Chương 3: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG
3.2. Hoàn thiện Bộ luật hình sự việt nam về về các tội xâm phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng
Sau khi nghiên cứu những quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác liên quan về tội xâm phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, tác giả xin đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về tội xâm phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng như sau:
Thứ nhất, sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự về các tội phạm về quản lý và bảo vệ rừng.
Chức năng phòng và chống tội phạm của các quy định trong Bộ luật Hình sự thể hiện ở chỗ, bằng những chế tài đối với các hành vi xâm hại đến các quan hệ xã hội và lợi ích được bảo vệ, có tác dụng ngăn ngừa không để các hành vi xâm hại đến các lợi ích này xảy ra. Mặt khác, khi một tội phạm đã được thực hiện trên thực tế, các quy định về Bộ luật hình sự sẽ đóng vai trò là công cụ pháp lý cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Tăng cường vai trò của pháp luật hình sự trong công tác bảo về tài nguyên rừng luôn được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với những hành vi xâm phạm tới các quy định quản lý nhà nước đối với tài nguyên rừng – nguồn tài nguyên đang đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng khi kinh tế đất nước có nhiều thay đổi và nhu cầu của người dân trở nên lớn hơn. Theo Báo cáo tổng kết thi hành BLHS năm 1999, thực tiễn áp dụng BLHS hiện hành cho thấy còn nhiều bất cập cụ thể: (i) Chưa có sự thống nhất giữa các quy định của phần chung và phần các tội phạm cụ thể; (ii) Dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội chưa rõ ràng cụ thể, quá nhiều tình tiết có tính chất “định tính”, nên gây khó khăn trong công tác hướng dẫn cũng như công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm;
(iii) Quá nhiều tội ghép, trong đó bao gồm các hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng cùng một chính sách xử lý như nhau, gây khó khăn cho việc vận dụng thống nhất của cơ quan tiến hành tố tụng; (iv) Khung hình phạt của một số tội còn khá rộng. Số khung hình phạt có mức chênh lệch giữa mức phạt tù tối thiểu và tối đa từ 8 đến 10 năm chiếm tỷ lệ khá lớn; (v) Chưa có sự nhất quán trong cách phân chia các chương tội phạm... Những bất cập này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc hướng dẫn thi hành và áp dụng các quy định của BLHS nói chung cũng như đối với tội phạm vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng nói riêng.
Thực tế đấu tranh tội phạm vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng hiện nay đặt ra nhu cầu cần sớm ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số quy định của Bộ luật hình sự cho phù hợp thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường tính răn đe thông qua việc quy định nâng mức hình phạt với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự cụ thể như sau:
- Cần bổ sung quy định tăng mức phạt tiền từ “mức 5 triệu đến năm mươi triệu đồng” như quy định tại Điều 175 và Điều 190 theo Bộ luật Hình sự hiện hành lên mức cao hơn. Thực tế, quy định này đã được xây dựng từ năm 2000 và đến nay tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều biến đổi. Các vụ việc về khai thác trái phép tài nguyên rừng hiện nay không chỉ mở rộng về quy mô, số lượng nhân lực khai thác trái phép, thủ đoạn tinh vi mà còn tăng nhanh về giá trị các vụ khai thác trái phép nên cần tính toán sự trượt giá của đồng tiền Việt Nam cho phù hợp, đồng thời đảm bảo được tính răn đe giáo dục phòng ngừa.
- Cần bổ sung quy định thu hẹp biên độ giao động của khung hình phạt qui định tại khoản 2 điều 175. Quy định hiện hành ghi nhận khung phạt tù là 2 năm đến 10 năm. Với một khung phạt tù rộng như vậy, một mặt cho phép
việc chủ động của hội đồng xét xử trong việc định tính và định lượng hình phạt phụ thuộc vào tình tiết của từng vụ việc nhưng cũng có bất cập do biên độ giao động lớn dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. Do vậy, để đảm bảo tính công minh của pháp luật và hạn chế tình trạng tình trạng tùy tiện kể trên, nhà làm lập cần thiết cân nhắc việc thu hẹp biên độ khung hình phạt tù tại khoản 2 Điều 175.
- Bên cạnh việc điều chỉnh các quy định tại Điều 175 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm về rừng, cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định về tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng khác. Cụ thể, cần sớm nghiên cứu tăng khung hình phạt tù tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự về Tội phạm hủy hoại rừng. Thực tế, loại tội phạm hủy hoại rừng cần thiết phải sớm tăng khung hình phạt bởi hành vi hủy hoại rừng ảnh hưởng tới nhiều quan hệ pháp luật, mang tính chất phá hoại nguồn tài nguyên của quốc gia. Do vậy, cần nghiên cứu tăng mức trần phạt tù trong khung này từ mức “7 năm đến 10 năm tù” trong quy định hiện hành lên mức “7 năm đến 20 năm tù” để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ hai, sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự theo hướng cập nhật các tội phạm liên quan tới quản lý và bảo vệ rừng
Việc sớm cập nhật các quy định bổ sung liên quan tới các loại tội phạm mới phát sinh trong thực tiễn cũng như những phân loại hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan tới hoạt động quản lý và bảo vệ rừng cũng cần được nghiên cứu và sớm bổ sung trong thời gian tới. Bởi lẽ, dựa trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự, nếu một hành vi chưa được quy định chính thức trong pháp luật hình sự là tội phạm thì hành vi đó không thể được xử lý trách nhiệm hình sự. Chính điều này là lỗ hổng cho các loại tội phạm này có cơ hội để xâm phạm các quan hệ xã hội, gây thiệt hại cho Nhà nước và lợi ích của quốc gia. Bởi vậy, thiết nghĩ bên cạnh việc
sửa đổi bổ sung các quy định liên quan tới riêng tội phạm vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng thì các loại tội phạm mới phát sinh cũng nên được sớm nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi dự kiến thay thế Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể:
- Cần nghiên cứu bổ sung tình tiết “Chặt phá các loại thực vật rừng quý hiếm thuộc danh mục quy định của chính phủ” vào khoản 3 điều 189 BLHS.
Thực tế, quy định hiện hành tại khoản 2 điều 189 BLHS đã ghi nhận hành vi này để làm căn cứ áp dụng khung phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù. Do vậy, việc bổ sung thêm căn cứ này vào Khoản 3 của điều luật là cần thiết để có cơ sở áp dụng khung phạt từ 7 năm đến 15 năm tù đối với các vụ việc chặt phá rừng, đặc biệt là thực vật rừng quý hiếm cần được bảo vệ với số lượng lớn.
Mức phạt cao hơn sẽ là cần thiết để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.
- Cần thiết nghiên cứu phương án đưa Hành vi vô ý làm cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng tách ra khỏi Điều 240 BLHS “tội vi phạm qui định về phòng cháy, chữa cháy” thành 1 điều luật riêng biệt ở chương các tội phạm về môi trường, có khung hình phạt và chế tài nghiêm khắc hơn, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng, đồng thời đảm bảo tính răn đe giáo dục phòng ngừa. Thực tế, nhiều vụ việc cháy rừng do hành vi vô ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài nguyên rừng, trong đó có các khu vực rừng đã và đang được khoanh vùng bảo tồn. Trên cơ sở tham khảo một số quan điểm khoa học, phương án chuyên biệt hóa tội vô ý làm cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng có thể được xem xét quy định cụ thể như sau:
1. Người nào vô ý làm cháy rừng với diện tích từ 2ha đến 5ha, hoặc vô ý làm cháy rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên với diện tích từ 1000m2 đến dưới 10.000m2 hoặc hoặc đã bị xử lý hành hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội phạm này và các tội qui định tại các điều 175,
176, 189, 190 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến mười năm:
a. Gây hậu quả nghiêm trọng;
b. Gây cháy rừng với diện tích từ trên 5ha đến 20ha.
c. Gây cháy rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên với diện tích từ trên 1 ha đến 5 ha.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến mười lăm năm.
Quy định nêu trên không những nhằm đảm bảo tính răn đe giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm.