Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất sau hai mươi năm bị kẻ thù chia cắt. Lịch sử đã sang trang, một thời kì mới được mở ra với biết bao ước mơ và khát vọng. Trong thời kì đó văn học đòi hỏi phải có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của thời đại. Tuy vậy âm vang của kháng chiến chống Mỹ với nhiều gian khổ, mất mát hi sinh nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc vẫn còn vang vọng mãi. Trong thời chiến tranh con người Việt Nam đã chứng kiến biết bao điều tự hào, kiêu hãnh, bao niềm vui hạnh phúc và bao nỗi buồn đau. Giờ đây chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống đời thường với biết bao lo toan, bộn bề phức tạp, nhưng kí ức về chiến tranh vẫn tồn tại trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.
Là một nhà thơ chiến sĩ, hơn ai hết Nguyễn Duy thấm thía nỗi đau mất mát người thân và đồng đội. Trong thời chiến tranh con người phải biết gạt đi tình cảm cá nhân, nỗi đau riêng để đủ sức mạnh chiến đấu vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Hạnh phúc cá nhân, cuộc sống riêng tư được xem như cái gì xa lạ và đối lập với cuộc sống chung, với sự nghiệp lớn của dân tộc:
Đẹp gì chăn gối trong khi cả Dân tộc sôi lên khí quật cường Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn Để đông máu giặc dội biên cương
(Xuân chiến địa - Ngân Giang) Cuộc sống chiến đấu đòi hỏi có sự hi sinh, sức mạnh, ý chí quật cường như thế.
Song, khi đất nước hòa bình đó cũng là lúc mà con người phải quay về với cuộc sống thực tại của mình. Hơn ai hết, người lính, chiến sĩ ấy tự hào vì đất nước được giải phóng, được trở về với gia đình, người thân, với ngôi nhà xưa:
Anh về lại ngôi nhà mình Sau mười năm chiến tranh
Mẹ đón anh buổi bình minh chập chọang
Cơn mưa đón anh buổi bình minh chạng vạng...
(Ngày hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc) Trở về với cuộc sống thời bình, không còn phải nghe tiếng bom rơi đạn nổ, sau một đêm dài ngủ dậy, bình minh mới thật đẹp làm sao:
Mịn làm sao, mát làm sao
Bụi sương thôi cũng ngọt ngào trên môi Sương giăng lụt cả đất trời
Giữa bồng bềnh trắng tôi bơi tôi trườn Con đường chìm nổi trong sương Thực hư như thể con đường trong mơ.
(Buổi sáng sau chiến tranh) Đất nước sau đêm dài ngủ yên của bom đạn chiến tranh, giày xéo của quân thù, và giờ đây đã “thức tĩnh”. Nguyễn Duy đã nhận ra sự đổi thay của đất nước sau chiến tranh, dù bị tàn phá nhưng giờ đây ta sẽ xây dựng lại:
Hố bom sâu hoắt nơi này
Sương mong mỏng lấp đã đầy từ đêm.
(Buổi sáng sau chiến tranh) Nguyễn Duy đã nhìn thấy sức mạnh của dân tộc, ta đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Giờ đây hòa bình lập lại, hòa trong niềm vui chiến thắng ấy là cả một nhiệm vụ phải xây dựng lại đất nước, đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hòa bình lập lại, mỗi con người đã từng tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc giờ đây lại trở về với biết bao lo toan trong cuộc sống hằng ngày để xây dựng đất nước mới vượt qua đau thương của chiến tranh. Và Ngô Thảo đã nhận xét: “Dường như người chiến sĩ trở về với đời sống dân sự hôm nay đã phải đón nhận những thử thách mới không kém phần gay go và ác liệt đối với số phận của cá nhân và gia đình họ.”
[39; 43]. Và người lính trong thơ Nguyễn Duy trở về với cuộc sống đời thường sau tám năm xa cách, sống trong cảnh bom đạn của chiến trường. Giờ đây niềm vui nhất của anh là được trở về cùng gia đình thế nhưng:
Nỗi ước ao nén lại tám năm Bất ngờ nổ vỡ
Giữa ngực anh Như một quả bom:
Vợ anh vừa đẻ một thằng con.
(Trở lại khúc hát ru)
Đấy chính là nỗi đau đớn tột độ của người lính mà ngỡ như đó không phải là sự thật. Năm tháng chiến đấu nơi chiến trường, xa gia đình, vợ con chính là niềm động lực để giúp anh vượt qua những phút thập tử nhất sinh. Bom đạn chiến trường không giết được anh, thế nhưng đến ngày trở về anh phải chịu tử thương bởi quả bom thời bình nổ giữa ngực mình. Cuộc sống thật trớ trêu như thử thách con người. Nỗi đau ấy không dễ dàng gì vượt qua. Nếu trong thời đại đất nước chìm trong cảnh lầm than nô lệ, người lính với tinh thần dũng cảm, hi sinh tuổi xuân, sức trẻ, thậm chí cả cuộc đời mình để giữ gìn nền hòa bình của dân tộc, hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Tuy vậy, khi được may mắn hơn đồng đội, được trở về hưởng trọn niềm vui của ngày chiến thắng, thế nhưng trong cuộc chiến không tiếng bom ấy lại càng ác liệt và gay go hơn nhiều. Nguyễn Duy đã thấu hiểu được điều đó và ông thông cảm với họ và cũng như thông cảm với chính bản thân mình. Cuộc sống giờ đây đã sang trang mới, thế nên cần nhiều hơn nữa những nghị lực, phẩm chất kiên cường của người lính Cụ Hồ và cả những tấm lòng vị tha, bao dung đối với con người.
Chiến tranh thường được đo bằng sự ác liệt của bom đạn, của máu, nước mắt và thời gian. Hết tiếng súng, chiến tranh kết thúc, nhưng đâu phải không còn tiếng súng là chấm dứt sự ác liệt của chiến tranh. Trở về sau hai mươi sáu năm xa cách vợ con, ngày vui tột cùng ấy hòa chung với những giọt nước mắt của hạnh phúc:
Họ trao cho nhau
Giọt nước mắt và nụ cười hai mươi sáu năm xa dành dụm lại Giọt nước mắt cũng đã già như tuổi
Riêng nụ cười là vẫn trẻ trung
(Giọt nước mắt và nụ cười) Hạnh phúc không chỉ có nụ cười mà ở đó còn có nước mắt, giọt nước mắt hờn tuổi, buồn thương của bao năm xa cách. Không chỉ thế, trong ngày vui hòa bình ấy còn có giọt nước mắt của bà mẹ mười năm xa con, mười năm giọt nước mắt chảy ngược vào trong giờ đã đến lúc rơi thành từng giọt nóng bỏng:
Đau khổ quá chừng lòng chai sạn lại Mười năm nay mẹ không khóc nữa rồi Nay con về, đừng khóc, con ơi...
Nhưng,
Nước mắt Người lại rơi nóng vai tôi.
(Bà mẹ Triệu Phong)
Nguyễn Duy đã dựng lên khung cảnh họp mặt vô cùng cảm động của người chiến sĩ cùng với bà mẹ quê. Trong cuộc kháng chiến trường kì ấy, có biết bao bà mẹ Việt Nam phải lặng lẽ đưa tiễn con lên đường ra đi chiến đấu. Và rồi được bao nhiêu người con trở về xum hợp cùng mẹ “ ...ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các con không về mình mẹ lặng im....”. Có như thế chúng ta mới thấy quý trọng biết bao những giây phút hòa bình, thấu hiểu trọn vẹn niềm vui trở về của người lính, thấu hiểu được giọt nước mắt nóng bỏng của bà mẹ Việt Nam khóc con trong ngày hòa bình. Giọt nước mắt già nua ấy của mẹ chứa biết bao nhiêu ý nghĩa. Nhà thơ - người lính Nguyễn Duy đã nhìn thấy ở đấy cả niềm vui, lòng tự hào, ý chí, sự hi sinh và sức sống của dân tộc Việt Nam, không có gì có thể lay chuyển nổi.
Bên cạnh niềm vui họp mặt, sự đấu tranh không tiếng bom, người lính Nguyễn Duy còn gánh cả những nỗi lo toan trong cuộc sống đời thường. Tuy đất nước ta giờ đây đã được độc lập, thế nhưng hậu quả của chiến tranh để lại là không ít, nước ta hãy còn rất nghèo, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn:
Hột gạo nõn nà hao gầy đi vì thiên tai Đói thâm niên
Đói truyền đời
Điệu múa cổ cũng trầm buồn như đói...
Cơn bão chưa qua, hạn hán tới rồi
(Đánh thức tiềm lực)
Nguyễn Duy đã nhìn thấy được hình ảnh thực tế của đất nước ta những năm sau chiến tranh. Đất nước ta đã thống nhất, không còn phải sống trong cảnh chia cắt, trải qua bao năm tháng gian khổ giờ đây nhân dân ta phải hưởng được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Và ta còn cần nhiều hơn nữa những bàn tay góp sức xây dựng:
Đất nước mình nghèo lắm em ơi Phải biết gắn bó và san sẻ
(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm) Vứt gươm đao dựng cơ đồ, đó là ý chí niềm tin vào cuộc sống, tin vào bàn tay xây dựng của mình. Có niềm tin chúng ta sẽ làm được tất cả. Ý nghĩa cuộc sống là ở
đấy, biết vươn lên khó khăn để sống, không bó tay trước hoàn cảnh, càng khó khăn ta càng trưởng thành hơn. Đó là ý chí của con người Việt Nam từ bao đời nay, Nguyễn Duy đã thể hiện những suy nghĩ sâu sắc trong việc nhìn nhận và thể hiện cuộc sống của dân tộc mình qua các thời đại. Chiến thắng quân thù cướp nước, đó là chiến công hào hùng của dân tộc ta, thành quả ấy do ta tạo nên chứ không từ trời rơi xuống:
Quả không sa xuống từ mây Quả đi từ dưới gốc cây lên cành
(Và lời của cây)
Độc lập hôm nay là do ta tạo nên, ta thắng được quân thù mạnh hơn ta nhiều lần lẽ nào ta không thắng nổi giặc đói, giặc dốt. Tuy rằng cuộc chiến tranh trên mặt trận ấy cũng khó khăn, gay go không thua gì mặt trận chống quân thù. Nguyễn Duy đã nhận ra quy luật sống, triết lý sống vô cùng có ý nghĩa đối với con người, nhất là trong giai đoạn đất nước ta đang xây dựng, khắc phục chiến tranh:
Đâu phải hết chiến tranh Thì hi sinh chấm dứt
(Tình ca nơi cuối đất)
Chiến tranh kết thúc không có nghĩa là hết đấu tranh, hết hi sinh. Nguyễn Duy đã đặt ra cách sống có ích, tích cực đối với xã hội, ngày nay chúng ta phải biết đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, phải biết hi sinh một phần lợi ích của mình để xây dựng cuộc sống mới. Có thế đất nước ta mới phát triển, khắc phục được hậu quả của chiến tranh, những người lính xông pha nơi chiến trường năm xưa giờ đây cũng phải tiếp tục chiến đấu xây dựng cuộc sống bởi:
Thời hậu chiến vẫn ta người trong cuộc
(Nhìn từ xa Tổ quốc) Giờ hòa bình lập lại thế nhưng một mặt trận mới được tạo nên đó là chiến đấu để quét sạch nghèo nàn lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nếu trước kia mục tiêu đấu tranh của họ là “Thắng lợi của cách mạng và chiến tranh. Giờ đây mục tiêu được chuyển đổi là hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân, của dân tộc là “Tự do cho mỗi người và mọi người” [42; 342]
Trong thời kì chiến tranh, bao chàng trai cô gái phải xa nhau đi chiến đấu vì nhiệm vụ chung của đất nước, khi hòa bình lập lại, đó cũng là lúc tình yêu họ đơm hoa kết trái trên màu xanh hòa bình của rừng biển và màu xanh của sự thủy chung:
Mờ xa xanh biển khơi Tít tắp xanh rừng đước Nơi tận cùng đất nước Tình yêu không bến bờ Chúng mình lại yêu nhau Qua dài sông rộng bể Sẽ còn yêu như thế Suốt một thời thanh bình.
(Tình ca nơi cuối đất)
Màu xanh của biển của rừng sẽ tiếp nối cho màu xanh của tình yêu đôi lứa. Giờ đây đất nước hòa bình, đó cũng là lúc tình yêu của họ được nâng lên, không còn gì ngăn cách. Họ yêu nhau không giới hạn không gian và thời gian. Tình yêu ấy sẽ được tiếp nối bởi tình yêu đất nước.
Chiến tranh qua đi, đó cũng là lúc con người phải lao động cải thiện lại cuộc sống. Trong chiến tranh, những người lính tham gia trận chiến hầu hết là những con người áo vải. Hòa bình lập lại đó cũng là lúc họ trở về với gia đình, với ruộng đồng thân thương. Họ lao động không chỉ để nuôi sống bản thân, mà còn lao động sản xuất để nuôi làng, nuôi nước, góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Nguyễn Duy đã phát hiện ra điều ấy ở ông già sông Hậu:
Chủ giục khách nhậu đi đừng hỏi nữa Việc bán lúa dư đăng báo chi cho phiền Dư ít nuôi làng, dư nhiều nuôi nước Thành tích có gì mà phải nêu tên.
(Ông già sông Hậu)
Tấm lòng của ông già Nam Bộ thật cao quý biết bao. “Ông già nhậu đó, mà sản xuất giỏi đó, giàu lòng nhân ái và trách nhiệm công dân cao cả, đúng cách một ông già nông dân Nam Bộ.” [45; 210]. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, trong chiến tranh họ chiến đấu quên mình không cần biết tuổi tên như chị Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi... Đó là những anh hùng dân tộc thế nhưng:
Không một tấm hình không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường.
(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)
Giờ đây đất nước ca chung niềm vui chiến thắng họ vẫn lặng lẽ cố gắng hiến dâng sức lực của mình để xây dựng đất nước, chẳng cần phải biết tuổi tên. Nguyễn Duy nhận ra hình ảnh ông già sông Hậu ấy chính là biểu tượng của con người Việt Nam cần cù, khiêm tốn, yêu lao động.
Không chỉ có thế Nguyễn Duy còn nhận ra bản chất thật thà, tốt bụng yêu thương đồng bào của con người Việt Nam:
Ai nghèo thiếu qua chia cơm sẻ áo Bụng người sôi cũng sôi giống bụng ta Ki cóp một thân làm chi cho cực Giàu ở lòng còn đẹp ở thịt da...
(Ông già sông Hậu)
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau Lá lành đùm lá rách, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau trong những lúc khó khăn. Ông già sông Hậu là một người như thế, ông yêu thương giúp đỡ mọi người vì Bụng người sôi cũng sôi giống bụng ta, cùng là người dân trên đất nước Việt Nam, vì thế phải yêu thương lẫn nhau, ông đã lấy tình thương để chia sẻ với mọi người, Thương người như thể thương thân. Trong thời buổi đất nước khó khăn đang khắc phục hậu quả của chiến tranh chúng ta rất cần những con người như thế. Triết lý cuộc sống ấy được Nguyễn Duy đúc kết nên không chỉ có giá trị trong giai đoạn đất nước khó khăn ấy mà đến nay vẫn còn giá trị
Cũng chính nhờ công lao động vất vả ấy đã tạo nên một mùa bội thu. Nguyễn Duy xuất phát từ tầng lớp nông dân nên hơn ai hết ông thấu hiểu niềm vui được mùa của người nông dân. Những khổ cực giờ đây đã được đền bồi xứng đáng:
Mảnh sân trăng lúa chất đầy
Vàng tuôn trong tiếng máy quay sập sình Rơm vò từng búi rối tinh
Thân rơm rách để hạt lành lúa ơi.
(Khúc tâm tình về hạt lúa)
Còn gì vui hơn niềm vui được mùa, đó chính là chiến công đầu tiên của người nông dân trên ruộng đồng của mình. Không chỉ nhìn thấy niềm vui ấy của người nông dân, Nguyễn Duy còn nhận thấy sự hi sinh thầm lặng của thân rơm. Thân rơm rách đã hứng chịu bao nắng sương mưa gió, tất cả để bảo vệ cây lúa lành. Qua đó Nguyễn Duy
đã khái quát lên được sự hi sinh của con người. Đất nước ta được độc lập ngày hôm nay đã trải qua biết bao hi sinh mất mát, vì thế người sống hôm nay phải biết ơn những người đã hi sinh để cho ta có cuộc sống bình yên này.
Ta hiểu rằng, những người lính được trở về từ chiến tranh đó là cả một sự hi sinh, sự may mắn hơn nhiều đồng đội. Giờ đây được trở về nỗi day dứt ấy càng tăng lên khi thấy nước ta còn nghèo, còn lắm ăn mày. Nguyễn Duy đã nhìn vào sự thật của đất nước một cách sâu sắc, ẩn đằng sau ấy là cả một sự phê phán những kẻ đã ngủ quên trên chiến thắng, chúng ta từng ca ngợi đất nước ta giàu rừng vàng biển bạc, ta có nhiều tiềm lực, nhưng tiềm lực ấy còn ngủ yên, sự thật nước ta vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói, ta phải ra sức xây dựng để không còn những cảnh ăn mày nghèo khổ nữa. Với Nguyễn Duy, cuộc đời và tuổi trẻ đã dấn thân cho Tổ quốc, trở về với ngôi nhà xưa giờ đây tóc đã bạc màu, nhưng kí ức về chiến tranh vẫn còn đó. Những năm tháng hào hùng ấy đã qua đi, tương lai phía trước vẫn còn nhiều gập ghềnh, khi đất nước còn nhiều khó khăn, người lính vẫn không thể ngồi yên mà nhớ về quá khứ:
Tuổi thanh xuân trọn vẹn cuộc chiến tranh Sau lưng là kỉ niệm bi tráng
Trước mặt ta vẫn con đường gập ghềnh Vẫn trân trọng tấm lòng chân thực.
(Đánh thức tiềm lực)
Như tác giả Bích Thu trong phần nhận xét về nền văn học sau chiến tranh đã từng nói: “Ánh lửa của chiến tranh hôm qua như vẫn còn soi sáng cho cuộc sống hôm nay. Và dường như muốn nhắc nhở con người sống tốt đẹp hơn, có ích hơn xứng đáng với cái quá khứ mà đất nước phải trả trong chiến tranh.” [42; 18]. Và dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình vẫn rất cần những tấm lòng chân thực, nhiệt tình của người lính. Nguyễn Duy rất sâu sắc khi phát hiện ra phẩm chất ấy của con người, nhất là trong thời hòa bình cần nhất những con người có tấm lòng chân thật, như thế mới góp phần xây dựng đất nước. Thế nhưng làm được điều ấy cũng cả một chặng đường đầy thử thách và gian nan, không thua kém gì cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua.