Chương 1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG THẨM MỸ CỦA NGUYỄN DU TRONG TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU
1.3. Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
1.3.2. Đôi nét về tác phẩm “Truyện Kiều”
Truyện Kiều còn có tên gọi khác là Đoạn trường tân thanh. Đây là truyện thơ chữ Nôm theo thể lục bát của Nguyễn Du gồm 3254 câu thơ, dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tên thật là Tử Văn Trường, quê ở huyện Sơn Am, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814 - 1820). Lại có thuyết nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804 – 1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn. Ngay sau khi ra đời, Truyện Kiều được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi. Hai bản in cũ nhất hiện còn là bản Liễu Văn Đường (1871) và bản Duy Minh Thị (1872), tức đều ở thời vua Tự Đức.
Nội dung tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể tóm tắt ngắn gọn như sau:
Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan là ba người con trong một gia đình trung lưu họ Vương ở Bắc Kinh. Hai chị Thuý Kiều và Thuý Vân rất xinh đẹp, nết na. Nhưng chị cả Thuý Kiều là tài sắc hơn người. Trong ngày hội Thanh minh, ba chị em cùng đi chơi xuân. Dừng lại trước một nấm mồ của một kỹ nữ tên là Đạm Tiên, Kiều nhỏ lệ xót thương. Đang dùng dằng nửa ở nửa về thì gặp Kim Trọng - một văn nhân tài hoa, bạn học cùng với Vương Quan. Trong lần gặp gỡ đầu tiên này, Thúy Kiều và Kim Trọng đã có tình cảm với nhau. Đêm ấy, Kiều không sao ngủ được khi nghĩ tới Kim Trọng, lúc chợp mắt thì Đạm Tiên lại hiện lên báo mộng rằng Kiều đã có tên trong sổ đoạn trường. Còn về Kim Trọng, nỗi nhớ đưa chàng đến nơi gặp gỡ đầu tiên với Kiều, rồi chàng tìm nơi trọ học ngay sát nhà Kiều. Kim Trọng
nhặt được chiếc thoa của Kiều nơi vườn Thuý. Vì thế, hai người gặp lại nhau, Kim Trọng ngỏ lời yêu và Thuý Kiều chấp nhận. Nhân gia đình về quê ngoại ăn giỗ, Kiều sang nhà Kim Trọng, hai người đính ước, thề nguyền.
Nhận được tin chú qua đời, Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú.
Ngay sau đó, gia đình Kiều bị vu oan. Bọn sai nha ập đến khám nhà, cướp của, bắt trói, đánh đập Vương Ông, Vương Quan. Kiều tình nguyện bán mình lấy ba trăm lạng vàng đút lót cho bọn quan lại địa phương. Còn mối tình với Kim Trọng, Kiều đành nhờ Vân thay lời. Lầu xanh của mụ Tú Bà là nơi đầu tiên Kiều lưu lạc. Nàng đã phải buộc lòng ra tiếp khách, rồi Kiều gặp Thúc Sinh. Thúc Sinh say đắm Kiều, chuộc Kiều, lấy nàng làm vợ lẽ. Sống với nhau ít lâu, Thúc Sinh nghe lời Kiều về Vô Tích dàn xếp với vợ cả là Hoạn Thư để hai người được công khai ăn ở với nhau. Trên đường họ Thúc về quê, Hoạn Thư bắt cóc Kiều, đem nàng về nhà mình hành hạ. Phải làm đầy tớ, Kiều không thể ở lại nhà Hoạn Thư, nàng khoác áo tu hành. Rồi nàng trốn chạy, nhưng trớ trêu thay, nàng lại rơi vào lầu xanh lần hai của Bạc Bà, Bạc Hạnh. Ở đây nàng gặp Từ Hải – một võ tướng trí dũng phi thường. Trân trọng và say mê Kiều, Từ chuộc nàng ra, cưới nàng làm vợ. Từ giúp nàng báo ân, báo oán. Trong cuộc chiến với triều đình, tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến dùng mưu kế dụ hàng đã lừa được Từ Hải. Từ Hải chết trận, Kiều bị Hồ bắt đánh đàn hầu rượu rồi sau đó ép gả cho một viên quan nhỏ địa phương. Đau đớn và tuyệt vọng, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn.
Nhưng nàng được sư Giác Duyên cứu thoát.
Kim Trọng trở lại tìm Kiều sau khi hộ tang chú và biết được sự tình.
Chàng kết duyên với Thuý Vân nhưng vẫn luôn nhớ tới người xưa. Chàng đỗ đạt, ra làm quan nhưng vẫn luôn dò la tung tích Kiều. Biết tin nàng đã chết trên sông Tiền Đường, chàng lập đàn giải oan cho nàng. Bất ngờ, Giác Duyên đi qua, Kim Trọng biết được tin Kiều vẫn còn sống. Cả nhà đến đón nàng. Trong bữa tiệc đoàn tụ, Thuý Vân chủ động gợi ý chuyện nối lại tình duyên giữa Thuý Kiều và Kim Trọng. Chối từ không được, Kiều phải nhận
lời. Nhưng trong đêm động phòng, Kiều đề nghị và được Kim Trọng đồng tình: đổi duyên vợ chồng thành “duyên bạn bầy”.
Truyện Kiều là tác phẩm chính của nhà thơ thiên tài Nguyễn Du. Giá trị hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa trong sáng và hình thức nghệ thuật đậm đà, tính chất dân tộc độc đáo là biểu hiện tập trung của tác phẩm này.
Đọc Truyện Kiều ta thấy xã hội phong kiến đầy rẫy áp bức, bất công, thấy đồng tiền và thấy một Nguyễn Du hàm ẩn trong từng chữ, từng ý, một Nguyễn Du thâm thuý, trải đời, một Nguyễn Du chan chứa nhân ái, hiểu mình, hiểu đời, một Nguyễn Du nóng bỏng khát khao cuộc sống bình yên.
Tất cả tạo ra một mặt bằng tư tưởng và nghệ thuật nổi trội, đặc sắc Đoạn trường tân thanh.
Đọc Truyện Kiều ta cũng thấy những quan niệm về các khía cạnh thẩm mỹ của cuộc sống. Nó toát lên như một sự chiêm nghiệm trầm ngâm, một gợi ý cho biết bao nhiêu trăn trở, suy ngẫm. Nói một nhân vật, một tính cách, một cuộc đời nhưng lại đại diện cho một tầng lớp, một loại người, một đặc trưng xã hội,… Cái đẹp, cái bi, cái hài,… của một con người ấy, một tính cách ấy lại mang tính đại diện, mang tính quan điểm, khái quát hóa. Tư tưởng thẩm mỹ Nguyễn Du có những sự kế thừa nhưng cũng là những đấu tranh, những tiến bộ so với cái đã có. Vì thế nó cần được làm rõ và làm sâu sắc hơn nữa để càng thêm khẳng định giá trị muôn đời của bản thân tác phẩm và của cả chính tác giả.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Có thể nói, tư tưởng thẩm mỹ là những suy nghĩ, quan niệm, quan điểm về các thuộc tính thẩm mỹ trong tự nhiên, xã hội và nghệ thuật của cá nhân, nhóm, trào lưu nghệ thuật, tổng thể giai cấp, xã hội như cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, cái bi, cái hài,… được bộc lộ qua các hoạt động thực tiễn cụ thể. Tư tưởng thẩm mỹ bao giờ cũng được cụ thể hóa trong các chất liệu của nó, tức nó phải được thể hiện một cách đặc thù vào tác phẩm nghệ thuật. Nó có sự kết hợp giữa lý trí và tình cảm đã được nâng lên ở tầm lý luận. Quan niệm về cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, cái bi, cái hài,… phải tạo ra được giá trị thẩm mỹ nhất định. Điều đó có nghĩa là nó phải gắn bó chặt chẽ với các vấn đề cá nhân, xã hội, thời đại,… Và Nguyễn Du đã làm được điều đó. Ông đã gắn liền những vấn đề chung của thời đại, của dân tộc, nhân dân với những vấn đề mang tính chất cá nhân, những câu chuyện riêng tư của chính mình. Vì vậy, mà những chuyện đời tư ấy luôn mang trong mình những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp.
Chúng ta không thể không xuất phát từ những nguyên lý, quy luật của mỹ học mácxít được K. Marx và F. Engels soi sáng một cách tuyệt diệu để tìm hiểu tư tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Du, đồng thời cũng không nên gò bó máy móc, ví dụ như đòi hỏi sự ra đời của tư tưởng thẩm mỹ ở Việt Nam nhất thiết phải gắn liền với sự ra đời và phát triển của các quan hệ tư bản chủ nghĩa như ở châu Âu chẳng hạn. Trong cách đánh giá tư tưởng Truyện Kiều nói chung và tư tưởng thẩm mỹ nói riêng cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn và phù hợp giữa hai lối tư duy của phương Đông và phương Tây.
Tư tưởng thẩm mỹ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng thẩm mỹ tam giáo Nho - Phật - Lão và tư tưởng thẩm mỹ Việt Nam. Đồng thời nó cũng bị chi phối nhiều bởi yếu tố hoàn cảnh lịch sử và cuộc đời tác giả. Những yếu tố này tác động không nhỏ tới cách nghĩ, cách cảm, cách nhìn nhận của Tố Như. Một tác giả, một tác phẩm bao giờ cũng mang dấu ấn thời đại và dấu ấn cá nhân nghệ sĩ. Truyện
Kiều nói chung và tư tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm này nói riêng không nằm ngoài quy luật đó. Đóng góp hay hạn chế, tiến bộ hay bó hẹp một phần cũng bởi sức ảnh hưởng của yếu tố thời đại, yếu tố tư duy con người. Thế nên, không khó để nhận thấy nội dung, tư tưởng đương thời bộc lộ trong tác phẩm Truyện Kiều. Nhìn nhận tư tưởng thẩm mỹ của ông là phải xem xét từ góc độ thời đại mà soi rọi, nếu không sẽ rơi vào qua loa, đại khái, tìm hiểu không đến nơi đến trốn.
Đặc biệt, sau khi đọc xong kiệt tác Truyện Kiều, ta hiểu chính xác, súc tích hơn nội dung tác phẩm. Đồng thời mở ra những chân trời tưởng tượng, suy tư mới cho độc giả về tư tưởng thẩm mỹ của tác giả. Đâu là yêu - ghét, đâu là đẹp - xấu , đâu là bi – hài,… Những câu hỏi ấy cứ xoáy sâu trong suy nghĩ mỗi người, làm sao để tìm ra quan điểm sâu sắc, tâm huyết của Nguyễn Du về những khía cạnh thẩm mỹ đáng trân trọng, đáng ngợi ca trong cuộc sống. Điều ý nghĩa ấy người viết xin được khơi nguồn và hiện thực hóa ở chương hai của luận văn.
Chương 2