Chương 2: Diện mạo xã hội, văn hoá làng Vạn Phúc từ đầu thế kỷ XX
2.5.3. Các lễ hội khác
Ngoài hai lễ hội ở đền phường cửi và hội làng là hội chính, ở Vạn Phúc trước cách mạng tháng tám 1945 còn có một số lễ hội khác liên quan đến hoạt động nông nghiệp.
* Hội xuống đồng
Cứ vào tháng 6 hàng năm là vụ cấy, ở Vạn Phúc có tục lệ chọn ngày đẹp, tốt lành rồi mời một cụ già cao tuổi trong làng xuống cấy trước để lấy ngày tốt. Cụ già
mặc áo tơi, đội nón lá xuống cấy, một người đứng bên cạnh té nước lên người cụ làm ướt quần áo cụ với quan niệm cầu trời phù hộ cho đủ nước cấy cày. Hôm sau, trong làng những ai có ruộng thì mới bắt đầu cấy.
Vào những năm đến tháng 6 âm lịch mà vẫn chưa đủ nước cấy thì các gia đình có ruộng họp nhau lại làm lễ Cầu đảo cầu trời mưa xuống. Lễ cầu đảo được tiến hành như sau: dân làng soạn một lễ cúng bà ả Lã Đê Nương ở đình, cầu mong bà linh ứng phù hộ. Nếu cầu lần đầu chưa mưa thì người ta đóng cửa đình lại vài hôm sau đó lại cầu cho đến khi trời mưa. Theo các cụ kể lại thì mỗi khi cầu thì trời mưa ngay, rất “nghiệm”, ít khi phải cầu đến lần thứ hai.
* Lễ cơm mới
Lễ này được tiến hành vào thời gian thu hoạch lúa mùa – thường vào ngày 10/10 âm lịch. Vào thời điểm lúa chín, trước cửa đình có một ruộng lúa nhỏ, khi nào ruộng ở đình gặt thì các ruộng trong làng mới gặt theo. Công việc gặt lúa đã xong thì làm lễ cơm mới. Đặc biệt là những gia đình không làm nông nghiệp cũng đong gạo mới về để thổi xôi cúng gia tiên.
* Lễ Tống hoàng trùng:
Đây là lễ diệt trừ sâu bọ phá lúa. Vào những năm mùa màng gặp sâu cuốn lá, những gia đình làm ruộng sửa một cái lễ (mâm xôi – con gà)… đem ra đền “Vua thần nông” để cúng, sau đó mua cờ xanh, cờ đỏ về cắm ở ruộng lúa. Với những việc làm đó nhân dân tin rằng Vua thần nông sẽ phù hộ cho họ diệt trừ được sâu bệnh.
2.5.4. Phong tục, tập quán của làng Vạn Phúc
Sự phát đạt của nghề dệt đã có những ảnh hưởng đến phong tục tập quán và tình cảm của người dân Vạn Phúc.
Việc ma chay, cưới xin của cả làng cũng giống như của lệ của phường cửi.
Phường có nghĩa vụ phúng viếng nếu bản thân thành viên, cha mẹ đẻ hay cha mẹ vợ hoặc chồng của họ chết. Ngược lại ai có con gái lấy chồng thì phải nộp cho
phường một khoản tiền nhất định. Nếu lấy chồng làng khác thì phải phải nộp cho làng 300 gạch để lát đường làng. Đặc biệt trong việc mừng thọ của dân làng Vạn Phúc có những nét rất riêng còn duy trì đến ngày nay. Như: làng tổ chức mừng thọ cho các cụ 70 tuổi trở lên tại đình làng vào dịp lễ hội hàng năm. Các cụ 80 tuổi được tặng 2,5m lụa màu mỡ gà, các cụ 90 tuổi được tặng 3,5m lụa đỏ và các cụ 100 tuổi được tặng 5,5 m lụa đỏ để may quần áo, khăn, giầy…Vạn Phúc là một làng dệt lụa lại có lệ tặng lụa các cụ cao tuổi thể hiện sự đề cao tôn vinh nghề nghiệp cha ông. Đây là cũng dịp các thế hệ con cháu tỏ lòng kính trọng đối với người già, thể hiện đạo lý “trọng xỉ” truyền thống của dân tộc.
Nghề dệt còn tác động và thể hiện qua cách ứng xử của người dân Vạn Phúc.
Đối với người làng mình, người Vạn Phúc có truyền thống đoàn kết từ thời thành lập làng. Do là người từ nơi khác đến, họ cần dựa vào nhau để tồn tại và xây dựng phát triển làng. Khi có nghề dệt tình đoàn kết càng được củng cố. Nghề dệt gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn vất vả cần có nhiều người cộng tác nên càng gắn bó với nhau hơn. Con gái Vạn Phúc không muốn lấy chồng làng khác vì sợ phải làm nông nghiệp, không quen và vất vả. Nam nữ Vạn Phúc thích lấy vợ lấy chồng cùng làng để được ở nhà làm nghề dệt vốn đã quen từ nhỏ. Vì vậy, truy đến cùng người trong làng đều có quan hệ họ hàng với nhau, không gần thì xa. Tình cảm họ hàng này lại gắn bó họ với nhau hơn, làm cho tình đoàn kết thêm sâu đậm, tính cộng đồng làng nghề thêm rõ nét.
Đối với người làm thuê, do tính chất công việc phải thuê thêm thợ, nhưng dù là hộ tiểu chủ họ vẫn sống rộng rãi với người làng và người làng khác đến làm thuê.
Thợ làm thuê thường đến từ các làng xung quanh, có cả những người từ Thái Bình, Hà Nam đến học việc quay tơ hoặc làm thuê phần việc nông nghiệp. Chủ đối xử bình đẳng dân chủ với thợ, cùng làm, cùng ăn một mâm với thợ. Người thợ có thể vay trước tiền công của chủ, nhưng chỉ có thợ quỵt tiền của chủ chứ không có việc chủ quỵt tiền công thợ. Chủ tỏ ra khắt khe với thợ thì bị người làng bình phẩm, chê trách.
Người Vạn Phúc đi ra ngoài rất đàng hoàng, thật thà, ít lèo lá, được người thiên hạ quý mến. Họ sống tự trọng không quỵ luỵ, hạ thấp mình bằng cách xưng hộ “con” hay “cháu” với người mua hàng. Người Vạn Phúc sống rộng rãi và tin tưởng vào sự tự trọng của người khác, nhiều người thích vùng đất này đã đến sinh cơ lập nghiệp ở Vạn Phúc.
Tiểu kết chương 2
Nghề dệt đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội làng Vạn Phúc. Nghề dệt là nguồn sống chính và có ảnh hưởng tác động đến các mặt văn hoá, xã hội cổ truyền như: lễ hội và quan hệ xã hội.
Nét biểu hiện rõ nhất của làng dệt truyền thống Vạn Phúc là trong cơ cấu kinh tế xã hội, thợ thủ công là tầng lớp đông đảo chiếm 85% dân số. Sự phân cấp thứ bậc trong xã hội có sự khác biệt so với các làng nông nghiệp, tầng lớp sĩ, nông không được coi trọng mà có uy tín, địa vị trong dân làng là tầng lớp thợ thủ công và buôn bán.
Vạn Phúc là một làng thủ công nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nông nghiệp. Mối quan hệ thủ công nghiệp – nông nghiệp biểu hiện rất rõ qua những lễ hội. Ngoài những nghi lễ đặc thù của một làng dệt (lễ hội đền phường cửi) còn có những nghi lễ nông nghiệp (lễ xuống đồng, lễ cơm mới). Tuy nghề nông không còn giữ vị trí chủ đạo nhưng bóng dáng của nghề nông vẫn chưa mất đi vai trò lịch sử của nó.
Nghề dệt đã in đậm không chỉ trong tâm thức dân gian và lễ hội mà còn trong đời sống gia đình và sinh hoạt cộng đồng xã hội. Trong tâm thức dân gian của người thợ dệt và cư dân làng dệt Vạn Phúc, nghề nghiệp của họ là kết tinh sản phẩm của trời đất, thấm đượm công sức tài hoa của con người. Trong mỗi gia đình làm nghề dệt, do hoạt động đặc thù của nghề nghiệp nên không có nhu cầu giáo dục học vấn cao mà phát sinh nhu cầu truyền nghề và tiếp thu nghề giữa các thế hệ trong gia đình. Đặc biệt phải kể đến vai trò của nam giới, họ là người quyết định sự
thành công và giá trị của nghề dệt. Bên cạnh đó người phụ nữ cũng không kém phần quan trọng, họ giữ vị trí đặc biệt trong hoạt động của nghề nghiệp
Nghề dệt phát triển kéo theo sự xuất hiện của phường cửi mà ở đó người thợ dệt có vị trí cao trong làng xã. Bên cạnh tổ chức phường dệt rất rõ ràng thì tổ chức phe giáp ở Vạn Phúc dường như lắng sâu hơn trong cuộc sống làng mạc, mà diện mạo, ranh giới tổ chức giữa các phe giáp, cách vận hành không dễ gì hiện lên được.
Như vậy có thể thấy các hoạt động văn hoá xã hội của làng dệt cổ truyền Vạn Phúc là những hoạt động không thể thiếu trong đời sống con người – trong bức tranh nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.