QUY TRÌNH DẠY ĐỌC HIỂU

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu văn bản nghị luận văn học hiện đại ở trường trung học phổ thông (Trang 28 - 54)

VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC HIỆN ĐẠI Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 2.1. Đọc hiểu và đọc hiểu văn học

2.1.1. Đọc hiểu 2.1.1.1. Đọc

GS.TS Trần Đình Sử quan niệm rằng: "Đọc là hoạt động của người đọc nhằm tìm ra ý nghĩa của VB, trong đó có đọc thành tiếng của người mới đọc, đọc nhận biết, đọc nhanh, đọc lướt, đọc kĩ (đọc chậm), đọc diễn cảm.

Đọc là quá trình đối thoại, đối thoại với tác giả, với cách hiểu của người đọc trước, cách hiểu tích luỹ từ ban đầu của chính người đọc... Đọc là một tổng hoà của nhiều quá trình, nhiều hành vi nhằm đạt mục đích là nắm bắt ý nghĩa của VB. Đọc bằng mắt, bằng miệng (phát âm), đọc nhận biết tưởng tượng, liên hệ, ghi nhớ, ghi chép, phân tích, so sánh, trao đổi...”. Tác giả cũng chỉ rõ có nhiều hình thức đọc: “đọc thành tiếng, đọc diễn cảm, đọc thầm, đọc lướt, đọc nhanh, đọc kĩ (đọc chậm)" và mục đích của đọc là “nắm bắt ý nghĩa VB được đọc tức là hiểu VB để sống trong thế giới nghệ thuật, thưởng ngoạn, giải thích làm giàu tâm hồn mình” [11; 10 ]. Đồng thời trong một bài viết khác với nhan đề “Đọc- hiểu văn bản là một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy văn hiện nay”, GS cũng khẳng định “đọc là hoạt động cơ bản của con người để chiếm lĩnh văn hoá”, “đọc là tìm ra ý nghĩa trong một thông điệp được tổ chức bằng hệ thống kí hiệu”, “đọc là một hành vi thầm kín, khó quan sát bên ngoài mà kết quả thì có thể kiểm tra được.” [2; 233]

TS. Nguyễn Trọng Hoàn lại khẳng định: “Đọc là một dạng khám phá sáng tạo. Đọc cũng là chối bỏ sự trì trệ của lối mòn và hướng tới thiết lập những quan hệ tư duy mới”. Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng:

“Đọc là phương thức tiếp nhận nghệ thuật ngôn từ, qua đó người đọc biểu hiện nhu cầu giao cảm, hưởng thụ văn hoá và phát triển nhân cách, đồng thời bộc lộ chính mình.” [7; 19]

Quyển Giáo dục trong Đại bách khoa từ điển toàn thư Trung Quốc cho biết: “Đọc là quá trình hành động tâm lí nhằm tiếp nhận ý nghĩa từ kí hiệu ngôn ngữ được in hay viết”. Do vậy, đọc bao gồm các nội dung sau:

- Là quá trình tiếp nhận ý nghĩa từ VB, tất phải hiểu ngôn ngữ của VB (ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thể loại VB), phải dựa vào tính tích cực của chủ thể (hứng thú, nhu cầu, năng lực) và tác động qua lại giữa chủ thể và VB.

- Đọc là quá trình giao tiếp và đối thoại với người tạo ra VB (tác giả- xã hội - văn hoá).

- Đọc là quá trình tiêu dùng văn hoá VB (hưởng thụ, giải trí, học tập) - Đọc là quá trình tạo ra các năng lực người ( năng lực hiểu mình, hiểu văn hoá, hiểu thế giới...).[2; 177].

 Đọc là hoạt động văn hoá có tầm nhân loại và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Trên cơ sở các quan niệm trên, khái niệm đọc được hiểu là hoạt động chuyển tín hiệu ngôn ngữ từ dạng viết (kí hiệu) sang dạng tín hiệu (âm thanh).

Hoạt động này nhằm khôi phục lớp vỏ âm thanh của ngôn ngữ, tạo ra một sự tác động đồng thời vào hai cơ quan thị giác và thính giác, kích thích hoạt động tư duy làm xuất hiện các trạng thái tâm lí.

Từ đó, hiểu một cách đơn giản đọc là một hoạt động nắm bắt ý nghĩa trong các kí hiệu của VB, lấy VB in, viết, khắc... làm đối tượng. Nhưng khác với việc đọc của người thoát nạn mù chữ biết đọc chữ mà đọc ở đây đòi hỏi mức độ cao hơn là hiểu được những thông tin trong VB. Đặc biệt với VB Ngữ

văn, đọc đòi hỏi HS phải hiểu được nội dung tư tưởng, tình cảm, cái đẹp, đặc sắc nghệ thuật của VB, và có thể sử dụng VB vào đời sống.

2.1.1.2. Hiểu

Hiểu theo Kinh Thánh là "lặn sâu vào thế giới bí ẩn bên trong", theo tiếng Đức là "theo đó mà đứng riêng ra", theo triết học hiện đại Nga là "đưa ra một cách thức nhận thức sự vật". Những cách hiểu đó cùng hướng tới một nội dung, hiểu là giải quyết được mối quan hệ phức tạp bên trong của sự vật, đối tượng.

GS.TS Trần Đình Sử đưa ra quan niệm “Hiểu VB là biết về VB, thông cảm, đồng cảm với cuộc sống trong VB, giải thích biểu đạt được ý tưởng, cái hay của VB”. Tuy nhiên, văn học là sự biểu hiện về con người và cuộc đời, do đó “hiểu VBVH không đơn giản chỉ đóng khung trong việc hiểu VB mà phải biết vươn ra cuộc sống” [11; 10 - 11]

M.Bakhtin trong sách Con người trong thế giới ngôn từ (M.1995) đã quan niệm hiểu trong đọc hiểu gồm nhiều hành động gắn với nhau:

- Cảm thụ (tiếp nhận) kí hiệu vật chất (màu sắc, con chữ...)

- Nhận ra kí hiệu quen hay lạ, hiểu ý nghĩa của nó lặp lại trong ngôn ngữ.

- Hiểu ý nghĩa của nó trong ngữ cảnh.

- Đối thoại với ý nghĩa đó (tán thành hay phản đối), trong nhận thức bao gồm cả sự đánh giá về chiều sâu và chiều rộng.

Bản chất tâm lí của sự hiểu là biến cái của người khác thành cái vừa của mình vừa của người khác. Hiểu bao giờ cũng là tự hiểu, nghĩa là biến cái được hiểu thành kiến thức, quan điểm, niềm tin của mình. Hiểu là sự sáng tạo, là sự bừng sáng trong khoảnh khắc (giác ngộ, bừng ngộ) sau khi đã nghiền ngẫm, là sự phát hiện cái ý nghĩa không có sẵn giữa các dòng văn và diễn đạt bằng lời người đọc.[2; 177 - 178]

Có thể nói, mọi hoạt động đọc đều hướng tới đích cuối cùng là hiểu.

Hiểu là thông qua đọc mà nắm được nội dung thông tin, ý nghĩa VB đồng thời giải thích biểu đạt được ý tưởng và cái hay của VB. Không chỉ có vậy hiểu còn là sự giác ngộ, bừng ngộ ra những chân lí đời sống, triết lí nhân sinh được người viết gửi gắm trong VB. Đó chính là sự tri âm của độc giả với tác giả thông qua VB. Đồng thời hiểu còn là sự bổ sung, tiếp thêm cho VB những ý nghĩa giá trị mới (kí thác).

2.1.1.3. Đọc hiểu

GS.TS. Nguyễn Thanh Hùng khẳng định đọc hiểu là một địa hạt mới và xuất hiện công khai ở nước ta vài ba năm nay trong chương trình Ngữ văn trung học, là một gương mặt lạ trong môi trường đọc văn quen thuộc đang tự mình vươn lên để tồn tại như một thuật ngữ khoa học hay ít ra cũng là một khái niệm trong dạy học Ngữ văn. Và tác giả cho rằng: “Đọc hiểu là một hoạt động của con người. Nó không phải chỉ là hình thức nhận biết nội dung ý tưởng từ VB mà còn là hoạt động tâm lí sinh động giàu cảm xúc có tính trực giác và khái quát trong nếm trải của con người. Qua đọc hiểu sẽ làm xuất hiện kinh nghiệm đọc và sự biến đổi cách thức và chất lượng đọc văn, bộc lộ rõ năng lực văn hoá từng người” [8; 22]. Đồng thời tác giả cũng khẳng định:

“Đọc hiểu mang tính chất đối diện một mình tự lực với VB. Nó có cái hay là tập trung và tích đọng, kết lắng thầm lặng năng lực cá nhân. Đây là hoạt động thu nạp và toả sáng âm thầm với sức mạnh nội hoá kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm nghệ thuật, kinh nghiệm văn hoá trong cấu trúc tinh thần cá nhân. Đọc hiểu là lối đọc để tự học suốt đời, nó vừa thúc đẩy ý chí, vừa là biểu hiện thầm kín của lòng tự trọng” [8; 22]

PGS.TS Nguyễn Thái Hoà cho rằng: Thuật ngữ kép đọc hiểu (understanding- reading, comprehension- reading) thực ra đã được nhà trường và xã hội sử dụng từ khi có chữ viết và nhà trường bắt đầu dạy chữ

viết. Và tác giả chỉ ra thực trạng ở nước ta lí thuyết đọc hiểu hầu như chưa được nghiên cứu, còn phương pháp dạy đọc hiểu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, nếu có lí thuyết thì tản mạn tách rời từng mảng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra quan niệm của mình về đọc hiểu khi cho rằng: “Đọc hiểu là một kĩ năng tích hợp không chỉ riêng trong học tiếng (tiếng Việt, tiếng nước ngoài...) học văn (Văn học Việt Nam và nước ngoài...) mà còn trong học tập tiếp nhận tri thức nói chung. Kĩ năng đọc hiểu không chỉ hạn chế trong việc rèn luyện cho học sinh ở nhà trường mà còn cho tất cả mọi người trong xã hội từ thấp đến cao, từ dễ đến khó”. Chính vì vậy, tác giả quan niệm đọc hiểu là một phương pháp dạy học và “... Phương pháp dạy đọc hiểu là hệ phương pháp tích hợp dựa trên các hành vi ngôn ngữ học như hành vi tiếp nhận, truyền đạt, giải mã VB thông qua thị lực, thính lực, trí lực. Đọc hiểu có nhiều mức độ từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản thì dạy cho người đọc biết mặt chữ (đọc thông viết thạo) hay biết VB đó nói gì. Phức tạp thì đọc hiểu là một quá trình nhận thức, học tập cái mới. Dạy đọc hiểu là hệ phương pháp tích hợp cao hơn làm cho người học đọc hiểu đạt đến mức độ kĩ xảo”.[6; 7]

TS. Đỗ Ngọc Thống cũng quan niệm đọc hiểuphương pháp dạy học khi tác giả khẳng định: “Với chương trình và Sách giáo khoa Ngữ văn mới, dạy văn thực chất là dạy cho học sinh phương pháp đọc hiểu. Đọc hiểu ở đây được hiểu một cách khá toàn diện. Đó là một quá trình bao gồm việc tiếp xúc với văn học, thông hiểu cả nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò tác dụng của các hình thức, biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết và cả các giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật”.[2; 233]

GS.TS Trần Đình Sử trong bài viết Đọc hiểu VB là một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy văn hiện nay đã đưa ra các mức độ đọc hiểu gồm bốn bước: đọc thông - đọc thuộc, đọc kĩ - đọc sâu, đọc hiểu - đọc

đánh giá, đọc sáng tạo - đọc ứng dụng. Và GS.TS Trần Đình Sử quan niệm đọc hiểu là một khâu cơ bản nhất trong các khâu đọc, nó bắt đầu từ hiểu từ, hiểu câu, hiểu đoạn, hiểu liên kết, hiểu nghĩa toàn bài. Đọc hiểu là kết thúc quá trình phân tích, cắt nghĩa, khái quát. Do vậy, đọc hiểu là cơ sở để đọc sáng tạo.

Từ các quan niệm trên, khái niệm đọc hiểu chỉ chung phương pháp và mục đích của việc lĩnh hội tri thức và nắm bắt thông tin. Đọc hiểu là phương pháp dạy học văn đã bộc lộ những ưu điểm phù hợp với yêu cầu dạy học hiện nay. Bởi nó rèn luyện cho HS năng lực đọc hiểu, một năng lực bao gồm các năng lực: cảm nhận, lí giải, thưởng thức, ghi nhớ và đọc nhanh mà năng lực lí giải là quan trọng nhất. Có thể nói, trong trường phổ thông đọc hiểu là năng lực cần rèn luyện để HS có khả năng tự học, tự đọc tốt hơn và tự tiếp thu những tri thức trong cuộc sống. Đọc hiểu là phương pháp quan trọng, thiết dụng để rèn luyện năng lực đọc hiểu cho HS.

Tuy nhiên, đọc hiểu cũng được hiểu theo nghĩa hẹp là hoạt động thưởng thức nghệ thuật, hưởng thụ thẩm mĩ của con người khi đó người đọc tiếp xúc với VB ngôn từ, giải mã ngôn từ để tìm ra lớp ý nghĩa của VB. Bằng toàn bộ con người tinh thần của mình bao gồm: trí tuệ và tình cảm, khối óc và trái tim người đọc sẽ khám phá được những bí ẩn tiềm tàng đằng sau hệ thống ngôn từ. Chính vì vậy, đọc hiểu là hệ hoạt động bao gồm nhiều hoạt động thể chất (mắt nhìn, tay giở sách, tra từ điển...) và thao tác tư duy (tưởng tượng, liên tưởng, phán đoán, phân tích...) để đi đến đích là hiểu và thể nghiệm nội dung, ý nghĩa của VB.

2.1.2. Đọc hiểu văn học

GS.TS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng: “Đọc hiểu văn chương là đọc cái chủ quan của người viết bằng cách đồng hoá tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của mình vào trong trang sách. Đọc hiểu không chỉ là sự tái tạo âm thanh từ

chữ viết mà còn là quá trình thức tỉnh cảm xúc, quá trình thấm nhuần tín hiệu nghệ thuật chứa mã văn hoá đồng thời với việc huy động vốn sống, vốn kinh nghiệm cá nhân của người đọc để lựa chọn giá trị tư tưởng thẩm mĩ và ý nghĩa vốn có của tác phẩm văn chương. Đọc hiểu là đón đầu những gì đang đọc qua từng từ, từng câu, từng đoạn lại quay về với những gì đang đọc để kiểm chứng và đi tìm sự hợp sức của tác giả để tác phẩm được tái tạo trong tính cụ thể và giàu tưởng tượng...” [8; 22]. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Hùng, đọc hiểu văn chương là quá trình đồng sáng tạo của độc giả với người nghệ sĩ thông qua một đối tượng trung gian là VBVH.

GS.TS Trần Đình Sử khẳng định: “khái niệm đọc hiểu VB trong các từ điển hầu như không có mục từ ấy, các giáo trình phương pháp giảng dạy môn văn nói nhiều tới dạy người, dạy cảm thụ, dạy năng lực tư duy, đọc diễn cảm nhưng ít ai nói đến việc dạy đọc, tức là dạy học sinh phải làm việc với con chữ, với câu văn, với dấu chấm, dấu phẩy... để nắm bắt đúng ý nghĩa câu văn, đoạn văn, bài văn.” [2; 220]. Tác giả chỉ rõ “...muốn đọc hiểu VBVH - khâu đột phá nhất trong hoạt động đọc thì phải hiểu rằng mọi yếu tố của VB đều có ý nghĩa, các yếu tố đó lại kết thành hệ thống và cái có ý nghĩa thuyết phục nhất là phù hợp, không mâu thuẫn với bất cứ yếu tố biểu hiện nào.” [2; 222]

và “vấn đề đọc hiểu VB không hoàn toàn xa lạ đối với GV văn xưa nay và không thủ tiêu yếu tố giảng của GV. Nó chỉ biến GV thành người hướng dẫn đọc văn. Nó chỉ tăng cường vai trò hướng dẫn của thầy, tạo điều kiện cho HS tự học và thầy chỉ giảng những chỗ quan trọng và cần thiết nhất, khắc phục lối diễn giảng dài dòng.” [2; 223]

Trong bài viết Dạy học văn là dạy học sinh đọc hiểu văn bản, GS.TS Trần Đình Sử đã chia đọc hiểu VB thành hai bước:

- Hiểu thông báo - Hiểu ý nghĩa

Trong đó, “Hiểu nội dung thông báo là hiểu ngôn từ và hình tượng.

Hiểu ngôn từ đòi hỏi phải hiểu rõ từ ngữ, hình ảnh, điển cố, yếu tố liên VB.

Hiểu hình tượng đòi hỏi phải liên tưởng, tưởng tượng bổ sung cụ thể hoá các chi tiết, phát hiện các mối liên hệ ngầm giữa các hình tượng.” [11; 11]. Và tác giả khẳng định: “Sự hiểu biết VB được đánh dấu bằng việc người đọc biến VB của nhà văn thành VB của người đọc hay nói cách khác là người đọc chồng VB của mình lên VB của tác giả”. Xuất phát từ quan niệm đọc hiểu VB như vậy, tác giả đi đến khẳng định: “Dạy đọc hiểu VB là dạy học sinh năng lực biết xuất phát từ chỉnh thể VB của tác giả mà kiến tạo nên VB của mình đem chồng lên VB ấy.” [10; 13]

TS. Nguyễn Trọng Hoàn cũng đã chỉ rõ chương trình và SGK thí điểm môn Ngữ văn bậc THCS được xây dựng hướng tích hợp “... xem VB là nơi chứa đựng những giao điểm của Tiếng việt, Tập làm văn để tiến hành dạy học” nên “... một yêu cầu có tính chất nguyên lí của đọc hiểu VB là đọc tác phẩm theo đặc trưng thể loại. Đọc gắn liền với những đặc điểm của phương thức biểu đạt, gắn với ngữ cảnh, gắn với ý thức về việc nhận diện kiểu loại VB.” [7; 20]. Chính vì vậy, “Đọc hiểu VB không chỉ nhằm tới mục đích cảm, hiểu TPVH nói chung mà còn góp phần định hình kiến thức cơ sở cho các phân môn Tiếng việt, Tập làm văn và phát triển các kĩ năng khác của hoạt động học tập.” [7; 21]

Khi GV, HS tiến hành hoạt động đọc hiểu VB “... đòi hỏi nhiều năng lực sáng tạo để đáp ứng yêu cầu kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập của một bộ môn, góp phần rút gắn khoảng cách, hạn chế hiện tượng cô lập và tách rời kiến thức đọc văn - tiếng việt - tập làm văn, giữa lí thuyết và thực hành, góp phần khẳng định bản chất xã hội cũng như ý nghĩa sáng tạo thực tiễn của hoạt động tiếp nhận văn học.” [7; 24]

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu văn bản nghị luận văn học hiện đại ở trường trung học phổ thông (Trang 28 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)