Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.3. Các yêu cầu về nguyên liệu đối với một số ngành sử dụng gỗ
2.3.4. Trong công nghệ sản xuất đồ mộc
Gỗ là nguyên liệu cơ bản trong sản xuất đồ mộc. Sử dụng gỗ tự nhiên hợp lý không những nâng cao được giá trị của đồ mộc mà còn có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế quốc dân.
Khi sử dụng gỗ cần chú ý một số đặc trưng cơ bản sau:
- Đặc tính cơ học của gỗ
Chọn gỗ để sản xuất hàng mộc trước hết phải chú ý đến đặc tính cơ học của gỗ. Nếu chọn gỗ không phù hợp với tính chất cơ học, có thể gây ra những
nhược điểm lớn đối với sản phẩm và thậm chí có thể gây ra tác hại đối với người sử dụng. Những đặc tính cơ học của gỗ như:
+ Sức chịu ép nén của gỗ là đặc trưng chịu lực của gỗ khi bị ép nén dọc thớ hay ngang thớ. Nếu gỗ có sức chịu ép nén kém dễ bị chèn dập. Điều này cần được chú ý khi chọn giải pháp cho liên kết mộng.
+ Sức chịu trượt là đặc trưng chịu lực của gỗ khi trong gỗ có ứng suất trượt xuất hiện. Trong kết cấu của sản phẩm mộc cần lưu ý các trường hợp chi tiết có thể bị phá huỷ do ứng suất trượt dọc thớ gây nên, nhất là các chi tiết bị xiên thớ. Gỗ mềm và thẳng thớ, sức chịu trượt kém hơn gỗ cứng hay xoắn thớ.
+ Sức chịu uốn là đặc trưng về khả năng chịu uốn của gỗ. ứng suất uốn cho phép của các loại gỗ là khác nhau. Các chi tiết của sản phẩm mộc thường được lưu ý nhiều nhất về khả năng chịu uốn. Nếu ứng suất uốn xuất hiện trong chi tiết vượt quá giới hạn cho phép của gỗ, chi tiết sẽ bị phá huỷ. Để đảm bảo điều kiện chịu lực cho chi tiết hoặc là tăng kích thước của chi tiết hoặc là chọn loại gỗ có khả năng chịu lực cao hơn.
+ Modul đàn hồi là đặc trưng về tính đàn hồi của vật liệu: gỗ có modul đàn hồi càng lớn càng cứng vững. Điều này có nghĩa là chi tiết chịu uốn được làm bằng vật liệu có modul đàn hồi lớn sẽ có độ võng bé hơn làm bằng vật liệu có modul đàn hồi bé (nếu kích thước như nhau). Cần tính toán hay chọn gỗ sao cho độ võng của chi tiết mộc không vượt quá giới hạn cho phép. Nó được xác định dựa vào yêu cầu thẩm mỹ cũng như sự hoạt động của kết cấu.
+ Độ cứng của gỗ nói nên khả năng chống lại tác dụng của ngoại lực khi nén vật làm gỗ lõm xuống. Gỗ cứng chịu sự cọ sát tốt hơn gỗ mềm.
+ Sức chịu tách của gỗ nói nên khả năng chống lại sự tách vỡ của gỗ khi đóng các vật thể rắn và dẹt vào gỗ. Tính chất này cần chú ý khi đóng đinh, lắp ghép mộng.
- Đặc tính chống mối mọt, sâu nấm
Đặc tính này xác định bởi khả năng chống chịu các tác nhân phá hoại là sinh vật như sâu, mọt, nấm…Gỗ có khả năng chống mối mọt không phải xử lý bảo quản khi đóng đồ mộc. Nhưng nếu sử dụng dễ bị mối mọt phá hoại, nhất thiết phải xử lý bằng thuốc bảo quản hữu hiệu.
- Màu sắc, vân thớ của gỗ
Gỗ có màu sắc khác nhau và màu sắc của gỗ rất có ý nghĩa đối với đồ mộc. Việc sử dụng gỗ có màu sắc thẩm mỹ cao là cả một nghệ thuật thiết kế đồ mộc và trang trí nội thất. Màu sắc của gỗ thường bị thay đổi theo thời gian, dưới tác động của ánh sáng hay các chất phủ bề mặt.
Để làm thay đổi màu sắc của gỗ, có thể nhuộm màu hoặc ngược lại có thể dùng thuốc để tẩy màu. Nhuộm màu ở đây được hiểu theo nghĩa không làm mất sự hiện diện của vân thớ gỗ.
Vân thớ gỗ được coi là đặc trưng cơ bản của gỗ. Hình dạng vân thớ gỗ đẹp hay xấu phụ thuộc vào loại cấu tạo của loại gỗ, mặt cắt và vị trí mặt cắt trong gỗ. Sử dụng gỗ cần chú ý đến vân thớ để tạo được giá trị thẩm mỹ cao.
- Độ mịn của gỗ
Độ mịn của gỗ là đặc trưng về cấu tạo thô đại của gỗ được thể hiện bằng việc nhìn bằng mắt thường vào mặt cắt. Gỗ có cấu tạo mạch lớn, gỗ không mịn khó có thể tạo được độ bóng cao. Gỗ mịn có thể tạo ra độ bóng cao.
- Tính chất co rút của gỗ
Gỗ có tính chất co rút khi thay đổi độ ẩm là một nhược điểm rất lớn đối với việc sử dụng gỗ. Tinh chất co rút của gỗ phụ thuộc vào cấu tạo của từng loại gỗ. Sự co rút của các chi tiết trong sản phẩm có thể gây ra nhiều khuyết tật cho sản phẩm như: cong vênh, nứt nẻ…Sự co rút theo chiều dọc thớ không đáng kể (0.1 – 0.3)%. Theo hướng xuyên tâm, mức độ co rút vào khoảng (3 – 6)%, còn theo hướng tiếp tuyến mức độ co rút lớn hơn (5 –
12)%. Như vậy cần chú ý đến lượng dư kích thước do co rút nếu gia công chi tiết với gỗ có độ ẩm cao hơn lúc đã thành sản phẩm. Mặt khác, cần phải sấy gỗ trước lúc gia công hàng mộc. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến cấu tạo của từng loại gỗ ảnh hưởng đến tính co rút, nhất là những loại gỗ vặn thớ.
- Khối lượng thể tích của gỗ
Khối lượng thể tích của gỗ là một chỉ tiêu mang tính tổng hợp của gỗ, bởi vì nhiều chỉ tiêu khác liên quan mật thiết tới khối lượng thể tích của gỗ, nhất là các chỉ tiêu về tính chất cơ học. Đối với việc sản xuất hàng mộc dân dụng, khối lượng thể tích không nên lớn quá, vừa khó gia công, vừa nặng nề trong sử dụng. Tất nhiên, xét về độ bền thì thông thường gỗ có khối lượng thể tích lớn có độ bền cao.
- Tính chất gia công
Tính chất gia công của gỗ nói lên gỗ khó gia công hay dễ gia công.
Thường tính chất gia công gắn liền với nhiều tính chất cơ lý. Chọn gỗ dễ gia công phải hợp lý, nhất là các chi tiết chạm trổ, tiện tròn. Phải biết phân biệt gỗ dễ bào với gỗ khó bào, gỗ dễ đánh nhẵn với gỗ khó đánh nhẵn, gỗ dễ đóng đinh với gỗ khó đóng đinh…Gỗ khó gia công ảnh hưởng rất lớn đến quá trình công nghệ và chất lượng sản phẩm. [1,10]