt hại về rừng sẽ ngày càng cao trong tương lai [60].

Ở Canada, theo các kịch bản của Trung tâm khí hậu GCM Canada cho thấy sự gia tăng nguy cơ cháy rừng là 25% vào năm 2030 và 75% vào cuối thế kỷ 21. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nguy cơ cháy rừng trên khắp Canada là tương đồng với các nghiên cứu trong khu vực và các quốc gia khác về tác động của BĐKH đối với nguy cơ cháy rừng trong tương lai [35].

Trên thế giới, phương pháp tiếp cận chung của các tác giả trong nghiên cứu tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng là: (1) Xây dựng các chỉ số phản ánh nguy cơ cháy rừng theo điều kiện khí hậu; (2) Sử dụng chỉ số này để đánh giá tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng theo các kịch bản BĐKH; (3) Nguy cơ cháy rừng được phản ánh qua số ngày có nguy cơ cháy rừng cao và rất cao trong tháng hay trong năm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng ở việt nam và đề xuất giải pháp ứng phó (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w