Chính sách hỗ trợ sản xuất, bảo quản và chế biến rau,quả xuất khẩu

Một phần của tài liệu Thực trạng và phương hướng phát triển sản xuất các loại cây ăn trái đến năm 2015 (Trang 26 - 27)

- Phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, đặc biệt chú trọng khu vực nông thôn; thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư cho những ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển, trong đó có ngành hàng rau quả. Tăng thêm nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương và địa phương đồng thời huy động sức dân để đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất rau quả như: xây dựng hệ thống điện lưới, thuỷ lợi, đường sá, nhà xưởng và thiết bị sản xuất - bảo quản - chế biến, cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, cơ sở kỹ thuật nông nghiệp (trung tâm sản xuất giống, trung tâm kiểm định thuốc BVTV) và phòng chống ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo phát triển sản xuất nông sản hàng hoá bền vững, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước kể cả về kỹ thuật và vốn đầu tư cho người nông dân đồng thời có các chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp vì khó khăn và rủi ro trong lĩnh vực này khá lớn. Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và cả người nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất và tiêu thụ rau quả.

- Tiếp tục đổi mới chính sách tài chính, thực hiện chương trình cải cách chế độ thuế đi đôi với chấn chỉnh tổ chức và cải tiến phương thức thu thuế, đổi mới cơ chế tín dụng, quy chế và thủ tục cho vay. Khắc phục tình trạng phân tán của các kênh tín dụng và quá nhiều đầu mối cho vay ưu đãi với các mức lãi suất khác nhau đang tồn tại. Tạo điều kiện không chỉ cho các doanh nghiệp Nhà nước mà cả các doanh nghiệp tư nhân, HTX và hộ nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; cần có chính sách hấp dẫn và ưu đãi hơn, đặc biệt là huy động nguồn vốn trung và dài hạn; góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh rau quả.

Sản xuất, kinh doanh rau quả có rất nhiều khó khăn, đặc biệt chịu ảnh hưởng rất nhiều vào biến động thời tiết, sản xuất manh mún, lợi nhuận thấp. Để tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng này, trước mắt đề nghị Nhà nước xem xét: đưa các dự án sản xuất, chế biến, bảo quản rau quả vào danh mục các dự án được vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển của Nhà nước với lãi suất đặc biệt ưu đãi 3%/năm, thời gian trả nợ từ 12 – 15 năm, thời gian ân hạn từ 3 – 5 năm; giãn thời gian trả nợ từ 12 – 15 năm đối với các dự án đã đầu tư; cho khoanh nợ đối với các dự án đặc biệt khó khăn.

- Chính sách thuế: Để khuyến khích phát triển cây ăn quả trong các vùng quy hoạch Nhà nước nên có các chính sách ưu đãi về thuế cho các các hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây như sau:

+ Miễn thuế VAT cho các HTX và cơ sở kinh doanh trái cây (hiện nay mức thuế này là 5% và chỉ các hộ kinh doanh cá thể thì được miễn);

+ Miễn thuế nông nghiệp cho các hộ trồng mới hoặc cải tạo vườn cây ăn quả trong thời gian trồng mới, kiến thiết cơ bản và 3 năm đầu cho thu hoạch;

+ Giảm thuế xuất khẩu trái cây cho các doanh nghiệp (xuống 30-50%).

- Chính sách tín dụng: Các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất, chế biến-bảo quản và tiêu thụ trái cây ở vùng sâu, vùng xa chưa được hưởng các hỗ trợ tài chính như thông tư của Bộ Tài chính; Lãi suất cho vay đầu tư quá cao (5,4 – 9,0%/năm) thời gian trả nợ quá ngắn (3-5 năm). Cần phải sửa đổi các chính sách tín dụng hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi; tăng thời gian trả nợ (lên tới 12-15 năm) và giảm mức lãi suất vay (xuống 3%/năm).

- Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: theo luật Khuyến khích đầu tư, Nhà nước cam kết sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp (có thể hiểu là cơ sở chế biến bảo quản rau quả), nhưng thực tế hầu hết các doanh nghiệp đều phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng dẫn đến khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp; Kiến nghị:

+ Cụ thể hoá Khoản 2, Điều 8, Chương 2 (về Đảm bảo hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp và khu chế xuất) bằng các văn bản dưới luật, có thể dưới dạng Nghị định hoặc Quyết định cho từng khu công nghiệp cụ thể của Chính phủ. Hạ tầng cơ sở chủ yếu bao gồm: đường giao thông, điện, nước và hệ thống thoát nước.

+ Xây dựng chính sách (chủ yếu về tài chính) để huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành kinh tế tham gia xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng, ví dụ như: được giao đất không thu tiền sử dụng đất; được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư dự án; được miễn giảm thuế tài nguyên theo quy định tại Nghị định số 68/1998/NĐ- CP ngày 3/9/1998 của Chính phủ…

Một phần của tài liệu Thực trạng và phương hướng phát triển sản xuất các loại cây ăn trái đến năm 2015 (Trang 26 - 27)