2. 1. Khái niệm và những đặc trưng chung của thể loại truyện ký
Khi nghiên cứu thể tài ký văn học, các nhà nghiên cứu đã ít đi vào định nghĩa thế nào là ký văn học, mà chủ yếu đi sâu vào phân tích, bình luận, giải quyết vấn đề để thấy được đặt trưng của nó. Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định đặc trưng chung của ký văn học là một loại văn tự sự, trần thuật những người thật, việc thật, có thể hư cấu ở một mức độ nhất định ở một số thành phần không xác định và với mục đích góp phần tái hiện lại một cách xác thực người thật, việc thật. Ký văn học bao gồm nhiều thể như phóng sự, ký sự, hồi ký, truyện ký, bút ký…, phong phú và phức tạp nhưng đều có khả năng quy tụ về một đặt trưng chung. Tuy nhiên ranh giới giữa các thể nói trên cũng không tuyệt đối, luôn có tình trạng chuyển hóa, thâm nhập lẫn nhau.
Chính vì sự thâm nhập chuyển hóa lẫn nhau giữa các thể ký nên việc phân chia cho chính xác một tác phẩm mang đặc trưng của ký vào một thể loại nhất định là việc không dễ. Mặt khác do quan điểm của mỗi người có sự khác nhau nên việc một người xem tác phẩm này thuộc thể lọai này nhưng người khác lại xem chính tác phẩm đó thuộc một thể loại khác là chuyện thường gặp. Hay ở cùng một tác phẩm, những nhà xuất bản khác nhau lại cho nó thuộc các thể loại khác nhau. Có một đặt điểm ta thường thấy là khi hoàn thành xong một tác phẩm ký, tác giả lại đề ngay sau tác phẩm của mình thể loại của nó, các nhà nghiên cứu khi đem ra xem xét thì lại xếp nó vào một thể loại khác. Vấn đề phức tạp này xuất phác từ nhiều lý do, nhưng lý do chủ yếu là một tác phẩm văn học đôi khi có sự tổng hợp những đặt trưng khác nhau của các thể loại.
Chính vì điều đó chúng ta dễ hiểu vì sao có sự khác biệt trong cách đánh giá như vậy.
Đây là định nghĩa truyện ký, phổ biến và tương đối hợp lý được tổng hợp và rút ra từ đặt trưng chung của thể loại truyện ký.
“Truyện ký là một trong các thể loại ký văn học, thường có cốt truyện tập trung vào một nhân vật: những danh nhân khoa học và nghệ thuật, những anh hùng trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, những chính khách, nhà hoạt động Cách mạng... Xoay quanh một nhân vật, truyện ký dễ triển khai những tình tiết thành một cốt truyện hoàn chỉnh”.
Đây là thể loại mang tính chất trung gian giữa truyện và ký. Khi sự hư cấu ở đây vượt ra ngoài phạm vi và mức độ cần thiết, nó sẽ thành tiểu thuyết hoặc truyện vừa, truyện ngắn viết về người thật, việc thật.
Qua khái niệm trên ta thấy cơ sở xác định tính chất ký của truyện ký là viết về người thật, việc thật và tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả. Hình thức biểu hiện của truyện ký thường ở dạng tự thuật hoặc do người kể đảm nhiệm. Người kể chuyện bám sát những tình tiết, những sự việc có thật, ít có xu hướng mở rộng miêu tả theo hướng tưởng tượng hư cấu. Đọc một tác phẩm truyện ký, cái ấn tượng rõ rệt của người đọc là sự chân thật về người thật, việc thật của một câu chuyện do người kể tường thuật lại. Cấu tạo của truyện ký là lối cấu tạo sát với sự diễn biến tự nhiên của câu chuyện, của cuộc đời nhân vật. Phần lớn các sáng tác viết về người anh hùng, chiến sĩ thi đua đều viết theo thể loại truyện ký.
Mặt khác truyện ký có yếu tố truyện rõ nét. Trong tryện ký, nếu yếu tố truyện phát triến đến một mức nào đó, tính chất tường thuật bị thay thế dần bằng xu hướng miêu tả nghệ thuật. Nếu người kể thay đổi trình tự câu chuyện, đảo lộn các chi tiết, thay đổi trình tự diễn biến thời gian thì truyện ký có xu hướng mở ra thành tiểu thuyết. Nhưng cái khung của sự thật vẫn phải được tác giả chú trọng, mặc dù cái tuyến cốt lõi về người thật, việc thật có thể mở rộng hơn nhiều lần. Nhân vật chính có thể được bồi đắp và tô điểm thêm nhưng không có sự thay đổi cơ bản. Người viết phải tôn trọng tính chân thật về tính cách nhân vật. Qua đó, tác giả có thể mở rộng miêu tả thêm những mối quan hệ nhằm thể hiện đậm nét bức tranh chân thật về cuộc sống.
Trong đề tài nghiên cứu này, chúng ta sẽ khảo sát những tác phẩm có những đặc điểm trên, qua đó có thể làm nổi rõ những đặc điểm chung nhất về hình tượng người anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, ở những tác phẩm đươc khảo sát sau đây, đôi khi người đọc sẽ bắt gặp những cách sắp xếp về thể loại của chúng khác nhau, không nhất quán. Nhưng ở đây, những tác phẩm này được xem như một tác phẩm thuộc thể loại truyện ký. Như đã nói ở trên: ranh giới giữa các thể ký văn học là không tuyệt đối, luôn có tình trạng thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau, nên chúng ta không quá chú trọng đến mức tuyệt đối thể loại của những tác phẩm này. Về vấn đề này, nhà văn Tô Hoài có ý kiến như sau:
“Trước kia, những từ điển văn học phân chia: phóng sự thì chỉ trình bày sự việc, bút ký thì có những lời bình phẩm của người viết. Bây giờ ta có thể đọc một vài bút ký
trong đó không thiếu những đoạn viết theo lối phóng sự, lẫn hồi ký, có khi cả truyện ngắn. Mà ai dám đánh cuộc: bút ký bây giờ không bằng ngày trước”. [23; tr.439]
Nói như thế, không phải chúng ta tùy tiện trong việc xác định thể loại cho một tác phẩm văn học. Việc xác định một tác phẩm thuộc thể loại văn học nào là một vấn đề nghiêm túc của một người nghiên cứu khoa học. Ở đây, chúng ta chúng ta chỉ chấp nhận cách gọi khác nhau của một tác phẩm, cái mà chúng ta xem là truyện ký, đôi lúc được gọi là tiểu thuyết, truyện dài, hoặc ghi chép. Và việc chọn khảo sát các tác phẩm này đã dựa vào khái niệm và đặc trưng chung của thể loại truyện ký.
2. 2 Sự phát triển của thể loại truyện ký trong văn học Cách mạng giải phóng miền Nam
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của các thể ký. Hiện thực rộng lớn của cuộc kháng chiến với biết bao những sự kiện, những kỳ tích anh hùng xảy ra liên tiếp là một hiện thực màu mỡ để tác giả khai thác và thể hiện lên trang viết của mình. Ở giai đoạn này, đội ngũ những người viết ký khá đông đảo, nhiều nhà văn trực tiếp lăn lộn nơi chiến trường, tham gia chiến đấu và có dịp tiếp xúc với những điển hình tuyệt đẹp về người anh hùng, hoặc những câu chuyện sinh động trong đời sống chiến đấu. Với những thuận lợi về đặc trưng so với các thể loại văn học khác, ký có ưu điểm đặc biệt trong việc ghi lại những sự kiện đang vận động một cách nhanh chóng, ghi lại chân dung của những người anh hùng thời đại. Qua đó phản ánh một cách chân thật thời kỳ gian lao, đầy máu và nước mắt nhưng rất hào hùng, oanh liệt của dân tộc. Hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt đã tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam và để lại dấu ấn rõ nét trong văn học. Văn học ta vốn có truyền thống gắn bó với đời sống và cuộc đấu tranh của nhân dân. Ở giai đoạn này, văn học đã làm tròn nghĩa vụ lịch sử của mình.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, truyện ký phát triển mạnh mẽ hơn so với các thể loại khác của ký văn học. Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam đã tạo nên nhiều nguyên mẫu, đó là thuận lợi rất lớn cho sự phát triển của thể loại truyện ký. Nhân dân miền Nam rất anh hùng, từ những đứa trẻ, thanh niên cho đến những người già đều có thể trở thành những dũng sĩ giết giặc. Câu nói “ra ngõ gặp anh hùng” đã trở thành câu nói quen thuộc ở nhiều vùng. Thực tế đó đã trở thành nguồn ngữ liệu phong phú cho nhà văn khai thác. Những tác phẩm truyện ký ra đời đã xây
dựng được nhiều hình tương người anh hùng thời đai, những người anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
2. 3. Các tác giả - tác phẩm tiêu biểu
Cùng các thể loại khác của ký văn học, truyện ký trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đặc biệt phát triển với nhiều tác phẩm có giá trị. Đội ngũ các tác giả khá đông đảo, hầu hết là các nhà văn am hiểu đời sống chiến trường và cuộc sống chiến đấu như: Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Chí Trung, Lê Văn Thảo, Võ Trần Nhã, Chu Cầm Phong, Nguyễn Khoa Điềm…Một trong những nhà văn có công đầu là Nguyễn Thi, nhà văn quân đội từ miền Bắc đến với chiến trường Nam trong những ngày cuộc chiến tranh nóng bỏng nhất. Nguyễn Thi có mặt khắp chiến trường, quan sát, ghi chép, nắm bắt không khí và khuôn mặt của hiện thực Cách mạng.
Khối lượng sáng tác của ông khá lớn, nhiều tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh có giá trị. Hai tác phẩm truyện ký nổi tiếng, góp phần khẳng định sự nghiệp văn học của Nguyễn Thi là “Người mẹ cầm súng” và “ Ước mơ của đất”. Nguyễn Thi đã tập trung và ưu tiên dành nhiều trang viết để ghi chép về người anh hùng của quê hương, đất nước. Nhân vật chính trong “Người mẹ cầm súng” và “Ước mơ của đất” là những phụ nữ, dũng cảm kiên cường trong chiến đấu. Đọc những tác phẩm truyện ký của Nguyễn Thi ta thấy được cái thế trùng điệp và sức mạnh lớn lao của cuộc chiến tranh nhân dân. Nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Thi mang tính tự giác cao. Họ vốn xuất thân từ những người nông dân bình thường, cần cù chất phác, mang nhiều vẻ đẹp truyền thống nhưng mỗi người là một kiểu Cộng sản của thời đại mới.
Trần Đình Vân cũng là một nhà văn có đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của nền văn học Cách mạng. Đặt biệt có cảm hứng với những tấm gương bất khuất, anh dũng, những người con ưu tú của Tổ Quốc, Trần Đình Vân viết khá nhiều tác phẩm có giá trị, minh chứng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông có tác phẩm “Người tử tù khám lớn”, một tác phẩm có tiếng vang, ảnh hưởng to lớn đến phong trào đấu tranh lúc bấy giờ. Tiếp tục tinh thần đó, Trần Đình Vân viết tiếp nhiều tác phẩm truyện ký về người anh hùng trong thời chống Mỹ. “Sống như Anh”, Trần Đình Vân đã ghi lại một cách có chọn lọc lời kể xúc động của chị Phan Thị Quyên, vợ người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Tác phẩm
“Sống như Anh” mang nội dung tư tưởng sâu sắc, phản ánh phần nào bộ mặt thật của thành thị miền Nam trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh đặc biệt, khi giặc Mỹ đang
tìm cách nô dịch hóa miền Nam theo chính sách thực dân kiểu mới. Đồng bào miền Nam mặc dù sống dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, bị mua chuộc, ru ngủ nhưng vẫn tỉnh táo nhận ra bộ mặt thật của chúng, vẫn đứng dậy cùng nhau đấu tranh vạch mặt kẻ thù.
Tinh thần bất khuất của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là sự kết tinh những phẩm chất cao đẹp của những người yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau khi đi tập kết, Anh Đức trở về miền Nam năm 1962 và ở lại đây 13 năm cho đến ngày toàn thắng. Là một trong những nhà văn chiến sĩ được tham dự sớm và gần như trọn vẹn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những sáng tác của Anh Đức mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân miền Nam.
Phần lớn các tác phẩm của Anh Đức đã phản ánh sinh động tinh thần và khí thế tiến công chống kẻ thù ở các lĩnh vực khác nhau. Điều đó đã gây nên sự xúc động sâu xa trong lòng người đọc trong nước cũng như bạn bè nhiều nước trên thế giới. Anh Đức đã đưa chúng ta sống cùng nhân vật của mình trong khung cảnh miền Nam chiến đấu.
Anh Đức đặt biệt thành công với tác phẩm Hòn Đất, một truyện ký viết về cuộc chiến tranh của nhân dân Hòn Đất, Rạch Giá, Kiên Giang với nguyên mẫu là người phụ nữ Phan Thị Ràng, người phụ nữ thành đồng đã hi sinh để bảo vệ quê hương. Ngoài các tác phẩm đạt giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 ( tập ký “Bức thư Cà Mau”, truyện ký “Hòn Đất”), Anh Đức còn có tập truyện ký “Giấc mơ ông lão vườn chim” năm 1969, trong đó nổi bật nhất là truyện ký “Giấc mơ ông lão vườn chim”. Tác phẩm tố cáo tội ác của bọn Mỹ - Ngụy ở miền Nam, đồng thời nói lên lòng căm thù giặc sâu sắc, tình cảm gắn bó với quê hương, tinh thần lạc quan, lòng tin yêu và quan tâm bảo vệ Cách mạng của người dân Nam Bộ.
Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt ở miền Nam, các nhà văn tập kết ở miền Bắc đã trở về miền Nam để dùng ngòi bút của mình ghi lại cuộc sống chiến đấu nơi đây. Phan Tứ là một trong số đó. Nhà văn về năm 1961 và đến năm 1966 ông trở ra miền Bắc, viết nhiều tác phẩm về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Đặc sắc nhất là hai tác phẩm truyện ký “Gia đình má Bảy” (1968), “Mẫn và Tôi” (1973).
“ Gia đình má Bảy”, một tác phẩm truyện ký xuất sắc đã khái quát nên cuộc sống chiến đấu của một xã nghèo thuộc liên khu Năm. Những người nông dân mang nặng tình cảm với Đảng, với Bác đã vùng lên đấu tranh. Qua tác phẩm trên, Phan Tứ đã thể hiện được bản lĩnh của một nhà văn có tài quan sát, ghi chép và nắm bắt sự kiện.
“Mẫn và Tôi” (1973) là câu chuyện chiến đấu ở làng Cá cũng thuộc liên khu Năm.
Nơi ta và địch chạy đua căng thẳng để giành thế đứng trong một vành đai sát căn cứ quân sự lớn Chu Lai. Mẫn và Thiêm, hai nhân vật chính thể hiện cho những tấm gương anh hùng trẻ tuổi hết mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, là những hình ảnh đẹp đại diện cho phẩm chất của con người Việt Nam trong chiến tranh. “Mẫn và tôi” là một thiên truyện ký xuất sắc, giàu chất trữ tình, câu văn nhẹ nhàng trôi chảy, đằm thắm, chân tình nên đã chiếm được nhiều thiện cảm trong lòng người đọc. Có thể nói trong số các nhà văn viết về Cách mạng lúc bấy giờ, Phan Tứ là người có giọng văn riêng rất đặt biệt. Ông là người có tài năng biểu hiện cảm xúc của nhân vật một cách sâu sắc, tinh tế mà rất tự nhiên bằng chính giọng văn rất duyên dáng của mình. Chính vì thế mà các tác phẩm viết về chiến tranh của Phan Tứ không quá khô khan trên những dòng sự kiện nhưng vẫn phản ánh đầy đủ được khí thế quyết liệt của đời sống chiến đấu nơi chiến trường.
Hồ Phương cũng là một nhà văn thành công khi viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Ông đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong hai tác phẩm ký nổi tiếng viết về cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Bắc: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Khi có một mặt trời”. Về đề tài đấu tranh giải phóng miền Nam, Hồ Phương có truyện ký “Kan Lịch”, viết về người nữ anh hùng miền núi, một người anh hùng tiêu biểu trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Nói về các tác gia tiêu biểu trong văn học Cách mạng giải phóng miền Nam phải kể đến Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), tác giả tập ký “Cửu Long Cuộn Sống”. Tập ký phản ánh những nét điển hình của phong trào đồng khởi Bến Tre. Các tác phẩm này vừa tố cáo tội ác của kẻ thù, vừa biểu dương nhiều anh hùng trong chiến đấu.
Trong sự phát triển của thể loại truyện ký Cách mạng giải phóng miền Nam, Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành cũng là người có đóng góp đặc biệt. Nguyên Ngọc trở về Nam năm 1962, phụ trách tờ “Văn nghệ quân đội giải phóng” thuộc quân khu Năm. Ông là nhà văn có cảm hứng trân trọng, mến yêu đặc biệt với người anh hùng trong chiến đấu. Những chiến sĩ giải phóng miền Nam và quần chúng Cách mạng đã trở thành nhân vật anh hùng trong những sáng tác của Nguyễn Trung Thành.