Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG
2.2. Thực tiễn xét xử các tội phạm về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn Đăk Lăk
2.2.1. Tình hình xét xử các tội xâm phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn Đăk Lăk
Số liệu thống kê mới nhất của Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy, từ năm 2007 đến 2014, TAND các cấp đã đưa ra xét xử 2.299 vụ án hình sự với 4.568 bị cáo phạm tội xâm phạm tài nguyên rừng, trong đó có 2.501 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng; 2.028 bị cáo
phạm tội hủy hoại rừng và 39 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Số liệu trên cho thấy, tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng chủ yếu là tội phạm vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng và tội phạm hủy hoại rừng [48].
Bảng 2.2: Số vụ và số bị cáo bị xét xử sơ thẩm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng từ năm 2005 đến năm 2013
Năm Số vụ Số bị cáo
2005 133 140
2006 71 75
2007 161 186
2008 140 160
2009 176 202
2010 156 188
2011 164 201
2012 154 187
2013 165 198
Tổng cộng 1320 1537
(Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk)
Nhìn vào số liệu qua các năm từ năm 2005 tới năm 2013, số bị cáo cũng như số vụ vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng có xu hướng tăng, cụ thể so với năm 2005 thì số vụ năm 2009 tăng hơn 43 vụ và số lượng bị cáo bị truy tố trước pháp luật tăng hơn 62 bị cáo, từ năm 2009 tới nay số vụ và số lượng bị cáo bị truy tố không có nhiều thay đổi. Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng và vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản cũng tăng đáng kể, cụ thể số vụ đã tăng tương ứng hơn 1.200 vụ và 2.200 vụ sau ba năm từ năm 2007 đến năm 2009. Các con số này thực sự đáng lo ngại và phản ánh xu hướng tội phạm vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng ngày càng có xu hướng mở rộng.
Bảng 2.3: Số vụ, số bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng so sánh với tội phạm nói chung của từng năm,
từ năm 2005 đến năm 2013
Nhóm tội Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng
Số vụ/Số bị cáo
Tội phạm nói chung Số vụ/Số bị cáo
Tỷ lệ %
2005 133/140 55.237/91.224 0,24%/0,15%
2006 71/75 62.116/103.733 0,11%/0,07%
2007 161/186 62.793/107.518 0,25%/0,17%
2008 140/160 63.040/109.338 0,22%/0,14%
2009 176/202 65.462/114.344 0,26%/0,17%
2010 154/192 63.578/110.234 0,26%/0,14%
2011 137/180 62.897/110.389 0,19%/0,17%
2012 121/178 62.112/110.784 0,18%/0,18%
2013 113/187 61.892/111.098 0,17%/0,20%
Tổng cộng 1206/1500 559.127/968.662 0,22%/0,14%
(Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk) Bảng 2.4: Số vụ vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản so sánh với số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng nói chung
cũng như số vụ/số bị can bị xử lý về hình sự từ năm 2007 đến năm 2013
Năm Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng
Số vụ vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển và
chế biến lâm sản
Số vụ/Số bị can bị xử lý hình sự
2007 39.693 25.561 328/332
2008 42.429 26.646 280/221
2009 40.841 27.757 323/207
2010 41.345 26.489 234/208
2011 40.284 25.014 434/394
2012 40.456 24.304 212/201
2013 42.056 22.405 345/403
Tổng cộng 287.104 178.176 2156/1966
(Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk)
Qua số liệu từ ngành tòa án và thống kê trong hoạt động kiểm lâm cho thấy tình hình tội phạm liên quan tới các hành vi vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2005 tới năm 2013. Tuy nhiên, mức độ và số lượng các vụ vi phạm trong giai đoạn này nếu so sánh với các loại tội phạm khác thì chưa cao. Xem xét về tính chất của loại tội phạm này trong giai đoạn từ năm 2005 tới năm 2013, cho thấy tỷ lệ số vụ án khai thác rừng trái phép cao hơn nhiều so với tỷ lệ các vụ án vận chuyển buôn bán gỗ trái phép. Thủ đoạn của người phạm tội chủ yếu là dùng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác để hối lộ cho các cán bộ kiểm lâm thoái hóa, biến chất để tiếp tay, tổ chức cho bọn lâm tặc khai thác rừng trái phép; lợi dụng việc được phép khai thác, tận thu, tận dụng gỗ để khai thác trái phép ngoài khu vực tận thu, tận dụng gỗ; lợi dụng việc ký kết hợp đồng mua bán gỗ giữa cơ quan Nhà nước với các công ty, đơn vị được giao quản lý rừng để bán vượt khối lượng gỗ cho phép… Cũng qua báo cáo của ngành kiểm lâm, các tỉnh Tây Nguyên trong đó có tỉnh Đắk Lắk là địa bàn khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ trái phép nóng bỏng với hoạt động tội phạm diễn ra công khai giữa ban ngày, liều lĩnh và manh động.
Trong thời gian vài năm trở lại đây, tình hình khai thác rừng phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn ra khá nghiêm trọng đặc biệt là tại các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Chỉ trong 5 năm từ 2009 đến năm 2014, các cơ quan chức năng của địa phương này đã phát hiện và xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; bình quân có 5 vụ vi phạm/ngày. Chỉ riêng từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý trên 147 vụ vi phạm lâm luật. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2009 đến nay tăng lên trên 13.300 vụ, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 19.500m3 gỗ các loại. Trong đó, chỉ có 137 vụ khởi tố hình sự, với 78 đối tượng, số vụ còn lại là xử lý hành chính. Tổng diện tích rừng bị
phá, lấn chiếm trái phép trên địa bàn từ năm 2009 trở lại đây là trên 26.500ha, trong khi đó các ngành chức năng của tỉnh mới thu hồi được gần 2.000ha để trồng lại rừng [32]. Các điểm nóng về vi phạm pháp luật bảo vệ rừng phải kể tới các xã Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’Leo, tình trạng khai thác gỗ trái phép, nhất là gỗ quý hiếm trong các vườn quốc gia, vùng biên giới, các đường dây khai thác, vận chuyển lâm sản tại các địa bàn thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Bông, Ma Đ’rắk khá phực tạp [26]. Tình trạng lâm tặc chống đối người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra ở một số huyện nhưng việc giải quyết còn vướng mắc do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác. Chưa có biện pháp răn đe triệt để các đối tượng khai thác rừng trái phép, nhiều nơi còn buông lỏng quản lý để tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, tình trạng hủy hoại tài nguyên rừng còn có nguyên nhân do dân di cư tự do cư trú tại các huyện Ea Sup, Krông Bông, Lăk…
lợi dụng việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cao su đã chắt phá rừng để lấy gỗ, cơi nới nương rẫy để sản xuất hoặc nhận đền bù. Tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra ở nhiều huyện và hầu hết các đơn vị chủ rừng. Từ năm 2008, diện tích bị lấn chiếm, xâm canh trái phép trong các vùng có dự án là 410,3ha trong đó lấn chiếm đất lâm nghiệp là 353,5ha và phá rừng trái phép 56,8ha. UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Chỉ thị 07/2008/CT-UB về tăng cường quản lý rừng ở các vùng quy hoạch trồng cây cao su, trồng rừng, trồng cây công nghiệp và tăng cường kiểm tra ngăn chặn phá rừng, khai thác, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất đai trái pháp luật, nhưng do sức ép từ việc gia tăng dân số rất nhanh bao gồm cả dân di cư tự do, nên công tác này còn nhiều diễn biến phức tạp như Kroong A, Cư Róa (huyện M’Drak), huyện E’HLeo. Việc cấp phép cho các
xưởng cưa gần VQG YokDon càng làm cho công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn thêm. Sự phối hợp liên ngành cũng chưa thường xuyên và kịp thời theo Thông tư liên tịch 144/TTLT-BNN-BCA-BQP. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư sống gần rừng đời sống còn khó khăn vẫn sống dựa vào rừng nên vẫn tiếp tục phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác. Công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình nhìn chung hiệu quả không cao, chất lượng rừng vẫn bị suy giảm do đầu tư thấp nên phần đông các hộ nhận khoán thực hiện hợp đồng mang tính chiếu lệ, đối phó để nghiệm thu hợp đồng khoán bảo vệ rừng, chưa thực sự gắn bó với rừng. Số cộng đồng được giao rừng còn rất ít (25 cộng đồng). Công tác bảo tồn đa dạng sinh học Đắk Lắk có hệ thống các khu rừng đặc dụng khá hoàn chỉnh như Vườn quốc gia Yok Đôn (bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp Tây Nguyên), Vườn quốc gia Chư Yang Sinh (bảo tồn các hệ sinh thái phân bố theo độ cao và bảo tồn nguồn gien các loài động thực vật đặc hữu như Pơ mu, Du Sam…và các loài linh trưởng), rừng đặc dụng Nam Ka (bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (bảo tồn các loài đặc hữu như Bò tót, bò rừng… và các loài thực vật như Trắc, Cẩm lai... đặc trưng rừng nhiệt đới Đông Trường Sơn)… Nhìn chung, chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học được duy trì, bảo tồn tốt hơn ở những khu rừng đặc dụng đã được thành lập và có ban quản lý. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là rừng tự nhiên vẫn bị suy giảm về chất lượng và những khu rừng nguyên sinh, rừng giàu chủ yếu chỉ còn ở những khu rừng đặc dụng và phòng hộ thuộc vùng sâu, vùng xa. Công tác bảo vệ rừng đặc dụng chủ yếu dựa vào lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia và các khu bảo tồn và khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, khó bảo vệ nên tình hình chặt phá rừng còn khá nghiêm trọng như ở VQG Yok Đôn và nhiều nơi khác. Do lợi nhuận cao từ buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép nên các vi phạm vẫn xảy ra ở hầu khắp các huyện.
Một trong những vụ việc gây xôn xao dư luận tại Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày gần đây là việc lực lượng của Bộ Công an phong tỏa một xưởng gỗ và một kho gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái (TP Buôn Ma Thuột) ở số 93 đường Y Wang và hẻm 267 Mai Hắc Đế (thuộc phường Ea Tam và phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) để phục vụ công tác điều tra đường dây mua bán, vận chuyển gỗ lậu lớn từ Đắk Lắk đi các địa phương khác. Dư luận chú ý tới vụ việc này bởi trong suốt thời gian dài qua, 1 trong 2 xưởng gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái được coi là chợ gỗ tại địa phương hoạt động ngay giữa phố, mua bán nhiều loại gỗ quý. Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái ở phường Ea Tam và kho gỗ ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) hoạt động từ năm 2008… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Công ty Hiền Thái được cấp phép kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có hoạt động kinh doanh và chế biến gỗ [41]. Trước đây, Sở đã nhiều lần nhận được tin báo của người dân, trong kho của doanh nghiệp có gỗ không rõ nguồn gốc nhưng khi tiến hành kiểm tra thì không phát hiện gỗ lậu. Theo Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk tiến hành điều tra một đường dây buôn bán, vận chuyển gỗ lậu quy mô lớn từ Đắk Lắk đi các tỉnh khác; đồng thời kiểm tra nguồn gốc gỗ tại một số xưởng cưa trên địa bàn tỉnh này.
Xưởng gỗ số 93 đường Y Wang nằm ngay giữa khu dân cư. Để tránh bị nhòm ngó, xưởng này được xây tường rào cao hơn 3m, phía trên giăng dây thép gai chằng chịt. Sau nhiều lần tiếp cận bất thành, mới quan sát được xưởng gỗ này từ phía tường rào của Công ty Hiền Thái. Đó là một khu đất rộng vài ngàn mét vuông với vô số các loại gỗ to nhỏ được chất thành hàng chục đống. Cũng như vậy, xưởng gỗ nằm trong hẻm 267 Mai Hắc Đế rộng thênh thang nằm xen kẽ trong vườn cà phê, vườn điều và cũng được bao bọc
bằng hàng rào thép gai. Theo một số người dân, đây chỉ là địa điểm tập kết gỗ của công ty chứ không hề có hoạt động chế biến. Vụ việc của công ty TNHH Hiền Thái cho thấy hành vi thông đồng và bao che của chính quyền địa phương đối với tội phạm vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, khiến hoạt động đấu tranh chống tội phạm gặp nhiều khó khăn. Thực tế, các địa điểm kinh doanh gỗ lậu hình thành từ lâu và công khai nhưng không bị xử lý kéo dài khiến hiệu quả thực thi pháp luật của địa phương không cao.
Từ ngày 15 đến 19/5/2009, TAND tỉnh Đắc Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án Lê Khắc, sinh năm 1952, thường trú tại khối 5, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea Hleo, nguyên Giám đốc Lâm trường Thuần Mẫn về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ngày 20/4/2005, Lâm trường Thuần Mẫn do Lê Khắc làm Giám đốc ký Hợp đồng kinh tế số 35/HĐKT với Công ty cổ phần Khai thác chế biến lâm sản (KTCBLS) Krông Búc, do ông Trần Nguyên Bằng làm Giám đốc để tổ chức khai thác 500m3 gỗ tại Tiểu khu 119 do Lâm trường Thuần Mẫn quản lý [55]. Đến tháng 6/2005, Công ty cổ phần KTCBLS Krông Búc khai thác được 500 lóng gỗ các loại. Ngày 25/10/2005, mặc dù Công ty cổ phần KTCBLS Krông Búc thanh toán toàn bộ số tiền lô gỗ đã nghiệm thu cho Lâm trường Thuần Mẫn, tổng cộng là 596.344.210 đồng nhưng Lê Khắc vẫn không ký hóa đơn xuất gỗ cho Công ty cổ phần KTCBLS Krông Búc và đòi thêm khoản chung chi ngoài hợp đồng. Để Lê Khắc ký hóa đơn xuất gỗ cho Công ty, ngày 1/12/2005, ông Tô Hiền Lương, Phó giám đốc Công ty cổ phần KTCBLS Krông Búc đã trao 233.300.000 đồng khoản tiền chung chi ngoài hợp đồng cho Lê Khắc. Sau khi ký được hóa đơn và ra khỏi lâm trường, ông Lương đến thẳng Công an huyện Ea H’leo tố cáo hành vi nhận hối lộ của Lê Khắc. Nhận tin báo, Công an huyện Ea H’leo đã tổ chức khám xét và bắt tạm giam đối với Lê Khắc, tang
vật thu được trong va li của Lê Khắc có 345.000.000 đồng (trong đó có số tiền 233.300.000 đồng mà Lê Khắc vừa nhận hối lộ); 16,3993 lượng vàng và một khẩu súng K54.
Quá trình điều tra, Lê Khắc đã thừa nhận có nhận của ông Tô Hiền Lương số tiền là 233.300.000 đồng. Nhưng ngay sau đó Lê Khắc đã phản cung không thừa nhận hành vi nhận hối lộ và cho rằng số tiền đó là do ông Lương bỏ vào giường ngủ nhằm hãm hại mình. Vụ việc này là điển hình của hành vi nhận hối lộ của các chủ lâm trường được giao rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với mục đích buôn lỏng quản lý để các đối tượng chặt phá rừng lợi dụng khai thác trái phép rừng. Thông qua các hợp đồng kinh tế ký giữa lâm trường với các doanh nghiệp khai thác, các cán bộ quản lý lâm trường đã có hành vi nhận hối lộ để hợp lý hóa các hợp đồng khai thác của tư nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài nguyên rừng được giao quản lý.
Do tính chất đặc thù về địa bàn cũng như trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế của dân cư khu vực các huyện thuộc tỉnh Đăk Lak, hàng năm công tác xét xử các tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ rừng khá phổ biến. Nhiều vụ án nghiêm trọng đã được tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được đưa ra xét xử công khai. Cụ thể như:
- Năm 2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án Đinh Phá Thiên (32 tuổi, ngụ tại xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) và đồng bọn phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đinh Phá Thiên 03 năm tù, Nguyễn Văn Hằng và Phan Như Ngọc 01 năm 06 tháng tù, Phan Trần Duy Văn 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Dương Thanh Nam 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
- Năm 2013, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Tấn – Sinh năm 1976 “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”
theo khoản 2 Điều 175 BLHS. Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm từ 03 năm tù giam thành 2 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Văn Tấn.
- Năm 2012, TAND tỉnh huyện Ea H’ Leo, tỉnh Đắk Lắk xét xử lưu động tại xã Ea Tar vụ án Triệu Dào Lìn (22 tuổi, ngụ tại xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) và đồng Triệu Dào Lìn 01 năm 06 tháng tù, Lục Văn Bộ 01 năm 06 tháng tù.
- Năm 2011: TAND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xét xử phúc thẩm vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng đối với bị cáo Phạm Thanh Tuân - sinh năm 1989; trú tại thôn 6 xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo y án cấp sơ thẩm giữ nguyên 09 tháng tù về khoản 1 Điều 175 BLHS.
- Năm 2010: TAND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xét xử lưu động phiên sơ thẩm vụ lâm tặc sát hại và đánh trọng thương cán bộ bảo vệ rừng Lâm trường Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết,huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Theo cáo trạng của Viện KSND Đắk Lắk, ngày 26-10-2009, Phạm Đức Dũng (SN 1970, ở phường BìnhTân, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) đã thuê Trần Văn Duy (SN 1985), Trần XuânMinh (SN 1979), Nguyễn Hoàng (SN 1980) vào Tiểu khu 544 Lâm trường Buôn Ja Wầm khai thác gỗ trái phép. HĐXX đã tuyên phạt Duy 28 năm tù về tội giết người và cố ý gây thương tích, Minh 4 năm tù về tội chống người thi hành công vụ, Dũng 3 năm tù và Hoàng 2 năm tù về tội che giấu tội phạm.
Các vụ việc được xét xử lưu động cũng như xử công khai tại tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng như xu hướng gia tăng của tội phạm này trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, nhiều bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật cũng được bộc lộc như: hình phạt áp dụng còn thiếu tính răn đe, hoạt động xét xử còn bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài tòa án khiến bản án được ban hành đôi khi còn chưa thuyết phục, căn cứ tính giá trị vi phạm pháp luật về rừng còn nhiều kẽ hở khiến hoạt động áp dụng pháp luật gặp khó khăn...
Bởi vậy cần thiết phải thực hiện các giải pháp bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này.
Bảng thống kê dưới đây là số liệu 4 năm án sơ thẩm xét xử về các tội về môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk: