2.2. Nguyên tắc dạy học văn học dân gian
2.2.1. Dạy học văn học dân gian nhằm bồi dưỡng kiến thức về tâm hồn dân tộc
Khi đề cập đến VHDG, người ta thường nghĩ ngay đến một nền văn học truyền miệng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Không biết tự bao giờ, VHDG đã trở thành nguồn tri thức dân gian vô tận và đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ.
Từ những câu hát ru ầu ơ ví dầu, từ những câu chuyện cổ tích mà ta được nghe bà,
mẹ hay cô giáo kể lại. Và đó cũng chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên lâu đài cổ tích của tuổi thần tiên. Hay nói cách khác, đó chính là những nền tảng đầu tiên cho việc tiếp nhận VHDG của trẻ thơ.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, việc tiếp nhận VHDG là một việc làm tương đối khó khăn. Bởi, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống con người ngày càng được hiện đại hóa nên HS không thiết tha khi tham gia vào “giấc mơ cổ tích”. Đối với HS, việc tiếp nhận VHDG đã rất khó khăn. Thế nhưng, việc giảng dạy để HS tiếp nhận lại là một việc làm càng khó khăn hơn đối với người GV. Bởi, người GV phải tìm ra những điểm mạnh tối ưu của VHDG để có thể tác động được vào tâm hồn HS, đặc biệt là đối với HS thành thị, con người và nếp sinh hoạt trong VHDG rất xa lạ đối với các em. Để có thể làm tốt được việc đó thì đòi hỏi người GV phải có số lượng kiến thức về VHDG phong phú và đa dạng.
Dạy học VHDG nhằm bồi dưỡng tâm hồn dân tộc cho HS là một trong những nguyên tắc hàng đầu của công việc giảng dạy VHDG. Bởi trong giai đoạn hiện nay, thực trạng HS chán học văn là một vấn đề đã và đang hằng ngày diễn ra trong các trường học. Việc tạo ra một tâm hồn nhảy cảm, giàu lòng yêu thương với những rung động tinh tế về tác phẩm là một vấn đề tương đối khó khăn và phức tạp. Thế nhưng, đó không phải là bế tắc và không có cách giải quyết. Để khắc phục thái độ ngán ngẫm của HS khi học tác phẩm văn học nói chung, học tác phẩm VHDG nói riêng thì bắt buộc người giáo phải tự trang bị cho mình một vốn kiến thức chuyên ngành thật phong phú, đa dạng và đặc biệt là phải biết vận dụng chúng một cách linh hoạt, hợp lí để HS có thể nắm vững được trong tâm bài học trong thời lượng quy định cho mỗi bài dạy, tránh lối diễn giảng tràn lan, liên hệ kiến thức quá rộng và đi quá xa nội dung bài học khi không thực sự cần thiết. Có như vậy thì mới có thể giúp cho HS hình thành và phát triển tâm hồn say mê văn chương, kích thích lòng yêu thích và ham hiểu biết của HS, giúp cho HS cảm thấy hứng thú hơn khi học tác phẩm VHDG. Hơn thế nữa, thông qua những gì vừa nói trên, ý thức về các vẻ đẹp truyền thống, về tinh thần đấu tranh trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam hào hùng cũng được HS bồi đắp, và tâm hồn dân tộc của HS cũng dần được “tắm mát”.
2.2.2. Dạy học văn học dân gian phải biết nắm bắt tâm lí lứa tuổi học sinh
Việc dạy học Ngữ Văn luôn luôn gắn với quá trình tiếp nhận văn học. Trong quá trình tiếp nhận như vậy, trình độ và nhận thức trong tâm lí lứa tuổi của HS cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung bài học cũng như hiệu quả truyền đạt của GV trong quá trình giảng dạy.
Cũng như bất kỳ môn học nào của bậc THPT, khi dạy phần VHDG trong SGK Ngữ Văn 10, người GV cần phải nắm rõ được đối tượng mà họ đang hướng đến là những HS lớp 10 và đang trong độ tuổi từ 15 – 16 tuổi. Theo tâm lí học giáo dục thì đây là lứa tuổi mà HS đang có sự chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ em sang giai đoạn trưởng thành, nghĩa là các em đang bước vào giai đoạn đầu của quá trình làm người lớn. Ở giai đoạn này, HS bắt đầu có những sự phát triển để hoàn thiện về sinh lí bên trong và các em cũng bắt đầu cảm nhận sự thay đổi về ngoại hình. Song song đó, ở giai đoạn này, các em cũng có sự phát triển mạnh mẽ về trí tuệ. Cũng ở lứa tuổi này, học sinh đã có tính chủ động hơn trong quá trình tìm tòi, khám phá những kiến thức mới và đây cũng là giai đoạn HS phát triển mạnh mẽ về tình cảm, tư duy cũng như thẩm mĩ; có khả năng phán đoán; có nhu cầu hiểu biết, học tập; có cá tính và đang muốn thể hiện mình. Với những sự thay đổi về tâm lí như đã nói ở trên, người GV cần phải có một số kiến thức về tâm lí lứa tuổi của tuổi mới lớn để từ đó có những sự hiểu biết và tìm cách phát huy những mặt mạnh của HS trong quá trình tiếp nhận bài học. Đây là một việc làm có tính thiết thực đối với công tác giảng dạy của người GV khi nhắm đến đối tượng là những HS đang trong giai đoạn phát triển toàn diện để trở thành người lớn.
Nếu có sự so sánh về tâm lý lứa tuổi giữa các HS lớp 10 và những HS ở độ tuổi của lớp 6, 7 thì chúng ta dễ dàng nhận ra ngay sự khác biệt giữa hai đối tượng HS này. Theo thực tế cho thấy, khi ở lớp 6 – 7, HS tỏ ra rất thích học tác phẩm VHDG, thích được hòa mình vào thế giới truyện cổ tích với cô tiên, ông Bụt, thích được hòa mình vào những giấc mơ để trở thành một nàng công chúa xinh đẹp hay một chàng hoàng tử đi cứu công chúa thoát khỏi bàn tay của những kẻ xấu xa, độc ác nào đó,... Nhưng đến khi bước vào lớp 10, tâm lí HS bắt đầu có những sự thay đổi nhất định. Lúc này, HS bắt đầu cảm thấy mình không hề thích học VHDG bởi trong đời sống hiện đại với khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các em đã có dịp tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông hiện đại nên tư duy dần được nâng cao, kiến thức ngày càng được mở rộng và sâu hơn. Chính vì lẽ đó mà HS ở lớp 10
không dễ dàng tin tưởng vào những điều quá cổ xưa và có phần hoang đường, kì ảo của thế giới tuổi thơ hồn nhiên và đầy tưởng tượng mà VHDG mang lại. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn này, HS lại vướng vào một vài trở ngại như: chưa hình thành đủ vốn sống, chưa có khả năng để khái quát, tổng hợp để có thể tiếp thu những kinh nghiệm, triết lý nhân sinh sâu sắc mà ông cha ta đã đúc kết và gửi gắm thông qua kho tàng VHDG của dân tộc.
Để khắc phục cho tình trạng này, Hoàng Tiến Tựu đã định hướng cho người GV các công việc như sau: “… phải kéo các em về hai phía cuộc đời mà giảng dạy”, nghĩa là một mặt, người GV phải khôi phục lại tính hồn nhiên, khả năng trực giác vốn có của HS; mặt khác, GV còn phải cung cấp cho HS những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội,… phải làm cho HS lớn lên và hiểu biết nhiều hơn so với tuổi đời thực. Rõ ràng, nếu không làm cho HS vừa nhỏ nhặn lại vừa già dặn hơn thì HS không thể nhận thức được hết chiều sâu, chiều rộng của những giá trị mà VHDG mang lại cũng như HS sẽ cảm thấy sự hoang đường không sự thật ấy là không thể chấp nhận được. Chẳng hạn, khi dạy văn bản truyện cổ tích Tấm Cám, GV nên yêu cầu HS hãy kể lại một số truyện cổ tích mà các em đã được biết hoặc được học ở các cấp dưới. Như vậy thì ta có thể vừa kiểm tra được trí nhớ của HS, vừa gợi dẫn được nội dung khái quát của bài học sắp được học. Sau đó yêu cầu một HS kể lại văn bản truyện Tấm Cám một cách ngắn gọn theo trí nhớ của mình và một số HS khác thêm vào các chi tiết còn thiếu vì đây là câu chuyện cổ tích rất gần gũi, quen thuộc với mỗi chúng ta, dù trí nhớ của HS về tác phẩm có thể chưa thật đầy đủ nhưng cũng đã một phần giúp các em khắc sâu vấn đề của truyện cổ tích Tấm Cám.
Cũng chính từ việc bắt tay vào giới thiệu bài mới như vậy, HS sẽ tự động hệ thống hóa và nhớ lại những câu chuyện đã được ông bà, cha mẹ kể cho mình nghe từ những ngày còn thơ ấu, làm cho các em trở nên “bé lại”. Từ đó sẽ kích thích trí tò mò, sự hồn nhiên của HS khi tham gia tìm hiểu tác phẩm mà mình sắp được học;
còn việc làm sao để HS có thể “già dặn” hơn so với tuổi đời được biểu hiện ở phần củng cố bài học, hình thành cho các em khả năng hệ thống và khái quát hóa. GV cũng có thể đặt ra những câu hỏi vận dụng, liên hệ để HS nhận ra mối quan hệ giữa tác phẩm với thực tế đời sống. Ví dụ: “Tác phẩm đã đem đến cho em những bài học gì thực tế cuộc sống?”, “Thông qua tác phẩm vừa học, tác giả dân gian muốn gửi gắm đến người đọc về điều gì?”, “Vấn đề được đặt ra trong tác phẩm có còn đúng
trong xã hội ngày nay hay không?”,… Trong quá trình suy nghĩ, tìm tòi và lí giải, HS sẽ tổng kết những kinh nghiệm và khả năng quan sát của bản thân để trả lời câu hỏi một cách thuyết phục nhất. Sau cùng, GV nên đưa ra những nhận định, bổ sung để khẳng định lại tính chất của vấn đề cho HS dễ hiểu và ghi nhớ sâu hơn. Hay khi dạy câu tục ngữ: “Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”, trong quá trình giảng dạy thì GV cũng có thể gợi ý cho HS bằng cách yêu cầu HS quan sát và mô tả lại quá trình kiếm sống của loài kiến. Và ở phần củng cố, GV có thể đặt ra một số câu hỏi cho HS như: “Bài học mà em rút ra được từ quá trình kiếm ăn của loài kiến là gì?”,
“Bài học này có giúp ích gì cho các em trong quá trình học tập hay không? Tại sao?”,… Có như vậy thì HS mới thấy được tác dụng của việc học tác phẩm VHDG, giá trị của VHDG với đời sống thì chắc chắn HS sẽ có cái nhìn tích cực hơn đối với bộ phận văn học này trong nhà trường THPT hiện nay.