BẢN CHẤT CỦA VĂN MINH

Một phần của tài liệu Bàn về văn minh (Trang 74 - 97)

Văn minh là gì?

ếu tiếp tục nội dung của chương trước thì đến đây cần phải bàn về lịch sử văn minh phương Tây. Tuy nhiên trước đó thì chúng ta không thể không giải thích văn minh là gì, và phải nói là rất khó để hình dung khái niệm này cho thật đầy đủ.

Không chỉ vậy, ở trường hợp cực đoan, trong dư luận cũng xảy ra cả tranh cãi về văn minh là tốt hay xấu. Lý do gây ra những tranh luận như vậy nằm ở chỗ, từ "văn minh" có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng và hẹp. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì văn minh là tình trạng con người dùng chính sức mình để làm ra ngày càng nhiều những thứ mình muốn, trong việc ăn mặc, cư trú hòng bổ sung cho nhu cầu thường nhật. Mặt khác, hiểu theo nghĩa rộng, văn minh không chỉ đơn giản làm cho việc ăn mặc, cư trú được tiện nghi, nó còn làm cho đời sống con người ngày càng cao thượng thông qua việc trui rèn cả trí tuệ và đạo đức. Vì vậy, đối với những người có

học, chỉ cần chú ý rằng văn minh có cả hai nghĩa hẹp và rộng, thì không cần phải tranh luận vô ích ở đây làm gì.

Trước hết, văn minh là một thứ tương đối, và không hề có giới hạn khi nói về trình độ văn minh. Văn minh đơn giản là việc thoát khỏi trạng thái dã man mà dần dần tiến bộ. Bản chất của nhân loại xưa nay là sống dựa trên sự giao tiếp với nhau. Trong trạng thái cô lập thì không thể nảy sinh trí lực và tài năng. Chỉ những người trong gia đình tập hợp lại với nhau thì vẫn chưa thể gọi là sự giao tiếp đầy đủ giữa người với người. Cả xã hội càng giao hòa, người càng tiếp xúc với người và sự tiếp xúc đó ngày càng mở rộng, thì pháp luật càng tiến bộ, cũng như tính người sẽ càng thêm văn minh và trí tuệ con người sẽ càng thêm phát triển.

Trong tiếng Anh "văn minh" được gọi là "civilization", có ngữ nguyên là từ Latin "civitas", nghĩa là "quốc gia". Cho nên "văn minh"

miêu tả trạng thái mà sự giao tiếp của con người được cải biến và tiến bộ theo hướng tích cực. Nó là tình trạng lập nên thể chế của một nước, đối lập với tình trạng cô lập dã man, vô pháp.

Chỉ có văn minh là thứ vĩ đại và quan trọng nhất, và toàn nhân loại đều hướng đến mục đích này. Có rất nhiều lãnh vực khác nhau của văn minh mà chúng ta có thể bàn luận như chế độ, văn học, thương mại, công nghiệp, chiến tranh, chính trị... Song, khi so sánh chúng với nhau để bàn luận được sự lợi hại, thiệt hơn, chúng ta không có tiêu chí nào khác hơn ngoài chuyện điều đó có lợi cho văn minh hay không. Thứ gì làm văn minh tiến lên thì có lợi, và thứ gì khiến nó thụt lùi thì có hại.

Văn minh giống như một vở kịch lớn, những thứ như chế độ rồi văn học, thương mại, v.v. thảy đều là diễn viên trong vở kịch ấy.

Trong lớp diễn viên, người nào hoàn thành vai được giao bằng sở trường của riêng mình, thể hiện được những diễn xuất đúng theo chủ đề của vở kịch và làm khán giả hài lòng, người đó là diễn viên tài năng. Ngược lại, người nào làm sai động tác, bị chệch nhịp lời thoại, khóc hay cười đều giả tạo không một chút thật, làm hỏng cả vở kịch, người ấy là diễn viên tồi. Hay có người khóc hay cười thì đều rất thật, nhưng lúc phải khóc thì lại cười, lúc nên cười thì lại khóc; thì đây gọi là diễn vụng về.

Hoặc có thể nói văn minh như biển lớn, còn chế độ, văn học, v.v.

như là những con sông. Sông nào đổ nhiều nước vào biển thì gọi là đại hà (sông lớn), ít nước thì gọi là tiểu hà (sông nhỏ). Hay văn minh có thể ví như nhà kho, những thứ như chuyện ăn mặc hàng ngày, vốn liếng của nền kinh tế, năng lực của con người, thảy đều nằm trong nhà kho này.

Thế giới con người bao chứa rất nhiều những chuyện đáng ghê sợ, song nếu một thứ vẫn có mặt tích cực là làm cho văn minh được tiến bộ, thì những khuyết điểm đáng ghê sợ kia có thể bỏ qua được mà không cần băn khoăn gì nhiều. Nội loạn hay chiến tranh có lẽ là những ví dụ như vậy. Thậm chí ngay cả nền độc tài hay chính trị tàn bạo cũng có thể có ích cho tiến bộ xã hội; nếu một khi chế độ đó chứng tỏ được hiệu quả trong việc phát triển văn minh, thì chắc những đặc điểm tàn ác của nó trước đó sẽ được người ta sớm quên đi, cũng như chấp nhận quyền uy của nó mà không phê phán gì.

Giống như khi mua một món gì đó, cho dù nó đắt tiền đi nữa, nhưng nếu nó mang lại thật nhiều lợi ích, thì đại đa số người ta sẽ quên đi

việc họ đã phải bỏ ra quá nhiều tiền khi mua nó. Đó chính là bản tính của con người vậy.

Giai đoạn tiền văn minh.

Đến đây, ta hãy thử đặt ra một xã hội giả tưởng với nhiều giai đoạn để giải thích kỹ hơn về nơi chốn có văn minh tồn tại.

Thứ nhất. Giả sử có một nhóm người, nhìn qua họ có vẻ sống an nhàn, thuế má thấp mà các gánh nặng cũng không nhiều. Tòa án thì cũng không phải không công bằng, mà cái ác thì cũng không phải không bị trừng phạt. Nói khái quát thì việc ăn mặc cư trú nhìn chung là tốt và trong tình trạng không có gì đáng phàn nàn. Dầu vậy nhưng chỉ có sự ăn mặc cư trú là an nhàn, còn tri thức và đạo đức con người bị kìm giữ, không được phát huy. Người ta không hề được tự do, bị đối xử như bò hay cừu, được nuôi và chăn dắt, miễn sao không bị đói hay rét là được. Không phải đơn giản là có một áp lực từ phía trên, mà là trạng thái bị đóng cửa hoàn toàn với xung quanh.

Đây là cách mà phiên Matsumae trước đây đối xử với người Ainu ở Hakodate. Như thế có thể gọi là "văn minh khai hóa" được không?

Chúng ta có thể chứng kiến được sự tiến bộ của tri thức, đạo đức trong dân chúng đó được chăng?

Thứ hai. Một nhóm người khác, nhìn qua thì sự an nhàn trong đời sống không bằng được nhóm người thứ nhất trên đây, nhưng cũng không phải không chịu đựng được. Và bù đắp cho sự thiếu thốn trong sinh hoạt là việc con đường để tri thức, đạo đức phát triển vẫn không hoàn toàn bị đóng lại. Trong nhân dân vẫn có học

giả rao giảng những tư tưởng cao thượng, và bàn luận về tôn giáo hay đạo đức của họ cũng có tiến bộ. Thế nhưng nguyên tắc của tự do phổ quát thì không hề được thực hiện. Bọn họ chỉ tập trung vào những thứ ngăn chặn sự tự do của con người. Tuy cũng có những người có đức hạnh hay tri thức, nhưng phương cách để họ có những điều này giống như dân nghèo đi van xin thức ăn, áo mặc vậy, không phải tự mình tiến lên rồi thụ đắc, mà phải dựa vào kẻ khác mới có được. Cho dù vẫn có những người truy cầu đạo lý, nhưng sự truy cầu đó cũng không phải vì bản thân họ, mà từ sự thúc giục của kẻ khác.

Đây chính là tình trạng mà các nước châu Á rơi vào; khi nhân dân bị ràng buộc bởi uy quyền của chính phủ mà mất hết cái khí chất hoạt bát, rồi trở nên đớn hèn đến cùng cực. Như vậy có thể gọi là "văn minh khai hóa" được hay không? Chúng ta có thể công nhận dấu vết của tiến bộ trong văn minh ở các dân tộc này được không?

Thứ ba. Lại có một nhóm người, trông có vẻ đầy đủ, tự tại, nhưng thật ra không có một trật tự xã hội nào, mà cũng không hề có ý thức về quyền bình đẳng. Cái to lớn sẽ áp chế cái nhỏ bé, kẻ mạnh sẽ áp chế kẻ yếu. Kẻ hùng mạnh nhất thì sẽ chi phối cả xã hội, Châu Âu thời xưa, ví dụ vậy, đã ở trong tình trạng như thế này, Có thể gọi đây là "văn minh khai hóa" được hay không? Đương nhiên có thể nói có tồn tại những hạt giống của văn minh, nhưng bản thân trạng thái này không thể đặt tên là văn minh được.

Thứ tư. Lại có một nhóm người, ai ai cũng tự do, và cũng không có gì cản trở sự tự do đó. Mỗi người đều phát huy được năng lực của bản thân, không có phân biệt giữa lớn với nhỏ, mạnh với yếu. Ai

cũng muốn đi là đi, muốn dừng là dừng. Quyền lợi thì ai cũng được bình đẳng. Thế nhưng nhóm người này vẫn còn chưa hiểu được ý nghĩa của việc giao tế giữa con người với nhau. Mỗi người có thể tận lực vì bản thân, nhưng không để tâm đến lợi ích công cộng. Họ cũng không hề biết đến các khái niệm như quốc gia hay xã hội. Chỉ là sinh ra rồi chết đi từ đời này sang đời nọ, khi có ai đó ra đời hay mất đi thì tình trạng xã hội cũng không hề thay đổi. Trải qua bao thế hệ mà ở đó không hề có cả chứng tích của việc con người đã từng sinh sống. Cái mà hiện nay ta gọi "giống người dã man" chính là ở giai đoạn này. Cho dù những người này cũng không thiếu ý thức về tự do hay về quyền bình đẳng, thì chúng ta có thể nào gọi đây là

"văn minh khai hóa" được chăng?

Như vậy nhìn qua bốn ví dụ trên, ta thấy không có cái nào đáng để gọi tên là "văn minh". Vậy thì phải như thế nào thì mới gọi là "văn minh"?

Tôi cho đó chính là việc đạt được cả sự tiện nghi về vật chất lẫn sự nâng cao của tâm hồn con người. Điều đó bao hàm cả việc làm cho những thứ cần thiết thường ngày được dư thừa và phẩm cách con người được coi trọng. Tuy nhiên, chỉ có sự tiện nghi của thể xác mà đã gọi đó là văn minh thì có thật sự đúng hay không? Mục đích của cuộc đời con người không phải chỉ dừng lại ở đồ ăn hay quần áo. Vì nếu mục đích sống thực sự chỉ có vậy thì con người ta khác nào loài kiến hay ong mật. Cái đó không thể gọi là sứ mệnh mà Trời ban cho con người được.

Thế ngược lại, chỉ lấy mỗi việc thúc đẩy cho lòng người cao thượng hơn lên mà cho đó là văn minh thì có thật sự đúng hay

không? Nếu chỉ cần có vậy thì chắc mọi người trong xã hội đều trở thành người như Nhan Hồi "đan biều lậu hạng"[22], một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi ngõ hẻm. Cái này cũng không thể gọi là sứ mệnh Trời ban được.

Cho nên, phải có đầy đủ cả phương diện vật chất lẫn tinh thần thì mới có thể gọi là văn minh. Tuy nhiên, sự tiện nghi về mặt vật chất cũng như sự cao thượng của tinh thần con người thì không hề có giới hạn. Vì vậy gọi là "tiện nghi" hay "cao thượng" thì phải nghĩ đó là nói đến trạng thái tiến bộ để hướng đến một trình độ cao hơn.

Và bởi vì tri thức và đạo đức là động lực của sự tiến bộ này, nên kết cục có thể nói văn minh chính là sự tiến bộ của tri thức và đạo đức của con người.

Không thể tùy tiện áp đặt tiêu chuẩn của bản thân cho văn minh

Như tôi đã trình bày, văn minh là khái niệm vĩ đại và quan trọng nhất, bao trùm toàn bộ thế giới con người; tiềm năng của nó là không hề có giới hạn và ngay trong lúc này nó cũng đang liên tục tiến bộ.

Thế mà trong xã hội người ta vẫn chưa hiểu ý nghĩa này của văn minh mà lại mắc phải một ngộ nhận rất lớn. Có người còn nói: "Văn minh là biểu hiện ra bên ngoài của tri thức và đạo đức của con người. Tuy nhiên nếu nhìn sang người dân ở các nước phương Tây thì sẽ thấy đầy rẫy những chuyện thất đức. Kẻ dối trá trong mua bán cũng có, mà bọn ức hiếp người khác để cướp đoạt lợi ích cũng

không hiếm. Không thể gọi đây là những con người có đạo đức được. Thêm nữa, ở xứ Ireland đang bị nước Anh cai trị, người dân không có được đời sống ổn định và phải ăn toàn khoai tây thì thật khó mà cho đó là những người có tri thức cao được. Cho nên ta mới nói văn minh không nhất thiết phải cùng song hành với cả tri thức lẫn đạo đức."

Ý kiến trên xuất phát từ suy nghĩ cho rằng văn minh trên thế giới hiện nay đã đạt đến trạng thái tột đỉnh rồi. Bọn họ không hề biết đến sự tiến bộ lớn lao đã đạt được khi so sánh với quá khứ. Bọn họ cũng chẳng nhận ra rằng nền văn minh hiện nay mà so với mức độ phát triển lý tưởng của nó thì chắc vẫn chưa đạt đến dù chỉ là nửa phần. Thế thì làm sao ta có thể mong ngóng một thứ hoàn mỹ không tưởng có ngay tức thì cho được?

Những kẻ ngu dốt, vô đạo thật ra có thể gọi là căn bệnh của thế giới văn minh. Trên thế giới hiện nay, việc theo đuổi một nền văn minh toàn bích cũng giống như chuyện đi tìm trong xã hội ai đó có cơ thể khỏe mạnh hoàn hảo. Dân số toàn cầu tuy đông, nhưng liệu có hay chăng người nào từ khi sinh ra đến khi chết đi mà cơ thể được tráng kiện hoàn toàn, không mắc phải bất cứ một tật bệnh dù nhỏ nào? Chắc chắn là không có một ai như vậy. Nói một cơ thể khỏe mạnh thì chỉ có nghĩa là dù nói chung là khỏe mạnh song vẫn phải có chút đau yếu gì đó. Quốc gia cũng tương tự như một con người vậy, cho dù là nước văn minh đi nữa, thì vẫn không thể không có một số khuyết điểm.

Một số người khác thì thừa nhận rằng: "Văn minh là điều vĩ đại và quan trọng nhất, và toàn bộ hoạt động của con người đều hướng

về điều đó. Tuy nhiên, bản chất của văn minh chẳng phải là ở sự bình đẳng về quyền lợi hay sao? Nhìn qua các nước phương Tây thì thấy cải cách được bắt đầu từ việc lật đổ giai cấp quý tộc. Lịch sử của Anh, Pháp và một số nước khác có thể thực chứng cho lập luận này. Những năm gần đây ở nước Nhật Bản ta cũng thi hành chính sách 'bãi phiên lập tỉnh', giai cấp võ sĩ thì mất đi quyền lợi, mà tầng lớp quý tộc cũng không còn những thanh thế xưa kia. Nếu đây là mục đích của văn minh, và nguyên tắc trên vẫn được áp dụng, thì phải chăng chế độ quân chủ chuyên chế là không thích hợp với một nước văn minh? Vấn đề này thì nên suy nghĩ thế nào?"

Câu trả lời của tôi như sau: Đây là luận thuyết của người chỉ nhìn thiên hạ bằng một bên mắt. Văn minh không chỉ là điều vĩ đại và quan trọng nhất, nó còn là thứ có thể dung nạp rộng rãi nhiều hình thái, đối tượng. Văn minh là thứ rộng nhất và quảng đại nhất. Làm sao có chuyện nền văn minh không có chỗ cho chế độ quân chủ?

Quân chủ hay quý tộc đều có chỗ của mình trong văn minh. Tại sao cứ phải nhặng xị lên với những thứ nhỏ nhặt như tước vị xuất thân mới được?

Ông Francois Pierre Guillaume Guizot (1787-1874) trong quyển, Lịch sử văn minh có viết như sau: "Chế độ quân chủ là chính thể được thực thi cả ở những nước áp dụng nghiêm khắc chế độ giai tầng như Ấn Độ, lẫn những nước mà nhân dân được bình đẳng về quyền lợi và không phân biệt giai tầng. Chính thể quân chủ có ở cả nơi chuyên chế đàn áp lẫn thế giới tự do. Quân chủ có thể ví như phần đầu, còn chính trị hay phong tục một nước là phần thân. Cùng một đầu mà gắn với nhiều thân thể khác nhau cũng không có gì lạ.

Hay quân chủ là trái cây, còn chính trị hay phong tục một nước là

thân cây. Cùng một loại trái mà ghép thành quả ở nhiều cây khác nhau là chuyện bình thường."

Lý luận của ông Guizot quả thật rất đúng. Tất cả chính phủ trên thế giới đều được lập ra như một công cụ hữu dụng. Vì vậy, nếu công cụ đó hữu dụng cho tiến bộ văn minh của một nước, thì thể chế quân chủ hay cộng hòa đều được, và hiệu quả của chúng trong thực tế mới là thứ nên xem trọng. Lịch sử từ khi bắt đầu đến nay, trong những loại hình chính phủ được thể nghiệm trên thế giới, có cả nền độc tài quân chủ, rồi thể chế quân chủ lập hiến, từ chế độ chính trị quý tộc đến chế độ cộng hòa, v.v. Những lập luận suy diễn chỉ nhìn hình thức mà không căn cứ vào thực tế thì không thể đánh giá được chính thể nào phục vụ văn minh tốt nhất được. Điều quan trọng là giữ được một đầu óc cởi mở trong vấn đề này.

Chế độ quân chủ không phải lúc nào cũng bất tiện, cũng như chế độ cộng hòa không phải lúc nào cũng hay. Chế độ cộng hòa thiết lập nhờ cuộc cách mạng tháng Hai năm 1848 ở Pháp đặt "công bình"

làm lý tưởng, nhưng thực tế lại diễn ra rất bi thảm. Hay ở Áo thời kỳ Franz II tuy là chế độ độc tài, nhưng thật ra lại khá quảng đại. Chế độ cộng hòa ở Hoa Kỳ hiện nay có thể ưu việt hơn chính phủ ở Trung Quốc, nhưng chế độ cộng hòa ở Mexico thì chắc không thể bằng chế độ quân chủ ở Anh. Vì vậy không phải cứ thấy thể chế chính trị (quân chủ) ở Anh hay Áo tốt mà chúng ta lại nói rằng nên noi theo đường lối chính trị của Trung Quốc. Hoặc cho dù có đánh giá cao chế độ cộng hòa ở Hoa Kỳ, thì cũng không được bắt chước Pháp hay Mexico.[23] Thể chế chính trị bắt buộc phải được đánh giá bằng những gì diễn ra trên thực tế, chứ không được chỉ dựa vào tên gọi của chính thể đó mà phán xét.

Một phần của tài liệu Bàn về văn minh (Trang 74 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(398 trang)