2.3. Phương pháp dạy học văn học dân gian
2.3.1. Dạy học văn học dân gian gắn với phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại
Dạy học theo đặc trưng thể loại đang được các nhà nghiên cứu giáo dục đặc biệt quan tâm bởi tính hiệu quả mà phương pháp này mang lại rất cao. Vậy, dạy học tác phẩm VHDG theo phương pháp đặc trưng thể loại là gì? Như chúng ta đã biết, tác phẩm VHDG tồn tại trong đời sống văn học dân tộc dưới nhiều hình thức thể loại. Prốp đã từng nói: “Thể loại là một đơn vị hàng đầu mà việc nghiên cứu VHDG phải xuất phát từ đó”. Cho nên, thể loại được xem là một đơn vị cơ bản của VHDG, nó là xuất phát điểm tất yếu cho công việc nghiên cứu và giảng dạy VHDG. Nếu thể loại thay đổi thì giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm VHDG cũng có sự thay đổi sao cho phù hợp. Vì vậy, khi dạy VHDG, người GV nhất thiết phải nắm được đặc điểm thi pháp của từng thể loại thì mới có khả năng “giải mã” được tác phẩm VHDG một cách hợp lí và đầy đủ nhất.
Mỗi thể loại VHDG là một điều kì thú, mới lạ và cần được khám phá. Có rất nhiều cách phân chia VHDG như việc dựa vào các tiêu chí: hệ đề tài, chức năng, thi pháp, phương thức diễn xướng,…Do VHDG tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức thể loại, ở đây người viết xin được phép không đi sâu vào cách phân chia thể loại của VHDG vì các văn bản được chọn giảng trong SGK Ngữ Văn 10 đã được người biên soạn sách xác định rõ ràng về thể loại, nghĩa là các đơn vị bài học
thường được phân bố theo thể loại và mỗi tác phẩm VHDG lại gắn liền với một thể loại cụ thể.
Phần VHDG trong SGK Ngữ Văn 10 có tất cả 6 thể loại: sử thi, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ca dao, truyện thơ. Sau bài Khái quát về VHDG Việt Nam là các tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại: sử thi gắn với đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây (trích trong sử thi Đăm Săn), truyện cổ tích với truyện cổ tích thần kì Tấm Cám, ca dao với các bài Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, ca dao hài hước…. Như vậy, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học Ngữ Văn nói chung và phương pháp dạy học tác phẩm theo đặc trưng thể loại nói riêng đã được thực nghiệm và ứng dụng rộng rãi.
Việc giảng dạy VHDG gắn với phương pháp đặc trưng thể loại đòi hỏi người GV cần phải xác định đúng để HS thấy được đặc điểm thi pháp của từng thể loại VHDG mà HS được học.
Đối với truyện dân gian (bao gồm: truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, sử thi) thì chúng ta có thể phân tích như một tác phẩm tự sự trong văn học viết về các mặt: đề tài, chủ đề, cốt truyện, tình tiết,… nhưng cũng cần có sự định hướng thể theo đặc điểm thi pháp của từng thể loại. Chẳng hạn, khi đi vào thể loại truyện cổ tích, GV cần định hướng cho HS nắm bắt được các tiểu loại của truyện cổ tích: cổ tích thần kì, cổ tích loài vật và cổ tích sinh hoạt. Đề tài của thể loại này thường đề cập đến những xung đột giữa con người với tự nhiên, giữa gia đình và xã hội,….
Bên cạnh đó, truyện cổ tích còn bày tỏ những ước mơ của con người về một cuộc sống tốt đẹp, bài học cuộc sống về cái thiện sẽ chiến thắng cái ác với mục đích giáo huấn con người. Cụ thể hơn, khi giảng dạy truyện cổ tích Tấm Cám, GV cần phải cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về đặc điểm thể loại như truyện cổ tích Tấm Cám thuộc tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, có nhiều yếu tố hoang đường, kỳ ảo. Đây là một thể loại ra đời rất sớm và nở rộ khi xã hội bắt đầu có sự phân chia giai cấp. Nhân vật trung tâm trong truyện này là nàng Tấm, nhân vật thuộc kiểu nhân vật người con riêng và xung đột trong câu chuyện là xung đột giữa mẹ ghẻ với con chồng. Sự xung đột này được giải quyết nhờ có sự can thiệp của một lực lượng siêu hình, đó chính là ông Bụt. Tấm và mụ dì ghẻ là biểu hiện của sự phân chia rạch ròi giữa hai tuyến nhân vật: thiện – ác, lớp trên – lớp dưới và không có nhân vật trung gian. Trong quá trình phân tích truyện cổ tích này, cả người dạy lẫn người đều
phải đặt nhân vật vào trong hệ thống cốt truyện vì như chúng ta đã biết , truyện cổ tích thường có kết cấu đường thẳng với những chuỗi hành động của nhân vật. Cho nên khi phân tích nhân vật, ta cần chia chuỗi hành động của nhân vật dọc theo cốt truyện để phân tích. Từ đó GV có thể hướng dẫn HS đến việc tìm ra ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm một cách tương đối dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng cần chú ý, khi phân tích cần có sự kết hợp khai thác cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.
Ở thể loại truyền thuyết, GV không chỉ hướng dẫn HS nắm được nội dung của một truyền thuyết cụ thể mà còn phải định hướng cho HS các vấn đề có liên quan như: truyền thuyết là những truyện kể dân gian về lịch sử, thường đề cập đến những nhân vật và sự kiện mang tính lịch sử, các vấn đề có liên quan đến quốc gia, dân tộc mang tính khái quát về một thời đại, một giai đoạn hoặc những biến động sâu sắc trong lịch sử dân tộc. Cụ thể hơn, truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy thuộc thể loại truyền thuyết lịch sử mà theo Phạm Văn Đồng thì đây chính là “những truyền thuyết dân gian thường có cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình tha thiết của mình cùng với thơ và mộng”. Ngoài ra, khi bắt tay phân tích truyền thuyết này, người dạy cũng cần chú ý đến các nhân vật và các sự kiện trong tác phẩm được tác giả dân gian nhắc đến. Có thể nói rằng An Dương Vương là nhân vật trung tâm của mọi sự kiện liên quan đến quá trình dựng nước, giữ nước và mất nước trong tác phẩm, vì đặc điểm chung của truyền thuyết là gắn liền với các sự kiện lịch sử nên những câu chuyện được kể thường phải xem như có thật, những tình tiết của nó cũng phải được hiểu như thật và đã từng diễn ra trong quá khứ. Vì thế, để công việc phân tích truyền thuyết một cách có hiệu quả, chúng ta cần phải đặt chúng trong mối quan hệ với các sự kiện. Rõ ràng khi đọc tác phẩm, chúng ta sẽ nhận ra hệ thống nhân vật và những sự kiện được nhắc đến, thế nhưng việc hệ thống hóa nhân vật và sự kiện chỉ nhằm mục đích nêu lên cốt truyện. Như vậy, GV cần làm thế nào để HS có thể thấy được và phân tích được hệ thống nhân vật kết hợp với các sự kiện lịch sử đó. Cụ thể hơn, khi phân tích truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, GV cần phải tiến hành theo các bước sau: Bước 1: Tóm tắt sơ lược về cốt truyện theo những mốc sự kiện lớn; Bước 2: Phân tích nhân vật theo diễn biến của các sự kiện; Bước 3: Đặt truyền thuyết vào môi trường hình thành của nó. Bên cạnh đó, khi phân tích thể loại này, cả GV và HS không nên chỉ dựa vào văn bản truyện
mà còn phải dựa vào việc tìm hiểu nó trong mối quan hệ với tín ngưỡng địa phương vì phần lớn các nhân vật trung tâm trong truyền thuyết đều được thờ phụng rất nghiêm trang tại một số khu vực như quê nhà hoặc nơi mang dấu tích sự nghiệp của nhân vật lịch sử. Vì có như vậy thì chúng ta mới có thể hiểu rõ được cốt lõi của lịch sử, đồng thời qua đó thấy được thái độ, tình cảm của nhân dân đối với những nhân vật truyền thuyết mà học yêu quý, tôn thờ. Đến thể loại truyện cười, GV cũng cần có những định hướng chung cho HS hiểu được đây là một loại truyện ngắn, hơn thế nữa đó là màn kịch ngắn có mâu thuẫn tiềm tàng ở đầu câu chuyện, sau đó phát triển lên đến đỉnh điểm và kết thúc ở cuối câu chuyện. Truyện cười có hai tiểu loại:
truyện khôi hài (mang mục đích mua vui, giải trí) và truyện trào phúng (mang mục đích phê phán). Trong chương trình SGK Ngữ Văn 10, ở phần VHDG thì người biên soạn sách đã đưa vào truyện Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày.
Đây là hai câu chuyện thuộc tiểu loại truyện trào phúng cho nên khi phân tích các truyện, GV cần hướng HS đến các yếu tố cơ bản của truyện như: kết cấu, tình tiết và ý nghĩa của “tiếng cười” trong mỗi truyện. Chẳng hạn khi phân tích truyện Tam đại con gà, người dạy cần chú ý đây là một vở kịch ngắn có ba “lớp”. Lớp thứ nhất, truyện giới thiệu hiện tượng có chứa mâu thuẫn bên trong (dốt mà đi dạy chữ). Lớp thứ hai, anh đồ dốt này không biết chữ “kê” là gà nên khi bị học trò hỏi dồn đành trả lời liều “Dủ dỉ là con dù dì”. Từ đó, mâu thuẫn có điều kiện phát triển và đỉnh điểm khi người thầy dốt sợ người khác nghe thấy nên bảo học trò đọc nhỏ, còn mình thì khấn thổ công để xem lời mình nói là đúng hay sai. Sau khi được thổ công cho cả ba quẻ, anh đồ đốt tự tin bảo học trò đọc to lên. Đến lớp thứ ba, trong phần kết thúc truyện, mâu thuẫn đã được giải quyết, hiện tượng đáng cười đã được phơi bày. Cái dốt của anh thầy đồ không thể che đậy được vì khi anh ta càng giấu, cái dốt của anh ta càng hiện ra rõ rệt hơn. Ý nghĩa “tiếng cười” trong câu chuyện không phải là cười cái dốt mà cười thói không chịu giấu sự dốt của anh thầy đồ. Còn khi dạy truyện Nhưng nó phải bằng hai mày, GV cần hướng dẫn HS đến việc khai thác tiếng cười qua mối quan hệ giữa viên lí trưởng – một người nổi tiếng xử kiện giỏi và Ngô với Cải. Đặc biệt là phải chú ý khai thác tiếng cười qua lời nói và hành động của viên Lý trưởng và Cải trước khi ra công đường. Sau vụ xử kiện, chỉ có viên lí trưởng là được lợi, còn Cải với Ngô thì bị mất tiền, nhưng Cải lại là người đáng thương nhiều hơn vì vừa mất của lại vừa thua kiện và bị ăn đòn. Cả hai câu chuyện
trên vừa có ý nghĩa phê phán, vừa có giá trị giáo dục đối với mỗi con người trong bất cứ xã hội nào.
Ở thể loại thơ ca dân gian mà cụ thể nhất là ca dao thì khi phân tích, người GV cũng cần định hướng chung cho HS về đặc điểm thi pháp của ca dao. Trước khi đi vào quá trình phân tích ca dao, GV cần hướng dẫn HS đến một cách phân loại ca dao nhất định, chẳng hạn như: phân loại theo đề tài, phân loại theo vùng văn hóa hay phân loại theo nguồn ca dao. Đối với HS lớp 10, các em đã được chương trình và SGK Ngữ Văn 10 định hướng phân loại ca dao theo đề tài. Với cách phân loại này, nội dung của thể loại ca dao được thể hiện ở ba chủ đề lớn: than thân, yêu thương nghĩa tình và châm biếm hài hước. Có thể nói ca dao là tấm gương phản ánh đời sống vật chất và tinh thần dân tộc. Nội dung của ca dao vô cùng phong phú, chứa đựng mọi cung bậc tình cảm, trong nhiều mới quan hệ, phản ánh nhiều cảnh đời hạnh phúc và khổ đau, hài hước, lạc quan. Do đó, khi phân tích các bài ca dao, chúng ta cần phải đặt bài ca dao và hệ thống của nó, xác định nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình. Bên cạnh đó, ta cũng cần phải khai thác được nghệ thuật và chỗ
“có vấn đề” trong bài cao dao như thể thơ, biện pháp tu từ, nghệ thuật sử dụng hình ảnh, công thức,…