Chương 1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG THẨM MỸ CỦA NGUYỄN DU TRONG TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU
1.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến tư tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Du
1.2.1. Ảnh hưởng của Nho – Phật – Lão và tư tưởng thẩm mỹ Việt Nam trước thế kỷ XIX đến Nguyễn Du
* Ảnh hưởng của Nho – Phật – Lão đến tư tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Du
Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo đã có một khoảng thời gian tồn tại hơn 2500 năm. Trong quãng thời gian hơn hai thiên niên kỷ rưỡi tồn tại, các học thuyết này đã có rất nhiều biến đổi. Trong phạm vi luận văn này, người viết chỉ xin nhấn mạnh những điểm quan trọng của các học thuyết này liên quan tới vấn đề luận văn đang đề cập.
Trước hết, có thể thấy rằng, tư tưởng thẩm mỹ của Việt Nam nói chung và của Nguyễn Du nói riêng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng mỹ học cổ đại Trung Hoa. Chính bản thân Truyện Kiều cũng được Nguyễn Du dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Mỹ học Trung Hoa là sự đan cài và đầy mâu thuẫn giữa các luận thuyết mỹ học khác nhau. Khuynh hướng tích cực nhất là xem cái “mỹ” có nguồn gốc ở cái “chân” của tự nhiên. Vì vậy, cái “mỹ” của nghệ thuật cần lĩnh hội có chọn lọc cái “chân” đó thông qua sự thể hiện cái “tâm”, cái
“tình” thuần khiết của người sáng tạo. Khuynh hướng mỹ học quý tộc thường đề cao “đạo”, “lý tưởng” phụ thuộc vào hệ tư tưởng thống trị và xem cái thẩm mỹ là phẩm chất “người quân tử” (kẻ đại diện cho quyền lực tinh thần của giai cấp thống trị). Từ góc nhìn “phương Đông” và “bản địa”, mỹ học cổ đại Trung Hoa đã xây dựng một hệ thống lý luận và các phạm trù cơ bản. Nó đề cao sự hòa đồng giữa chủ thể và khách thể, giữa con người với tự nhiên, xã hội. Thấm đượm triết lý nhân sinh, đạo đức và chính trị, mỹ học cổ đại Trung Hoa đòi hỏi sự thống nhất giữa mỹ và thiện; tình, ý và đạo lý; sáng tạo thẩm mỹ và trách nhiệm xã hội. Lịch trình phát triển của nền mỹ học này bao trùm cả hệ thống quy ước của quần chúng và sự đòi hỏi của cá tính con người. Mỹ học Trung Hoa cổ đại đã phát triển trên cơ sở của sự xung đột đa dạng, quyết liệt giữa “bách gia, chư tử”. Nho gia với Khổng Tử, Mạnh Tử; Mặc gia với Mặc Tử; Đạo gia với Lão Tử, Trang Tử; Pháp gia với Hàn Phi; Âm Dương – Ngũ Hành, Dịch truyện, Dịch kinh,… Khổng Tử, Lão Tử, Tuân Tử, Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Lưu Hiệp, Viên Mai, Nguyễn Tịch, Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, Đỗ Phủ,… là những chủ soái của mỹ học cổ đại Trung Hoa. Nền mỹ học ấy đã có một lịch sử lâu dài và có những thành tựu to lớn. Song, do nảy sinh và phát triển trên cơ sở của phương thức sản xuất châu Á và chế độ nông nô, phong kiến, mỹ học Trung Quốc cổ đại đã không thể vượt lên được và về sau thường rơi vào duy tâm, siêu hình.
Trong các trường phái mỹ học Trung Hoa cổ đại, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng khá rõ nét từ Nho giáo và Đạo giáo. Nguồn gốc tư tưởng thẩm mỹ của ông trước hết là tư tưởng thẩm mỹ Nho giáo. Bởi lẽ, từ thế kỷ XV, cho đến giữa thế kỷ XIX, thậm chí đến đầu thế kỷ XX, trong đời sống tinh thần của nước ta, Nho giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo, chi phối. Nguyễn Du sống ở cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX nên đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ những tư tưởng của Nho giáo, trong đó có tư tưởng thẩm mỹ, nhất là khi ông xuất thân trong một gia đình, một dòng họ nổi tiếng về tước vị và văn
chương, đặc biệt ông nội của Nguyễn Du là Nguyễn Quỳnh lại chuyên chú về Kinh Dịch.
Nho giáo đã được du nhập vào Việt Nam từ khi nước ta bị xâm lược và sáp nhập vào Trung Quốc – đời Hán (206 TCN đến 220 SCN). Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ II SCN) được coi là An Nam học tổ, người mở đầu cho Nho học nước ta. Trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Cuối thế kỷ XIV, sau khi Lê Lợi chiến thắng quân Minh (1427) nhà nước Lê sơ dành cho Nho giáo địa vị độc tôn – học thuyết chính thống của nhà nước – cuối thế kỷ đó, vào thời Lê Thánh Tông (làm vua từ 1460 đến 1497), nó đạt đến mức toàn thịnh.
Khổng Tử được coi là người sáng lập ra học thuyết này. Nhưng trước ông, nó đã tồn tại ở Trung Quốc dưới dạng các chất liệu tư tưởng. Và chỉ đến Khổng Tử, Nho giáo mới trở thành một học thuyết thực sự. Học thuyết Nho giáo hướng vào mục đích lớn nhất là “chống loạn cứu thế”, muốn xây dựng một xã hội có trật tự, hài hòa, trong đó con người sống theo đúng phận vị – một xã hội “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Nho giáo từ trong mục đích của mình đã hướng về xã hội, mang tinh thần nhập thế tích cực. Học thuyết này hướng về một bộ phận những người được xem là tinh hoa của các thời đại: quý tộc các loại và các nhà nho bằng con đường trước nhất là tu thân rồi mới thực hiện các lý tưởng
“tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Con đường xây dựng chính trị mà Nho gia hướng theo chính là con đường đức trị.
Trong hệ thống tư tưởng của mình, Nho giáo cũng đề cập tới những tư tưởng thẩm mỹ sâu sắc. Đối với học thuyết này, thì mỹ chính là thiện, tận thiện, tận mỹ tồn tại trong một sự vật hiện tượng, là tiêu chuẩn và yêu cầu cao nhất của cái đẹp. Khổng Tử quan niệm: mỹ tức là thiện. Thiện chủ yếu là sự bình giá có tính công lợi của sự vật. Còn đối với mỹ, ngoài tính công lợi ra nó còn phải đáp ứng sự hài hòa giữa nội dung và hình thức. Khi nói thiện tức là mỹ, Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất thiện – nội dung, mỹ - hình
thức trong văn chương – nghệ thuật, là sự biểu hiện giữa đức và văn. Ông nói:
“Người có đức tất có lời, người có lời tức có đức”. Y phục xứng kỳ đức. Cái đẹp của cách may mặc phải hài hòa với các giá trị đạo đức.
Cũng bàn về vấn đề này, từ góc độ nhân tính, Mạnh Tử cho rằng, cái đẹp luôn có trong mọi người. Ông quan niệm: “Làm cho đầy đặn gọi là đẹp”. Do vậy, theo ông, cái đẹp thống nhất với cái thiện, thêm tín vào nữa là sự thống nhất chân – thiện – mỹ.
Còn với Tuân Tử, cái đẹp của con người thể hiện ở sự tu dưỡng đạo đức, học tập không ngừng làm cho tính ác nhập vào quỹ đạo của thiện. Các ông đều thấy cái đẹp gắn liền với cái thiện, hạt nhân của thiện là lễ và nhân. Mục đích của lễ và nhân là làm sao để cho thiên hạ đi đến bình trị: thống nhất, hài hòa. Từ đó, các ông có chung tư tưởng cái đẹp trung hòa với nghệ thuật.
Theo Nho giáo, quan điểm thẩm mỹ về vẻ đẹp của con người cũng có những chuẩn mực rất cụ thể. Chẳng hạn, một người phụ nữ đẹp phải có tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh. Trong tứ đức, có ba đức (công – ngôn – hạnh) nói về vẻ đẹp của tâm hồn, của đạo đức. Nói gọn lại thì đó chính là sự lao động phù hợp với khả năng của phụ nữ. Ngay trong nội dung của khái niệm
“Dung” cũng không hẳn chỉ là hình thức bên ngoài mà còn bao hàm cả vẻ đẹp của tâm hồn. Một người phụ nữ chỉ có dung (vẻ đẹp của dung nhan, hình thức bên ngoài) mà không biết làm những việc của phụ nữ (nữ công như thêu thùa, vá may gia chánh,…), không có lời ăn tiếng nói dịu dàng, không có lễ, không thùy mị nết na, không có những đức tính mà người phụ nữ cần có thì không ai có thể chấp nhận đó là người đẹp lý tưởng.
Muốn đạt được tới cái đẹp thì con người ta phải nhân vi rèn luyện, chế ước, đó là vẻ đẹp của sự tôi luyện, của sự vượt lên và vẻ đẹp mang tính công dụng. Cũng như đối với con người, Nho giáo thường quan tâm xem họ đã làm gì có ích cho nhân quần, xã hội, thì với cái đẹp cũng vậy, Nho giáo cũng rất quan tâm đến tính quan dụng, ích lợi của chúng đối với con người.
Đồng thời, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về cái đẹp thực hữu, sống động. Tư tưởng thẩm mỹ Nho giáo đề cao tính biểu tượng, được soi rọi từ
hiện thực của tâm, chí. Mặc dù đề cao vai trò của cái chủ quan trong quá trình tiếp nhận ngoại cảnh, Nho giáo trong bản thân học thuyết của mình chưa bao giờ phủ định tính hiện thực của sự tồn tại thế giới hiện tượng. Cái đẹp, cái thẩm mỹ trong quan điểm của Nho giáo vẫn là những gì gắn với mặt đất, con người đang tồn tại chứ không nằm trong một thế giới siêu việt.
Nó thường vận động, biến đổi theo quy luật biến dịch chứ không hề tĩnh tại. Có thể coi cái động là một phạm trù thẩm mỹ tiêu biểu của văn chương nhà nho. Từ cái động, nho gia tiến tới xác lập các phạm trù thẩm mỹ khác như cái tự cường, cái cương kiện, sinh sinh hài hòa. Nho gia từ trong tinh thần triết học nhân sinh vốn đã theo đuổi quan niệm: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Thiên vận hành rất khỏe, người quân tử cũng cần làm cho mình không ngừng tự cường cùng với sự tự cường không nghỉ của trời đất). Những hình tượng thiên nhiên sống động, cương kiện như tùng, trúc, cúc, mai là sự tiếp diễn một cách tự nhiên từ tinh thần triết học tới lĩnh vực thẩm mỹ. Hay nói cách khác, thẩm mỹ cũng là một phương diện trong đời sống tinh thần lấy tu dưỡng làm then chốt của nhà nho, thẩm mỹ cũng là một loại công cụ phục vụ tu dưỡng.
Tư tưởng thẩm mỹ Nho giáo còn được thể hiện ở thái độ đối với thiên nhiên – khách thể thẩm mỹ. Giới tự nhiên được nhà nho xác định là miền đất để bộc lộ tâm sự, để trứ tâm. Đó là nơi nhà nho có thể truy cầu sự thỏa mãn về phương diện thẩm mỹ, ở đó có cái đẹp toàn vẹn, có cái phong phú, phóng khoáng thanh khiết. Mây, nước, phong, hoa, tuyết, nguyệt đều là cội nguồn cái đẹp trong thơ miêu tả tự nhiên của các nhà nho. Chỉ có điều, thiên nhiên không phải là một khách thể thẩm mỹ khách quan mà là chủ khách thể tương thông hợp nhất. Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, các nhà nho thường có một tâm trạng phổ biến là cảm nhận được sự trường cửu của non sông, đồng thời cũng cảm nhận được cả cái phù vân, ngắn ngủi của cuộc đời con người, cái một đi không trở lại của dòng thời gian. Từ đó, trong mỗi người đều sinh ra một lòng cảm khái đối với quá khứ, với lịch sử hào hùng. Trong phạm vi đạo Nho, chí có một nghĩa cụ thể: khao khát
muốn làm cái gì đó cho đời và nhất là sống đúng theo những chỉ dẫn của thánh hiền. Đó chính là quan niệm thơ để nói chí của mình (Thi ngôn chí).
Ngoài những quan niệm trên, mỹ học Nho giáo còn là một học thuyết chính trị - xã hội nên thơ ca phải để quán đạo, minh đạo (Thi dĩ tải đạo, thi dĩ minh đạo, thi dĩ quán đạo). Tức thơ ca, nghệ thuật phải chở đạo, phải làm sáng đạo. Nếu tách khỏi đạo thì văn thơ, nghệ thuật cũng không có ý nghĩa gì hết.
Những đặc trưng và tính khuynh hướng của Nho gia đã báo trước những quan niệm thẩm mỹ của nhà nho khó có thể nằm ngoài những mối quan tâm lớn và thường trực: xã hội, nhân tâm và cái đẹp của nhân cách.
Mỹ học Nho giáo không tách rời với các vấn đề đạo đức của con người. Họ coi việc thực hiện theo đúng chuẩn mực đạo đức sẽ đưa con người ta tới các khía cạnh của thẩm mỹ. Như thế, mỹ học được đánh giá trên cơ sở của đạo đức. Còn với riêng Nguyễn Du, ông luôn quan tâm tới cái “hùng tâm”.
Đỗ Phủ - một nhà thơ, nhà nho tiêu biểu đời Đường, được ông coi là bậc thầy văn chương ngàn đời và đồng thời cũng là một người tri âm với mình.
Nguyễn Du học cái “đau đời”, tình yêu thương con người vô hạn của nhà thơ lỗi lạc này.
Bên cạnh sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Nguyễn Du cũng chịu những tác động nhất định của Đạo giáo. Lão Tử chính là người tiếp nhận tư tưởng của Dương Chu, của Âm dương Ngũ hành và phép biện chứng của Kinh Dịch để sáng lập nên Đạo gia. Tư liệu tư tưởng là cuốn Đạo đức kinh.
Người đã phát triển học thuyết Lão Tử và xây dựng nó thành một hệ thống tư tưởng sâu sắc là ẩn sĩ Trang Tử (khoảng 396 – 286 TCN).
Về phương diện tư tưởng thẩm mỹ, Đạo giáo tuyệt đối hóa tư tưởng tương đối để phủ nhận sự tồn tại của cái đẹp bình thường. Các đạo gia chủ trương “cái đại mỹ”, “toàn mỹ”, tức là cái “vô ngôn chi mỹ”, “vô thanh chi mỹ”. Theo họ, mỹ là thiện. Còn nhân vi thế tục có thể chuyển thành cái xấu, cho nên nó không thể trở thành cái mỹ, cái thiện chân chính; chẳng có cái gì để có thể gọi là cái mỹ và cái thiện chân chính cả - nó là cái hư vô.
Theo các đạo gia, cái đẹp chân chính là Đạo. Đạo là “cái đại” tuyệt đối,
“cái phác” tức là cái bản tính, là phép tắc tự nhiên của vạn vật. Cái đại nằm trong hình thái của sự vật, không nhìn thấy, không sờ thấy. “Người theo phép đất, đất theo pháp trời, trời theo pháp đạo, đạo theo phép tự nhiên”
(Lão Tử). Trang Tử chủ trương “Tồn nguyên cái đẹp của trời đất mà đạt cái lý của sự vật” đều là cái bản chất của tự nhiên hình thành của đất trời vạn vật, cái hình ảnh bản nhiên, tự tính, tự nhiên của nó. Cái gọi là cái vô hạn, vô hình, vô thanh, là cảnh giới tối cao của cái mỹ, cái không thể phân chia. Hy vọng điều hòa những mâu thuẫn trong đời sống hiện thực để đi vào hư tĩnh, cái đẹp của đạo chân chính là không đầy không vơi, không thành không mất, không có giới hạn giữa bộ phận và chỉnh thể. Đạo giáo chủ trương cái đẹp tự nhiên (đạo là đẹp tối cao), nó khác xa với quan điểm thẩm mỹ của Nho giáo. Theo Trang Tử, cái đẹp tối cao là cái đẹp tự do không phụ thuộc một nguyên tắc nào. Khát vọng tự do là cội nguồn của cái đẹp khoáng đạt trong tư tưởng của Trang Tử. Khi đứng lên đòi quyền tự do trong tình yêu, tự do cho người phụ nữ chắc hẳn Nguyễn Du không thể không chịu ảnh hưởng từ quan điểm này của Đạo giáo.
Ngoài sự tiếp xúc với Nho giáo, Đạo giáo, Nguyễn Du cũng có nhiều điều kiện nghiên cứu về Phật giáo. Đây là trường phái triết học – tôn giáo cổ Ấn Độ ra đời vào thế kỷ VI TCN, người sáng lập là Tất Đạt Đa. Phật giáo là hình thức giáo đoàn được xây dựng trên một niềm tin từ đức Phật, tức từ biển lớn trí tuệ và tấm lòng từ bi. Theo Phật giáo thì cái thẩm mỹ, quan hệ thẩm mỹ là sản phẩm của ý thức thuần túy, của “linh hồn vũ trụ”
hay “linh hồn cá thể”. Đời sống thẩm mỹ, hoạt động thẩm mỹ của con người rút cuộc cũng nằm trong “luân hồi” và “nghiệp”. Như thế, mọi sáng tạo văn hóa thẩm mỹ của con người đều không thể thoát ra khỏi mục tiêu
“Niết bàn”, “Không”. Phật giáo khác các tôn giáo khác ở chỗ, chúng sinh thuộc bất kỳ đẳng cấp nào cũng được giải thoát.
Phật giáo coi cảnh giới Niết bàn siêu thực, cái “không”, cái “trung đạo”
dứt bỏ mọi quan hệ nhân duyên, không còn giới hạn chủ thể khách thể là
cảnh giới tối cao của cái đẹp. Cái đẹp là đỉnh cao trí tuệ mà hình ảnh tượng trưng là tòa sen. Nó mở ra một miền đất hư ảo, siêu không gian – thời gian, trở thành nơi ký thác tinh thần của nhiều người khổ công đi tìm cảnh giới siêu trần thoát tục.
Con người là đối tượng trung tâm của hệ thống giáo lý Phật giáo. Triết lý tìm về bản thân, hiểu về bản ngã là triết lý tối cao của Phật giáo. Đức Phật đã khuyến khích chúng sinh: “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi, hãy nương tựa vào chính mình, vì Như lai chỉ là người dẫn đường” (Kinh Niết bàn). Đức Phật cũng dạy rất rõ là không thể tìm cảnh giới Niết bàn (cuộc sống đẹp) bên ngoài con người và cõi người. Như thế, đẹp trong Phật giáo là sự giải thoát mọi ràng buộc, chấp thủ về ngã và ngã sở.
Từ khuynh hướng tư tưởng của Phật giáo như vậy, chúng ta có thể thấy thế giới của cái đẹp, đối tượng cảm nhận về cái đẹp của Phật giáo không phải ở đời thực, ở xã hội hay tự nhiên mà tất cả chúng chỉ là “phương tiện”
để siêu xuất. Con người chỉ có thể hướng đến cái đẹp, cái tự do, cái tươi mới ở cõi Niết bàn mà thôi. Phải chăng vì thế mà đã có những lúc, Nguyễn Du muốn giải thoát Kiều khỏi bể khổ cuộc đời bằng cách quên sinh?!
Tư tưởng thẩm mỹ của Nho – Phật – Lão có một lịch sử lâu dài và có những thành tựu quý báu. Tuy nhiên, do nảy sinh và phát triển trên cơ sở của phương thức sản xuất châu Á và chế độ nông nô, phong kiến nên mỹ học nói chung và tư tưởng thẩm mỹ thời kỳ này nói riêng đã không thể vượt lên được và về sau thường rơi vào duy tâm, thần bí, siêu hình. Với Nguyễn Du, Thiền, Phật, Lão Trang thể hiện cái nhìn hư ảo về cuộc đời, đề cao cái tự nhiên trong con người, có tính cách phi chính thống của nhà nho tài tử, đồng thời cũng là phương tiện để chuyển tải những tư tưởng nhân văn chủ nghĩa. Một thời gian dài ông sống ở Tiên Điền trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất, tinh thần mỏi mệt nên có lúc ông đi tìm niềm an ủi trong tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo. Vậy nên thời kỳ này ông có hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ (người đi săn ở núi Hồng) và Nam Hải Điếu Đồ (người đi câu ở biển Nam). Sự thật thì các nhân cách văn hóa lớn của dân tộc như