Tài năng sánh ngang bậc nam nhi

Một phần của tài liệu Lý tưng thm mỹ trong truyên thơ bnh dân viêt nam th kỷ xviii Đ%22u th kỷ xix  Đề tài vai trò của người phụ nữ trong truyện thơ bình dân (Trang 30 - 33)

2. Vai trò của người phụ nữ trong truyện thơ bình dân

2.3. Đối với xã hội

2.3.1. Tài năng sánh ngang bậc nam nhi

Trong xã hội phong kiến, việc nghiên cứu sách vở chữ nghĩa là một ưu quyền của nam giới, đàn bà con gái chỉ làm những việc bình thường kim chỉ, bếp núc, tơ tằm, nông tang mà thôi. Trừ những trường hợp ngoại lệ rất hiếm, người phụ nữ không được, đúng ra là không có quyền, đi học chữ. Thế nhưng, đọc truyện thơ bình dân,

chúng ta như lạc vào một thế giới khác nhân bản hơn, tiến bộ hơn. Trong thế giới ấy, rất nhiều nữ nhân được bình đẳng cùng nam giới, giúp ích rất nhiều cho nam giới, hơn thế nữa, có khi vượt cả nam giới. Tài văn chương tuyệt vời dường như thiên phú, không thể so sánh hơn thua giữa Cúc Hoa với Phương Hoa, giữa Lưu nữ tướng với Nữ Tú tài. Lúc bình thường các cô rất… bình thường, nhưng khi cần thiết, các cô rất tự tin, sẵn sàng trổ tài nhả ngọc phun châu.

Một trong số đó là nàng Phương Hoa trong truyện thơ “Phương Hoa”. Phương Hoa là con gái quan Ngự sử Trần Điện, và Cảnh Yên là con trai quan Thượng thư Trương Đài, đôi bên đã cùng nhau đính ước.Viên quan họ Tào (Tào trung úy), một gian thần được vua tin dùng, thấy Phương Hoa là người tài sắc bèn đến hỏi làm vợ. Bị Trần Điện từ chối, y bèn giả mạo chiếu chỉ nhà vua khép Trương Đài vào tội "vong thần mại quốc", giết ông rồi còn chiếm đoạt hết tài sản. Hai anh em Cảnh Tỉnh, Cảnh Yên đưa mẹ chạy về Thạch Thành, giả làm tăng ni để lánh nạn. Được một tháng, vợ Cảnh Tỉnh sinh Tiểu Thanh rồi lâm bệnh mất. Bảy năm sau, tới kỳ "đại khoa", vợ Trương Đài dẫn con cháu trở về quê. Dọc đường, họ dừng nghỉ ở Lôi Dương. Lúc này Phương Hoa vẫn một lòng thương nhớ và chờ đợi Cảnh Yên. Tình cờ, nàng gặp Tiểu Thanh rồi đưa về nhà nhận làm con nuôi. Nhờ đó, nàng biết được tình cảnh gia đình họ Trương. Thông qua Tiểu Thanh, Phương Hoa hẹn Cảnh Yên vào đúng canh ba đến đợi ở góc vườn hoa sẽ có người tới trao áo quần và tiền bạc. Không may việc bị lộ, tên gian là Hồ Nghi lẻn tới chỗ hẹn giết chết người tớ gái (Thị Liễu) của Phương Hoa để cướp của. Cảnh Yên tới nơi vô tình giẫm phải người chết, máu lấm khắp người.

Ngự sử Trần Điện hay tin người tớ gái bị giết, bèn hạ lệnh truy tìm hung thủ. Lần theo dấu máu, Cảnh Yên bị bắt giam chờ ngày xét xử. Quá đau xót, mẹ Cảnh Yên sinh bệnh rồi mất. Khi Cảnh Yên bị hàm oan, nàng Phương Hoa:

...Từ nghe biết thấy tin,

Nghĩ mình một sức giá nên khôi tài.

Sử kinh làu giở hôm mai,

Văn chương phú lục mọi bài làu thông.

Phun châu nhả ngọc nức lòng,

Đã tường kinh sử, lại thông truyện ngoài.

Phương Hoa thay Cảnh Yên lo việc chôn cất chu đáo, rồi xin cha mẹ được lên kinh đô bán hàng, nhưng sự thật là để tìm cách cứu Cảnh Yên. Ở kinh đô, ngày đêm luyện văn chương, tới kỳ "đại khoa", Phương Hoa lấy tên Cảnh Yên dự thi. Nàng quyết cải nam trang ứng thí nhằm giải oan cho Cảnh Yên. Tài năng và lòng tự tin đã giúp Phương Hoa mỹ mãn đạt thành ước nguyện:

Danh dương bẻ quế tài uy, Quyển thi đều được ba kỳ có tên.

Trong số hàng ngàn sĩ tử ứng thí, có thể chỉ mình Phương Hoa là gái. Không sánh với người cùng giới làm gì, nàng đã qua mặt biết bao trang nam nhi tài tử, giành lấy giải Khôi nguyên. Tài năng ấy quả thật làm nức lòng chị em cùng trang lứa, đồng thời khiến các chàng cũng phải ngước nhìn. Nàng đỗ Tiến sĩ, được vua gọi vào chầu.

Giữa triều đình, Phương Hoa tấu trình nỗi oan ức của gia đình họ Trương. Sau khi nhà vua rõ mọi chuyện, Tào trung úy và Hồ Nghi bị xử chém, gia đình họ Trương được minh oan.

Tự tin không kém là nàng Công chúa trong Lý Công. Khi biết Lý Công “sinh ra khỏi lòng có sách cầm tay”, nàng bảo “đem vào cho thiếp giảng kinh kẻo phiền”. Lý Công khi sinh ra đời có sách cầm tay, chứng tỏ chàng có tài văn chương thiên bẩm.

Công chúa lại bảo đem sách vào để nàng “giảng” cho chàng, mới biết thiên tư của nàng cũng thuộc hàng “cao thủ”.

Cúc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) thể hiện tài năng của mình ở phương diện khác:

Tuổi xuân xanh mới mười ba Tóc mây chấm đất da ngà gương trong Năm xe kinh sử thuộc lòng,

Thầy cho thay mặt dạy trong học đường.

Được như nữ Học sĩ Nguyễn Thị Lộ hay Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan (cùng thời Lê) thật sự khó thay. Ở đây không dám sánh Cúc Hoa với các bậc tiền bối tài danh như thế, nhưng nàng xứng đáng được kính nể. Cúc Hoa và Phạm Công cùng là học trò thầy Quỷ Cốc, Cúc Hoa là sư tỉ, lại thêm vị trí “sư phụ” đủ khiến đám học trò và chàng Phạm Công “phục sát đất”.

Tài văn chương thi phú của Phương Hoa, Cúc Hoa thể hiện thành việc làm cụ thể và đạt thành hiệu quả thiết thực giúp ích rất nhiều cho xã hội và họ đã dùng chính tài năng của mình để bảo vệ những người thân yêu. Đây là một bản lĩnh là không phải bất cứ thân gái yếu liễu đào tơ nào cũng có thể làm được. Trong truyện thơ nôm bác học, tiêu biểu là“Truyện Kiều”, Kiều đã giúp được cha và em ra khỏi chốn lao tù đầy khổ sở ấy, nhưng đó lại là sự đánh đổi bởi thân xác, số phận của chính nàng để lấy lại sự tự do của cha và em chứ không phải là nàng dùng tài năng của mình để bảo vệ họ.

Như vậy, ta thấy rằng những nhân vật nữ trong truyện thơ nôm bình dân đã thể hiện được vai trò của mình cũng quan trọng không kém bậc nam nhi và thậm chí là có phần vượt trội hơn.

Một phần của tài liệu Lý tưng thm mỹ trong truyên thơ bnh dân viêt nam th kỷ xviii Đ%22u th kỷ xix  Đề tài vai trò của người phụ nữ trong truyện thơ bình dân (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(42 trang)