3. 1 Những đặc điểm cơ bản của người anh hùng
3. 1.1 Người anh hùng xuất thân từ quần chúng nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một thử thách lớn lao đối với người dân Việt Nam. Nó đặt dân tộc ta trong một tình huống đặc biệt, thúc đẩy con người phải cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.
Trong hoàn cảnh xã hội đặt biệt, với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt với đế quốc Mỹ, con người Việt Nam đã đứng lên với tầm cỡ phi thường, phát huy hết mọi khả năng và sức mạnh hàng nghìn năm. Hàng triệu tấm gương anh hùng trong quần chúng đã xuất hiện trong giai đoạn này và phát triển thành chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Đây là giai đoạn hào hùng, bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Nhân vật anh hùng trong các tác phẩm truyện ký Cách mạng giải phóng miền Nam không phải là những nhân vật lý tưởng, thoát li quần chúng. Trước khi trở thành người anh hùng, họ là những người bình thường trong tập thể quần chúng, có cuộc sống gắn liền với cuộc sống của quần chúng nhân dân. Lúc bình thường họ không có gì đặc biệt, nhưng lúc có hoàn cảnh thử thách thì những phẩm chất anh hùng được thể hiện một cách rõ nét nhất. Những con người này, bằng ý chí và nghị lực của mình, đã vượt lên hoàn cảnh đặc biệt để trở thành những con người thời đại.
Do xuất thân từ quần chúng nhân dân, người anh hùng manh tính cách và vẻ đẹp của quần chúng. Hình ảnh người anh hùng trở nên gần gũi, bình dị. Ta có thể bắt gặp tính cách của họ đâu đó ở những con người mà ta gặp gỡ hằng ngày. Những người anh hùng là những người tiêu biểu cho khối quần chúng Cách mạng, mang trong mình những tinh hoa của quần chúng. Họ lớn lên trong cuộc đấu tranh của nhân dân, sinh hoạt, làm lụng, đau khổ, vui buồn cùng quần chúng nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều nhân vật anh hùng xuất thân từ quần chúng, trở thành nguyên mẫu đẹp để nhà văn khai thác, miêu tả. Những chiến sĩ anh hùng của dân tộc, những điển hình trong quần chúng Cách mạng đã được đưa lên trang viết một cách chân thật và sinh động. Điều đó góp phần để lại một thành tựu cho cả thời kỳ văn học: văn học Cách mạng giải phóng miền Nam.
Người anh hùng trong thời kỳ này có mối quan hệ mật thiết với quần chúng. Họ không đơn độc mà luôn xuất hiện trong môi trường tập thể của quần chúng Cách mạng, trong tập thể anh hùng. Trên cơ sở đó, tác giả có thể tập trung xây dựng một hình tượng nhân vật tiêu biểu để làm nổi bật lên những phẩm chất đáng quý, những nét đẹp của cả tập thể đó. Trong tác phẩm “Hòn Đất”, Anh Đức đã thể hiện một tập thể nhân dân anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng Hòn Đất. Họ là những người dân Hòn Đất, sống và gắn bó với mảnh đất quê hương từ nhỏ. Trong đó, Anh Đức tập trung khắc họa một số hình tượng tiêu biểu như Sứ, mẹ Sáu, Quyên,… những người phụ nữ anh hùng, những tấm gương hi sinh tiêu biểu.
Những người anh hùng lớn lên trong cuộc đấu tranh của nhân dân, họ đã sống trong lòng quần chúng và ngày càng trưởng thành từ phong trào đấu tranh của quần chúng.
Nhân vật anh hùng không chỉ vượt lên đột xuất như một yếu tố phi thường. Họ được thử thách và rèn luyện trong môi trường tập thể Cách mạng. Nhân vật Mẫn trong truyện ký “Mẫn và Tôi” của Phan Tứ là một người như vậy. Mẫn là chị hai trong một gia đình nghèo, gồm ba chị em, cha bị tù Côn Đảo khi cô vừa mười tuổi. Lớn lên trong sự thương yêu chăm sóc của xóm làng, Mẫn ngày càng hòa vào cuộc sống chiến đấu nơi đây. Từ lúc nhỏ, ngoài việc giúp mẹ làm đồng, chăm lo các em, cô còn tham gia nuôi giấu cán bộ. Vào Đảng năm mười bảy tuổi, chính thức tham gia Cách mạng, Mẫn chiến đấu ngay trên quê hương mình, ngày càng trưởng thành trong phong trào đấu tranh của nhân dân và được bà con mến trọng, tin yêu. Mẫn trở thành hình ảnh tiêu biểu của một nữ du kích gan dạ, dũng cảm, đầy nhiệt huyết trong kháng chiến.
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Út là những người anh hùng trưởng thành trong quần chúng, tiêu diệt kẻ thù ngay trên mảnh đất quê hương. Họ là những công dân bình thường đã vươn lên trở thành người anh hùng thời đại. Tấm gương của họ đã thành biểu tượng tuyệt đẹp cho người dân Việt Nam gan dạ, dũng cảm trong thời kỳ chiến tranh. Đó là những con người tiêu biểu cho khối quần chúng Cách mạng, mang trong mình những tinh hoa của quần chúng. Họ xứng đáng được gọi là những người con thành đồng Tổ quốc. Tấm gương của những người anh hùng xuất thân từ quần chúng nhân dân có tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh lúc bấy giờ.
3. 1. 2. Người anh hùng thuộc mọi lứa tuổi, mọi đối tượng
Hiện thực chiến tranh là đề tài lớn, đề tài trung tâm của toàn bộ nền văn học Cách mạng. Phần lớn truyện ký trong giai đoạn này đều phản ánh đề tài chiến tranh, với
nguồn cảm hứng sáng tạo là chủ nghĩa anh hùng Cách mạng và hình tượng trung tâm là hình tượng nhân dân anh hùng, những người viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Những nhân vật anh hùng trong các tác phẩm truyện ký Cách mạng giải phóng miền Nam không phải là những kiểu mẫu lý tưởng mà là những con người cụ thể, sinh động và đông đảo trong quần chúng Cách mạng. Ở đây, không phản ánh những tấm gương anh hùng cá nhân của những nhân vật kiệt xuất mà tập trung miêu tả tập thể nhân dân anh hùng thuộc mọi lứa tuổi, mọi đối tượng.
Người anh hùng trong thời kỳ này là những con người bình thường, xuất thân từ quần chúng lao động. Những người dân Việt Nam yêu nước, căm thù giặc, có ý chí chiến đấu với kẻ thù đều có thể trở thành người anh hùng. Họ có thể là một đứa trẻ mới lớn, sống trong không khí sục sôi đấu tranh của cha anh, yêu và trân trọng cuộc đấu tranh chính nghĩa mà cha anh mình đang thực hiện. Cậu bé Út trong “Hòn Đất” là một em bé mới mười ba tuổi, dám lấy lựu đạn của lính Ngụy, đem về giấu chờ dịp đánh giặc. Một cậu bé ngây thơ, dễ thương nhưng khi đối mặt với kẻ thù cướp nước thì tỏ ra gan dạ, dũng cảm vô cùng. Khi anh trai của em bị thương, mẹ Sáu hỏi có sợ không, em trả lời: “Con khỏi sợ, bà Sáu à. Con liệng lựu đạn chết bà nó hết chớ sợ.”
[1: tr.82]. Em nghĩ rằng: “Không đánh giặc thì thôi chứ đánh giặc bị thương là chuyện thường.” [1: tr.82]. Khi được vào hang Hòn với các cô chú, Út nói: “…Tui chớp được của bọn lính một trái “láng”, tui có đem theo đây nè. Mai hễ tụi nó đánh vô, tui rút chốt chia hai” [1: tr. 158]. Đó là lời nói thơ ngây nhưng thể hiện một phẩm chất anh hùng của một dũng sĩ giết giặc trong tương lai. Cậu Bé bị thương nát cả cánh tay, phải chặt bỏ, đau đớn vô cùng nhưng em không rơi một giọt nước mắt. Thơ ca trong thời chống Mỹ đã kịp ghi lại hình ảnh:
“ Máu đỏ miệng hầm loang từng gốc cội Và mảnh khăn thêu nhàu nát vấy bùn
Anh cuối xuống nghẹn ngào trên mảnh đất quê hương Bế các em lần đầu anh khóc
Anh sắp các em nằm lau bụi trên mái tóc Ngủ đi em mãi mãi ngủ yên lành”
(Giang Nam)
Đó là hình ảnh tiêu biểu của những thiếu niên anh dũng, tuổi nhỏ nhưng góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đã đánh bại một kẻ thù nguy hiểm.
Anh hùng còn có thể là những người lớn tuổi. Những người có thời gian chứng kiến nhiều nhất tội ác của lũ cướp nước và bán nước, chứng kiến nhiều nhất những mất mát hi sinh của đồng bào ta. Họ là mẹ Sáu, bà Cà Xợi, ông Tư Đờn trong Hòn Đất. Những con người không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cho con em mình đi giết giặc. Mẹ Sáu có hai con đều tham gia Cách mạng bảo vệ xứ Hòn. Mẹ ở nhà phải đối phó với kẻ thù luôn rình rập, tra hỏi. Khi con gái mẹ bị giặc bắt, hành hạ và giết chết một cách dã man, mẹ đã bình tĩnh chịu đựng nỗi đau.
Mẹ cùng bà con biến cuộc đưa đám Sứ thành cuộc diễu hành đi ngang hang Hòn, nhằm tiếp tế lương thực, nước uống cho anh em du kích. Mẹ Sáu là hình ảnh tiêu biểu cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Khác với mẹ Sáu là người có cả gia đình đều tham gia Cách mạng, bà Cà Xợi, một phụ nữ Khơ – me nghèo khổ có con trai theo giặc làm biết bao chuyện ác ôn. Lòng người phụ nữ này dằn vặt, đau đớn đến điên dại. Dù bà con Hòn Đất không ai căm thù nhưng bà vẫn thấy mình là người có tội. Bà đã quyết định một hành động mà đối với một người mẹ không dễ dàng chút nào. Bà Cà Xợi đã bố trí cho du kích chém chết tên Việt gian ngay tại nhà mình. Trải qua bao giằng xé trong lòng, bà Cà Xợi đã vượt qua nỗi đau riêng, đứng hẳn về phía Cách mạng. Bà đã cho đứa con gái nhỏ của mình theo Cách mạng, làm những việc có ích, phục vụ hết mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ xứ Hòn. Đó là niềm vui duy nhất còn lại của một người phụ nữ đã chịu nhiều đau khổ.
Một tập thể nhân dân anh hùng đã đoàn kết với nhau cùng đối phó với kẻ thù nguy hiểm. Có những người không thể trực tiếp đánh giặc nhưng vẫn được xem là môt người anh hùng. Đó là những người không ngại hiểm nguy đến tính mạng, vẫn một lòng trung thành với Cách mạng và cuộc chiến đấu của nhân dân. Ông Tư Đờn, một cụ già mù lòa nhưng không một buổi đấu tranh chính trị nào ông vắng mặt: “Những ngày đi đấu tranh, dẫu đường trơn lầy lội vì mưa dầm tháng tám, ông vẫn nắm tay đứa cháu, đợi bà con ùn ùn kéo ngang là nhập vào, đi lên bót, đi lên quận. Đấu tranh thắng lợi về, ông hình dung đường trước nhà in đầy những dấu chân…Ngày Đồng khởi, tất cả buổi xử tội bọn ác ôn ông đều có mặt…Lần đó, ông Tư đứng đợi kỳ đến lúc đầu tên ác ôn chủ Mưu rơi nghe cái “phịch” xuống bãi cỏ, ông mới chịu quơ gậy trở
về.” [1: tr.20]. Ông Tư căm thù giặc, tiếc rằng mình không thể sáng mắt để tham gia đấu tranh cùng anh em: “ Mà tui lại không có mắt, tui còn làm gì được ngoài cái việc bòn mót gạo để dành, đêm đêm lóng tay nghe coi có chú nào về không, để quờ quạng bưng thúng gạo đưa mấy chú.” [1: tr.21]. Căn nhà ông là nơi đội võ trang, thường xuyên lui tới họp hành và nắm bắt tin tức. Ông còn dùng tiếng đờn của mình làm cho bọn lính hiểu ra bản chất xấu xa của cuộc chiến tranh xâm lược và quay đầu về với nhân dân, dù việc đó lúc bấy giờ rất nguy hiểm. Ông xứng đáng là một cán bộ binh vận xuất sắc của xứ Hòn.
Thanh niên là lực lượng đông đảo và hăng say nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong hoàn cảnh xã hội đặc biệt – đất nước có chiến tranh, họ đứng ra gánh vác việc nước và xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mình. Lực lượng thanh niên Việt Nam anh dũng, kiên cường xứng đáng là lực lượng tiên phong trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Họ là những người giác ngộ lí tưởng Cộng sản, dám hi sinh sức lực và tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp lớn, lôi cuốn quần chúng, cổ vũ quần chúng tiến lên. Đó là tấm gương của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, một người con ưu tú của đất nước. Trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, bảo vệ hòa bình tự do cho Tổ quốc, Nguyễn Văn Trỗi hiện lên như một ngôi sao chói lọi, nhanh chóng được hàng triệu người trên thế giới, nhất là thanh niên ngưỡng mộ, cảm phục và nguyện sống, chiến đấu như Anh.
Người anh hùng có hoàn cảnh xuất thân bình thường, thuộc mọi đối tượng. Họ có thể là những người nông dân, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, làng xóm quê hương như chị Út Tịch, chị Sứ, Quyên, má Bảy, Sâm… Khi Cách mạng cần, những người nông dân đứng lên đánh giặc để bảo vệ nơi sinh sống mình. Họ mang vẻ đẹp gần gũi, bình dị, mộc mạc của làng quê. Có người xuất thân từ công nhân như anh Trỗi trong
“Sống như Anh” của Trần Đình Vân và Thiêm trong “Mẫn và Tôi” của Phan Tứ. Anh Trỗi nhà nghèo, đông anh em, từ Quảng Nam vào Sài Gòn kiếm sống, học nghề thợ điện. Tại đây, anh được giác ngộ lý tưởng Cộng sản và theo Cách mạng. Cũng giống như anh Trỗi, Thiêm xuất thân từ thợ sửa máy, chụp ảnh. Thiêm đi bộ đội và trở thành một chiến sĩ ưu tú. Họ là những người bình thường có nghị lực phi thường và trở thành người anh hùng trong cuộc chiến giải phóng đất nước.
3. 1. 3 Tập trung miêu tả người phụ nữ anh hùng
Trong các tác phẩm truyện ký thời bấy giờ, được khắc họa tập trung nhất, nổi rõ nhất, có chiều sâu nhất là các nhân vật nữ. Điều đó đã phản ánh vai trò lớn lao của phụ nữ trong cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam. Văn học giai đoạn này tập trung miêu tả những nhân vật nữ mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống hòa quyện với nét đẹp của người anh hùng thời đại. Nhiều hình tượng nhân vật nữ anh hùng để lại ấn tượng đẹp trong lòng độc giả mấy mươi năm. Các nhân vật nữ được khắc họa như người anh hùng thật sự không phải lần đầu tiên xuất hiện trong văn học, nhưng đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những hình ảnh này phát triển một cách rực rỡ nhất.
Trong những năm tháng đạn bom ác liệt ở miền Nam, những mất mát, hi sinh của đồng bào ta nơi đây nhiều không kể siết. Nhân dân ta ngày đêm rên xiết dưới chính sách khủng bố ngày càng tàn ác của bọn Mỹ - Ngụy. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc chưa bao lâu, với những vết thương chiến tranh do bọn thực dân gây ra chưa kịp lành, nhân dân miền Nam lại tiếp tục trong tư thế chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm hơn. Nhưng lần này trách nhiệm có vẻ nặng nề hơn gấp nhiều lần đối với những người phụ nữ nơi đây khi một số lượng lớn thanh niên, trai tráng, những người đàn ông đã tập kết ra Bắc. Miền Nam đang quằn quại dưới gót giày của bọn xâm lăng, những người phụ nữ đã ý thức được nghĩa vụ của mình khi đất nước đang có biến cố trọng đại, họ vùng lên bảo vệ xóm làng, bảo vệ quê hương. Chính vì thế mà trong thời kỳ này xuất hiện nhiều hình tượng nữ anh hùng và họ đã trở thành những nguyên mẫu đẹp để các nhà văn đưa lên trang viết. Người phụ nữ trong thời kỳ này đã thể hiện và ngày càng phát huy bản lĩnh và sức mạnh vốn có của mình. Hàng loạt những tấm gương chiến đấu oanh liệt của những phụ nữ Việt Nam đã tạo cảm hứng cho các tác giả tạo nên nhiều tác phẩm mang đầy chất hiện thực, phản ánh được phẩm chất của những người phụ nữ Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Họ là những bà mẹ Việt Nam anh hùng, không ngại nguy hiểm che chở, nuôi giấu cán bộ trong nhà như má Bảy trong “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ. Hay bà mẹ Sáu có hai con gái tham gia Cách mạng và hi sinh, con rể đi tập kết, mẹ ở nhà tham gia đấu tranh chính trị, đứng trước mũi súng kẻ thù. Hình ảnh những bà mẹ như thế này không hiếm trong thơ ca Cách mạng: