TRI THỨC VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA NHÂN DÂN MỘT NƯỚC

Một phần của tài liệu Bàn về văn minh (Trang 97 - 152)

Tri thức và đạo đức của quốc gia là gì?

chương trước tôi đã nói văn minh là sự tiến bộ về tri thức và đạo đức của con người.

Ví thử có một người vừa có tri thức vừa có đạo đức thì ta có thể gọi người đó là một con người văn minh không? Câu trả lời của tôi là, vâng, ta có thể gọi anh ta là con người văn minh. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể cho ta biết được đất nước mà anh ta đang sống có phải là một đất nước văn minh hay không. Không thể bàn luận về văn minh chỉ trên phương diện một cá nhân, mà chỉ nên bàn trên phương diện toàn thể một đất nước. Cho dù ở đây ta đang nói các nước phương Tây là các quốc gia văn minh, còn các nước châu Á mới chỉ đang văn minh được nửa chừng; nhưng nếu nhìn ở phạm vi vài ba người thì hẳn ở các nước phương Tây cũng có những kẻ ngu ngốc, cục mịch, còn ở các nước châu Á cũng có những bậc trí tuệ, đạo đức hơn người. Nói phương Tây văn minh còn châu Á không

văn minh, là bởi vì ở phương Tây những kẻ thậm ngốc kia không thể thoải mái phơi bày sự ngu ngốc của mình; còn ở châu Á thì số ít những bậc xuất chúng hơn người kia không thể thoải mái phát huy cả trí tuệ lẫn đạo đức của họ.

Tại sao lại xảy ra tình trạng như thế? Bởi vì văn minh không phải là vấn đề thông minh hay ngu dốt của các cá nhân mà là vấn đề tinh thần lan tỏa trong cả quốc gia ấy. Như vậy, khi bàn về văn minh của một nước, ta cần phải quan sát cái tinh thần nào đang bao trùm lên toàn thể đất nước ấy. Cái "tinh thần" ấy chính là sự thể hiện tri thức và đạo đức của toàn bộ dân chúng có tiến bộ cũng như có suy thoái, có tăng cũng như có giảm, biến chuyển không giây phút nào ngừng nghỉ. Nó là cội nguồn sinh khí của một quốc gia vào bất cứ thời điểm cụ thể nào. Cho nên một khi chúng ta có thể xác định được sự hiện diện của tinh thần đó, thì trình độ văn minh của cả nước trở nên rất rõ ràng và việc luận bàn về những ưu điểm và nhược điểm của quốc gia ấy cũng thành ra rất dễ, thậm chí dễ hơn cả thò tay vào túi áo lấy đồ vậy.

Vì tinh thần này không phải là tinh thần cá nhân mà là tinh thần quốc gia, nên dù có muốn người ta cũng không thể nhìn thấy hay nghe thấy được. Thảng hoặc có nhìn thấy, hay nghe thấy được thì hầu hết cũng chỉ là những ấn tượng mâu thuẫn, không đủ để hiểu rõ bản chất của sự việc. Điều này cũng giống như lấy ví dụ muốn biết địa hình một tỉnh nào đó là nhiều đồi núi hay nhiều sông hồ thì phải khảo sát tổng diện tích đồi núi, sông hồ của tỉnh ấy, chứ không phải thấy tình đó có ngọn núi cao hay có con sông lớn liền bảo ngay đó là tỉnh có địa hình đồi núi hoặc tình có địa hình sông hồ.

Như vậy, nếu muốn biết tinh thần của cả một dân tộc cũng như tình trạng chung của tri thức và đạo đức của dân tộc ấy thì phải quan sát tất thảy những biểu hiện của chúng trong nhân dân như một tổng thể. Tri thức và đạo đức này không thể được mô tả như tri thức và đạo đức của một cá nhân mà phải như là của cả một dân tộc. Tri thức và đạo đức của một dân tộc là tổng lượng tri thức và đạo đức tồn tại trong toàn bộ đất nước ấy. Khi người ta đã biết được đại thể nó nhiều ít ra sao thì không khó xác định trình độ tiến bộ, mức độ lạc hậu, sự tăng trưởng hay suy giảm, cũng như xác định xu hướng vận động nói chung của nó.

Sự vận động của tri thức và đạo đức cũng như hướng thổi của gió to, như dòng chảy của sông lớn. Gió thổi từ Bắc xuống Nam, sông chảy từ Tây sang Đông, nếu cứ đứng từ trên cao mà quan sát tốc độ cùng phương hướng của chúng thì sẽ rõ. Song nếu ai đó cứ ở trong nhà thì ngỡ gió chẳng hề có, còn nếu chỉ nhìn vào vũng đọng ở chân đê thì ngỡ sông chẳng hề chảy. Nếu như có chướng ngại vật lớn cản trở dòng chảy thì có khi nó sẽ chảy ngược dòng.

Tuy nhiên, hiện tượng chảy ngược dòng xảy ra là bởi dòng chảy bị cản trở. Người ta không thể chỉ nhìn vào mỗi đoạn chảy ngược dòng ấy mà phán định hướng chảy của cả một con sông. Chính vì thế mà ta luôn phải quan sát sự vật từ vị trí trên cao và thuận tiện.

Ví dụ như trong kinh tế học, người ta thường nói nền tảng của sự giàu có là trung thực, chăm chỉ và cần kiệm. Ngày nay, nếu so sánh doanh nhân Nhật Bản với doanh nhân phương Tây thì thấy chẳng phải cách mua bán của người Nhật kém trung thực so với cách của người phương Tây, cũng chẳng phải người Nhật lười biếng hơn người phương Tây, còn riêng với tính cần kiệm thì người

phương Tây không thể bằng người Nhật được. Thế nhưng nếu xét sự giàu nghèo của cả quốc gia dựa vào thương mại thì rõ ràng Nhật Bản còn kém xa các nước phương Tây[26].

Lại nói Trung Quốc từ xưa đã xưng là một "quốc gia lễ nghĩa", dẫu nghe không phải không có chút tự phụ, thế nhưng cái danh tiếng ấy hẳn là khó có thể có được nếu như không có những thực tế minh chứng cho điều đó. Quả thực, Trung Quốc ngày xưa có những con người lỗi lạc, đã làm những việc tuyệt vời xứng đáng với lễ nghĩa. Ngày nay, những người đáng kính như thế cũng không ít nhưng nếu nhìn vào tình hình toàn thể quốc gia ấy thì thấy bọn giết người, trộm cắp rất nhiều, pháp luật cực kỳ khắc nghiệt mà tội phạm cũng không giảm. Nhân tình thế thái ê chề đáng xấu hổ như thế có thể nói là nhan nhản ở các nước châu Á. Thế nên Trung Quốc không phải là một quốc gia lễ nghĩa, mà mới chỉ là một nước có một số người biết lễ nghĩa sinh sống mà thôi.

Lòng người lắm đổi thay

Lòng dạ con người rất phức tạp, suy nghĩ lúc sớm mai khác với lúc chiều tà, ý tưởng ban trưa cũng lại khác với ban tối. Cũng cùng một người mà hôm nay là một quý ông ngày mai lại thành ra một kẻ phàm phu; và năm nay là kẻ thù nhưng sang năm lại thành bạn hữu.

Lòng người biến đổi không ngừng, cứ như loài yêu quái lắm phép thuật, muốn định danh cũng không được, muốn đo lường cũng chẳng xong. Không chỉ khó suy đoán lòng dạ người dưng mà ngay cả sự thay lòng đổi dạ của vợ chồng, của cha mẹ, con cái cũng khó mà nhận biết. Chẳng những vậy, con người ta trong thực tế thậm chí

cũng không kiểm soát nổi sự thay đổi đầu óc của chính bản thân mình. Câu nói "Tôi bây giờ không phải tôi trước đây" chính là miêu tả điều này. Chuyện này càng khó dự đoán như thời tiết vậy.

Thời xưa, Kinoshita Tōkichirō lấy trộm của chủ sáu đồng vàng rồi bỏ trốn, lấy tiền đó mua một chức vị làm tùy tùng cho Oda Nobunaga. Khi thăng tiến trong quân đội, bởi ngưỡng mộ danh vọng của Niwa Nagahide và Shibata Katsuie nên ông ta đã đổi tên thành Hashiba Hideyoshi, rồi trở thành một võ tướng hàng đầu dưới trướng Oda Nobunaga. Cùng với sự thay đổi đến chóng mặt của thời thế, ông ta có lúc thua có lúc thắng, nhưng vẫn luôn xoay xở ứng biến để rồi cuối cùng trở thành người thống trị toàn đất nước Nhật Bản, một tay nắm lấy chính quyền, dưới danh xưng là Taikō Toyotomi Hideyoshi. Cho đến ngày nay, không ai lại nói đó không phải là sự nghiệp vĩ đại.

Tuy nhiên, khi lấy trộm sáu đồng tiền vàng rồi bỏ trốn, liệu Hideyoshi đã nuôi chí trở thành người thống trị cả Nhật Bản chưa?

Chẳng phải khi đã theo hầu Nobunaga rồi ồng ta vẫn vì thèm khát tiếng tăm của Niwa, Shibata mà đổi tên đó sao? Chuyện đổi tên cho chúng ta thấy cái chí ban đầu của ông cũng chẳng lấy gì làm to tát.

Trở thành võ tướng dưới trướng Nobunaga đối với Tōkichirō cũng là một chuyện vượt ngoài mong đợi. Những năm sau đó, trải qua bao thành bại, trở thành Taikō thống nhất thiên hạ, nắm trọn quyền, cai trị Nhật Bản cũng lại là chuyện vượt ngoài mong đợi của Hashiba Hideyoshi.

Sau khi đã trở thành Taikō, nhớ lại các việc từ lấy cắp sáu đồng tiền vàng cho đến những chuyện về sau, hẳn ông ta sẽ thấy đời

mình như một giấc mộng, bởi lẽ không có việc gì ông ta từng làm lại không xuất phát từ sự ngẫu nhiên.

Những học giả đời sau đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá về con người Toyotomi Hideyoshi do tất cả bọn họ đều cố biểu thị đặc điểm của toàn bộ cuộc đời ông ta bằng cách dựa vào những thứ ông ta nói và làm sau khi đã trở thành Taikō. Ba cái tên Kinoshita Tōkichirō, Hashiba Hideyoshi, Toyotomi Hideyoshi là ba đoạn đời của một người. Khi là Tōkichirō ông ta có tâm tư của Tōkichirō, lúc là Hashiba ông ta lại có tâm trạng của Hashiba, sau khi trở thành Taikō Hideyoshi ông ta lại có tâm lý của Taikō Hideyoshi. Mỗi một tâm thức ấy của ông ta đều có mở đầu, tiến triển và kết thúc riêng chứ không phải lúc nào cũng như nhau trong suốt cuộc đời ông ta.

Nếu xem xét tỉ mỉ hơn, tâm lý con người có thể phân ra hàng ngàn, hàng vạn giai đoạn khác nhau. Các học giả từ xưa đến nay do không biết quy luật chung này nên khi bình phẩm về một người nào đó thường diễn đạt kiểu: "Người này thuở nhỏ đã nuôi chí lớn", "Khi mới lên ba, ông ta đã có những lời nói khác thường" hoặc "Lúc mới lên năm đã có khả năng làm những việc kỳ lạ". Tệ hơn nữa, một số học giả còn ghi lại những điềm báo trước khi nhân vật ấy ra đời, hoặc đưa cả những giấc mộng mà người ta từng có về ông ta vào thành một phần tiểu sử nhân vật. Đúng là đỉnh cao của ảo tưởng và phi lý[27].

Con người ta do thiên tư tự nhiên và giáo dục mà trở nên khác nhau. Chí hướng của họ dĩ nhiên cũng phân ra cao thấp rõ rệt.

Người có chí cao thì nhắm đến 1 những sự nghiệp cao thượng, kẻ

chí thấp thì chỉ muốn làm những việc nhỏ bé tầm thường. Nhưng ở đây tôi không có ý nói rằng người nuôi chí cao nhất định sẽ đạt được thành công lớn, cũng như người có được thành tựu lớn lao không nhất thiết phải là người từ thuở nhỏ đã dự định sẽ làm nên đại nghiệp. Điều tôi muốn nói ở đây là, cho dù chí hướng nói chung của một người đã xác định, thì tùy theo thời cơ mà mục tiêu và hành động của anh ta sẽ trải quà những biến đổi không ngừng, và, nếu tình cờ mà gặp thời thì anh ta rút cuộc có thể làm được gì đó rạng danh hậu thế. Mong các học giả không hiểu lầm quan điểm của tôi ở đây.

Phương pháp gọi là "thống kê"

Căn cứ những điều như vừa nói ở trên thì dường như là chúng ta không thể nào nắm bắt được sự thay đổi của tâm lý con người.

Vậy liệu chúng ta có thể cho rằng mọi diễn tiến trong đầu óc con người đều hoàn toàn phụ thuộc vào ngẫu nhiên, mà không hề có cách giải thích hay lý do hợp lý nào? Câu trả lời của tôi là: Hoàn toàn không phải thế.

Tôi xin nói với các học giả bàn luận về văn minh rằng có một phương pháp để đo lường những thay đổi của đầu óc con người, và qua đó phát hiện ra được những cách thức nhất định trong cư xử của con người mà chúng ta chắc chắn sẽ không còn phạm sai lầm nữa; như thể chúng ta đang thấy hình dáng vuông hay tròn của đồ vật hoặc đọc con chữ được khắc trên ván gỗ, không thể có chỗ cho sự hiểu lầm. Phương pháp ấy là gì? Đó là tập hợp tất cả tâm lý con người trong lãnh thổ thành một toàn thể (en masse), so sánh chúng

trong một thời gian dài, rồi dựa trên cơ sở những kinh nghiệm quan sát được mà rút ra kết luận.

Việc này, chẳng hạn, cũng như chuyện dự báo thời tiết. Không thể lấy việc buổi sáng trời nắng mà dự đoán buổi chiều trời mưa.

Việc đưa ra một quy tắc định rõ sau bao nhiêu ngày nắng sẽ có bao nhiêu ngày mưa thế này thế kia là việc vượt ngoài khả năng của con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta tính được trung bình số ngày nắng và ngày mưa trong vòng một năm, chúng ta có thể đoán trước được số ngày nắng sẽ nhiều hơn số ngày mưa. Bằng cách đo lường thống kê ở một địa phương hoặc trên phạm vi cả nước, các dự báo về thời tiết sẽ càng trở nên chính xác hơn. Nếu mở rộng việc lấy mẫu thống kê ra khắp thế giới và so sánh số ngày nắng, mưa của vài chục năm trước với vài chục năm sau thì chúng ta có thể dự đoán số ngày nắng, ngày mưa một cách tương đối chính xác với sai số không quá vài ngày. Hoặc giả nếu chúng ta tiến hành việc này trong suốt cả trăm năm, hoặc một ngàn năm, thì có thể nói là chúng ta sẽ thu được kết quả không mảy may sai lệch.

Tâm lý của con người cũng vận hành tương tự như thế. Nếu ta chỉ xét tâm lý của một cá nhân hay một gia đình thì khó có thể tìm được quy luật; nhưng nếu khảo sát toàn thể một quốc gia thì chúng ta cũng có thể đạt được một độ chắc chắn tương tự như với trường hợp dự báo thời tiết. Như thế, ở bất cứ quốc gia nào, trong bất kỳ thời điểm nào, ta cũng có thể nhìn thấy cái khuynh hướng mà tri thức và đạo đức của quốc gia ấy đang đi theo, vì những nguyên nhân nào mà chúng đang tiến bộ, vì những cản trở nào mà chúng lại đi thụt lùi, và với tốc độ nào nữa - tất cả sẽ trở nên hiển nhiên rõ ràng như thể một đồ vật hữu hình vậy.

Trong cuốn Lịch sử văn minh Anh quốc, học giả người Anh Buckle đã viết như sau: "Nếu ta quan sát tinh thần của một quốc gia như một thể thống nhất thì ta có thể thấy được quy luật chi phối hoạt động của nó một cách đáng kinh ngạc. Ví dụ, phạm tội là một lối vận hành như vậy của tâm lý con người. Nếu chỉ xem xét các tình tiết trong một vụ án của một người nào đó thì không thể rút ra được quy luật rõ ràng, nhưng miễn là điều kiện sống của một quốc gia không có gì đột biến, thì số người phạm tội hằng năm là có thể dự báo được. Ví dụ như các vụ giết người. Rất nhiều vụ giết người phát sinh từ những cơn giận nhất thời, cho nên không thể nào đoán trước được kẻ nào sẽ giết người nào ở đâu và vào thời gian nào.

Tuy nhiên, tổng số các vụ sát nhân ở nước Pháp có thể dự báo được là hằng năm ít nhiều đều như nhau; và ngay cả các loại hung khí được sử dụng cũng lại giống nhau nốt. Tự sát thậm chí còn là chuyện đáng kinh ngạc hơn nữa. Bản thân hành vi tự sát vốn dĩ không phải do bị ra lệnh mà làm, không phải do bị xúi giục mà thực hiện, không phải do bị lừa mà nghe theo và cũng lại không phải bị khuyến khích mà hành động. Tự sát là hành vi thực hiện do quyết định của chính bản thân người ta; nên không ai nghĩ là có quy luật trong con số các vụ tụ sát. Ấy vậy mà trong giai đoạn từ năm 1846 đến năm 1850 trung bình có khoảng 240 người tự sát ở London mỗi năm, trong đó năm nhiều nhất là 266, năm ít nhất là 213."

Bây giờ ta hãy xét thêm một ví dụ gần gũi hơn nữa. Một thương nhân bán hàng không thể ép người ta mua hàng của mình. Quyết định mua hoặc không mua hoàn toàn là quyền tự do của khách. Cho nên, khi lấy hàng để bán, người bán hàng phải biết được đại thể khách hàng muốn gì, để tránh bị tồn kho quá nhiều những thứ không bán được. Những thứ như gạo, lúa mì, vải vóc tương đối khó hư nát

Một phần của tài liệu Bàn về văn minh (Trang 97 - 152)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(398 trang)