Những kết hợp đặc biệt về ngữ nghĩa

Một phần của tài liệu Vần, nhịp và phương thức tạo nghĩa trong thơ lục bát của Đồng Đức Bốn (Trang 82 - 87)

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC TẠO NGHĨA TRONG THƠ ĐỒNG ĐỨC BỐN

3.2. Những kết hợp đặc biệt về ngữ nghĩa

Theo R.Jakobson, Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng, khác với văn xuôi là ngôn ngữ dùng để phục vụ một đối tượng bên ngoài. Trong văn xuôi và cả trong ngôn ngữ hàng ngày, tương quan giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt là do cái được biểu đạt định đoạt. Trái lại, trong thơ, tương quan từ ngữ do quy luật thơ quyết định. Nhà thơ tổ chức các từ ngữ không theo quy luật thông thường của ngôn ngữ. Nhà thơ xem ngôn ngữ của mình không phải như là công cụ mà là một nguyên liệu. Có những quy luật ngôn ngữ chỉ để phục vụ ngôn ngữ. Các nhà thơ cũng khai thác các quy luật ngôn ngữ để làm thơ nhưng khai thác theo kiểu ngôn ngữ trong một ngôn ngữ. Văn xuôi sử dụng mối quan hệ thống nhất giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt, còn thơ khai thác những tương phản bất ngờ giữa ý tưởng và kí hiệu. Nhà thơ phải vi phạm quy luật thông thường của ngôn ngữ thì mới tạo ra được một hệ thống những kí hiệu tự tại, tức là một thứ ngôn ngữ quái đản theo cách nói của giáo sư Phan Ngọc. Điều chính yếu trong thơ không phải là nói ra cái gì mà là nói ra sao.

Với Đồng Đức Bốn, kỹ thuật thơ lục bát là không có kỹ thuật. Câu thơ của ông hầu như ít xuất hiện mĩ từ pháp, dùng ngôn ngữ bình dị nhưng không ai từ chối giá trị của những câu thơ kiểu như Dù cho trăm thứ bùa mê/ Vẫn không bằng được nhà quê của mình. Nhưng bên cạnh cái vẻ nhà quê ngẩn ngơ, khờ dại ấy, Đồng Đức Bốn còn sử dụng một thứ ngôn từ đi chênh ra

76

ngoài những quy luật bình thường của ngôn ngữ qua cách sử dụng từ ngữ độc đáo, những cách kết hợp cụm từ khác thường, cách tổ chức ngữ pháp câu thơ mới lạ.

3.2.2. Những kết hợp đặc biệt về ngôn từ

Nét độc đáo trong ngôn từ thơ lục bát Đồng Đức Bốn trước hết thể hiện ở cách sử dụng từ ngữ. Trong thơ Đồng Đức Bốn, mỗi từ đều có một giá trị riêng, một năng lực riêng do cái vỏ âm thanh và nội hàm của nó đem lại. Ông đã thể hiện những sáng tạo ở nhiều mức độ khác nhau trong cách dùng từ về mặt cấu tạo, tiến hành những lắp ghép để tạo nên những sắc thái mới, âm hưởng mới, những hiệu quả thẩm mĩ trong thơ lục bát của mình. Đó là các từ ngữ như giọt mắt, giếng mắt, chuông chim, người xin, sợi mưa, gió đàn, trăng gầy, cái ngọt ngào, cái ngậm ngùi, cái dây dưa, cái vu vơ, cái tự do, cái đợi chờ, cái buồn, cái nhớ, cái thương, cái mưa, chiếc trăng, chiếc chim ri,...

Trong bài thơ Đêm sông Cầu, để biểu dương sắc đẹp chết người của người con gái chèo đò, Đồng Đức Bốn dùng từ giọt mắt. Ngôn ngữ hàng ngày có các từ đôi mắt, con mắt, ánh mắt, còn Đồng Đức Bốn có từ giọt mắt: Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm. Qua cách dùng từ giọt mắt, người đọc cảm nhận được cái đẹp như ngưng tụ lại, kết thành khối, có sức nặng/ mạnh ghê gớm. Cả nhìnnghe được lắng qua cảm, không chỉ là cảm xúc mà còn là dự cảm. Câu lục dùng ba thanh trắc liên tiếp (giọt, mắt, xuống) cộng hưởng với các âm tiết hiệp vần nối liền với nhau (đừng, buông, xuống, sông, không, cũng) tạo nên một sự giao thoa âm thanh thành một từ trường, thể hiện một nỗi niềm bâng khuâng, một tâm trạng ngổn ngang của nhân vật trữ tình.

Khi J.P.Sartre khẳng định nhà thơ khước từ sử dụng ngôn ngữ là ý muốn nói tuyệt đối không coi ngôn ngữ như một kí hiệu, một công cụ giao tiếp đơn thuần. Do đó, khi dùng từ ngữ trong thơ, nhà thơ ít quan tâm đến

77

nghĩa từ vị mà bận lòng đến phần hình dung, đến diện mạo, âm hưởng, độ vang vọng, sức gợi cảm của từ ngữ. Vậy nên, theo em giữa Thanh Xuân, người đông phố chật, Đồng Đức Bốn không dùng cơn gió, trận gió hay ngọn gió mà dùng con gió trong Mặc cho con gió chen ngang/ Tóc em một sợi vẫn sang bên này (Mưa gió về đâu). Cách dùng từ con gió làm cho hành động của gió không vô tình mà cố tình chen ngang giữa hai người như muốn chia cắt tình cảm của họ. Câu thơ có nhịp 2/4 ở dòng lục, nhịp 4/4 ở dòng bát làm cho hình ảnh thơ con gió nổi bật, và hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu hòa quyện vào nhau; câu thơ có sự giao thoa về ngữ âm và ngữ nghĩa nhằm thể hiện một cái nhìn đầy cảm giác của tác giả.

Trong ngôn ngữ thơ lục bát, Đồng Đức Bốn luôn có ý thức đem hết tâm trí dùi mài vào lao động ngôn từ để biến ngôn ngữ cộng đồng thành ngôn ngữ của riêng mình. Để nâng cao khả năng thể hiện nội dung và cảm xúc thẩm mĩ ở mức độ tối đa, Đồng Đức Bốn đã tổ chức cụm từ (ngữ) một cách sáng tạo.

Trước hết, ông sử dụng phép đảo các thành phần trong cụm từ như: đội trên đầu vầng trăng, ngòn ngọt tiếng gà, đậu nắng trên sông, (hàng cây) nắng đứng, trượt nắng qua cầu, giường vẫn nằm không một mình, (lá) rập rờn lay, xót xa đi tìm, tơ cứ tằm, tăm tăm buồn, mơn mởn tóc,... Cách đảo các thành phần trong cụm từ, một mặt tăng cường nhạc tính cho câu thơ, mặt khác tạo ra những liên kết cú pháp mới, làm bật ra những ý nghĩa mới. Chẳng hạn, trong câu thơ Thuyền tôi đậu nắng trên sông gãy sào, cụm từ đậu nắng trên sông gãy sào là một kiểu quan hệ bị chế định bởi thi hứng, nhằm diễn tả một trạng thái cảm xúc đứt đoạn, một tình thế oái oăm của số phận.

Khai thác khả năng thi ca trên trục kết hợp, theo Nguyễn Phan Cảnh:

Cái được sử dụng ở đây là các quan hệ, vì thế người ta trau chuốt câu, và cảm xúc mĩ học được xây dựng bằng hiệu quả của bất ngờ cú pháp, nghĩa là của sự lắp ghép [2, 128]. Đúng vậy, để cho ngôn ngữ thơ có cá tính, Đồng

78

Đức Bốn đã thực hiện những bất ngờ cú pháp, những lắp ghép thực sự sáng tạo trong cụm từ và câu. Ở cấp độ cụm từ, có thể thống kê hàng loạt những lắp ghép dựa trên cảm xúc thẩm mĩ như: dòng sông gai, ngòn ngọt tiếng gà, mặt trăng cong, chiếc trăng gầy, cơn bão mồ côi, cơn bão người,...(cụm danh từ); rút trăng buộc lại con đò, thu lời em hát, luồn kim vào nhớ, lấy nắng dán diều, vớt buồn trên sông, trượt nắng qua cầu, đội trên đầu vầng trăng, bẻ cong trăng ngà, treo vào gió, cài vào nắng, nấp trong lòng, vớ câu thơ làm thuyền, tìm cái vu vơ, cầm cái hững hờ, bới gió chân cầu, gánh những mây mưa, sống trên ngọn gai, đứng trên gai, ngồi trên sóng, bán nhớ cho quên, cầm xót chua, cầm cái hững hờ, cầm cơn bão, vịn tiếng chuông chùa, vịn nắng, tựa vào những nỗi buồn, nối gió cho diều lên cao, gom bão thành chiều,...(cụm động từ). Đồng Đức Bốn dùng những kết hợp đặc biệt về cú pháp để diễn tả những cảm xúc đột hứng, táo bạo, tạo nên những hiệu quả nghệ thuật bất ngờ. Chẳng hạn, Rút trăng buộc lại con đò/ Thu lời em hát chỉ cho riêng mình, những kết hợp rút trăng..., thu lời em hát là sự thể hiện một niềm tin vào sức mạnh huyền nhiệm của con người. Con người trong thơ ông thật mạnh mẽ, phi thường, như có quyền phép của thần linh.

Cuộc đời Đồng Đức Bốn là một cuộc dấn thân Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân, chấp nhận mọi đắng cay ngọt bùi (đứng trên gai, sống trên ngọn gai, ngồi trên sóng,..), có khi phải liều lĩnh, ngang ngược (thế chấp cả trời, cầm cơn bão, gom bão thành chiều, bẻ cong trăng ngà,...), có khi bơ vơ, vô định giữa cuộc đời (tìm cái vu vơ, cầm cái hững hờ, cầm xót chua, tìm cái chửa chưa có gì,...) nhưng ông vẫn tin vào cuộc đời, vẫn rạo rực, thiết tha sống (vịn tiếng chuông chùa, vịn nắng vào ngày, vớ câu thơ làm thuyền, gom gió cho diều lên cao,...). Điều cuối cùng là Đồng Đức Bốn được nhiều hơn mất: Tôi vừa trượt nắng qua cầu/ Gió thương tình đội trên đầu vầng trăng.

Trong thơ, cái quan trọng không phải là nói cái gì mà là nói như thế nào, và Đồng Đức Bốn đã tìm được một cách nói vừa hồn nhiên, giản dị, vừa rất thơ

79

về niềm tự tin của mình qua sự lắp ghép (gió thương tình) đội lên đầu vầng trăng.

Ở cấp độ câu, Đồng Đức Bốn cũng sử dụng nhiều bất ngờ cú pháp có hiệu quả thẩm mĩ cao.

Ví dụ 90: Trong bài Chợ buồn, ông đang trình làng một loại chợ: Chợ buồn đem bán những vui/ Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em/ Chợ buồn bán nhớ cho quên/ Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày/ Chợ buồn bán tỉnh cho say/ Bán thương suốt một đời này cho yêu. Những thứ mua và bán ở đây là không dễ gì có được nếu người vào chợ không nếm trải những đa đoan dâu bể cuộc đời, của phận người. Tác giả đã khéo dùng các cặp từ trái nghĩa: mua / bán, vui / buồn, nhớ / quên, mưa / nắng, đêm / ngày, tỉnh / say để miêu tả sự tình theo biện pháp đối lập, tương phản khiến người đọc nhận thức được đây đâu phải là cái chợ bình thường con cá lá rau.

Có trường hợp, Đồng Đức Bốn đem đến cho người đọc những âm thanh thảng thốt, những mảnh tâm trạng đứt gãy qua hình ảnh tiếng vạc mảnh mai trong đêm:

Ví dụ 91: Ngang trời tiếng vạc mảnh mai/ Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi (Cái đêm em ở với chồng). Còn nữa, nhiều câu thơ của Đồng Đức Bốn có thể làm vật tín chấp để ghi danh ông vào danh sách những nhà thơ lục bát hiện đại với những liên tưởng ngữ nghĩa mới lạ mà không vô lý: Khói thuốc là đường lên trời/ Rượu trong cất ở mắt người sang nhau; Rút trăng buộc lại con đò/ Thu lời em hát chỉ cho riêng mình; Tiếng ve xé nát đôi bờ/

Sông sâu đã nhện nhả tơ bắc cầu; Mang câu lục bát ra tiêu/ Tôi đem về được chín chiều bão dông, v.v..

Tóm lại, từ cách dùng từ độc đáo, cách kết hợp từ mới lạ, những câu thơ đặc biệt về cú pháp, người đọc dễ dàng nhận ra một cá tính Đồng Đức Bốn trong ngôn ngữ thơ lục bát. Câu thơ lục bát Đồng Đức bốn mới lạ trong cảm xúc, có chiều sâu nội tâm, có sức ám ảnh người đọc bởi được thể hiện bằng một ngôn ngữ có cá tính.

80

Đồng Đức Bốn làm khá nhiều thơ tự do nhưng ông thực sự thành công ở thể thơ lục bát. Ông tự nhận là kẻ mượn bút của trời nhưng lại dặn mình Gửi câu lục bát vào trời/ Ta đi tìm lại con người trong ta. Nghĩa là, ông làm thơ bằng sự trải nghiệm, bằng cuộc đời của anh nhà quê ra tỉnh thực hiện một cuộc dấn thân có phần liều lĩnh. Kẻ nhà quê ấy cứ kể về đời mình, phận mình, ước vọng của mình bằng một giọng điệu hồn nhiên, chân thành, bằng một ngôn ngữ mới lạ, giàu chất suy tưởng, giàu chất thơ. Ngôn ngữ thơ lục bát Đồng Đức Bốn có nhiều nét độc đáo nhưng nổi trội hơn cả là nhạc điệu thơ và cách sử dụng ngôn từ độc đáo, mới lạ. Nhạc điệu thơ lục bát Đồng Đức Bốn có sức quyến rũ khác thường qua cách hòa âm của vần thơ có sự nới rộng nguyên tắc hiệp vần, cách tổ chức nhịp điệu biến thiên đa dạng, cách phối thanh bằng trắc tạo âm điệu theo một định hướng mới. Trong cách sử dụng ngôn từ, ông có cách kết hợp các yếu tố cấu tạo từ vặn xoắn vào nhau để tạo ra nghĩa mới, mạnh dạn dùng những liên kết ngữ pháp khác thường, những kết hợp cú pháp mới lạ trong cụm từ và câu làm cho câu thơ có sự cộng hưởng về ngữ âm và ngữ nghĩa, về nhạc điệu và hình ảnh thơ. Bởi vậy, có thể khẳng định, trong thơ lục bát, Đồng Đức Bốn đã tạo được ngôn ngữ cho riêng mình.

Một phần của tài liệu Vần, nhịp và phương thức tạo nghĩa trong thơ lục bát của Đồng Đức Bốn (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)